Thursday, September 26, 2024

DW : TRUNG QUỐC TRONG CHƯƠNG TRÌNH NGHỊ SỰ KHI ÔNG TÔ LÂM GẶP ÔNG BIDEN (VOA Tiếng Việt)

 



DW: Trung Quốc trong chương trình nghị sự khi ông Tô Lâm gặp ông Biden

VOA Tiếng Việt

26/09/2024

https://www.voatiengviet.com/a/dw-trung-quoc-trong-chuong-trinh-nghi-su-khi-ong-to-lam-gap-ong-biden/7799504.html  

 

Tân Chủ tịch nước của Việt Nam, ông Tô Lâm, một cựu Bộ trưởng Công an đã củng cố quyền lực trong Đảng Cộng sản Việt Nam kể từ khi người tiền nhiệm qua đời vào tháng 7, tuần này có bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên hiệp quốc.

 

https://gdb.voanews.com/19d47a17-d7e4-4ff7-96dd-45426ab098e3_w1023_r1_s.jpg

Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm phát biểu tại Đại hội đồng Liên hiệp quốc ngày 22/9/2024.

 

Trong bài phát biểu, ông Tô Lâm đã thảo luận về tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu như căng thẳng địa chính trị và biến đổi khí hậu, theo hãng tin DW của Đức.

 

“Những thách thức chưa từng có đối với hòa bình, hợp tác, phát triển bền vững và phẩm giá con người đang ảnh hưởng đến thế hệ này và thế hệ tiếp theo”, ông Tô Lâm nói. “Chúng buộc chúng ta phải đoàn kết, hành động và làm việc cùng nhau, duy trì vai trò của các thể chế quốc tế, trong đó quan trọng nhất là Liên hiệp quốc”.

 

Bài phát biểu của ông đánh dấu một thời khắc quan trọng, vì ông là người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên phát biểu trước Đại hội đồng, theo DW.

 

Ông Tô Lâm cũng gặp Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden chiều ngày 25/9. Cuộc họp này được coi là một phần trong chiến lược rộng lớn hơn của Hoa Kỳ nhằm cải thiện quan hệ ngoại giao với các nước Đông Nam Á như một đối trọng với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.

 

Tòa Bạch Ốc nói cuộc gặp là “cơ hội quan trọng để hai nhà lãnh đạo thảo luận về mối quan tâm chung của chúng ta đối với sự ổn định và thịnh vượng ở Đông Nam Á”.

 

Một đồng minh của Hoa Kỳ ở Đông Nam Á?

 

Giới phân tích tin rằng ngay cả một cuộc tương tác ngắn ngủi với ông Biden cũng sẽ giúp ông Tô Lâm chứng minh sự trung lập của Việt Nam trên trường quốc tế khi đất nước này duy trì mối quan hệ tốt đẹp với các đối thủ của Hoa Kỳ là Trung Quốc và Nga, vẫn theo bài phân tích đăng trên DW.

 

Đầu năm nay, ông Tô Lâm đã có chuyến đi quan trọng tới Bắc Kinh, nơi ông gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông cũng đã tiếp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Hà Nội để hội đàm vào tháng 6.

 

Theo DW, chuyến đi của ông Tô Lâm tới New York phản ánh hành động cân bằng tinh tế của Việt Nam trên trường thế giới khi nước này nỗ lực định vị mình là một bên có ảnh hưởng trong địa chính trị toàn cầu.

 

“Mong muốn duy trì khoảng cách cân bằng giữa các siêu cường của Việt Nam khiến ông Tô Lâm tự nhiên muốn gặp ông Biden sau chuyến thăm Trung Quốc và gặp Tập Cận Bình”, ông Nguyễn Khắc Giang từ Chương trình Nghiên cứu Việt Nam thuộc Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, nói với DW.

 

Tháng 9 năm ngoái, ông Biden đã đến thăm Việt Nam, nơi Việt-Mỹ đã đạt được các thỏa thuận quan trọng về chất bán dẫn và nâng quan hệ song phương lên Đối tác Chiến lược Toàn diện, thứ hạng ngoại giao cao nhất của Việt Nam.

 

Bản tin của DW đề cập tới việc trước chuyến đi của ông Tô Lâm tới Hoa Kỳ, chính quyền Việt Nam đã thả một số nhà hoạt động nổi tiếng khỏi nhà tù, bao gồm Trần Huỳnh Duy Thức và nhà hoạt động môi trường Hoàng Thị Minh Hồng.

 

Việc thả những tù nhân này được coi là một nỗ lực nhằm xoa dịu những chỉ trích quốc tế về hồ sơ nhân quyền của Việt Nam, đặc biệt là khi nước này đang thắt chặt quan hệ với các quốc gia phương Tây, vẫn theo DW.

 

Một tuần bận rộn của ông Tô Lâm tại New York

 

Tuần này, ông Tô Lâm cũng đã gặp gỡ đại diện của các tập đoàn lớn của Hoa Kỳ, bao gồm cả Google và Meta, và chứng kiến lễ ký kết các thỏa thuận với các công ty Mỹ mà qua đó sẽ thúc đẩy ngành hàng không và chất bán dẫn của Việt Nam.

 

(Nguồn: DW)






No comments: