Tuesday, September 10, 2024

TẠI SAO GIÁO HOÀNG FRANCIS CÔNG DU DÀI NGÀY DÙ SỨC KHỎE YẾU (Aleem Maqbool / BBC News)

 



Tại sao Giáo hoàng Francis công du dài ngày dù sức khỏe yếu

Aleem Maqbool

Biên tập viên về tôn giáo

Twitter,@AleemMaqbool

9 tháng 9 2024, 14:13 +07

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/clyl0gew9dro

 

Đức Giáo hoàng Francis, người thường có vẻ thích thú với việc làm người khác bất ngờ và bối rối, lại một lần nữa tiếp tục điều này.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/b856/live/4ad18950-6d42-11ef-b970-9f202720b57a.png.webp

Một trong những hình ảnh ấn tượng nhất trong chuyến công du hiện tại của Giáo hoàng Francis là cảnh ông hôn tay Đại Giáo sĩ Nasaruddin Umar của Nhà thờ Hồi giáo Istiqlal ở thủ đô Jakarta của Indonesia

 

Trong những năm qua, đã có nhiều lần Giáo hoàng Francis dường như cho thấy ông đang chậm lại, nhưng chỉ để một lần nữa tăng tốc những hoạt động của mình.

 

Đã gần 88 tuổi, Giáo hoàng bị đau ở đầu gối khiến việc đi lại trở nên khó khăn, những vấn đề ở ổ bụng do viêm túi thừa và dễ mắc phải các vấn đề về hô hấp sau khi bị cắt bỏ gần hết một trong hai lá phổi.

 

Mùa thu năm ngoái, Giáo hoàng Francis cho biết các vấn đề về sức khoẻ cho thấy chuyện công du ở nước ngoài trở nên khó khăn hơn. Ngay sau đó, ông đã hủy chuyến đi đến Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), khiến đồn đoán gia tăng về tình trạng sức khoẻ của ông.

 

Nhưng đó là chuyện của quá khứ.

 

Hiện Giáo hoàng Francis đang trong chuyến công du nước ngoài dài nhất sau 11 năm 6 tháng đăng quang. Một chuyến đi với nhiều hoạt động, Timor-Leste, Indonesia, Papua New Guinea và Singapore - những nước có tín đồ Công giáo chiếm thiểu số.

 

Tại sao Giáo hoàng lại có chuyến công du dài và xa xôi như vậy?

 

Các tín đồ nói chính niềm đam mê đã thôi thúc Giáo hoàng.

 

"Giáo hoàng rõ ràng có sức bền lớn và điều này được thúc đẩy bởi niềm đam mê tuyệt đối của ông đối với sứ vụ," linh mục Anthony Chantry, Giám đốc Tổ chức từ thiện của Giáo hoàng có tên Misio, người vừa được bổ nhiệm làm việc trong văn phòng truyền bá Phúc âm của Tòa thánh Vatican, nói.

 

"Giáo hoàng nói với chúng tôi về sứ mệnh bền bỉ để tiếp cận người khác, để làm gương."

 

·         

·        Giáo hoàng Francis và các lãnh đạo thế giới tưởng nhớ Đức Thánh Cha Benedict XVI1 tháng 1 năm 2023

·        Giáo hoàng Francis: Thăm Iraq, kêu gọi chấm dứt bạo lực và chủ nghĩa cực đoan6 tháng 3 năm 2021

·        Đại diện thường trú đầu tiên của Vatican tại Việt Nam ‘đã hiểu đường lối người Cộng sản’26 tháng 1 năm 2024

 

 

Truyền bá Phúc âm

 

Khái niệm "sứ mệnh" của Kitô giáo đã phát triển qua nhiều thế kỷ. Mặc dù vẫn liên quan đến việc truyền bá Tin Mừng, nhưng hiện nay mục tiêu chính của sứ mệnh này tập trung vào các vấn đề bình đẳng xã hội và các hoạt động từ thiện."

 

Trong chuyến công du của mình, Giáo hoàng Francis đã gặp gỡ những người truyền giáo, bao gồm một nhóm từ Argentina hiện đang ở Papua New Guinea.

 

Trong nhiều chuyến đi trên khắp châu Á bao gồm chuyến đi này, ông đi gần Trung Quốc, quốc gia có sự ngờ vực sâu sắc về Giáo hội, về sứ mệnh và động cơ của tổ chức này.

 

Giáo hoàng thường xuyên nhấn mạnh về tầm quan trọng của truyền bá Phúc âm cho mỗi tín đồ Công giáo. Thế nhưng ở nhiều nơi trên thế giới, vẫn còn khó tách bạch giữa khái niệm "nhà truyền giáo" và "truyền giáo" với những khái niệm về sự thực dân hóa của châu Âu.

 

Khi số lượng các tín đồ Công giáo ở châu Âu giảm đi, có phải "sứ mệnh" và "truyền giáo" ở châu Á và châu Phi là về sự mở rộng của Giáo hội tại các nơi đó hay không?

 

"Tôi nghĩ rằng những gì ngài đang giảng dạy là Phúc âm của tình yêu, không gây hại cho ai. Ngài không cố gắng kêu gọi sự ủng hộ cho Giáo hội, đó không phải là mục đích của việc truyền giáo," linh mục Anthony nói.

 

"Điều đó không thể so sánh với việc truyền đạo để dân cải đạo, điều mà từ lâu chúng tôi đã không làm. Đó không phải là chương trình của Đức Thánh Cha và không phải là chương trình của Giáo hội. Những gì chúng tôi làm là chia sẻ và giúp đỡ người khác theo bất kỳ cách nào chúng tôi có thể, bất kể họ có tín ngưỡng hay không có tín ngưỡng.’”

 

Linh mục Anthony nói một người truyền giáo Thiên Chúa giáo trong thời đại ngày nay, mà Giáo hoàng Francis là một điển hình, là thực hiện những việc tốt và lắng nghe, nhưng đôi khi, "lúc cần thiết", cũng thách thức các ý tưởng.

 

"Chúng tôi tin Chúa sẽ làm phần việc còn lại, và nếu điều đó dẫn đến việc người dân chấp nhận Chúa Jesus Kitô, điều này sẽ tuyệt vời. Và nếu điều này giúp người dân trân trọng tâm linh của họ - văn hoá của chính họ - hơn nữa, thì tôi nghĩ đây là một thành công khác."

 

Chắc chắn Giáo hoàng đã nói nhiều về sự hòa hợp giữa các đức tin và tôn trọng các đức tin khác. Một trong những hình ảnh gây ấn tượng trong chuyến công du hiện tại của ông là hình ảnh ông hôn tay Đại Giáo sĩ Nasaruddin Umar của Nhà thờ Hồi giáo Istiqlal ở thủ đô Jakarta và đặt tay của vị giáo sĩ này lên má ông.

 

Giáo hoàng đã nhận được sự chào đón nồng nhiệt tại quốc gia có nhiều tín đồ theo Đạo Hồi nhất trên thế giới này.

 

Giáo hoàng Francis sẽ kết thúc chuyến đi marathon ở quốc gia cuối cùng là Singapore, có 3/4 dân số là người gốc Hoa, và có cộng đồng thiểu số theo Công giáo tham gia nhiều vào các sứ mệnh truyền đạo ở những khu vực có đời sống khó khăn hơn.

 

Trong hàng thế kỷ qua, cho đến nay, Singapore đã trở thành một trung tâm chiến lược trong khu vực của Giáo hội và những gì Giáo hoàng Francis nói và làm ở đó có thể đang được theo dõi chặt chẽ tại Trung Quốc, đặc biệt bởi những tín đồ Công giáo sống tại đó. Thật khó để có con số thật, nhưng ước tính khoảng 12 triệu tín đồ Công giáo tại quốc gia này.

 

Việc không có số liệu rõ ràng, một phần bởi vì những tín đồ Công giáo của Trung Quốc đã bị chia rẽ giữa Giáo hội Công giáo ở Trung Quốc và giáo hội ngầm trung thành với Tòa thánh Vatican phát triển dưới chế độ cộng sản.

 

Để cố gắng đoàn kết giữa hai nhóm này, Giáo hoàng Francis đã bị cáo buộc làm hài lòng Bắc Kinh và bỏ mặc những tín đồ Công giáo trong các phong trào ngầm, những người không chịu chấp nhận sự can thiệp của chính phủ Trung Quốc và phải đối mặt với những mối đe dọa bị đàn áp.

 

 

Lộ trình thận trọng

 

Các thỏa thuận đạt được trong những năm gần đây giữa Vatican và Bắc Kinh dường như đã dẫn đến một tình trạng, đó là chính phủ Trung Quốc bổ nhiệm các giám mục Công giáo và Giáo hoàng phải công nhận họ.

 

Trung Quốc nói đây là vấn đề về chủ quyền và trong khi Giáo hoàng Francis khẳng định ông có quyền quyết định cuối cùng - mặc dù thực tế không hoàn toàn như vậy.

 

"Giáo hoàng sẽ không phải lúc nào cũng làm hài lòng mọi người, nhưng tôi nghĩ Đức Thánh Cha thật sự muốn cho thấy rằng Giáo hội không phải là mối đe dọa đến một quốc gia," Linh mục Anthony Chantry nói. "Giáo hoàng đang bước trên một lộ trình cẩn trọng và đầy khó khăn, nhưng tôi nghĩ là Giáo hoàng đang ra sức gầy dựng một mối quan hệ với sự tôn trọng với chính phủ Trung Quốc."

 

Dù đúng hay sai, tất cả đều nhằm mục đích thu hút nhiều người hơn vào vòng tay của Giáo hội.

 

Một số người tiền nhiệm của Đức Giáo hoàng Francis đã có thái độ cứng rắn hơn nhiều, dường như chấp nhận một cộng đồng Công giáo toàn cầu nhỏ hơn nhưng ‘thuần khiết’ hơn, thay vì phải nhượng bộ trong các mối quan hệ đối ngoại hoặc trong cách Giáo hội nhìn nhận, chẳng hạn về vấn đề ly hôn hoặc đồng tính."

 

·        Đại diện thường trú đầu tiên của Vatican tại Việt Nam ‘đã hiểu đường lối người Cộng sản’26 tháng 1 năm 2024

·        Vatican và Việt Nam sẽ đạt bước tiến quan trọng trong quan hệ ngoại giao, theo Reuters17 tháng 7 năm 2023

·        VN-Vatican: 'Hứa hẹn mà chưa tiến bao nhiêu'23 tháng 11 năm 2019

 

Trong khi một số giáo hoàng rõ ràng cảm thấy thoải mái hơn trong việc nghiên cứu và thần học hơn là công du và có đám đông vây quanh, một số người, trong vai trò của họ, lại nghiêng về chính trị.

 

Rõ ràng khi công du, Giáo hoàng Francis đôi khi trông có vẻ mệt mỏi và mất sức trong các sự kiện ngoại giao, ông ấy nhanh chóng lấy lại sức khi nhiều tín đồ đến gặp ông và và được tiếp thêm năng lượng từ những người không phải là quan chức, đặc biệt là giới trẻ.

 

Chắc chắn đây không phải là một giáo hoàng tránh xa ánh đèn sân khấu - việc được mọi người vây quanh.

 

Có thể nói đây là sứ mệnh, nhưng dường như điều này đã chảy trong máu của ông.

 

Linh mục Anthony Chantry nói rằng chuyến đi mới nhất, dài nhất của Giáo hoàng chỉ là một sự tiếp nối, cho thấy Giáo hoàng cảm thấy Giáo hội nên tương tác với tín đồ Công giáo và không thuộc Công giáo như thế nào.

 

"Toàn bộ mục tiêu là chúng ta phải mở rộng vòng tay với người khác. Chúng ta phải làm cho mọi người cảm thấy được chào đón. Tôi nghĩ ngài (Đức Giáo hoàng Francis) làm điều đó rất tốt, nhưng tôi không nghĩ ngài đang cố gắng lấy lòng hay ghi điểm cho bản thân, đó chỉ là con người của ngài.’

 

Có rất ít việc Đức Giáo hoàng đã làm kể từ khi ông được bầu vào năm 2013 mà không làm khó chịu cho những người theo chủ nghĩa truyền thống Công giáo - những người thường cảm thấy rằng tinh thần tiếp cận cộng đồng của ông đã đi quá xa.

 

Các hành động của ông trong chuyến đi này khó có thể thay đổi điều đó.

 

---------------------

Tin liên quan

·         

Giáo dân Việt xúc động khi gặp Đức Giáo Hoàng tại Bangkok

26 tháng 11 năm 2019

·         

Đại diện thường trú đầu tiên của Vatican tại Việt Nam ‘đã hiểu đường lối người Cộng sản’

26 tháng 1 năm 2024

·         

VN-Vatican: 'Hứa hẹn mà chưa tiến bao nhiêu'

23 tháng 11 năm 2019

 

 

 




No comments: