ASEAN vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung về Trung Quốc bất chấp những
căng thẳng đang gia tăng
Bình luận của Vương Hoàng Tuyên
2023.09.20
Mục tiêu lâu dài của Trung Quốc là phải độc chiếm
Biển Đông như một phần mở rộng ảnh hưởng của họ thông qua sự kết hợp các chiến
thuật bao gồm chính sách kinh tế để thống trị và chia cắt khu vực, triển khai
khí tài hải quân, xây dựng đảo nhân tạo, quân sự hóa và phá hoại mong muốn của
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong việc đạt được một bộ quy tắc ứng
xử ở Biển Đông (COC) thực chất và có hiệu lực.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo (giữa)
phát biểu tại lễ bế mạc Thượng đỉnh ASEAN tại Jakarta hôm 7/9/2023
Việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo và sau đó sáp nhập các đảo
này vào cái gọi là “Khu Nam Sa” (trực thuộc cái gọi là thành phố Tam Sa, tỉnh Hải
Nam) là một chiến thuật vi phạm pháp luật cho phép Bắc Kinh tuyên bố rằng họ có
quyền kiểm soát hành chính đối với các cấu trúc này. Điều này cho phép Trung Quốc
sử dụng các tàu hải cảnh của họ để thực thi chính sách “quản lý” nội bộ tại các
đảo đó.
Điều này sẽ đặt ra thách thức đối với các quốc gia ASEAN liên quan đến
tranh chấp Biển Đông là họ không có tàu tuần duyên có đủ khả năng cạnh tranh với
Trung Quốc cũng như không có luật pháp trong nước cho phép lực lượng bảo vệ bờ
biển của họ sử dụng vũ lực để bảo đảm yêu sách. Sự bất cân xứng này đồng nghĩa
với việc các bên tranh chấp khác sẽ buộc phải sử dụng lực lượng quân sự để chống
lại hành động hung hăng của Trung Quốc, điều này sẽ được coi là một sự leo
thang, khiến Hải quân Trung Quốc phải can thiệp.
Lâu nay vẫn bị coi là một diễn đàn kém hiệu quả, Hội nghị cấp cao Hiệp
hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần này được chú ý nhiều hơn sau khi Trung
Quốc ngày càng gia tăng sự quyết đoán ở Biển Đông, động thái mà theo các nhà
quan sát buộc ASEAN phải lên tiếng phản đối nếu không sẽ có nguy cơ bị bắt nạt
hơn.
Ngày 5/8/2023, các tàu hải cảnh Trung Quốc đã chặn và phun vòi rồng vào
các tàu Philippines đang thực hiện nhiệm vụ tiếp tế cho quân đội được triển
khai trên tàu BRP Sierra Madre ở quần đảo Trường Sa đang tranh chấp.[1] Sau đó,
ngày 28/8, Trung Quốc đã công bối một bản đồ thể hiện tham vọng độc chiếm Biển
Đông của họ. Brunei, Philippines, Malaysia, Việt Nam và Indonesia đã bác bỏ bản
đồ do Trung Quốc công bố trong đó thể hiện yêu sách chủ quyền của nước này đối
với 90% diện tích Biển Đông là vô căn cứ.[2]
Hội nghị cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các hội
nghị liên quan lần thứ 43 đã kết thúc tại Jakarta ngày 7/9. Trong bối cảnh môi
trường địa chính trị ở Đông Nam Á và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương suy thoái với
sự phân cực quyền lực ngày càng tăng, sự tham gia của các quan chức hàng đầu từ
Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ, đã giúp hội nghị được đánh giá là
thành công tốt đẹp.
Tuy nhiên, Indonesia và các nước thành viên ASEAN dường như đã tránh đối
đầu trực diện với Trung Quốc về yêu sách bành trướng ở Biển Đông, do đó họ chọn
cách bỏ qua những tranh chấp này tại hội nghị thượng đỉnh khu vực. Tổng thống
Philippines Ferdinand “Bongbong” Marcos Jr. trước đó đã nói với giới truyền
thông rằng ông sẽ đề cập tấm bản đồ gây tranh cãi mà Trung Quốc tuyên bố gần
đây tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN,[3] song một nhà ngoại giao ASEAN tham dự
các cuộc họp nói với báo chí rằng “không có quốc gia nào thực sự nêu vấn đề cụ
thể”.[4]
ASEAN vẫn bị chia rẽ về cách ứng phó với yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc
ở vùng biển tranh chấp này. Trong số các quốc gia thành viên ASEAN,
Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei là những bên tranh chấp chính thức với
Trung Quốc. Họ đã thất bại trong việc đưa sáu thành viên còn lại - Campuchia,
Indonesia, Lào, Myanmar, Singapore và Thái Lan - vào cuộc để cùng nhau giải quyết
các tranh chấp ở Biển Đông một cách quyết đoán và tập thể trong một tuyên bố
chung khi hội nghị thượng đỉnh kết thúc hôm 7/9. Myanmar đã không được mời tham
dự hội nghị thượng đỉnh kể từ khi quân đội nước này lên nắm quyền vào tháng
2/2021.
Tàu hải cảnh Trung Quốc
phun vòi rồng vào tàu tuần duyên Philippines gần Bãi Cỏ Mây hôm 5/8/2023. AFP
Chiến thuật chia rẽ ASEAN của Trung Quốc
Bên cạnh những thách thức từ môi trường bên ngoài đối với vai trò trung
tâm, ASEAN còn bị thử thách bởi chính những vấn đề nội tại, trong khi lợi ích của
các thành viên nhiều khi mâu thuẫn.
Bắc Kinh đang dùng chiến thuật duy trì quan hệ chặt chẽ với các quốc
gia ASEAN không có tranh chấp như Campuchia, để họ có thể tránh được COC và thể
hiện sức mạnh cường quốc trong khu vực. Bắc Kinh muốn phá vỡ sự thống nhất của
ASEAN thông qua can dự kinh tế để không phải sử dụng sức mạnh quân sự nhằm thực
thi ý chí của họ.
Campuchia và Lào dễ bị tổn thương trước ảnh hưởng của Trung Quốc và có
thể phá vỡ sự đoàn kết trong ASEAN. Các quốc gia ASEAN có nguy cơ bị ảnh hưởng
bởi chiến thuật vùng xám của Trung Quốc là Việt Nam và Philippines. Cộng đồng
quốc tế đã chứng kiến nhiều cuộc tấn công nhằm vào tàu cá Việt Nam và hàng loạt
chiến thuật chống Philippines như tấn công bằng vòi rồng và chiến thuật bao vây
tàu thương mại. Hà Nội và Manila có thể làm được rất ít nếu Bắc Kinh quyết định
leo thang căng thẳng.
Mở rộng hợp tác quốc tế để chống lại Trung Quốc
Chỉ với sức mạnh tập thể, ASEAN và từng quốc gia Đông Nam Á mới có thể
tìm ra cách đàm phán với Trung Quốc để đạt được kết quả tối ưu trong COC
Nỗi lo ngại lớn nhất đối với cộng đồng quốc tế liên quan vấn đề Biển
Đông là các tuyến đường biển vận chuyển hàng hóa trị giá 5.500 tỷ USD qua Biển
Đông sẽ bị gián đoạn. Đây là một mối đe dọa hiện hữu, đòi hỏi sự quản lý quốc tế
liên tục và một liên minh mạnh mẽ để truyền thông điệp tới Bắc Kinh rằng hành
vi quyết đoán của họ đang gây bất ổn. Các sáng kiến như Nhận thức về lĩnh vực
hàng hải Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là một ví dụ điển hình về việc các quốc
gia cùng hợp tác để mang lại sự ổn định trong khu vực.
Các quốc gia thành viên ASEAN nên lôi kéo các cường quốc ngoài khu vực
như Nhật Bản, Ấn Độ, Mỹ và có lẽ cả Liên minh châu Âu (EU) để xây dựng năng lực
toàn diện nhằm chống lại các mánh khóe chiến thuật của Trung Quốc nhằm thống trị
Biển Đông. Điều này có thể bao gồm xây dựng năng lực, cung cấp các tàu tuần
duyên và các công cụ nâng cao nhận thức về lĩnh vực hàng hải, tuần tra thường
xuyên hơn trong khu vực và huấn luyện để giành chiến thắng trong cuộc cạnh
tranh pháp lý về các ý tưởng trên Biển Đông.
Có nhiều cách để tăng cường hợp tác nội khối, quyền tự chủ chiến lược của
ASEAN và cuối cùng là khả năng chống lại những mưu đồ của Bắc Kinh nhằm hiện thực
hóa dã tâm của họ. Nhật Bản tiếp tục ưu tiên hỗ trợ tăng cường cơ sở hạ tầng và
kết nối, hợp tác ngoại giao cũng như triển khai ODA và FDI để thúc đẩy hội nhập
nội khối và tự chủ chiến lược sâu sắc hơn trong ASEAN. Tokyo cũng hợp tác song
phương với các quốc gia Đông Nam Á để giúp nâng cao năng lực của họ.
Các cuộc tập trận của nhóm Bộ tứ hoặc tập trận hải quân RIMPAC nên được
tiến hành thường xuyên ở Biển Đông. Các quốc gia Đông Nam Á nên được mời tham
gia các cuộc tập trận nhằm nâng cao năng lực và kinh nghiệm đối phó trong các
hoạt động an ninh trong khu vực. EU và các liên minh mới như Hàn-Nhật-Mỹ hay Mỹ-Philippines-Nhật-Australia
tạo cơ hội mang lại lợi ích chung cho khu vực thông qua các cuộc họp ngoại
giao, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai (HADR), hoạt động tìm kiếm cứu nạn
và các hoạt động khác trong khu vực.
Với những hạn chế thể chế hiện nay, con đường ngắn hạn và trung hạn thực
tế nhất để các thành viên ASEAN chia sẻ mối quan ngại và lợi ích an ninh hàng hải
nằm ở việc tăng cường các hình thức tiểu đa phương. Những dàn xếp này gần đây
nhận được nhiều động lực và kết quả tích cực, chẳng hạn như cuộc tuần tra ba
bên Philippines-Indonesia-Malaysia.
Các quốc gia khác như Canada, Anh, Pháp có thể tăng cường chương trình
đào tạo về pháp lý cho các nước Đông Nam Á để nâng cao khả năng giải quyết các
vấn đề ở Biển Đông thông qua các tổ chức quốc tế.
Cần phải có nỗ lực tập thể để nâng cao năng lực của từng quốc gia Đông
Nam Á nói riêng cũng như trong ASEAN nói chung nhằm đảm bảo rằng các tranh chấp
lãnh thổ ở Biển Đông không leo thang thành xung đột hoặc được giải quyết thông
qua phương pháp hoà bình trong các vấn đề quốc tế.
------------------------
Tham khảo:
[2] https://apnews.com/article/china-map-territorial-dispute-south-sea-702c45165d7f9cade796700fffa5691e
_____________
Tin, bài liên quan
BLOG
Triển vọng
và thách thức sau khi Việt - Mỹ nâng cấp quan hệ
ASEAN bất lực
trước bản đồ mới của Trung Quốc
Vì sao nhiều
quốc gia phản đối bản đồ mới của Trung Quốc?
Đông Nam Á
trong cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung
Chiến lược
của Bắc Kinh đang thất thế tại Biển Đông
------------------------------------------------------------------
* Bài viết không thể
hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
No comments:
Post a Comment