Nguyễn Trọng Bình
Viet-studies - 9/6/2016
1.
Cách đây mấy năm, trong phiên
tòa xét xử kẻ phạm tội giết người, khi HĐXX mời gia đình nạn nhân phát biểu thì
Mẹ nạn nhân – một cụ già tuổi gần 80 đã đứng lên run rẩy nói với HĐXX như sau: “Tôi
mới làm giỗ cho con tôi mấy bữa trước. Đằng nào con tôi cũng chết rồi, bị cáo
còn vợ và 3 đứa con nhỏ, mong tòa cho cậu ấy con đường sống”. Nhờ câu nói của
này bà mà kẻ sát nhân đã được HĐXX giảm cho án tử.
Đây là chuyện có thật mà báo
chí nước nhà đã từng đưa tin. Những ai muốn xác nhận điều tôi vừa nói thì cứ nhờ
google trợ giúp.
Mọi so sánh đều khập khiễng,
tôi biết thế, tuy vậy, trong cuộc sống để vấn đề nào đó sáng tỏ hơn, chúng ta
không thể không so sánh. Vậy nên chúng ta thử so sánh câu nói của cụ bà gần 80
tuổi trên với hai lần phát ngôn chính thức trước công luận của bà Tôn Nữ Thị
Ninh liên quan đến chuyện Bob Kerrey và FUV xem sao?
Trước hết, cả hai lần phát ngôn
chính thức của mình liên quan đến tội ác của Bob Kerrey cách nay mấy
mươi năm, bà Ninh đều nhấn mạnh đây là quan điểm của riêng bà. Tương tự như vậy,
cụ bà gần 80 tuổi trong câu chuyện vừa kể ở trên cũng phát biểu với tư cách cá
nhân. Thế nhưng tại sao đều là quan điểm cá nhân nhưng ý kiến của cụ bà 80 thì
người ta dễ dàng đồng tình (ít nhất HĐXX đã thống nhất giảm án cho kẻ sát nhân)
còn ý kiến của bà Ninh lại dấy lên những tranh luận trái chiều?
Theo tôi, so với bà Ninh, cụ bà
80 phát biểu với tư cách của một người hoàn toàn trong cuộc. Nghĩa là hơn ai hết,
chỉ có bà mới thấu hiểu nỗi đau tột cùng và có quyền nói tha thứ hay không tha
thứ cho kẻ đã sát hại con mình. Bà Ninh thì khác, bà vừa là người trong cuộc vừa
là kẻ ngoài cuộc. Không những vậy, bà Ninh lại là người làm chính trị, là cán bộ
ngoại giao đại diện cho một bên trong cuộc chiến xảy ra cách nay mấy mươi năm.
Nói cách khác, bà cụ 80 hoàn toàn “chính danh” khi nói lời tha thứ cho kẻ phạm
tội còn bà Ninh chỉ là “nhân danh”, “mượn danh” để nói. Nhìn rộng ra, việc nhân
danh này không chỉ riêng bà Ninh mà đa phần những người làm chính trị ở Việt
Nam trước đó và bây giờ đều thế.
Có thể nói, từ sau ngày đất nước
thống nhất đến nay, những người này mỗi khi bàn về vấn đề liên quan đến chiến
tranh có dính đến yếu tố Mỹ hầu như chưa bao giờ hỏi hay tham khảo ý kiến của đại
bộ phận nhân dân một cách nghiêm túc. Những phạm trù như thắng – thua, bạn –
thù, căm hờn – tha thứ… tất tần tật đều do họ tự quyết và áp đặt xuống dân
chúng. Đây là điều mà cố nhà văn Trang Thế Hy đã lên tiếng, nói thẳng trong
truyện ngắn “Vết thương thứ mười ba” sáng tác năm 1988: “Muốn biết chiến tranh là cái
gì, người cần hỏi ý kiến, người cung cấp định nghĩa về chiến tranh chính xác nhất
không phải là các nguyên thủ quốc gia, các chính khách lẻo mép và các vị thống
chế tư lịnh không bị bom đạn làm trầy một miếng da nào”.
Hay cụ thể hơn, theo Trang Thế
Hy muốn biết bản chất thật của các cuộc chiến tranh hãy đi hỏi “những người
phụ nữ đã đẻ con cho thiên hạ đem đi nướng, hỏi những bà mẹ sau chiến tranh đi
hết nghĩa trang này đến nghĩa trang khác tìm nấm mộ đề tên con mình mà không gặp…”.
Chiến tranh vốn là sai lầm của
các bên trong quá khứ nhưng bàn về nó trong sự đắc thắng, ngạo nghễ kiểu “thắng
làm vua, thua làm giặc” thì lại càng sai lầm hơn. Nói cách khác, chính cách
tuyên truyền một chiều của những người thuộc “bên thắng cuộc” đã góp phần làm
nên vấn đề mà nói như cựu đại sứ Hoa Kỳ, Lê Văn Bàng là: “Hội chứng Mỹ”
trong lòng Việt Nam” hiện nay: “Chúng ta đã từng giúp rất nhiều để người Mỹ
thoát khỏi “hội chứng chiến tranh Việt Nam” trong người Mỹ, nhưng bản thân
chúng ta lại chưa thoát được “hội chứng Mỹ”(…) Sự hận thù của không ít người Việt
sau chiến tranh còn nặng nề lắm”.[1]
Từ đây, trở lại vấn đề, có thể
thấy hai lần phát ngôn của bà Ninh đều ít nhiều cho thấy cái “hội chứng Mỹ”
vẫn còn ám ảnh tâm trí bà và không dễ gì để rứt nó ra. Lẽ ra, ở chỗ này bà Ninh
và những người cùng quan điểm với bà trước hết phải tham khảo ý kiến của đại đa
số nhân dân Việt Nam (hoặc ít nhất là người dân ở Thạnh Phong, Bến Tre năm
nào). Nếu chưa hỏi nhưng lại nhân danh họ, lôi họ vào cuộc rồi bám vào đó để phản
đối Bob Kerrey làm chủ tịch FUV là đang “qua mặt” và không tôn trọng
nhân dân. Nguy hại hơn nữa, quan điểm của bà Ninh đã vô tình đẩy vấn đề đi quá
xa; nhất là đã khơi lại vết thương vừa ráo mủ của những người trong cuộc từ cả
hai phía. Bằng chứng là, từ những phát ngôn của bà, giờ đây có không ít người bắt
đầu lục tung lại quá khứ với mục đích tố cáo tội ác của nhau trong cuộc chiến
năm nào.
Việc bà Ninh trăn trở, lo lắng
về chuyện các thế hệ con cháu không khéo vì cuộc vui hôm nay mà quên đi quá khứ
đau thương của dân tộc hôm qua là điều hoàn toàn chính đáng và đáng trân trọng.
Nhưng e là trong khi bày tỏ nỗi trăn trở này bằng việc “chọn” Bob Kerrey
và FUV làm “bia” là một sai lầm về phương pháp và thời điểm. Hay ít ra, bà đã
thiếu công tâm khi phán xét tội lỗi trong quá khứ của Bob Kerrey đặt
trong mối tương quan với những người “đồng chí” láng giềng “4 tốt”, “16 chữ
vàng” mà hơn ai hết bà là người không thể không biết về tội ác của họ gây ra
cho đồng bào ta năm 1979.
2.
Ở một phương diện khác, quan điểm
và suy nghĩ của bà Ninh làm tôi nhớ lại chuyện “Sự tích chim Bìm Bịp”
trong kho tàng truyện dân gian người Việt. Đại khái, câu chuyện có thể tóm tắt
như sau:
Một nhà sư nọ tu hành đã nhiều
kiếp nhưng chưa thành chính quả. Vì vậy, ông quyết tìm đến Phật Tổ để hỏi xem
mình đã phạm sai lầm chỗ nào để mà khắc phục. Trên đường đi ông gặp một tên cướp,
thoạt đầu khi tên cướp định giết ông nhưng khi nghe ông xin tha mạng và giảng
giải mọi điều tên cướp đã thức tỉnh. Tên cướp chẳng những tha mạng cho sư mà
còn lấy dao rạch bụng mình moi ra cả bộ lòng với ước nguyện nhờ nhà sư mang đến
Phật tổ để bày tỏ sự sám hối tội lỗi trước đây của mình. Nhà sư cầm bộ lòng của
tên cướp tiếp tục lên đường nhưng chỉ một hai ngày sau đó sư đã vứt đi vì bộ
lòng đã bắt đầu phân hủy và hôi thối. Rồi sư cũng đến trước cửa Phật. Trong khi
ông chưa kịp thưa gửi lời nào thì Phật tổ trên chánh điện đã hỏi ông “trên
đường đi có ai gửi gì cho ta không?”. Thoáng giật mình nhưng sau đó nhà sư
đã phải nói ra sự thật. Khi ấy Phật tổ mới nói rằng “ngươi muốn thành chính
quả thì trở lại tìm món quà mà tên cướp đã dâng lên cho ta”.
Mọi người hẳn cũng đã biết ý
nghĩa của câu chuyện mang màu sắc triết lý Phật giáo mà tôi vừa kể. Tên cướp dù
đã gây nhiều tội ác nhưng thành tâm sám hối nên đã được Phật tổ chứng giám cho
thành chính quả. Còn nhà sư sau đó đã chết đi và biến thành con chim Bìm Bịp suốt
ngày lùng sục trong các bụi rậm để tìm bộ lòng của tên cướp mà ông đã không đủ
kiên nhẫn và quẳng đi trước đó. Chỉ một suy nghĩ sai lầm nên mọi công sức tu
hành trong nhiều kiếp trước đó đã tan thành mây khói.
Câu chuyện trên giúp chúng ta
hiểu thêm, trong cuộc sống mọi chuyện đều có thể xảy ra. Nhất là sự thành tâm
sám hối của con người về tội lỗi trong quá khứ là điều có thật. Con người ta chỉ
càng đẹp thêm hơn nếu biết và dám tin vào những sự thật như vậy. Cho nên, có lẽ
nào Bob Kerrey đã trở lại, đã xin lỗi, đã sám hối, đã phục thiện,… nhưng
bà Ninh và một số người lại từ chối không cho ông ta cơ hội? Tha thứ cho tội lỗi
của kẻ thù là điều rất khó. Tôi hiểu bà Ninh muốn bày tỏ quan điểm này để cảnh
giác những kẻ muốn “té nước theo mưa”, miệng nói lời tha thứ nhưng đầu lại
chưa sẵn sàng cho điều ấy. Nhưng nếu đã xác định như vậy thì thà là nói “tao
không bao giờ tha thứ cho mày” để đối phương biết mà sám hối nhiều hơn chứ
không nên chơi trò “mèo vờn chuột”: “có thể tha thứ nhưng đồng thời không
tán thành việc Bob Kerrey giữ vị trí lãnh đạo một trường ĐH tại
Việt Nam”.
3.
Công tâm mà nói, ở phương diện
nào đó bà Ninh là người rất đáng khâm phục khi đã dám nói ra hết những suy nghĩ
của mình cũng như quyết liệt bảo vệ quan điểm của bản thân với những lập luận
rõ ràng, văn hóa tranh luận từ tốn. Tuy vậy, theo tôi, có lẽ do cái “hội chứng
Mỹ” còn nặng nề nên bà không thể thuyết phục được phần đông dân chúng Việt hôm
nay. Hay ít ra là với cá nhân tôi khi đọc bức thư ngỏ bà“gửi người Việt Nam
và các bạn Mỹ” có đoạn như sau:
“ Tôi ngạc nhiên về những
tình cảm cảm thông sâu sắc dành đặc biệt cho sự khổ tâm của Bob Kerrey với “những lời thốt ra từ gan ruột”, ca ngợi
ông “rất can đảm khi quyết định nhận cương vị hiện nay”! Trong khi đó, tôi nhớ
đến lời của một người ở Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, nơi đang trưng bày chứng
tích về vụ thảm sát ở Thạnh Phong, thương xót cho các nạn nhân chưa hề được người
có tội trở về thắp cho họ một nén hương. Người đó không thể tưởng tượng cảnh
hàng trăm hàng ngàn sinh viên Việt Nam Đại học Fulbright sẽ gọi ông Bob
Kerrey một cách tôn kính là “Thầy” theo phong tục Á Đông và đặc biệt
ở Việt Nam. Và tôi lại nghĩ, đến một ngày nào đó, ảnh của ông Bob Kerrey
sẽ được treo tại ĐH Fulbright ở vị trí trang trọng nhất dành cho các vị sáng
lập của Trường!”
Trước hết, nếu bà đã đến Bảo
tàng Chứng tích chiến tranh để tìm hiểu và biết được đầy đủ sự việc về tội lỗi
của Bob Kerrey trong quá khứ thì sao còn bận tâm lo lắng chuyện
cháu con sẽ quên đi lịch sử cha ông?
Ngoài ra, không hiểu sao bà lại
lo lắng về chuyện hàng ngàn sinh viên Việt trong tương lai sẽ gọi
Bob Kerrey là “Thầy” và một ngày nào đó “ảnh của ông Bob
Kerrey sẽ được treo tại ĐH Fulbright ở vị trí trang trọng nhất dành cho
các vị sáng lập của Trường? Thiển nghĩ, nếu điều đó thực sự có xảy đến thì
có gì quá đáng hay không đúng? Có sự nhầm lẫn nào không khi bà Ninh mang cả
truyền thống văn hóa Việt ra để biện minh cho sự lo lắng rất vô
lý của mình? Nhất là đã tùy tiện thu hẹp phạm vi và ý nghĩa của chữ “Thầy”
trong tiếng Việt mà bà đã biết: “một chữ cũng Thầy, nửa chữ cũng Thầy”?
Tôi nghĩ, đôi khi trong nhiều trường hợp, hãy nên biết nói lời cảm ơn kẻ thù vì
nhờ họ mà ta mới biết ta anh hùng, cao thượng, bao dung…Hơn nữa, bà Ninh cũng
không thể sống mãi để mà ngăn chặn những suy nghĩ, nhận thức của giới trẻ Việt
Nam trong vài mươi năm tới. Đây là điều chắc chắn và không thể khác.
4.
Người Việt có câu, “đầu
xuôi, đuôi lọt”. FUV ra đời hôm nay là kết quả của nỗ lực hàn gắn và làm bạn
của cả hai phía Việt – Mỹ sau thời gian dài thù địch. Điều này là không phải
bàn cãi. Cho nên, thiển nghĩ không một cá nhân nào được quyền dùng ảnh hưởng
(nhất là hưởng chính trị) hay nhân danh bất cứ điều gì để cản trở sự phát triển
của FUV trong tương lai. Mọi chuyện có lẽ nên dừng lại tại đây. Bob Kerrey
cần được tin tưởng, ủng hộ để ông ấy có cơ hội thay đổi “biểu tượng về quá
khứ đen tối” (như Bà Ninh đã dẫn lại ý kiến của ai đó) của mình trên mảnh đất
này; bà Tôn Nữ Thị Ninh cũng không đáng bị nhiều người xông vào công kích và
thóa mạ cá nhân. Có như vậy mới chứng minh được sự chân thành từ cả hai phía Việt
– Mỹ cũng như quan hệ của những người trong nước với nhau: “từ đây người biết
yêu người”. Tóm lại là, động cơ gì cũng được nhưng không nên tiếp tục lẫn lộn,
nhầm lẫn bạn – thù, hoặc không thì lại “khôn nhà dại chợ”!
Hơn nữa, hiện nay, chuyện tập
đoàn chính trị Tập Cận Bình đã và đang âm mưu xâm chiếm Hoàng, Trường Sa của
cha ông mới là vấn đề quan trọng nhất. Chuyện cá chết ở miền Trung gần hai
tháng trôi qua nhưng chưa biết nguyên nhân nữa! Ai dám để cho Tạ Bích Loan đưa
lên chương trình“60 phút mở” trên VTV và bàn cho ra lẽ thì mới “ngon”!?
____
Chú thích nguồn tham khảo:
Cần Thơ, 9/6/2016
NTB
No comments:
Post a Comment