Monday, May 2, 2022

CẬP NHẬT CHIẾN TRANH TẠI UKRAINA 2.5.2022 8AM (Cù Tuấn)

 



 

CẬP NHẬT CHIẾN TRANH TẠI UKRAINA 2.5.2022 8AM   

Cù Tuấn

1/5/2022  21:12  

https://www.facebook.com/tuan.cu.5/posts/5299182513453719

 

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã đến gặp Tổng thống Volodymyr Zelensky của Ukraina tại Kyiv, khiến bà trở thành quan chức Mỹ cấp cao nhất đến thăm Kyiv. Chuyến thăm của bà báo hiệu cam kết ngày càng sâu sắc của Hoa Kỳ đối với Ukraina khi Nga đã cố gắng có được nhiều bước tiến trong cuộc tấn công ở miền đông và đã cử sĩ quan cấp cao nhất của mình, Tướng Valery Gerasimov, đến tiền tuyến Ukraina vào cuối tuần trước.

 

Với mỗi chuyến thăm - các Bộ trưởng Ngoại giao và quốc phòng Mỹ đã đến Kyiv vào cuối tuần trước - lời hứa về cam kết của Mỹ đối với một chiến thắng của Ukraina dường như ngày càng tăng lên, ngay cả khi Mỹ chưa xác định chiến thắng sẽ như thế nào. Hôm Chủ nhật, một ngày sau chuyến thăm bí mật tới Ukraine, bà Pelosi phát biểu trong một cuộc họp báo ở Ba Lan: “Mỹ sát cánh với Ukraine. Chúng tôi sát cánh với Ukraine cho đến khi giành được chiến thắng. Và chúng tôi sát cánh cùng NATO”.

 

Các quan chức Ukraina ở khu vực Luhansk và Donetsk đã báo cáo các trận chiến ác liệt khi các đoàn xe tăng của Nga cố gắng tiến vào các khu vực mà lực lượng của Matxcơva đã dùng pháo binh nã vào trước đó. Bộ Quốc phòng Nga hôm Chủ nhật cho biết họ đã tấn công 800 mục tiêu trên khắp Ukraina trong ngày qua, trong đó có một kho chứa máy bay ở thành phố cảng Odesa mà họ cho rằng đang lưu trữ vũ khí và đạn dược mà Mỹ và châu Âu giao cho Ukraina.

 

Đan Mạch và Thụy Điển triệu tập đại sứ Nga ngày 1-5 sau khi tố một máy bay do thám của Matxcơva xâm phạm không phận của 2 nước này. Hãng tin AFP dẫn lời các quan chức 2 nước này cho biết chiếc máy bay Nga đi vào không phận Đan Mạch ngày 29-4 và sau đó đi vào Thụy Điển. Đan Mạch nói đã đưa 2 chiến đấu cơ F-16 can thiệp. Hãng tin AFP dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao Thụy Điển cho biết họ thực hiện việc triệu tập theo quy cách ngoại giao vốn có với những vi phạm như vậy. Bên Đan Mạch đưa ra thông báo trước Thụy Điển vài giờ. Cách đây một tuần, tờ Expressen của Thụy Điển dẫn hai nguồn tin chính phủ cho biết hai nước Bắc Âu trung lập là Thụy Điển và Phần Lan có thể nộp đơn xin gia nhập NATO vào trung tuần tháng 5, trùng với thời gian diễn ra chuyến thăm Stockholm của Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto. Trong khi đó, tờ Iltalehti của Phần Lan đưa tin nước này "đã đưa ra đề nghị cả hai quốc gia cùng bày tỏ sẵn sàng tham gia" liên minh quân sự NATO cùng ngày.

 

Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky cho biết, khoảng 100 thường dân Ukraina đã được sơ tán khỏi nhà máy thép Azovstal ở thành phố Mariupol vào ngày 1-5, sau khi Liên Hiệp Quốc xác nhận "hoạt động thông hành an toàn" đang diễn ra tại đây. "Lần đầu tiên có hai ngày ngừng bắn tại vùng lãnh thổ này và chúng tôi đã đưa được hơn 100 thường dân là phụ nữ, trẻ em rời khỏi", ông Zelensky cho biết trong video thường nhật phát vào đêm 1-5. Những người sơ tán đầu tiên sẽ đến thành phố Zaporizhzhia do Ukraina kiểm soát vào sáng thứ hai ngày 2-5. Ông Zelensky nói việc di tản sẽ tiếp tục ngày 2-5 nếu điều kiện cho phép. Hãng tin Sputnik của Nga cũng đưa tin 80 dân thường đã rời khỏi nhà máy Azovstal nhờ sáng kiến của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Những người rời đi cho biết còn khoảng 300 dân thường mắc kẹt tại đây. Trước đó, ngày 21-4, Nga tuyên bố đã "giải phóng" Mariupol. Trong khi đó, Đài CNN dẫn lời một chỉ huy của Ukraina tại Mariupol cho biết khu vực tổ hợp nhà máy thép Azovstal tiếp tục bị tấn công.

 

Phát biểu trên truyền hình Ý ngày 1-5, khi được hỏi liệu ngày 9-5 có đánh dấu bước ngoặt trong cuộc xung đột Nga - Ukraina hay không, Ngoại trưởng Sergei Lavrov của Nga khẳng định: "Các binh sĩ của chúng tôi sẽ không căn cứ hành động của họ vào một ngày cụ thể". "Chúng tôi sẽ kỷ niệm chiến thắng của mình một cách long trọng nhưng thời gian và tốc độ của những gì đang xảy ra ở Ukraina sẽ phụ thuộc vào việc cần giảm thiểu rủi ro cho dân thường và binh lính Nga", ông Lavrov nói. Nga dự kiến duyệt binh trên Quảng trường Đỏ ở thủ đô Matxcơva ngày 9-5, là ngày kỷ niệm đánh bại Đức Quốc xã.

Ông Lavrov cũng khẳng định Nga đang nỗ lực ngăn chặn chiến tranh hạt nhân. "Truyền thông phương Tây xuyên tạc các mối đe dọa từ Nga. Nga chưa bao giờ làm gián đoạn nỗ lực đạt được các thỏa thuận đảm bảo rằng một cuộc chiến tranh hạt nhân sẽ không bao giờ hình thành", nhà ngoại giao Nga nhấn mạnh. Ông cho biết mục tiêu của chiến dịch tại Ukraina nhằm đảm bảo an ninh cho lực lượng thân Nga tại khu vực Donbass và chỉ trích phương Tây "ăn cắp" tiền của Matxcơva thông qua các biện pháp trừng phạt.

 

Viết trong một bài đăng trên mạng xã hội ngày 1-5, Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga, ông Vyacheslav Volodin cho rằng Nga nên phản ứng tương tự với việc đóng băng tài sản của Nga của một số "quốc gia không thân thiện". "Ở nơi nào có việc tịch thu tài sản (của doanh nghiệp Nga), thực hiện biện pháp phản ứng tương xứng với các doanh nghiệp có chủ sở hữu từ các quốc gia không thân thiện tại Nga là đúng đắn", ông Volodin viết, Hãng tin Reuters dẫn lại. Trước đó, ngày 28-4, Nhà Trắng đề xuất sử dụng tài sản của các tài phiệt Nga, hiện bị phương Tây phong tỏa, đóng băng, để bù đắp cho các thiệt hại vật chất của Ukraina do cuộc chiến Nga gây ra, theo Hãng tin AFP.

 

Lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Mỹ, ông Chuck Schumer, cho biết sẽ hành độnng để bổ sung điều khoản vào gói viện trợ 33 tỉ USD cho Ukraina, theo đó cho phép Mỹ tịch thu tài sản của các tài phiệt Nga, sau đó bán các tài sản này để gửi cho Kiev. “Đã đến lúc các nhà tài phiệt Nga bị trừng phạt phải chịu trách nhiệm về khối tài sản bất chính mà họ đã nhận", ông Schumer nói. Tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã yêu cầu Quốc hội thông qua gói viện trợ này, đánh dấu bước ngoặt trong sự hỗ trợ của Washington cho Kiev.

 

Nghị sĩ Adam Kinzinger của Đảng Cộng hòa Mỹ tuyên bố sẽ soạn một nghị quyết cho phép Mỹ triển khai quân tại Ukraina nếu Nga sử dụng "vũ khí hạt nhân, hóa học, sinh học", theo Đài Russia Today. Ông Biden đến nay bác bỏ việc đưa quân đến Ukraina, cho rằng động thái này có thể kích hoạt "Thế chiến thứ ba" với Nga.

 

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nói rằng Tổng thống Recep Tayyip Erdogan của nước này vẫn đang nỗ lực để sắp xếp một cuộc gặp giữa ông Putin và ông Zelensky. "Tổng thống của chúng tôi đang đàm phán với cả hai nhà lãnh đạo. Chúng tôi đang chân thành tiến hành các nỗ lực. Tổng thống của chúng tôi cũng gọi cho họ khi cần hoặc họ gọi cho ông ấy", báo Sabah dẫn lời ông Cavusoglu.

 

Thống đốc Kharkov yêu cầu người dân không rời hầm trú ẩn trong ngày 1-5 do pháo kích. Đăng trên Telegram, ông Oleh Synyehubov viết: “Liên quan đến các cuộc pháo kích dữ dội, chúng tôi kêu gọi cư dân của các quận phía bắc và phía đông của Kharkov, đặc biệt là Saltivka, không nên rời khỏi nơi trú ẩn vào ban ngày nếu không có việc khẩn cấp”.

 

Theo Hãng thông tấn TASS, ngày 1-5, Bộ quốc phòng Nga cho biết tên lửa của Nga đã phá hủy một đường băng của một sân bay quân sự và một nhà chứa máy bay với vũ khí của nước ngoài gần thành phố Odessa của Ukraina. Hãng IFAX thì cho biết Bộ quốc phòng Nga xác nhận có 2 máy bay ném bom của Ukraina bị hạ gần Kharkov.

 

Hãng thông tấn Sputnik dẫn nguồn tin từ Bộ quốc phòng Nga cho biết ngày 1-5, có hai nhóm thường dân đã rời khỏi khu dân cư gần nhà máy thép Azovstal ở thành phố Mariupol. Tổng cộng có 46 người rời khỏi khu vực, họ được cung cấp thực phẩm và nơi tạm trú.

 

Ngày 1-5, Thủ tướng Đức Olaf Scholz bác bỏ các chỉ trích rằng Đức không thể hiện sự đi đầu trong các nỗ lực cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraina. Ông cho biết mình thà thận trọng hơn là đưa ra quyết định vội vàng. Theo Hãng tin Reuters, ông Scholz đang chịu áp lực trong và ngoài nước về việc cung cấp cho Ukraina các vũ khí hạng nặng như xe tăng, lựu pháo.

 

Theo Hãng tin Reuters, Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky cho biết ông hội đàm với Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi ở thủ đô Kiev trong ngày 30-4. Theo báo Guardian, trong một đoạn video ngắn do ông Zelensky đăng tải cho thấy bà Pelosi đến Kiev cùng với một phái đoàn Mỹ. “Chúng tôi thăm ông để gửi lời cảm ơn ông đã chiến đấu cho tự do… Sự chiến đấu của ông chính là chiến đấu cho tất cả mọi người. Chúng tôi cam kết (ủng hộ) ông cho đến khi cuộc chiến đấu này kết thúc” - bà Pelosi phát biểu trong đoạn video trên. Bình luận về chuyến thăm của bà Pelosi, ông Zelensky cho biết Mỹ là nước ủng hộ mạnh mẽ cho Ukraina trong cuộc chiến chống lại lực lượng Nga. “Cảm ơn nước Mỹ đã giúp hỗ trợ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước chúng tôi” - nhà lãnh đạo Ukraina nhắn nhủ.

 

Ngày 30-4, người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Ibrahim Kalin đã có cuộc gặp Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky tại thủ đô Kiev. Cùng ông Kalin tới Kiev còn có Thứ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Sedat Onal. Theo TTXVN, tuy những thông tin chi tiết về nội dung cuộc gặp trên chưa được công bố, nhưng Ankara đang là trung gian hòa giải xung đột giữa Ukraina và Nga. Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có chung đường biên giới với Ukraina và Nga ở Biển Đen, có quan hệ tốt với cả hai nước này và đã đóng vai trò trung gian hòa giải.

 

Hồi tháng 3 vừa qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã tổ chức một cuộc gặp giữa các nhà đàm phán Matxcơva và Kiev tại Istanbul và một cuộc gặp khác giữa Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Ukraina Dmytro Kuleba tại Antalya. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng đang tìm cách mở đường cho cuộc gặp thượng đỉnh ở Istanbul giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Zelensky. Trong một cuộc điện đàm mới đây với Tổng thống Putin, ông Erdogan nêu rõ Thổ Nhĩ Kỳ muốn "thiết lập một nền hòa bình lâu dài trong khu vực càng sớm càng tốt, bằng cách gia tăng động lực đạt được trong các cuộc đàm phán ở Istanbul".

 

Theo Hãng tin RIA của Nga, Bộ quốc phòng Nga cho biết lực lượng Ukraina đã “tấn công chính người dân của họ” sau khi pháo kích vào các làng ở vùng Kherson làm nhiều người chết và bị thương. Phía Nga nói lực lượng Ukraina đã bắn một trường học, một nhà trẻ và một nghĩa trang ở hai làng Kyselivka và Shyroka Balka thuộc khu vực Kherson, miền nam Ukraina. Tuy nhiên, Bộ quốc phòng Nga không nói cụ thể có bao nhiêu người chết, bị thương và vụ pháo kích xảy ra khi nào. Phía Ukraina chưa lên tiếng. Hãng tin Reuters cho biết họ không thể kiếm chứng độc lập thông tin này.

 

Đài CNN dẫn lời Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky cho biết Ukraina đã phá hủy hơn 1.000 xe tăng, gần 200 máy bay và gần 2.500 xe bọc thép cả Nga. Lực lượng Nga cũng đã mất hơn 23.000 binh sĩ kể từ ngày 24-2. Ông Zelensky nói thêm Nga vẫn còn vũ khí trong kho để tấn công nhưng “cuộc chiến đã làm Nga suy yếu đến mức họ sẽ trang bị ít khí tài hơn cho cuộc duyệt binh (mừng Ngày chiến thắng) ở Matxcơva”. Trước đó, ngày 3-3, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov cho biết 498 binh sĩ Nga đã thiệt mạng và 1.597 quân nhân của nước này bị thương tại Ukraina. Ngày 22-3, NATO ước tính khoảng 7.000 - 15.000 binh sĩ Nga đã thiệt mạng.

 

https://www.facebook.com/photo/?fbid=5299173100121327&set=pcb.5299182513453719

Ảnh 1: Nữ diễn viên Angelina Jolie, đặc phái viên Cao ủy Tị nạn Liên Hợp Quốc, đến thăm trường nội trú tại Lviv.

 

https://www.facebook.com/photo/?fbid=5299173070121330&set=pcb.5299182513453719

Ảnh 2: Quân Nga pháo kích Viện bảo tàng Mariupol, sau đó lấy đi hàng loạt tiền xu cổ và tranh cổ của các họa sĩ Nga Arkhip Kuindzhi và Ivan Aivazovsky.

 

https://www.facebook.com/photo/?fbid=5299173303454640&set=pcb.5299182513453719

Ảnh 3: Các toa tàu bốc cháy khi bị pháo kích tại nhà ga Lyman, Đông Ukraina. Ảnh chụp ngày 28/4.

 

https://www.facebook.com/photo/?fbid=5299173536787950&set=pcb.5299182513453719

Ảnh 4: Hàng loạt xe xếp hàng mua xăng tại Lviv ngày 30.4 sau khi Nga tấn công các nhà máy lọc dầu.

 

https://www.facebook.com/photo/?fbid=5299173653454605&set=pcb.5299182513453719

Ảnh 5: Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi nhận Huân chương Công chúa Olga từ Tổng thống Ukraina Zelensky sau cuộc hội đàm tại Kiev ngày 30-4 - Ảnh: REUTERS

 

.

 6 BÌNH LUẬN





No comments: