Tue, 06/21/2016 - 11:56 — Kami
Vào lúc dư luận nóng lên trước việc 2 máy bay quân sự
rơi liên tiếp trên Biển Đông trong vòng 4 ngày trung tuần tháng 6/2016, đã làm
10 sĩ quan quân đội tử vong và thiệt hại về tài sản ước chừng 60 triệu USD. Khi
các diễn biến trong việc cứu hộ, đã cho thấy sự thất bại của giới chức quân đội
trong việc xử lý, cứu hộ tai nạn. Cộng với nhiều dấu hiệu cho thấy chính quyền
đang muốn che dấu nguyên nhân của tai nạn. Trong bối cảnh đó, nhà báo Mai Phan
Lợi, trưởng Văn phòng đại diện báo Pháp luật TP.HCM tại Hà Nội, với vai trò là
một người làm báo, đồng thời là admin của Diễn đàn Nhà báo trẻ đã đưa một một
khảo sát (poll) để thăm dò dư luận về nguyên nhân “Vì sao CASA tan xác?” (Xem
hình)
Sự bất
bình thường đến khó hiểu
Lập tức, tờ báo Petrotime của ông Nguyễn Như Phong
đã có hàng loạt các bài viết nhằm kích động các cơ quan chức năng, với mục
đích yêu cầu phải truất quyền làm báo đối với nhà báo Mai Phan Lợi. Cụ thể
Petrotimes đã đặt mục tiêu "Một kẻ toan tính giữa đám tang của dân
tộc, thì tốt nhất phải đuổi cổ ra ngoài!". Đồng thời tòa
báo này còn đề nghị cơ quan công an “thanh tra toàn diện” đối với Diễn đàn Nhà
báo trẻ.
Vậy mà họ chỉ đưa ra lý do đơn giản là, nhà báo Mai
Phan Lợi đã sử dụng từ "tan xác" đối với chiếc máy bay trinh sát CASA
212 bị rơi, trong lúc ông Lợi không đả động gì đến thân xác của những người
lính đã mất tích trong vụ tai nạn. Nếu chỉ với lý do lãng xẹt như vậy, thì quyết
định rút lại thẻ nhà báo và đình chỉ chức vụ đối với ông Mai Phan Lợi là không
thỏa đáng và khó thuyết phục dư luận. Vì căn cứ vào các qua các hình ảnh đăng
trên báo chí, đã cho thấy các mảnh của máy bay CASA 212 đã bị vỡ vụn
hoàn toàn, thì việc sử dụng từ tan xác là sự mô tả hoàn toàn đúng. Ngay cả
Petrotimes cũng đã thừa nhận việc này, nhưng theo họ "Chúng ta chỉ
nghe đến từ “tan xác” khi nói về việc bắn rơi máy bay quân thù".
Nói về nghĩa của từ tan xác thì tất cả các từ điển
tiếng Việt hiện nay đều không có giải thích nghĩa của từ, song vì tan xác là một
từ thuần Việt nên hầu hết người Việt đều hiểu nghĩa của nó. Đó là sự mô tả xác
của một vật (tĩnh vật, động vật) bị rã ra nhiều mảnh, không còn nguyên thể như
ban đầu. Nếu như thế, chiếc máy bay CASA ở trong tình trạng với vô số các mảnh
vụn như vậy, thì không dùng từ tan xác thì phải dùng từ gì? Nếu chiểu theo
luật pháp Việt nam và quy tắc đạo đức nhà báo, thì hành động của nhà
báo Mai Phan Lợi hoàn toàn phù hợp. Đây chỉ là việc thực thi quyền biểu đạt
quan điểm cá nhân, chắc chắn không vi phạm quy tắc đạo đức của nhà báo.
Vậy mà Petrotimes của ông Nguyễn Như Phong đã không
ngần ngại chụp mũ rằng "Trong lúc cả nước đang đau buồn và lo lắng
cho số phận của những cán bộ, chiến sĩ trong vụ rơi máy bay Su 30 và CASA thì một
nhà báo có thẻ, từng đứng rao giảng về đạo đức báo chí lại viết bằng một giọng
hả hê, độc ác đến chưa từng thấy…"? Cũng như Trung tướng Phạm
Xuân Thệ hay Thiếu tướng Lê Mã Lương cho rằng, việc ông Mai Phan Lợi dùng từ
“tan xác” khi nói về CASA 212 mất tích cùng 9 cán bộ chiến sỹ là tàn ác, quá phản
cảm và phải kỷ luật thật nặng. Không hiểu họ căn cứ vào đâu, chuẩn mực nào để
đưa ra những sự áp đặt kỳ lạ và tùy tiện như vậy?
Xử
lý nghiêm khắc
Sau sự cố nói trên, nhà báo Mai Phan Lợi đã nhận lỗi
và đưa ra lời xin lỗi với cộng đồng Diễn đàn Nhà báo trẻ, trong đó có thừa nhận
rằng, có sử dụng ngôn ngữ không chính xác, có thể gây tổn thương; đã quyết định
xoá mục thăm dò; hứa sẽ không thực hiện các cuộc thăm dò ý kiến và sử dụng ngôn
ngữ quá nhạy cảm. Vậy mà theo nhà báo Đoan Trang cho biết, vài hôm nay ông Mai
Phan Lợi đã liên tục bị cơ quan công an thẩm vấn, khiến cả gia đình của ông sống
trong tâm trạng lo sợ.
Ngày 20/6/2016, trước ngày báo chí Việt Nam đúng một
ngày, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã có quyết định rút thẻ nhà báo
của Mai Phan Lợi, đồng thời, báo Pháp Luật TP.HCM cũng đã ra quyết định đình chỉ
chức vụ của ông. Với lý do ông Mai Phan Lợi đã "xúc phạm
nghiêm trọng danh dự của Quân đội nhân dân Việt Nam; gây tổn thương sâu sắc đến
gia đình, người thân, đồng đội của những cán bộ, chiến sĩ gặp nạn khi đang làm
nhiệm vụ; làm tổn hại đến uy tín của đội ngũ những người làm báo". Chưa
hết, chương trình Thời sự buổi 19h, tối ngày 20/6 của VTV đã có phóng sự dài
hơn 3 phút đề cập tới vấn đề này với các cáo buộc hết sức nặng nề.
Điều này đã khiến người ta nhớ lại việc việc tháng
9/2015, nhà báo Đỗ Văn Hùng, phó Tổng thư ký tòa soạn báo Thanh niên đã bị Bộ
trưởng Bộ TT&TT ký quyết định tước thẻ nhà báo. Nguyên nhân vì đã viết một status
"tếu táo"toàn dấu sắc trên trang facebook cá nhân của mình, trong
đó có đề cập đến một số lãnh tụ đề cập. Khi đó, người ta cho rằng là do nhà báo
này đã động chạm đến Đảng, đến các lãnh tụ là những chuyện nhạy cảm, và là điều
cấm kị ở Việt Nam. Nhưng trường hợp của nhà báo Mai Phan Lợi không vướng vào những
lỗi đó, vậy tại sao họ xử lý nghiêm khắc và nhanh chóng như vậy?
Cũng có nhiều người nghĩ lý do xử lý đối với nhà báo
Mai Phan Lợi lần này đơn giản chỉ là "Giàu thì nó ghét, đói rét thì nó
khinh, thông minh thì nó tìm cách tiêu diệt!". Vì thế việc xử lý của Bộ
TT&TT lần này cũng tương tự việc xử lý của nhà báo Đỗ Văn Hùng vào năm 2015
thì có lẽ không phải. Mà đây là vấn đề nghiêm trọng và họ đang tiến hành các bước
để...
Vô
hiệu hóa Diễn đàn Nhà báo trẻ
Dư luận cho rằng, nhà báo Mai Phan Lợi và Diễn đàn
Nhà báo trẻ lâu nay đã lọt vào vòng ngắm của các cơ quan chức năng và họ chỉ chờ
có cơ hội để vô hiệu tổ chức này. Nên biết Diễn đàn Nhà báo trẻ, có hơn 12.000
thành viên đa số là nhà báo và sinh viên học nghề báo tham gia sinh hoạt, nhà
báo Mai Phan Lợi giữ vai trò người điều hành diễn đàn này. Với chủ trương
là nơi để các nhà báo chia sẻ nghiệp vụ, kinh nghiệm làm báo, bày tỏ quan điểm
và trao đổi về các vấn đề văn hoá, xã hội... Diễn đàn này đã thu hút
được một số đông các nhà báo, bloggers năng động, có tư tưởng cấp tiến. Diễn
đàn Nhà báo trẻ được đánh giá là nơi có số lượng thành viên lớn nhất
trên mạng xã hội ở Việt nam hiện nay. Đáng chú ý sự cở mở của diễn đàn này, đã
được một số những người đấu tranh dân chủ tận dụng để tuyên truyền thông qua việc
tranh luận.
Song việc Diễn đàn Nhà báo trẻ, dưới sự lãnh đạo của
nhà báo Mai Phan Lợi đã thành lập Trung tâm truyền thông giáo dục cộng đồng
(MEC), có trụ sở tại Văn phòng đại diện tại miền Bắc của báo Pháp luật TP.Hồ
Chí Minh tại Hà nội. Chưa hết, nhóm điều hành và quản lý Diễn đàn này tổ chức
ra quỹ Vành khuyên (Khuyên Club) do các thành viên đóng góp. Số tiền của quỹ
dùng để trao giải cho các tác phẩm báo chí có chất lượng, đồng thời có giải Kền
kền để trao cho tác phẩm kém chất lượng. Trên cơ sở được độc giả bầu chọn
với số phiếu cao nhất... Đây cũng là một hình thức được cho là, để tạo dựng một
quỹ tài chính cho tổ chức hoạt động.
Việc hoạt động của Diễn đành Nhà báo trẻ có bài
bản, đã khiến các cơ quan chức năng lo lắng. Hơn thế nữa, người chủ trì
trong vấn đề này - nhà báo Mai Phan Lợi là một đảng viên sẽ là điều hết sức
nguy hiểm. Họ đánh giá rằng, đây là hoạt động nhằm hình thành một tổ chức XHDS
của các nhà báo trẻ - một hình thức NGO phi chính phủ trong lòng nhà nước, với
một quỹ hoạt động của tư nhân. Đây là biểu hiện của tự diễn biến và được coi là
điều hết sức nguy hiểm. Bên cạnh đó, có dư luận cho rằng, nhà báo Mai Phan
Lợi có mối quan hệ khá chặt chẽ với Đại Sứ quán Mỹ tại Hà nội. Việc
ông Mai Phan Lợi là đại diện duy nhất của khối truyền thông tham dự
buổi gặp gỡ giữa các tổ chức Xã hội Dân sự ở Việt nam với Tổng thống
Mỹ Barack Obama tại Hà Nội, ngày 24/5 trong chuyến thăm Việt nam vừa
qua đã cho thấy điều đó. Do vậy, vụ việc xử lý đối với nhà báo Mai Phan Lợi
sẽ có nhiều tình tiết bất ngờ.
Tạm
kết:
Đối với một xã hội không có tự do ngôn luận như ở Việt
nam, khi toàn bộ hệ thống truyền thông được nhà nước kiềm tỏa chặt chẽ, thì các
nhà báo phải nói những gì đảng muốn và không được phép bày tỏ ý kiến cá nhân, nếu
điều đó được coi là không có lợi. Nếu ai không tuân thủ thì người ta sẽ tịch
thu thẻ nhà báo của anh ngay lập tức. Đối với nhà báo ở Việt nam, thẻ nhà báo
là cần câu cơm, nếu mất thẻ nhà báo có nghĩa là sẽ mất nghề, và đồng nghĩa với
việc mất nguồn sống. Cũng có ý kiến cho rằng việc gấp rút xử lý nhà báo Mai
Phan Lợi, với mục đích nhằm để khỏa lấp sự kiện máy bay quân sự rơi liên tiếp
trong một thời gian ngắn.
Tuy vậy, trường hợp của nhà báo Mai Phan Lợi thì
không đơn giản như thế, đây là một sự tính toán không hề đơn giản. Nếu nhà nước
không ra tay xử lý ông Mai Phan Lợi và Diễn đàn Nhà báo trẻ, có nguy cơ trong
thời gian tới sẽ có nhiều các tổ chức NGO tương tự sẽ hình thành và đi vào hoạt
động. Với xu hướng chung của thế giới tiến bộ, khi thể chế chính trị xã hội dựa
theo công thức: Nhà nước Pháp quyền - Xã hội Dân sự - Kinh tế thị trường. Do vậy
sự hình thành các tổ chức XHDS tương tự như Diễn đàn Nhà báo trẻ, dần dần sẽ
đe dọa quyền lãnh đạo độc tôn của Đảng CSVN. Vì thế, sau đây các cơ quan chức
năng sẽ tiếp tục điều tra làm rõ các hoạt động của ban lãnh đạo cũng như
các thành viên của Diễn đàn Nhà báo trẻ, mà ông Mai Phan Lợi đóng vai trò lãnh
đạo.
Ngày Nhà báo VN 21/06/2015
©
Kami
* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không
thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA.
No comments:
Post a Comment