Cựu TNLT Lê Quý Lộc: Tôi bị quản giáo đánh khi đấu tranh đòi quyền lợi
cho tù nhân
RFA
2023.09.20
Cựu tù nhân
lương tâm Lê Quý Lộc, người vừa mãn hạn tù năm năm hồi đầu tháng này, cáo buộc
ông bị quản giáo đánh đập nghiêm trọng hai lần chỉ vì đấu tranh đòi quyền lợi
cho tù nhân như đã được quy định bởi luật pháp.
Cựu TNLT Lê Quý Lộc. Social media
Ông Lộc, 47 tuổi, bị Công an thành phố Hồ Chí
Minh bắt ngày 03/9/2018 sau khi tham gia cuộc biểu tình phản đối hai dự luật Đặc
khu kinh tế và An ninh mạng ba tháng trước đó.
Năm 2020, ông bị kết án năm năm tù giam và hai
năm quản chế cùng với bảy thành viên của nhóm Hiến Pháp với cáo buộc “gây rối
an ninh” theo Điều 118 của Bộ luật Hình sự.
Bị đánh khi đòi quyền cho người bị tạm giam
Nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) ngày 18/9, ông
Lộc nói ông bị đánh trong Trại tạm giam số 4 Phan Đăng Lưu của cơ quan An ninh
điều tra- Công an thành phố Hồ Chí Minh và trong Trại giam An Phước (tỉnh Bình
Dương).
Ông cho hay, sự việc bắt nguồn từ việc người bị
tạm giam không được quyền tiếp cận thông tin báo chí trong khi khẩu phần ăn bị
cắt giảm. Để phản đối, ông đã tuyệt thực với yêu cầu trại tạm giam tuân thủ quy
định tại Điều 29, 30, và 31 của Luật tạm giam, tạm giữ.
“Đến ngày
12/4/2020, vào lúc khoảng 20 giờ, ông Lê Ngọc Hiếu, cán bộ trại tạm giam, mở cửa
yêu cầu tôi ra làm việc.
Tại phòng hỏi
cung số 2 của phòng trại giam PA09, tôi làm việc với ông trung tá Lê Văn Nguộn,
tại đây ông trung tá Lê Văn Nguộn đánh tôi và chửi tôi.
Ông ta chửi
thề và nói ‘tụi bay là một lũ phản động, tao đánh chết mẹ tụi bay rồi chỉ đưa
cho gia đình tụi bay một tờ giấy A4 là xong’.”
Công an dùng quyển vở để vào lưng rồi dùng búa
đóng lên khiến ông Lộc hộc máu miệng, lúc đó ông Nguộn cho cảnh sát vũ trang
đưa trở lại buồng giam. Ông Lộc kể lại:
"Trên
đường đi, ông Nguộn dùng cây đèn pin dài khoảng hơn 30 cm có một đầu nhỏ. Ông
dùng đèn pin đó đánh vào đầu tôi và dùng cái đầu nhỏ nó đâm vào lưng tôi làm
nhiều chỗ chảy máu.
Lúc này tôi
mới la lên là ‘công an đánh người thế này’ thì các buồng giam ở trong khu giam
chính trị đều nghe, trong đó có Xuân Hồng, Ngô Văn Dũng và các anh em khác cũng
la lên ngăn cản.
Tôi bị ông
Lê Văn Nguộn và Nguyễn Văn Sơn cùng hơn sáu (công an- PV) vũ trang khác lôi tôi
ngược ra phòng hỏi cung, vừa đi vừa đánh trong đó ông Sơn đá vào bộ hạ tôi đến
khi tôi không biết gì nữa.
Khi tôi tỉnh
dậy thì tôi thấy đang nằm ở bệnh xá Trại tạm giam Chí Hoà. Và sau đó ông Nguộn
đá tôi thêm mấy cái vào ngực nữa, rồi đưa tôi về buồng 5 Chí Hoà.”
Sau khi bị đưa vào buồng giam số 5 của khám
Chí Hoà, hơn một tiếng sau ông Ngô Văn Dũng được đưa vào buồng giam số 6. Ông Lộc
thấy trên người ông Dũng có nhiều vết bầm, và ông Dũng cho biết ông cùng một số
người ở khu giam giữ tù chính trị bị đánh đập nhiều trong ngày hôm đó.
Ông Dũng, người mới mãn hạn tù và trở về nhà
ngày 14/9 vừa qua, xác nhận với RFA việc mình bị đánh trong ngày 12/4/2021, như
ông Lộc kể.
Phóng viên có gọi điện cho Công an thành phố Hồ
Chí Minh để kiểm chứng thông tin ông Lộc cung cấp, tuy nhiên không có ai nhấc
máy.
Bị đánh khi đòi quyền lợi cho tù nhân
Sau khi bị kết án, ông Lộc bị đưa đi thi hành
án ở Trại giam An Phước và ở đây cho đến ngày mãn hạn tù.
Khi đến trại giam, ông đã đấu tranh đòi “quyền
được chơi thể thao" được quy định tại Điều 27 và Điều 50 của Luật thi hành
án hình sự để cho tù nhân lương tâm được chơi thể thao vào hai ngày cuối tuần.
Do việc đòi hỏi này, ông bị đưa qua khu giam
giữ tù hình sự, và ngay trong ngày đầu ông đã bị một nhóm quản giáo cùng một số
tù nhân hình sự đánh đập. Ông kể lại:
“Ngày
24/5/2021 tôi bị đưa qua khu tù hình sự. Tại đây là tôi bị các ông (quản giáo-
PV) Triệu Đức Bằng, Nguyễn Thanh Tùng, Phạm Văn Hùng, Đinh Ngọc Quỳnh và một số
cán bộ vũ trang khoảng chừng hơn 11 người và một số phạm nhân hình sự có đeo
băng đỏ với dòng chữ ‘trật tự’ đánh tôi.”
Ông cho biết có người dùng dùi cui, số còn lại
dùng tay chân đấm đá.
“Khi tôi đi
nằm (gục) xuống dưới đất rồi thì ông thiếu tá Nguyễn Thanh Tùng còn đạp lên mặt
và đầu tôi tới hai cái.”
Sau lần bị đánh này, ông Lộc làm đơn khiếu nại
lên giám thị nhưng giám thị nói rằng ông vu oan. Ông yêu cầu trích xuất camera
tại hội trường và camera cổng trại thì phía trại giam từ chối, nói rằng camera
hư và không quay được gì. Ông cũng gửi đơn đến Viện Kiểm sát nhưng không được
giải quyết.
Ông Lộc còn phản đối việc ép buộc tù nhân lao
động và không trả công trong khi Điều 34 của Luật thi hành án hình sự 2019 quy
định tiền công lao động được trích một phần để tăng khẩu phần ăn và trả cho người
tù lao động.Phóng viên gọi điện đến trại giam An Phước để xác minh thông tin
tuy nhiên không có người bắt máy.
Bị kỷ luật cùm chân chỉ vì bạn tù giúp
Trong thời gian hai năm sáu tháng thụ án ở trại
giam thuộc tỉnh Bình Dương, ông Lộc nhiều lần tuyệt thực để đòi quyền lợi cho
tù nhân, và việc nhịn ăn khiến sức khoẻ của ông bị suy yếu.
Một số bạn tù hình sự đồng cảm và giúp đỡ rửa
hộ tô cơm hay dìu ông đi vệ sinh. Tuy nhiên, ông lại bị giám thị Trại giam An
Phước kỷ luật vì “để bạn tù giúp.” Họ đưa ông đi kỷ luật cùm chân trong tám
ngày, từ ngày 21/6/2021.
Ông nói ông bị giam trong căn phòng chật hẹp,
một chân bị cùm, ăn uống và vệ sinh ngay tại chỗ.
Ông còn bị phân biệt đối xử khi quản giáo buộc
các tù hình sự khác không được giao tiếp với ông và buộc ông phải lao động.
Hiện ông Lê Quý Lộc tiếp tục bị cơ quan công
an quản chế trong thời hạn hai năm ở địa phương tại tỉnh Quảng Ngãi và chưa biết
làm gì để sinh sống.
No comments:
Post a Comment