Wednesday, May 4, 2022

ĐIÊU KHẮC GIA NGUYỄN THANH THU (Mai Bá Kiếm)

 



NỘI DUNG :

 

ĐIÊU KHẮC GIA NGUYỄN THANH THU! 

Mai Bá Kiếm

.

Tâm sự cuối đời về tượng Thương Tiếc của điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu

Nguyễn Tuấn Khoa

.

Tác giả bức tượng Thương Tiếc ở tuổi 90, xế chiều hiu hắt

Tuấn Khanh

 

=============================================

.

.

ĐIÊU KHẮC GIA NGUYỄN THANH THU! 

Mai Bá Kiếm

2/5/2022  03:20  

https://www.facebook.com/bakiem.mai/posts/1909259269265934

 

Sáng nay, 4 bạn Không quân (Bảo, Lộc, Hải, Liêm) hú tôi đến quán cà phê Tượng Đá của điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu ở 176 Nguyễn Thượng Hiền, Gò Vấp.

 

Điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu (sinh năm 1934) đã tạo ra vô số tác phẩm, nhưng đắc ý và được nhiều người biết đến nhất, là tượng Thương tiếc, đặt tại nghĩa trang quân đội Biên Hòa; tượng An Dương Vương, đặt ở Ngã Sáu Chợ lớn (cả hai đều khánh thành vào năm 1966); và tượng Trần Nguyên Hãn ở bùng binh chợ Bến Thành.

 

“Quán cà phê Tượng Đá đặt nhiều tượng mà ông sáng tác lâu nay. Căn phòng nhỏ của ông nằm nép sau quán cà phê, là nơi trú ẩn hết sức cô đơn của ông cùng kỷ niệm. Người quen cũng thấy ông lặng lẽ làm lại mẫu tượng Thương tiếc thu nhỏ, đặt trong phòng, chỉ chia sẻ với ai quen biết” (trích bài của NS. Tuấn Khanh)

 

Tình cờ chúng tôi gặp chị Nhàn (68 tuổi, ở Q.12) vợ của một trung sĩ Địa phương quân (mất năm 2018) đã đọc đoạn trên đây của NS Tuấn Khanh nên đến quán cà phê này để xem tượng Thương tiếc. Tuy nhiên, khi chị Nhàn và đứa cháu gái của điêu khắc gia vừa dìu cụ vô phòng, thì cụ đóng sầm cửa phòng! Chị Nhàn trở ra nói với chúng tôi “tiếc quá!”

 

Tôi muốn hỏi chuyện, nhưng cụ không còn minh mẫn và điếc nặng!

 

 

Hình :

 

https://www.facebook.com/photo?fbid=1909258269266034&set=pcb.1909259269265934

Điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu

 

https://www.facebook.com/photo?fbid=1909258992599295&set=pcb.1909259269265934

Điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu và bằng hữu

 

Các tượng đá tại quán cà phê :

https://www.facebook.com/photo?fbid=1910078765850651&set=pcb.1909259269265934

 

https://www.facebook.com/photo?fbid=1910078965850631&set=pcb.1909259269265934

 

https://www.facebook.com/photo?fbid=1910079095850618&set=pcb.1909259269265934

 

https://www.facebook.com/photo/?fbid=1910079315850596&set=pcb.1909259269265934

 

.

28 BÌNH LUẬN  

 

.

------------------------------------------------------------------

.

Tâm sự cuối đời về tượng Thương Tiếc của điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu

Nguyễn Tuấn Khoa

07/04/2019

https://baotiengdan.com/2019/04/07/tam-su-cuoi-doi-ve-tuong-thuong-tiec-cua-dieu-khac-gia-nguyen-thanh-thu/

 

Điêu khắc gia (ĐKG) Nguyễn Thanh Thu nói với tôi rằng, ông làm nhiều tượng quá đến nỗi bây giờ, ở tuổi già, ông không sao nhớ hết, thậm chí nhìn tượng mà không thể nhớ được tên tượng và nơi đã đặt tượng.

 

Người lính Cộng Hòa là đề tài quan trọng trong sáng tác của ông nên ông khó mà quên được. Đó là tượng Chiến Sĩ Vô Danh, tượng Ngày Về, tượng Lính Thủy Quân Lục Chiến, tượng Trung Liệt, tượng Tết Mậu Thân và tượng Thương Tiếc. Như một định mệnh, tượng Thương Tiếc trở thành bức tượng gắn liền với tên tuổi và cuộc đời đầy sóng gió của ông.

 

Tiếng vang của bức tượng Thương Tiếc

 

Do nổi tiếng từ bức tượng Trung Liệt đặt tại Nghĩa Trang Quân Đội Gò Vấp, ngày 22/08/1966 ông đã được Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia – Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu giao thực hiện bức tượng Thương Tiếc đặt tại Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa. Tượng ngồi, bằng bê-tông cốt thép, màu đen, uy nghiêm, cao 4m, nếu tính cả mô đất dưới chân người lính và bệ tượng thì chiều cao của tượng đài là 8m.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2019/03/H3-60-1024x804.jpg

bức tượng Thương Tiếc

 

Tượng hoàn tất và được khánh thành vào ngày Quân Lực VNCH 19/06/1967. Ngay lập tức, tượng đã tạo nên sự xúc động đối với những ai một lần đi ngang qua nơi đây hay chỉ nhìn thấy qua phim ảnh. Do vậy, năm 1970 tượng được đúc đồng, đã đẹp nay càng đẹp hơn.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2019/03/H4-45.jpg

bức tượng Thương Tiếc bằng đồng

 

Trên không gian rộng thoáng, từ mọi hướng, người ta có thể nhìn thấy bức tượng cao, nổi bật trên nền trời xanh. Đó là người lính từ chiến trường về thăm mộ đồng đội, quân phục, ba-lô lấm bụi, súng trường gác trên hai đùi, lưỡi lê ngang hông, dây quai nón sắt buông thỏng như sợi buồn rơi vào cõi vô định. Anh ngồi thẫn thờ, đôi mắt buồn nhìn xa xăm, thương tiếc cho người bạn vừa nằm xuống. Bức tượng trong bối cảnh đó trở nên có hồn hơn và nhiều chuyện linh thiêng của bức tượng không ngớt lưu truyền trong dân chúng lúc đó. Khó có thể kiểm chứng nhưng cũng không thể không ghi nhận về những câu chuyện cảm động và linh thiêng quanh bức tượng người lính Cộng Hòa này.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2019/03/H5-19.jpg

bán thân bức tượng Thương Tiếc

 

Tiếng tăm của ĐKG Thu và các tác phẩm của ông đã vang xa ra khỏi quê hương. Ngày 20/07/1967, đại tá H.G. Fuller – Bộ Chỉ huy Lục quân Hoa Kỳ ở Việt Nam (USARV) đã gửi thư cho đại tá William P. Jones – Chủ Tịch Ủy Ban Đài Tưởng niệm Chiến Tranh Hoa Kỳ, ca ngợi ông Thu và các bức tượng về đề tài chiến tranh.

 

Ông William xem ông Thu là ĐKG xuất sắc nhất ở Việt Nam và đánh giá bức tượng Thương Tiếc là một kiệt tác nghệ thuật. Ông William đã viết: “… xét về đề tài tượng đài chiến tranh, tôi trân trọng đặt tượng Thương Tiếc và các tác phẩm khác của ông ngang hàng với bức ảnh nổi tiếng “Raising The Flag on Iwo Jima” (Dựng Cờ Trên Đảo Iwo Jima) ở Arlington”. Ông cũng tiến cử ông Thu với Ủy ban để thực hiện việc dựng tượng ở Hoa Kỳ và các quốc gia đồng minh trong các dự án tương lai.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2019/03/H4-46.jpg

 “Raising The Flag on Iwo Jima” (Dựng Cờ Trên Đảo Iwo Jima): đó là tên của bức ảnh đoạt giải Pulitzer do nhiếp ảnh gia Joe Rosenthal chụp ngày 23/02/1945. Đây là trận đánh trong Thế Chiến Thứ II trên đảo Iwo Jima của Nhật. Sau 1 tháng với thương vong lớn cho cả 2 phía, Thủy Quân Lục Chiến Mỹ đã chiếm được đảo. Hình ảnh này được xem là một biểu tượng chiến tranh tuyệt đẹp của phe thắng trận.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2019/03/H5-20.jpg

Marine Corps War Memorial (Đài tưởng niệm chiến tranh cho lính Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ): được dựng từ bức ảnh “Rasing The Flag on Iwo Jima”, do ĐKG Felix de Weldon tạc ngày 10/11/1954, hiện đặt tại Arlington County, bang Virginia.

 

Số phận của bức tượng Thương Tiếc

 

Ngay sau khi Sài Gòn thất thủ, “bên thắng cuộc” đã giật đổ bức tượng Thương Tiếc bằng đồng, được dựng năm 1970, rồi chuyển về Dĩ An, cho đến nay không ai biết được số phận của nó. Chưa dừng lại, ít lâu sau đó, một nhóm vài chục bộ đội đã kéo tới tư gia ĐKG Thu để truy tìm bức tượng Thương Tiếc bằng bê-tông cốt thép đã tạc và đặt tại Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa năm 1967. Đó là tượng dùng để đúc đồng (khuôn gốc) và hình thành nên bức tượng Thương Tiếc bằng đồng cuối cùng năm 1970.

 

Nhóm người hung hãn này đã ra sức đập phá bức tượng Thương Tiếc một cách không… thương tiếc và chỉ dừng lại khi tượng chỉ còn lại phần bụng và chân (xem ảnh). Hiện nay tượng bê-tông bị đập phá này vẫn còn nằm trong sân sau nhà của ông Thu, cạnh các ngôi mộ gia tiên, cây dại che phủ nên ít ai chú ý. Sau khi đập phá bức Thương Tiếc, nhóm người này tiếp tục đập phá bức tượng Lính Thủy quân Lục chiến cao 4m, chỉ để lại đầu tượng.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2019/03/H3-61-1068x1602.jpg

Tượng Thương Tiếc bằng bê-tông đặt tai Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa năm 1966, đã được đưa về xưởng sáng tác (tư gia) của ĐKG Nguyễn Thanh Thu. Năm 1970 tượng này được dùng làm khuôn đúc đồng để hình thành tượng Thương Tiếc bằng đồng năm 1970. Tượng bê-tông này đã bị đập hết phần đầu và thân, hiện vẫn còn nằm trong sân nhà ĐKG Thu.

 

Ngày trở về nhà từ trại tù Hàm Tân với thân hình tiều tụy, ông lê bước chân thẳng đến bên bức Thương Tiếc. Tất cả đã thành tro bụi. Ông đã ngã quỵ dưới chân tượng và ngồi ở đó rất lâu cho đến khi trời sụp tối. Ông nói sự trả thù này con ác hơn những đòn thù mà ông phải gánh chịu trong 8 năm dài nơi ngục tối…

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2019/03/H2-120-1024x683.jpg

 

Võ Văn Hai, giờ này anh ở đâu?

 

Hạ sĩ Võ Văn Hai, Tiểu Đoàn II binh chủng Nhảy Dù bỗng dưng trở nên nổi tiếng cùng với ông Thu và bức tượng Thương Tiếc lịch sử khi được chọn làm người mẫu. Giống như ĐKG Thu, cuộc đời bí ẩn của hạ sĩ Hai cũng chìm nổi theo bức tượng.

 

Không lâu sau bức tượng được dựng lên, người ta đồn ông Hai đã hy sinh tại chiến trường Quảng Trị. Nhiều bài thơ khóc ông đã ra đời làm cho hình ảnh ông Hai bất tử theo pho tượng Thương Tiếc. Thật ra ông Hai chưa chết!

 

Trong thời gian ông Thu ở tù, ông Hai đã 2 lần thăm gia đình của ông Thu. Lần đầu, rất sớm sau năm 1975. Tim ông như vỡ vụn khi thấy tượng Thương Tiếc – như là phần xác của ông – giờ đây chỉ là một đống đổ nát. Lần thứ hai, nhiều năm sau đó. Ông nghe gia đình ông Thu kể rằng ông Thu được cai ngục đưa về thăm nhà với đôi chân yếu không tự đi.

 

Ông Hai hoảng loạn, lo sợ sẽ có một ngày những người CS tìm đến ông rồi cuộc đời ông sẽ chìm xuống địa ngục như thiếu tá Thu hay bức tượng Thương Tiếc. Ông đã nhanh chóng rời khỏi nhà và không ai có tin tức của hạ sĩ Hai từ ngày đó. Có lẽ ông Hai đã thay tên đổi họ, “mai danh ẩn tích” để trở về cuộc sống nông dân ở đâu đó trên đất Khánh Hòa, ông Thu nghĩ vậy.

 

Ra đi rồi lại trở về

 

Trong 8 năm tù tội với 22 tháng biệt giam trong conex, thần kinh của ông Thu đã bị tổn thương rất nặng. Những ngày tháng bỏ đói với vô số những trận đòn thù đã làm cho tai ông điếc và cơ thể chỉ là da bọc xương cùng những vết thương nhiễm trùng. Ra khỏi nhà tù, thấy cảnh gia đình tan nát, ông quyết tâm đào thoát.

 

Hơn 10 năm ở Mỹ ông trông mong cộng đồng giúp ông phục dựng lại bức tượng Thương Tiếc, nhưng niềm hy vọng đó cuối cùng chỉ là những “conffetti nằm vương vãi trên sàn nhà”. Không sống được bằng nghề điêu khắc ông không biết làm gì khác. Với thính lực gần bằng không, ông thấy ngày càng bế tắc trong việc mưu sinh ở xứ người. Cô độc giữa muôn vạn người ngưỡng mộ, ông không tìm thấy niềm vui ở chốn này và miễn cưỡng trở về Việt Nam.

 

Trở lại mái nhà xưa, gần gia đình, trong không gian sáng tác quen thuộc, ông lại tiếp tục tạc thêm nhiều bức tượng, dựa trên các ý tưởng đã hình thành từ trước như: Được Mùa, Cửu Long Được Mùa… Tuy nhiên, đó chỉ là những tượng tỷ lệ nhỏ, tạc chỉ để thỏa mãn đam mê nghệ thuật. Ông hiểu rằng với thân phận của kẻ hàng binh, ông không bao giờ được trao cơ hội để tạo nên những tác phẩm để đời. Giấc mơ lớn của ĐKG tài năng đã khép lại mãi mãi.

 

Những tâm sự trong bối cảnh tháng Tư đen ở trên, khiến chúng ta không khỏi ngậm ngùi. Cuộc đời sóng gió của ĐKG Nguyễn Thanh Thu đã làm cho pho tượng Thương Tiếc đẹp hơn và trở nên bất tử. Những kẻ hậu sinh sau này rồi sẽ còn nhắc mãi về ông: “Nhất phiến tài tình thiên cổ lụy”.

_____

 

Dưới đây là bản dịch bức thư của Đại tá H.G. Fuller, gửi cho đại tá William P. Jones Jr., nói về điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu và các tác phẩm của ông.

 

Đại tá H.G. Fuller, 025936
HQ USARV Engr Section
Facil Svc Division
APO Sanfrancisco 96375

 

Ngày 20 tháng 7 năm 1967

 

Đại Tá William P. Jones Jr. (về hưu)
Ủy Ban Đài Tưởng niệm Chiến Tranh Hoa Kỳ
Washington, D.C. 20315

 

Thân gửi Bill,

 

Tôi xin đính kèm theo thư này là bộ ảnh về nghĩa trang [Quân đội Biên Hòa] giống như nghĩa trang Arlington của chúng ta, cùng các tác phẩm điêu khắc khác được thực hiện bởi Trung úy Nguyễn Thanh Thu – là người đã tạc bức tượng đặt tại lối vào của Nghĩa Trang [Quân Đội Biên Hòa].

 

Theo tôi, pho tượng do Trung úy Thu tạc (tượng Thương Tiếc – người dịch) thực sự là một tuyệt tác nghệ thuật và xét về đề tài tượng đài chiến tranh, tôi trân trọng đặt tượng Thương Tiếc và các tác phẩm khác của ông ngang hàng với bức tượng nổi tiếng “Dựng Cờ trên đảo Iwo Jima” tại Arlington.

 

Khi Ủy Ban [Đài Tưởng niệm Chiến Tranh Hoa Kỳ] bắt đầu hoạch định tưởng niệm Các Lực lượng vũ trang của Thế giới Tự do và Hoa Kỳ đang tác chiến tại Việt Nam, tôi đề nghị ông Thu được xem xét để hoàn thành bất kỳ tác phẩm điêu khắc nào có liên quan. 

 

Ở Việt Nam ông Thu được đánh giá là điêu khắc gia xuất sắc nhất. Đối với tôi, tài năng của ông Thu là vượt trội, đặc biệt khi ông Thu chưa từng được được tu nghiệp ở Hoa Kỳ hay châu Âu. Chuyến xuất ngoại đầu tiên của ông Thu sắp tới là để tham dự một hội nghị ngắn hạn ở Philippines. Không cần phải nói, ông Thu rất vui nếu có cơ hội trình bày những phác thảo của ông trước Ủy ban, thích hợp nhất là trong kỳ nghỉ phép.

 

Tôi sẽ gửi một bộ ảnh về các tác phẩm của ông Thu cho tướng Ploger để Bộ Chỉ huy Lục quân Hoa Kỳ ở Việt Nam (USARV Command Group) và Bộ Chỉ huy Viện trợ Quân sự Hoa Kỳ ở Việt Nam (MACV) cùng xem xét. Tôi sẽ cung cấp thêm bất kỳ chỉ dẫn nào để có thể triển khai.

 

Mong gặp lại các bạn trong tháng 12 tới.

 

(Nguyễn Tuấn Khoa dịch)

 

Ảnh chụp bức thư:

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2019/03/H2-119-1068x1396.jpg

 

©Copyright Tiếng Dân và Nguyễn Tuấn Khoa

 

-----------------------------------------------------------------------

.

Tác giả bức tượng Thương Tiếc ở tuổi 90, xế chiều hiu hắt

Tuấn Khanh

Chủ Nhật, 05/23/2021 – 11:22 — tuankhanh

https://www.rfavietnam.com/node/6805

 

Trên các trang mạng, những người yêu mến điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu, yêu mến một kỷ niệm đẹp của VNCH đều nhắc nhau nên sớm ghé thăm ông. Người đã tạo bức tượng Thương Tiếc vang bóng một thời của nghĩa trang quân đội Biên Hòa, nay đã 90 tuổi, nhớ nhớ, quên quên và như cũng đã quá mệt mỏi với một cõi tạm đầy những nhọc nhằn với ông.

 

Sinh năm 1934 tại Gò Vấp, Sài Gòn, điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu tốt nghiệp trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định và sau đó qua động viên, tham gia ngành quân nhu, rồi trở thành Đại Úy, phục vụ Tại Cục Chiến Tranh Chính Trị. Trong cuộc đời mình, điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu đã tạo ra vô số tác phẩm, nhưng đắc ý và được nhiều người biết đến nhất, là tượng Thương tiếc, đặt tại nghĩa trang quân đội Biên Hòa, và bức thứ hai là tượng An Dương Vương, đặt ở Ngã Sáu Chợ lớn. Cả hai đều khánh thành vào năm 1966.

 

Lúc này thì ít ai nhận ra điêu khắc gia lừng danh của miền Nam tự do cũ, do ông ít bạn bè, trí nhớ không còn sắc bén và một phần khác, quá trình đi tù sau 1975, bị đánh đập nên ông bị hư hại thính giác. Gặp ông lúc này ở nhà riêng tại Nguyễn Thượng Hiền, Gò Vấp, nói gần như hét vào tai thì ông mới hiểu hết ý của người đối thoại.

 

Những người thân, quen biết nói ông vẫn còn bị PTSD với những năm tháng tù đày,  tức Dư chấn tâm thần, dẫn đến trạng thái bất thường, hoảng sợ từ một biến cố hay giai đoạn có sức ám ảnh, nên nếu chạm vào người ông bất ngờ, hoặc nâng dìu mà không báo trước, đều làm ông giật mình, hay hoảng hốt.

 

Hiện điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu sống cùng sự chăm sóc của các con. Nơi cư ngụ của ông, số 176 Nguyễn Thượng Hiền, phường 1, Gò Vấp, là quán cà phê Tượng Đá, nơi có đặt nhiều tượng mà ông sáng tác lâu nay. Căn phòng nhỏ của ông nằm nép sau quán cà phê, là nơi trú ẩn hết sức cô đơn của ông cùng kỷ niệm. Người quen cũng thấy ông lặng lẽ làm lại mẫu tượng Thương tiếc thu nhỏ, đặt trong phòng, chỉ chia sẻ với ai quen biết. Đây cũng là một trong những điều gây đau đớn tinh thần của ông: Sau 1975, chính quyền mới cho người lập tức đến Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa kéo đổ bức Thương Tiếc, sau đó đập nát để thỏa lòng căm thù. Nhưng vẫn chưa đủ, ít lâu sau đó, theo chỉ điểm của giới nằm vùng, một nhóm bộ đội và băng đỏ cầm AK-47 đến tận nhà ông, đem mẫu tượng ban đầu (khuôn gốc) đập và chửi bới, đánh đập cả ông.

 

Vì tượng đài An Dương Vương ở Ngã sáu Chợ Lớn là tượng một danh nhân của lịch sử Việt nên dù có ghét bỏ tác phẩm của Nguyễn Thanh Thu, chính quyền mới cũng khó lòng thẳng tay hủy hoại. Họ chỉ để nguyên vậy, không tu sửa sau nhiều chục năm với ý đồ rất rõ là đợi có hư hại, là lập tức cho phá, mang đi. Đó cũng là trường hợp của tượng đài Trần Nguyên Hãn trước chợ Bến Thành.

 

Và vì sao phải vậy? Bởi tượng Trần Nguyên Hãn được coi là thánh tổ của truyền tin quân lực VNCH, còn tượng An Dương Vương là biểu tượng của công binh VNCH.

 

Nhưng điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu không chỉ là người làm tượng. Được tổng thống Nguyễn Văn Thiệu yêu cầu đi Phi Luật Tân để tham khảo một nghĩa trang chiến binh mà người Phi rất tự hào, ông Thu quay về và đưa ra đề án xây Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa, để thay thế cho nghĩa trang ở Hạnh Thông Tây, Gò Vấp, vào đầu những năm 60, thế kỷ 20, đã bắt đầu chật chội.

 

Điều lạ thường của chuyện bức tượng Thương tiếc, là khi đã có đủ 7 bản ký họa mẫu, phác thảo dự trù cho bức tượng tiêu biểu trước nghĩa trang, hình ảnh của anh hạ sĩ lính nhảy dù Võ Văn Hai ngồi nói chuyện hư không với một người bạn tử trận của mình trong một quán nước, vô tình đập vào mắt của ông Thu, khiến ông ngẫu hứng ghi lại, day dứt với nó..

 

Khi trình các đề án lên tổng thống Thiệu, ông Thu đã xin lỗi khi bày ra tờ giấy lót trong gói thuốc lá, có vẽ chì vội sơ sài, và nói rằng xin lỗi vì mình vừa mới làm. Ông kể lại là lúc đó, tổng thống Thiệu hỏi ông “Bản nào anh đắc ý nhất?”, ông Thu nói mình bị ám ảnh về hình ảnh ông phác họa từ hạ sĩ Võ Văn Hai. Sau đó ông và tổng thống Thiệu đã cùng chọn cái tên Thương tiếc cho bức tượng này.

 

Để hoàn thành toàn bộ bản vẽ chính xác cho Thương tiếc, hạ sĩ nhảy dù Võ Văn Hai đã ngồi làm mẫu cho ông Nguyễn Thanh Thu chỉnh đi, sửa lại từng nét một suốt ba tháng. Khởi đầu năm 1966, tượng được thực hiện bằng bê-tông, cốt sắt, đến năm 1969, được thay đổi bằng đồng. Tượng cao 4m, nếu tính cả mô đất dưới chân người lính và bệ tượng thì chiều cao của tượng đài là 8m. Tác phẩm này, điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu nhận giải đặc biệt của Tổng tư lệnh tối cao Quân đội VNCH vào tháng 8, năm 1968.

 

Sau năm 1975, ông Thu trở thành nơi trút hận thù của các cán bộ trại tù cải tạo. Chỉ là người sáng tạo điêu khắc nhưng ông phải trải qua 8 năm tù ở trại Hàm Tân. Ông Thu kể rằng trong đó, ông có 22 tháng nhốt biệt giam và đánh đập tàn nhẫn ngày này qua tháng nọ. Khi ông lên tiếng hỏi vì sao ông bị tra tấn dã man như vậy, thì cán bộ vừa đánh vừa nói “Tội của anh là lưu lại cái tư tưởng, cái hình ảnh, cái tinh thần đó mới là quan trọng. Anh đừng nghĩ đến chuyện trở về nhé”. Những ngày tháng bỏ đói với vô số những trận đòn thù đã làm cho tai ông điếc và cơ thể chỉ là da bọc xương. Cũng có lúc ông đã bị mang ra trường bắn lúc 4 giờ sáng, bịt mắt lại, nhưng không hiểu sao lại có thay đổi vào giờ cuối, cho mang về nhốt lại. Đến ngày ông được thả về, người nhà mô tả là ông phải có người vác đi, vì không tự đi nổi.

 

Trước đó, khi cán bộ yêu cầu ông viết đơn xin khoan hồng và đổ tội hết cho chế độ cũ chứ ông không tự mình tạo ra những tác phẩm điêu khắc của quân đội. Ông Thu kể rằng lúc đó ông đã đuối sức lắm, chỉ còn thều thào nói được là “Tôi tạo ra, tượng chết thì tôi chết theo”. Một viên cán bộ tức giận nhào tới tát vào hai bên tai của ông. Những cú tát chí mạng khiến máu mũi và máu tai ứa ra, điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu điếc gần như toàn phần từ đó.

 

Ông Nguyễn Thanh Thu có tham gia chương trình đi H.O của sĩ quan bị cải tạo. Ông ở Mỹ gần 10 năm, nhưng loay hoay vì nhớ nghề điêu khắc mà không thể nào nối lại được, sức khỏe thì suy sụp mà quá cô đơn với tâm hồn nghệ thuật của mình, nên sau đó ông xin về lại Việt Nam, sông với con, lặng lẽ tạo ra những bức tượng riêng của mình, ôm giấc mộng đời đến cuối cùng.

 

Giấc mơ lớn nhất mà điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu vẫn giữ, là có ngày phục dựng được bức Thương tiếc. Nhưng giờ ở cái tuổi 90, mệt nhoài với những chặng đường đã qua, ngày càng đau yếu, có lẽ rồi ông cũng sẽ ra đi lặng lẽ với những nỗi niềm rất thiêng liêng, đã có trong đời mình.

 

Còn chút nhớ về, xin hãy thử đến gặp ông, ở những giờ phút này, tại Gò Vấp, Sài Gòn.

 

tuankhanh’s blog

 

--------------------------------

 

Trích lại từ : https://ngoclinhvugia.wordpress.com/2021/05/23/tac-gia-buc-tuong-thuong-tiec-o-tuoi-90-xe-chieu-hiu-hat-tuan-khanh/





No comments: