Sunday, September 17, 2023

PHÊN GIẬU MỸ CHO HÀ NỘI (Lê Thu Hương / Nghiên Cứu Lịch Sử)

 



Phênh Dậu Mỹ Cho Hà Nội

Lê Thu Hương  -  Ngày 12 tháng 9 năm 2023

Nghiên Cứu Lịch Sử

Tháng Chín 15, 2023

https://nghiencuulichsu.com/2023/09/15/phenh-dau-my-cho-ha-noi/

 

Tại sao một đối tác Mỹ mới thành hình chưa có khả năng thay đổi chiến lược đa liên kết của Việt Nam. 

 

Ngày 10 tháng 9, tổng thống Mỹ Joe Biden có chuyến công du sang Hà Nội để công bố một thỏa thuận mang tính lịch sử với Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng. Mặc cho gần đây Mỹ và Việt Nam có mối quan hệ tương đối hữu hảo, hai quốc gia cùng đồng thuận nâng cấp mối quan hệ lên một mức ‘đối tác chiến lược toàn diện”, một thỏa thuận mà Việt Nam chỉ thực hiện với một số ít ỏi đối tác có quan hệ mật thiết.  

 

Đối với nhiều nhà quan sát, chuyến viếng thăm này là tín hiệu đinh điểm của mối liên kết chiến lược ngày càng gần gũi với Washington. Đây cũng là dịp đánh dấu 10 năm kể từ khi hai nước bước vào mức độ quan hệ thấp (Việt Nam dùng cụm từ “đối tác toàn diện”), thỏa thuận mới này cho phép Mỹ đóng vai trò trọng yếu trong chính sách an ninh của Việt Nam. Tuyên bố cũng cho thấy chính thái độ ngày càng quyết đoán của Trung Quốc tại Ấn Độ-Thái Bình Dương đã đưa hai nước cựu thù xích lại gần nhau.

 

Quả thế, mối quan hệ Mỹ-Việt đã tiến một bước dài trong cuộc hành trình kể từ khi hai nước thiết lập bang giao chính thức vào năm 1995. Sau khi lao vào một trong những cuộc chiến đẫm máu nhất kể từ thế giới 2, hai nước hiện giờ đã nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất, chí ít theo phân loại hiện có của Việt Nam. Và mặc dù hệ thống chính trị hai nước có sự khác biệt lớn – Việt Nam theo đường lối chế độ một đảng – Washington lẫn Hà Nội cũng khởi động phối hợp một loạt các hồ sơ, chẳng hạn như chất bán dẫn, năng lượng sạch và hệ thống y tế. Chiếu theo sức ép của Trung Quốc lên Việt Nam ngày càng mạnh, bao gồm hạn chế việc tiếp cận khu vực Biển Đông, một liên minh an ninh ngày càng vững chắc với Mỹ dường như là một mối quan tâm đặc biệt cho giới lãnh đạo Việt Nam.  

 

Tuy nhiên, nếu khẳng định Việt Nam quyết tâm chỉ chọn liên kết với Mỹ cũng chưa đúng hẳn. Vì một lẽ, tuy Việt Nam thực thi đối tác chiến lược toàn diện với một số quốc gia được chọn lọc, danh sách đó cũng bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Nga và Hàn Quốc. Và Việt Nam cũng duy trì các cấp độ đối tác khác với các nước khác. Trên thực tế, các mối quan hệ phức tạp và đa tầng này – bao gồm một số nước từng là cựu thù – là nét đặc thù trong lối tiếp cận của Việt Nam. Chính phủ từ lâu đã tìm cách thúc đẩy liên kết với nhiều nước thay vì một nước duy nhất. Đồng thời, về phần Việt Nam, chẳng giấu diếm gì, Trung Quốc vừa là cản lực đồng thời là một lực đẩy thôi thúc nâng tầm an ninh với Mỹ. Nếu xích quá gần Washington chẳng khác nào chọc giận Bắc Kinh và có thể hứng chịu một số hình thức trả đũa mà Hà Nội luôn tìm cách né tránh.  

 

Trong ngữ cảnh đó, thỏa thuận Việt Nam với chính quyền Biden cho ta thấy được một bước tiến quan trọng hướng đến các mối quan hệ song phương, mang lại lợi ích to tát cho Hà Nội. Tuy nhiên, việc ký kết thỏa thuận này không có nghĩa là thay đổi hẳn các đường lối cơ bản của chính phủ Việt Nam. Thay vì phải chọn lựa giữa Mỹ và Trung Quốc, Hà Nội xem đây là bước củng cố chính sách đối ngoại đa cực nhằm cân bằng thế đối trọng với cả hai. Nâng cấp quan hệ với Mỹ chỉ là một khía cạnh khác của chính sách này.

 

 

TỪ CỰU THÙ TRỞ THÀNH BẰNG HỮU

 

Thỏa thuận vừa đạt được cho thấy, Việt Nam và Hoa Kỳ đã cùng sánh bước trên một hình trình dài. Giới chính khách Việt Nam từ lâu đã phản đối một thỏa thuận như thế. Suốt thời gian dài, thậm chí sau gần 30 năm bình thường hóa quan hệ, họ luôn ngờ vực Washington và các mưu đồ của nó đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, điều hành một đất nước độc lập thống nhất kể từ năm 1975. Buổi bình minh thế kỷ 20, Hà Nội vẫn e dè mối đe dọa của sự thay đổi dân chủ hoặc những gì mà Việt Nam xem là “diễn biến hóa bình” – sự nổi dậy tiềm tàng với sự chống lưng của Mỹ và một số phần tử luyến tiếc chế độ cũ – xem đây là mối đe dọa an ninh quốc gia hàng đầu.

 

Tuy nhiên, trong vài thập niên qua, các đời nội các Mỹ đã lên tiếng trấn an Việt Nam rằng, Hoa Kỳ tôn trọng quyền tự quyết của Việt Nam và không có ý định can thiệp nội bộ chính trị nước này. Năm 2018, ngoại trưởng Mỹ Mile Pompeo đương nhiệm, trong một nổ lực khai thông bế tắc với Bắc Triều Tiên, đã đề cao vai trò Việt Nam xem đây là một hình mẫu, tuy theo đường lối xã hội chủ nghĩa nhưng vẫn thể hiện bộ mặt cởi mở và hiện đại, và trong năm 2019, Hà Nội là nước chủ nhà cho một cuộc họp thượng đỉnh lần 2 giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Jong Un. Tuy cuộc đàm phán với Bình Nhưỡng diễn ra một cách chóng vánh, điểm son tại Việt Nam đã tái khẳng định các lãnh đạo nước này không chỉ được Washington chấp thuận về thể chế chính trị mà cũng cho thấy nước này đủ nhận được sự tin cẩn như là nhà hòa giải trung thực cho các cuộc thương lượng đỉnh cao.   

 

Các thay đổi địa chính trị tại Đông Nam Á cũng mang lại một biến cố trọng đại. Có chung đường biên giới đất liền với Trung Quốc và đường lãnh hải dài tại Biển Đông, Việt Nam chịu nhiều thách thức vì thói hung hăng của Trung Quốc hơn bất kỳ nước nào trong vùng, đặc biệt chiếu theo Việt Nam không có bất kỳ sự bảo đảm phòng vệ chính thức từ bên ngoài. Việc Trung Quốc chà đạp luật hàng hải quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về Luật Biển, không đếm xỉa gì đến việc tuân thủ luật lệ và không ngừng phô diễn cơ bắp qua các diễn tập quân sự khiến Hà Nội lo ngay ngáy. Cùng với việc Trung Quốc không công nhận phán quyết của một tòa án hòa giải của LHQ, vốn bác bỏ cơ sở lịch sử trong các yêu sách của Trung Quốc về Biển Đông, Bắc Kinh đã quân sự hóa các hòn đảo nhân tạo trong các vùng biển tranh chấp, dùng quân dân biển để thị uy các tàu đánh cá và hải cảnh Việt Nam và thường xuyên cản trở việc thực thi các quyền kinh tế của Việt Nam trong các Khu vực Kinh tế Đặc quyền. 

 

Trong số các khiêu khích mới nhất là Trung Quốc tung ra một “bản đồ tiêu chuẩn” vào cuối tháng 8 trước, thể hiện hầu hết khu vực Biên Đông thuộc về Trung Quốc, thách thức phán quyết tòa LHQ năm 2016. Đầu tháng 9, trong một động thái được xem là lời cảnh báo từ Bắc Kinh về chuyến công du Việt Nam sắp đến của tổng thống Biden, lực lượng hải cảnh Trung Quốc đã xịt ròi rồng vào các tàu đánh cá Việt Nam hoạt động gần Quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp, khu vực mà các nước Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam đồng tuyên bố chủ quyền. Trung Quốc cũng lợi dụng vị trí thượng nguồn các con đập trên sông Mê Kông của mình để điều tiết nguồn nước theo ý mình. Và Bắc Kinh cho hiện đại hóa căn cứ hải quân Ream của Campuchia nhằm mục đích cái mà các nhà phân tích suy đoán hải quân Trung Quốc dễ dàng giám sát các nước khác. Những hành xử thô bạo như thế khiến Hà Nội thấp thỏm không yên, cảm giác bị sức ép ngàn cân – cả trên biển lẫn trên bộ – bởi gã khổng lồ hiểm ác.

 

Trong bối cảnh căng thẳng dâng cao này, cả nội các Trump lẫn Biden đã đề xuất nâng cấp quan hệ với Việt Nam. Trên thực tế, nhen nhóm mong muốn đó là tại Việt Nam, nhân hội nghị thượng đỉnh diễn dàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương được tổ chức tại Đà Nẵng năm 2017, chính ông Trump là người đầu tiên đề xuất khái niệm “tự do và rộng mở Ấn Độ-Thái Bình Dương”, trong đó tìm cách chính thức hóa chủ quyền các quốc gia độc lập trong vùng và hạn chế các hành vi cưỡng ép từ Bắc Kinh và sau này trở thành tiền đề cho chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương để chính quyền Biden phát triển sâu rộng hơn. Các bình luận của ông Trump nhắc nhớ lịch sử đấu tranh giành chủ quyền và độc lập hào hùng của Việt Nam trong các cuộc chiến gần đây với Trung Quốc về các yêu sách về lãnh hải đã được sự đồng cảm từ hà Nội, xem đây là biểu hiện của sự ủng hộ rõ ràng của Mỹ.

 

 

BIỂN ĐỘNG TẠI TRUNG QUỐC

 

Cùng có nhận thức chung về mối đe dọa từ Trung Quốc chính là mỏ neo cho quan hệ Mỹ-Việt. Dưới thời chính phủ Trump, Hoa Kỳ cũng trải qua quan hệ đầy sóng gió với Trung Quốc. Trong 6 tháng cuối của nhiệm kỳ chính phủ Trump, Bộ ngoại giao đã đoạn tuyệt với chính sách không chọn phe trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông đồng thời có những phát ngôn bác bỏ thẳng thừng yêu sách chủ quyền của Trung Quốc, lên án các hành động o ép của nước này với Việt Nam và khẳng định chủ quyền của Hà Nội được quyền khai thác các nguồn dầu mỏ tự nhiên trong Khu vực Kinh tế Đặc quyền.

 

Nghịch lý thay, tuy sự khinh rẻ của nội các Trump về một chính sách đối ngoại dựa vào mối quan hệ truyền thống có thể khiến mối giao hảo của Mỹ và các đồng minh và các đối tác của Mỹ càng xấu đi, Hoa Kỳ lại mong muốn Washington và Hà Nội xích lại gần nhau, biến nó dễ dàng hơn cho hai bên gần gũi mặc cho có sự dị biệt lớn về thể chế, giá trị và hệ thống chính trị. Sự hội tụ này càng sâu rộng hơn dưới thời nội các Biden và một sự đồng thuận lưỡng đảng hiếm hoi xuất hiện trong hồ sơ Trung Quốc. Tháng 7 năm 2021, nội các Biden thực hiện lần đầu tiên chuyến công du với các đồng cấp tại Đông Nam Á khi Bộ trưởng quốc phòng Lloyd Austin công du sang Philippin, Singapore và Việt Nam. Hai trong số các nước này là điểm đến quen thuộc: Mỹ đã mở rộng cam kết quốc phòng với các đồng minh hiệp ước truyền thống, Philippin và Singapore từ lâu là đối tác an ninh trọng yếu của Mỹ trong khu vực. Tuy nhiên, Việt Nam, không phải thế, đặc biệt chiếu theo trường hợp Thái Lan, một đối tác khác của Washington trong khu vực, và Indonesia, tay chơi lớn nhất trong khu vực, không nhận được một mức độ chú ý tương tự.  

 

Khi ông Biden bỏ qua hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á tổ chức tại Jakarta trong tháng 9 mà chỉ tham dự hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Ấn Độ và sau đó thẳng tiến tới Việt Nam cho một cuộc viếng thăm song phương, điều này nói lên một sự quan tâm đặc biệt của Washington hiện giờ đặt ở Hà Nội. Và mặc dù các thủ đô trong vùng khác có thể xem sự kiện này như là sự lạnh nhạt khác của Mỹ về ASEAN và các diễn đàn đa phương khác, đối với Việt Nam, sự ưu ái này là cho thấy mình đáng giá ra sao. Trong các bài diễn văn thông thường, các quan chức Mỹ nhấn mạnh họ không gây sức ép buộc các nước khác phải chọn phe. Tuy nhiên qua việc chủ động tăng cường các mối quan hệ song phương với các quốc gia chẳng hạn như Nhật Bản, Philippin, Hàn Quốc và Việt Nam trong khi giảm nhẹ tầm quan trọngcác diễn đàn đa phương bao gồm Trung Quốc, tự thân Washington dường như đưa ra một sự lựa chọn: nước này cộng tác với các nước khác mà nó thấy đồng điệu trong cạnh tranh chiến lược với Bắc Kinh.

 

Trong một số khía cạnh, sự thông hiểu mới của Washington đối với Việt Nam đã giúp mở rộng sang các hồ sơ khác. Chẳng hạn như, sự đồng điệu này đã giúp hai nước giải quyết các vết thương chưa liền da trong chiến tranh Việt Nam. Theo truyền thống, giới tinh hoa hoạch định chính sách đối ngoại của Việt Nam giữ thái độ mềm mỏng hơn với Mỹ, trong khi giới lãnh đạo quân đội ra chiều chống đối hơn, chiếu theo trải nghiệm chiến tranh của những người này và đối với những người mà di sản cuộc chiến chiếm phần quan trọng hơn. Trong biên bản ghi nhớ được ký kết trong chuyến viếng thăm của Bộ trưởng quốc phòng Llyold Austin năm 2021, Hoa Kỳ hứa hẹn giúp tìm kiếm các binh sĩ Bắc Việt mất tích trên chiến trường, đổi lại việc Việt Nam trong nhiều năm qua đã giúp tìm kiếm các binh sĩ Mỹ bị mất tích và trao trả hài cốt những người này kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1995. Gần đây năm 2018, và mặc cho sự vận động mạnh mẽ của Việt Nam và các nhóm nhân đạo quốc tế, Hoa Kỳ miễn cưỡng giúp đỡ làm sạch các vật liệu chưa nổ, các bãi mìn và dư lượng chất độc màu da cam tại Việt Nam gây ô nhiễm đất đai và ảnh hưởng sức khỏe người dân. Sự đột phá này bắn tín hiệu nội các Biden hiểu rõ tầm quan trọng của những vấn đề này có tầm quan trọng trong hợp tác an ninh trong tương lai.

 

Sự xích lại gần nhau cũng mang lại một số hiệu ứng khác. Vắc xin do Hoa Kỳ và các đối tác của nó tặng cho Việt Nam kể từ năm 2021 có đóng góp hết sức quan trọng khi nước này vật lộn đối phó với biến chủng Delta của đại dịch COVID-19 đang hoành hành. Washington cho khởi công tòa nhà đại sứ quán mới hoàng tráng tại Hà Nội với chi phí 1,2 tỷ đô la, biến nó là khu phức hợp ngoại giao Mỹ đắt đỏ nhất thế giới. Hoa Kỳ đã trở thành thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam (đến mức mà con số thâm hụt mậu dịch của Hoa Kỳ tròm trèm 116 tỷ đô la năm 2022). Và khi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung ngày càng khốc liệt, Việt Nam dần trở thành điểm đến ưu chuộng khi các tập đoàn đa quốc gia đang lũ lượt rời bỏ Trung Quốc. Đáng chú ý, một số lớn các công ty công nghệ hàng đầu, gồm Apple, Dell, Google và Microsoft đã đầu tư ở Việt Nam trong những năm qua. Ngược lại, có làn sóng đầu tư thương mại lớn nhất vào Mỹ cho đến nay là VinFast, một nhà sản xuất ô tô điện Việt Nam, công ty này tuyên bố năm 2022 sẽ đầu tư số tiền khổng lồ 6,5 tỷ đô la tại một nhà máy phức hợp tại tiểu bang Bắc Carolina.

 

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn giữ quan hệ hữu hảo với các nhân vật lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam. Tháng 10 năm 2022, mặc dù tuổi cao sức yếu không phù hợp với chuyến đi xa, ông Trọng vẫn sang Trung Quốc và là lãnh đạo đầu tiên trên thế giới chúc mừng lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Binh tái đắc cử nhiệm kỳ 3. Khi các cuộc thỏa hiệp an ninh với Washington đang tiến triển, Hà Nội đã hết sức cẩn trọng tránh làm phật lòng Bắc Kinh. Trong cái xem ra là một nổ lực nhằm giảm nhẹ tầm quan trọng về quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ và thể hiện chủ trương chính sách đa liên kết, trong những gần gần đây Việt Nam đã bắn tín hiệu ý định nâng cấp quan hệ với các nước Úc, Indonesia và Singapore lên tầm mức tương tự.

 

 

GIỮ CÂN THẰNG, GẮN LIỀN LỢI ÍCH

 

Hợp tác an ninh ngày càng sâu rộng của Việt Nam với Mỹ tất nhiên đánh dấu một cột mốc quan trọng cho hai nước đồng thời đây là dịp đặc biệt quan trọng trong việc quản lý cán cân quyền lực bất đối xứng với Trung Quốc. Tuy nhiên, không có chuyện Hà Nội sẽ thôi phản đối các liên minh quân sự và cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự –hai trong số điều cấm kỵ hàng đầu trong chính sách Bốn Không của Việt Nam, được thể hiện rõ trong Sách trắng quốc phòng năm 2019. Hà Nội sẽ luôn tìm kiếm sự bảo đảm nước này không đơn thuần dựa vào Mỹ và rằng Washinton không phải là sự lựa chọn duy nhất của Việt Nam. Không chỉ tìm phương kế đối trọng giữa Mỹ và Trung Quốc; Việt Nam cũng duy trì mối quan hệ rất tốt – và được thể hiện trong các các hợp đồng quốc phòng, quan hệ gần gũi với Nga, thậm chí kể từ khi Nga tiến hành cuộc xâm lược bất hợp pháp vào đất Ukraine. Vì thế, thật là ấu trĩ khi luận giải thỏa ước mới với Mỹ như là một tiền đề đế Việt Nam hướng tới việc gia nhập các khối do Mỹ cầm chịch để tập hợp lực lượng kìm chế Trung Quốc. Thay vì chọn phe Mỹ hoặc Trung Quốc đang đối đầu căng thẳng gần đây, Việt Nam vẫn luôn là Việt Nam. Tuy nhiên, Washington có thể hậu thuẩn Việt Nam theo cách cũng phục vụ lợi ích cho Mỹ.

 

Mỹ đã đưa ra những đề xuất hấp dẫn cho Việt Nam. Bằng cách giúp xây dựng bí quyết công nghệ và hỗ trợ phát triển và đa dạng hóa nền kinh tế, Washington có thể mở rộng các lựa chọn của Việt Nam kháng cự lại thói cưỡng ép của Trung Quốc.

 

Chuyển giao và công nghệ, bao gồm mở rộng năng lực của Việt Nam trong lĩnh vực giám sát hàng hải là điều mà các lãnh đạo Việt Nam đặc biệt lưu tâm. Hà Nội có các kế hoạch đầy tham vọng, mong mỏi có một chổ đứng quan trọng hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt đối với lĩnh vực chíp bán dẫn, và Hoa Kỳ và các đồng minh có thể giúp Việt Nam đạt được mục tiêu đó. Quả thế, trong tuyên bố chung nâng cấp quan hệ đối tác mới, hai nước cùng phát động các kế hoạch đáng kể cho việc đầu tư công nghệ, giáo dục và nghiên cứu cùng các sáng kiến khác nhằm nâng cao lực lượng lao động công nghệ Việt Nam. Đáng chú ý, tháp tùng với tổng thống Biden lần này là các lãnh đạo các công ty sản xuất chip và công nghệ hàng đầu của Mỹ, cho thấy những ngành công nghệ này sẽ là một trọng tâm về mối quan hệ hợp tác song phương quan trọng trong tương lai.      

 

Về phần mình, sở dĩ Hoa Kỳ quan tâm nhiều đến Việt Nam là do bối cảnh đối đầu với Trung Quốc, nhưng cũng có nguyên nhân vấn đề lợi ích kinh tế nữa. Chẳng hạn như, công nghiệp quốc phòng của Việt Nam dần trở thành một tay chơi quan trọng trên trường quốc tế, bao gồm đóng vai trò như là một nhà cung ứng chất bán dẫn, thiết bị quốc phòng và đào tạo cả hai bên tham chiến trong cuộc xung đột Ukraine. Chính yếu tố này khiến Mỹ lưu tâm. Cuối tháng 12, Việt Nam là nước chủ nhà cho cuộc triển lãm quốc phòng lần đầu tiên, tại hội nghị này nó bắn tín hiệu một nỗi khao khát cháy bỏng mở rộng phạm vi chuỗi cung ứng quốc tế đồng thời là động lực thôi thúc tự mình tạo lập công nghệ quốc phòng riêng. Tại đây các nhà thầu quân sự Mỹ Lockheed Martin và Raytheon đã giới thiệu nhiều mặt hàng chủ lực. Chiếu theo lệnh cấm của Mỹ bán các loại vũ khí sát thương cho Việt Nam, có hiệu lực kế từ sau chiến tranh Việt Nam, chỉ được dỡ bỏ kể từ năm 2016, diễn biến này rất đáng chú ý.  

 

Mối lương duyên Washington-Hà Nội liệu có trường tồn? Để trả lời chính xác câu hỏi này phụ thuộc mức độ hà hiếp của Trung Quốc đến đâu. Hiện thời, giới lãnh đạo Việt Nam tận dụng mọi nguồn lực cần thiết để khỏa lấp sự thiếu hụt một liên minh an ninh chính thức trong khi tránh đi quá xa. Do đó, Hà Nội đang chuyển biến từ một nước dễ bị tổn thương tiến tới một nước mạnh mẽ bằng việc duy trì mối quan hệ cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ và thậm hưởng lợi từ việc đối đầu giữa họ. Nếu giữ vững sự cân bằng khôn khéo, Việt Nam có thể trở thành một hình mẫu cho các quốc gia khác trong vùng hiện bị mắc kẹt giữa hai đối thủ đại cường.   

 


 

LÊ THU HƯƠNG là giáo sư không thường trực tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế.

 

 

NGUỒN :

 

Hanoi’s American Hedge

Why a New U.S. Partnership Is Unlikely to Change Vietnam’s Multialignment Strategy

By Huong Le Thu

September 12, 2023

https://www.foreignaffairs.com/united-states/hanois-american-hedge

 

 

 

 



No comments: