Đoạn video được New York Times đưa lên trang
Facebook của họ ngày 9-6-2016, cho thấy cảnh người dân Cumaná (thủ phủ bang
Sucre) tràn vào các siêu thị để cướp thực phẩm, trông thật kinh khủng. Khắp
Venezuela, nạn đói dữ dội đang tràn lan, biến thành những cuộc bạo động không
thể kiểm soát. Khi đói và đói khủng khiếp, người ta không còn biết sợ là gì.
New York Times cho biết, các xe tải thực phẩm giờ phải được hộ tống bằng bảo vệ
vũ trang. Trước các lò bánh mì, bây giờ được gác bởi quân đội! Một bé gái 4 tuổi
mới đây đã bị bắn chết khi cảnh sát nổ đạn cao su vào toán người tràn xuống đường
gây bạo loạn khi kiếm thức ăn.
Ngày 20-6-2016, một người ôm súng xông vào Ngân hàng
Trung ương và bắn bị thương hai bảo vệ, trước khi bị bắn chết. Trước đó không
lâu, ngày 9-6, vụ bạo động cướp của dữ dội đã nổ ra tại Petare, phía Đông
Caracas. Trong các siêu thị bị cướp ở nhiều thành phố Venezuela, người ta đập cổng
tràn vào cướp sạch mọi thứ. Chỉ trong hai tuần gần đây nhất, có hơn 50 vụ bạo động
dữ dội nổ khắp Venezuela. Ít nhất 5 người bị chết. Có đến 87% người Venezuela
cho biết họ không còn tiền để mua thực phẩm, theo khảo sát của Đại học Simón
Bolívar. Có đến 72% lương tháng đã phải dùng để mua thức ăn – kết quả một khảo
sát khác của Trung tâm phân tích xã hội thuộc Liên đoàn giáo chức Venezuela.
Cách đây hơn thập niên, người ta ném trứng để mua vui trong các kỳ lễ hội. Bây
giờ, trứng quý như vàng.
Theo IMF, tỷ lệ tăng trưởng Venezuela hiện bi đát nhất
thế giới: -8%. Tỷ lệ lạm phát cũng đứng đầu thế giới với 482%. Tỷ lệ thất nghiệp
hiện 17% nhưng có thể leo lên 30% trong vài năm tới. Chính phủ Nicolás Maduro
phản ứng với lỗ hổng ngân sách bằng cách in tiền, khiến lạm phát càng tăng
nhanh. Giá các loại nhu yếu phẩm cơ bản giúp một gia đình sống trong một tuần
đã tăng hơn 25% từ tháng 3 đến tháng 4-2016, gấp 22 lần mức lương tối thiểu.
Điều khiến
người dân phẫn nộ không chỉ là cái bụng lép mà còn là tình trạng tham nhũng.
Theo tổ chức Minh bạch Quốc tế, Venezuela hiện là quốc gia tham nhũng thứ chín
thế giới. Trong một nước theo CNXH, mô hình chính trị được xem là không để xảy
ra bất công xã hội, thành viên gia đình Tổng thống Nicolás Maduro được xem là
nhóm người giàu nhất Venezuela. Và “danh hiệu” cá nhân giàu nhất nước này thuộc
về Maria Gabriela Chávez, cô con gái của cố Tổng thống Hugo Chávez, với tài sản
ước tính 4,2 tỷ USD – theo tờ Diario Las Americas. Cho đến nay, theo Fox News,
Maria Gabriela Chávez và cô chị của mình, Rosa Virginia, vẫn sống nhung lụa xa
xỉ trong La Casona (Dinh Tổng thống). Chồng của Rosa không ai khác hơn là đương
kim Phó Tổng thống Jorge Arreaza.
Trung tuần tháng 6-2016, Nicolás Maduro yêu cầu Tối
cao pháp viện phủ quyết đề nghị của phe đối lập tổ chức trưng cầu dân ý nhằm
truất phế mình. Không có cuộc trưng cầu nào cả, từ giờ đến sang năm – Maduro
tuyên bố. Nếu cuộc trưng cầu tổ chức vào ngày hạn định 10-1-2017 và Maduro
thua, một cuộc bầu cử sẽ phải thực hiện. Nếu cuộc trưng cầu tổ chức sau ngày
10-1-2017 (vì phe đối lập chưa kiếm đủ phiếu) và Maduro vẫn không thắng, ghế tổng
thống sẽ nhường lại cho Phó Tổng thống Jorge Arreaza và ông này, thuộc cánh hẩu
Maduro, sẽ tại vị cho đến hết nhiệm kỳ vào tháng 1-2019 (theo luật, để cuộc
trưng cầu truất phế Maduro thành công, phe đối lập phải kiếm được nhiều hơn số
phiếu mà Maduro giành được trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2013, tức hơn
7.587.532 phiếu, theo Financial Times).
Tiến trình kiếm phiếu của phe đối lập vẫn đang ráo
riết trong khi Maduro vẫn cố thủ bảo vệ chiếc ghế quyền lực. Sự lì lợm tham quyền
cố vị của Maduro chỉ khiến lòng dân thêm phẫn uất. Tờ tiền mệnh giá lớn nhất,
100 bolivar, giờ chỉ giá trị 7 xu. Sự mất giá của tiền tệ tỉ lệ thuận với sự mất
giá của chính quyền Maduro lẫn “giá trị” XHCN mà Maduro thừa hưởng từ Hugo
Chávez. Người dân, giờ phải bới rác kiếm thức ăn, đã hiểu rõ “ý nghĩa thực tiễn”
của mô hình chính trị phi lý này. Cuối thập niên 1980, chính từ những vụ bạo động
kinh khủng bởi nạn đói và chính trị bất an, cuộc “cách mạng XHCN” của Hugo
Chávez đã thành công. Bây giờ, nạn đói và chính trị bất an đang nhấn chìm chính
con tàu XHCN ấy. Khi người dân bị vét cạn niềm tin bởi một chế độ tham nhũng tư
túi tồi tệ cùng sự yếu kém trong điều hành quản lý quốc gia; và khi nhà cầm quyền
cương quyết đối đầu với người dân bằng bạo lực, kết cục sẽ luôn không thay đổi:
chiến thắng không bao giờ thuộc về chính quyền. Bài học cuộc cách mạng 1989 của
lịch sử Venezuela vẫn còn sờ sờ.
No comments:
Post a Comment