Chủ Nhật, ngày 12 tháng 6 năm 2016
"Nhà
lãnh đạo giỏi và được lòng dânlà nhà lãnh đạo mà người dânthích được cùng chụp
hình selfie.”
*
Ngày vui qua mau, “cơn sốt Obama” đã tạm lắng xuống.
Chuyến đi lịch sử của ông Obama đến Việt Nam nay chỉ còn lại những tấm ảnh màu.
Trong số những ảnh “kỷ niệm một chuyến đi” ấy, tấm ảnh Tổng Thống Mỹ và tay đầu
bếp nổi tiếng Anthony Bourdain dùng bữa tối tại một quán ăn bình dân với thực
đơn là món bún chả và bia Hà Nội được cư dân mạng bình chọn là ảnh “hot” nhất.
Cả những tờ báo lớn nước ngoài cũng đồng loạt đăng lại ảnh này và xếp hạng đầu
trong số những ảnh “ấn tượng” nhất của tuần lễ cuối tháng Năm (bên cạnh ảnh các
nhà lãnh đạo G7 trồng cây lưu niệm trước giờ khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh ở Nhật,
ảnh chiếc tàu chở gần 600 người nhập cư bị lật úp ngoài khơi Libya…).
Ảnh: Pete Souza /
White House/Instagram
Những
ảnh đẹp về một chuyến đi
Tấm ảnh ấy, nếu phổ biến trước ngày ông Obama đến Việt
Nam, người xem dễ nghĩ đấy là ảnh ghép với thủ thuật photoshop,
ghép hình ông Obama và một bạn nhậu đang ngồi lai rai với nhau trong một quán
ăn nào đó trong số rất nhiều quán xá như thế ở Việt Nam. Tấm ảnh khôi hài có
tên “Một hai ba…, dzô!” chẳng hạn. Thế nhưng, đấy lại là ảnh thật, nói như
trong nước là “người thật, việc thật”, mặc dù có chút dàn dựng đối với các diễn
viên phụ (mặt mũi tỉnh queo không thèm biết hai thực khách ngồi gần mình là
ai).
Vì sao tấm ảnh này lại có sức hấp dẫn đối với người
trong nước đến như thế? Cũng dễ hiểu thôi, thứ nhất, tấm ảnh thật lạ, lạ đến
khó tin; thứ hai, tấm ảnh minh họa rõ nét phong thái của nhà lãnh đạo một đất
nước tự do, không giống như lãnh đạo… nước mình.
Báo chí nước ngoài thì chỉ chú ý đến cái giá 6 USD
quá rẻ cho bữa ăn hai người và tỏ ra thích thú với cảnh ông Obama “enjoy” bữa
ăn tối sau một ngày dài làm việc khá bận rộn và mệt mỏi. Trông tác phong hai vị
thực khách này chẳng khác gì những anh chàng Tây ba-lô vẫn gặp đâu đó trên đường
Bùi Viện, Đề Thám hay Phạm Ngũ Lão ở Sài Gòn. Nhu cầu khám phá “văn hóa ẩm thực”
của người Việt khiến hai chàng chẳng nề hà gì mà ngồi sà ngay xuống hai chiếc
ghế thấp bên chiếc bàn thấp vẫn thấy ở những quán cóc xập xệ, không có được cái
lưng ghế để mà dựa dẫm tấm lưng rộng cho đỡ mỏi.
Đối với nhiều người Việt thì đây là tấm ảnh “đẹp” nhất
trong chuyến thăm Việt Nam của ngài Tổng Thống Mỹ. Ảnh chụp ông ngồi trong một
quán bún chả ở Hà Nội với một ông bạn trông khá “ngầu”, ăn mặc lè phè, áo bỏ
ngoài quần, cánh tay xăm trổ vằn vện, cả hai cùng ngửa cổ nốc một hơi chai bia
ướp lạnh, chứ không phải ảnh ông cùng Chủ tịch nước duyệt hàng quân danh dự,
hay ảnh cuộc hội đàm song phương giữa các quan chức cao cấp Việt-Mỹ, hay ảnh lễ
ký kết hợp đồng “khủng” phía Việt Nam đặt mua 100 máy bay Boeing trị giá đến
hơn 11 tỷ USD…
Một tấm ảnh khác cũng đẹp không kém, tuy không được
phổ biến bằng ảnh “Một hai ba…, dzô!” nhưng tính chân thực của ảnh thì không ai
nghi ngờ gì được. Ảnh này cũng nằm ngoài các sự kiện ghi trong lịch làm việc của
ông Obama ở Việt Nam.
Hôm ấy, trưa ngày 24/5, giữa cơn mưa tầm tã trên đường
ra sân bay Nội Bài để đáp Air Force One vào thăm Sài Gòn, lấy cớ tìm mua cốm, một
đặc sản truyền thống của làng Mễ Trì, ông Obama ngẫu hứng ra hiệu cho đoàn xe tạt
vào một khu chợ nhỏ ở đầu làng để “thăm dân (Việt) cho biết sự tình”. Người dân
làng khó mà tin ở mắt mình khi trông thấy xa giá của “nhà vua” và dàn xe bóng
loáng của đoàn tùy tùng bất ngờ dừng lại gần cổng làng giữa cơn mưa nặng hạt. Tổng
Thống Mỹ xuống xe, khuôn mặt rạng rỡ, nụ cười nở rộng, một tay cầm dù che mưa,
một tay đón bắt những bàn tay chìa ra giữa đám đông lố nhố, bước qua những vũng
nước mưa trơn trợt, tạt vào quán nước trà đá ven đường. Cô chủ quán có nằm mơ
cũng không ngờ được rằng người khách lạ nước ngoài cao lêu nghêu, nước da
ngăm ngăm đen, bước vào cái quán lụp xụp của mình xin trú mưa lại là ngài Tổng
Thống của xứ sở giàu có và văn minh nhất thế giới đến từ bên kia bán cầu.
“Ông ấy hỏi tôi”, cô chủ quán kể, “‘ngoài nước trà
đá, thuốc lá, kẹo cao su chị còn bán thêm thứ gì nữa không?’ Đang lúc bất ngờ,
tôi trả lời ‘Thưa chỉ bán có thế này thôi, đến mùa cốm thì có thêm cốm.’”
Tôi chắc ông Obama nghe câu trả lời mà không khỏi chạnh
lòng.
“Sau đó ông mời tôi chụp chung bức ảnh làm kỷ niệm,”
chủ quán kể tiếp. “Ban đầu tôi còn ngại vì ăn mặc không đẹp, nhưng khi nghe mọi
người nói đây là người đứng đầu nước Mỹ thì tôi không ngại nữa. Chụp ảnh xong,
ông ôm tôi nói cám ơn.”
Tấm ảnh cô chủ quán trà đá vẻ mặt ngời sáng ngước
nhìn ngài Tổng Thống Mỹ đứng bên cạnh chụp hình chung với gia đình mình trong
quán nước xập xệ, nhếch nhác và trong tiếng mưa rơi lộp độp trên những mái tôn
trống hoác là tấm ảnh thật đẹp với những nụ cười hạnh phúc từ trời rơi xuống.
Câu chuyện ông Obama đội mưa làm một chuyến vi hành
thăm người dân nghèo ở một làng quê ven đô đẹp như… câu chuyện thần tiên.
Những ảnh trên sẽ được người Việt nhớ mãi về sau
này. Những tấm ảnh lý thú và độc đáo, nói như trong nước là ảnh “chạm đến trái
tim”.
Cái
xăn tay áo của ông Obama
Tôi chắc không chỉ người Việt mình mà cả đến ông
Obama cũng yêu thích những tấm ảnh này. Trong ảnh, ông như hoá thành một người
nào khác, không giống những tấm ảnh ông phải trình diễn một vẻ trịnh trọng cho
phù hợp với nghi thức ngoại giao và vai tuồng vị nguyên thủ của một siêu cường.
Không giống tấm ảnh ông ngồi bên dãy phái đoàn Mỹ, đối diện các quan chức Việt
Nam trong những cuộc hội đàm song phương. Mặt mũi ai nấy đều nghiêm trọng. Phía
chủ nhà, người mời khách đến chơi, không có lấy một nụ cười xã giao thân thiện.
Những bộ mặt lạnh như tiền làm nhớ tới các cuộc hội đàm tại bàn hòa đàm Paris mấy
mươi năm về trước để tìm một thỏa hiệp chấm dứt chiến tranh Việt Nam giữa các
bên tham chiến. Cả đến lúc cụng ly trong buổi tiệc chiêu đãi trọng thể vị khách
quý, chủ nhà cũng chỉ cười nhếch mép chứ chẳng dám cười ha hả lớn tiếng để khỏi
làm phiền lòng “ông hàng xóm” khó chịu đang trừng mắt, cau mày.
Khi vào đến Sài Gòn ông Obama còn tỏ ra hứng thú hơn
thế nữa và cũng truyền sự hứng thú đến dân Sài Gòn, đặc biệt là giới trẻ. Sự kiện
nổi bật là cuộc “giao lưu” giữa ông và khoảng 800 “thủ lĩnh trẻ” của nhóm Sáng
kiến Lãnh đạo trẻ Đông Nam Á YSEALI (viết tắt của Young Southeast Asian Leaders
Initiative) trong một buổi Town Hall meeting vào sáng ngày 25/5 tại GEM Center.
Nếu người dân Sài Gòn háo hức đổ ra ngoài đường phố để chào đón ông Obama như
đón một người thân vừa đi xa trở về thì những người trẻ trong buổi giao lưu ấy
thật vui sướng được tay bắt mặt mừng và hàn huyên thân mật với người anh cả
(ông Obama là người sáng lập mạng lưới YSEALI), người bạn lớn hay một người thầy
mình hết sức quý trọng, cảm phục và tin cậy. Về phía ông Obama, những lúc được
gần gũi, chuyện trò với giới trẻ người Việt cũng là những giờ phút ông cảm thấy
thoải mái và hứng khởi nhất, cứ nhìn cử chỉ điệu bộ và nụ cười sảng khoái của
ông là đủ thấy.
Ông Obama trông thật trẻ trung trong tấm ảnh chụp buổi
“tâm đàm” giữa ông và các “thủ lĩnh trẻ” hôm ấy. Ông như trẻ lại, như gặp lại
tuổi trẻ của mình. “Hồi còn trẻ tôi lười học, chỉ thích chơi bời và chạy theo
các cô gái,” ông thú nhận. Đó là ngày xưa, còn bây giờ ông là hình ảnh của nước
Mỹ, của đất nước mà mọi người đều bình đẳng như nhau, đều có những cơ hội như
nhau để biến những giấc mơ của mình thành hiện thực, kể cả giấc mơ… làm Tổng Thống.
Bà Michelle có lần, trong bài phát biểu được tán thưởng hết cỡ, nêu rõ tính
cách ông chồng của mình, “Barack muốn rằng, mọi người đều có cơ hội giống như
nhau, có nghĩa là, khi các bạn bước qua được cánh cửa cơ hội, các bạn sẽ không
đóng sầm nó lại ở sau lưng và đi thẳng mà quay lại giữ nó để cho người đi sau
cũng có được cơ hội thành công như các bạn.”
Khi tâm sự rằng ông chỉ là cậu bé 13 tuổi khi chiến
tranh Việt Nam chấm dứt và hai cô con gái ông lúc sinh ra chỉ biết có hòa bình,
ông Obama đã phá vỡ được hàng rào cách ngăn, tạo được sự gần gũi và đồng cảm giữa
ông và người đến nghe ông nói chuyện. Ngồi quanh ông là những người trẻ trong độ
tuổi 18 đến 35, lớp tuổi mà đối với họ, chiến tranh đã đi qua như một kỷ niệm
buồn. Chẳng ai muốn gợi lại mãi những kỷ niệm buồn. Những chương sách cũ đã
khép lại. Những người trẻ tuổi lớn lên sau chiến tranh muốn viết tiếp những
chương sách mới, những đổi thay cho đất nước họ.
Nhiều câu nói của ông Obama trong bài phát biểu tại
Trung tâm Hội nghị Quốc gia và trong cuộc gặp gỡ giới trẻ tại GEM Center được
trích dẫn như những “lời vàng”. Trong những lời ấy, không ít những lời lẽ “truyền
lửa” nhằm thúc đẩy mạnh mẽ sự thay đổi để cho đất nước này đi lên:
“Không gì có thể chặn đứng được sức mạnh của triệu
triệu tiếng nói đòi hỏi sự thay đổi.”
“Thay đổi luôn đến từ những người bình thường làm
nên những chuyện phi thường.”
“Thay đổi sẽ không đến nếu chúng ta trông đợi vào
người khác hoặc trông chờ thời điểm khác.”
Người Việt quan sát và ghi nhớ đến từng chi tiết, từng
cử chỉ điệu bộ của ông Tổng Thống Mỹ. Từ dáng đi nhanh nhẹn, lưng thẳng, như vận
động viên chạy bộ khi lên, xuống thang máy bay. Từ cử chỉ đón lấy bó hoa được
trao tặng, ngắm nhìn hoa trong ít giây, khen hoa đẹp, mỉm cười nói lời cám ơn,
hỏi tên người tặng hoa. Từ cử chỉ cởi phăng chiếc áo vest trịnh trọng, xắn cao
tay áo sơ-mi cho thoải mái và dễ trò chuyện tâm tình. Từ cái bắt tay thật chặt,
giọng nói ấm áp đầy vẻ thuyết phục và lối “diễu” hóm hỉnh làm rộ lên những tiếng
cười. Từ dáng ngồi nghiêng người về phía trước trong lúc chuyện trò tỏ sự chăm
chú lắng nghe người đối thoại. Từ điệu bộ lắc lư khi đệm beatbox cho
cô ca sĩ hát đoạn nhạc rap. Từ điệu bộ ngả người ra sau và nụ cười
thật tươi khi chụp hình “tự sướng” (selfie) cùng các nghệ sĩ sân khấu vây quanh
ông…
Tất cả, vừa là cung cách giao tế mang bản sắc văn
hóa Mỹ vừa toát lên phong cách lịch lãm của một nhà lãnh đạo bản lãnh, một
phong cách bình dị, thân thiện, trí thức, đầy vẻ tự tin và thể hiện sự quan tâm
đến nguời khác một cách thành thật. Người ta nói đến “nụ cười Obama”, “cái vẫy
tay Obama”, “cái xăn tay áo Obama”…, tất cả hình thành một “phong cách Obama”.
Obama, cái tên dễ phát âm, dễ gọi. Người Việt trong
nước gọi “Obama” một cách thân mật chứ không gọi “Tổng Thống Obama”. Không ít
nguời dân Hà Nội và Sài Gòn có được cơ hội thực hành tiếng Anh với… Tổng Thống
Mỹ khi được đến gần ông, được bắt tay ông, “Hello, Obama!”, “How are you,
Obama?”, “We love you, Obama”, “Obama number one!”… và những tiếng gọi, tiếng
hô lớn nhịp nhàng đầy kích động “O-ba-ma!...” cùng với một rừng cánh tay vẫy vẫy
khi trông thấy đoàn xe Tổng Thống Mỹ chạy ngang qua những đường phố.
Một ông bạn hỏi tôi, sau ngày ông Obama rời Việt
Nam, “Làm sao nhận biết được một nhà lãnh đạo có bản lãnh và chinh phục được
lòng dân?” và tôi trả lời không do dự, “Nhà lãnh đạo giỏi và được lòng dân là
nhà lãnh đạo mà người dân thích được cùng chụp hình selfie.”
“Cử chỉ nào ‘ấn tượng’ nhất của ông Obama?” câu hỏi
này cũng không khó trả lời. “Cử chỉ xăn tay áo,” tôi nói. Xắn cao tay áo là cử
chỉ biểu hiện tính năng động, nhiệt tâm nhiệt tình, hòa mình vào quần chúng, và
cũng mang ý nghĩa của sự dấn thân, sẵn sàng nhập cuộc. Giới trẻ cảm thấy thật gần
gũi ông ở cử chỉ ấy, và tôi chắc ông cũng muốn tuổi trẻ Việt Nam cùng xắn cao
tay áo với ông để bắt tay vào việc, mang đến điều gì tốt đẹp cho đất nước mình.
Người
dân đang thiếu thần tượng
Khi dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương
cho Việt Nam ông Obama cũng đồng thời dỡ bỏ hoàn toàn những hàng rào ngăn cách,
dỡ bỏ hoàn toàn nỗi ám ảnh gọi là “hội chứng chiến tranh Việt Nam” đồng thời
cũng dỡ bỏ hình ảnh xấu xí và tâm lý nghi ngại nào còn sót lại nơi người Việt ở
trong nước, nhất là người dân miền Bắc là đối tượng tuyên truyền thời chiến
tranh “chống Mỹ cứu nước”, để thay vào hình ảnh khác trông được mắt hơn về nước
Mỹ, người Mỹ, mang đến mối thiện cảm, gắn bó và tin cậy.
Với nhiều người Việt trong nước, những ngày ông
Obama ở thăm đất nước này giống như ngày hội lớn. Mọi người “phấn khởi hồ hởi”
đổ ra ngoài đường phố chào đón ông khách quý, tạm quên đi những lo toan cơm áo
thường ngày, quên cả chuyện bầu cử đại biểu quốc hội và hội đồng nhân dân gì gì
đó được nhà nước cổ động rầm rộ trước ngày Tổng Thống Mỹ đến Việt Nam. Cuộc bầu
bán có được nhà nước gọi là “thắng lợi vẻ vang” hay đạt tỷ lệ trên 99 % cử tri
nô nức đi bầu thì người dân cũng chỉ cười khì, vì nghe mãi cũng… quen tai.
Ngày vui qua mau, trong lúc ông Obama đặt vòng hoa tại
đài tưởng niệm ở Hiroshima để tưởng nhớ 140 ngàn nạn nhân của trái bom nguyên tử
thả xuống thành phố này 71 năm về trước thì người Việt lại quay về với những
câu chuyện còn dở dang. Chuyện dài cá chết bước sang “tập hai” sau tuần lễ tạm
nghỉ giải lao để chào đón vị Tổng Thống Mỹ thứ ba sau chiến tranh đến thăm đất
nước, dân tộc này. Người biểu tình lại tiếp tục xuống đường để “làm việc” với
nhà nước về những vấn đề vẫn còn nguyên trạng sau ngày ông Obama rời Việt Nam.
Nhiều khẩu hiệu, biểu ngữ lại được trương ra trong cuộc tuần hành cuối tuần
nhân ngày Quốc Tế Vì Môi Trường. Ngoài những khẩu hiệu quen thuộc có thêm các
khẩu hiệu “Vì cá, vì nước, cả nước xuống đường”, “Quốc Hội ở đâu?”… Lực lượng
an ninh lại tiếp tục trình diễn những màn lôi kéo, đấm đá, kẹp cổ, “hốt” lên
xe... Dường như nhà nước vẫn không có sáng kiến đối thoại nào hay ho hơn. Những
tiếng hô hào, hò hét khẩu hiệu của người biểu tình như dội vào bức tường câm lặng.
“Cuộc chiến” giữa lực lượng an ninh và người biểu
tình là cuộc chiến giữa nhà nước và nhân dân. Người dân và nhà cầm quyền ngày
càng tỏ ra là hai phía đối nghịch, hai bờ chiến tuyến. Anh đường anh, tôi đường
tôi. Việc anh, anh làm; việc tôi, tôi làm. Sau chuyến thăm của ông Obama, người
ta cảm thấy cái hố sâu, khoảng cách giữa nhà nước và người dân như càng sâu,
càng dài thêm ra.
Cuộc tuyệt thực của người tù lương tâm Trần Huỳnh
Duy Thức kéo dài đã trên 10 ngày, thể hiện quyết tâm cao độ, đòi hỏi “thượng
tôn pháp luật và trưng cầu dân ý”. Cuộc “tịnh khẩu” của lãnh đạo nhà nước
kéo dài đã trên 2 tháng, thể hiện bản lãnh kiên cường, trơ như sắt vững như đồng.
Mặc ai muốn nói gì thì nói, mặc ai muốn làm gì thì làm, nhất định không mở miệng.
“Cá cần nước sạch, dân cần minh bạch”. Khẩu hiệu nhức
nhối, được chọn là khẩu hiệu “ấn tượng” nhất của người biểu tình. “Minh bạch”
nghĩa là không mờ ám, không lấp la lấp liếm, không lơ lửng lập lờ. Đòi nhà nước
minh bạch là chuyện không tưởng, là chuyện đòi mặt trăng, chẳng khác chi đòi giải
thể chế độ, một chế độ từng có lắm thành tích không minh bạch.
Ông Obama đến rồi đi, cá chết vẫn tiếp tục chết, người
tuyệt thực vẫn tuyệt thực, người tịnh khẩu vẫn tịnh khẩu. Dẫu sao người dân vẫn
cám ơn ông mang đến chút thay đổi không khí, như cơn mưa rào giữa những ngày hè
oi ả, ngột ngạt. Người ta vẫn nhớ hình ảnh sau cùng của ông khi bước đến cửa
máy bay, xoay người lại, nở nụ cười quen thuộc trong lúc giơ cao cánh tay vẫy
chào từ biệt mọi người trước khi bước vào lòng máy bay. Ông đã khuất bóng nhưng
người ta vẫn còn nhắc tên ông với tình cảm quý mến và lòng ngưỡng mộ trong những
câu chuyện thường ngày, và còn nhắc mãi về sau này.
Obama, vì sao ông được yêu mến đến như thế? Thật dễ
hiểu, vì ông đáp ứng được lòng mong mỏi, khát khao của người dân nước tôi. Ông
được đón chào nồng nhiệt, được hăm hở, vồ vập bắt tay là vì thế. Người Việt
đang khao khát; nói cho đúng hơn, đang thèm khát có được một lãnh tụ như thế, một
lãnh tụ cùng đồng hành, cùng chung đường chung lối với người dân chứ không phải
“hai người hai lối”.
Obama, ông đã thực sự chinh phục trái tim người dân
Việt, ông đã hớp hồn giới trẻ người Việt. Sự ngưỡng mộ quá mức của người
Việt trong nước dành cho ông Obama cho thấy rõ một điều: người dân đang thiếu
thần tượng.
Người dân không thể không làm một cú so sánh giữa
nhà lãnh đạo nước người và nước mình, không thể không bắt chước ông Obama mà lẩy
Kiều, “Trông người mà ngẫm đến ta…”
Biết đến bao giờ người dân trong nước mới có dịp
tham dự vào một cuộc “giao lưu” với lãnh tụ nước mình (như cuộc giao lưu thoải
mái vừa qua với lãnh tụ nước Mỹ) về tình hình thời sự, về vận mệnh đất nước, và
nhận được những câu trả lời thẳng thắn, minh bạch cho các câu hỏi của tham dự
viên về cá chết, về ô nhiễm môi trường, về chủ quyền biển, đảo, về các quyền sống
của con người… vân vân. Có vẻ… như chuyện thần tiên.
Tuổi trẻ tin vào những gì ông Obama nói, tin vào những
lời lẽ như phát đi một tín hiệu, một lời hứa hẹn: “Đây là thời điểm của các bạn.
Và khi các bạn theo đuổi một tương lai mà mình muốn đạt tới, tôi muốn nói với
các bạn rằng: nước Mỹ ở bên cạnh các bạn.”
Obama, ông là tấm gương sáng của sự phấn đấu và
thành công mà giới trẻ muốn được học hỏi nơi ông. Mai đây, trong số những “thủ
lĩnh trẻ” tham dự buổi giao lưu ấy, sẽ có những người hăng hái xắn cao tay áo
giống như ông để tham gia việc nước và trở thành “thủ lĩnh” tầm cỡ giống như
ông để mang về một vận hội mới cho đất nước, cho dân tộc mình. Sao không? Biết
đâu đấy! Nhất định những người trẻ ấy phải là những người chủ tương lai của đất
nước mình, chứ không phải bất cứ ai khác.
* * *
“Ông Obama đi rồi, em vẫn còn lâng lâng. Em nhớ ông ấy!”
Câu này được cư dân mạng chuyền cho nhau, nói là đọc
được trong e-mail của một cô gái ở trong nước. Nếu không thấy tên ông Tổng Thống
Mỹ trong câu ấy người ta dễ nghĩ trái tim cô rung lên những nhịp đập xao xuyến
vì chàng trai nào đó.
Không riêng gì cô gái ấy, nhiều bạn trẻ trong nước
đã “phải lòng” Tổng Thống Mỹ.
“Ông sẽ trở lại Việt Nam chứ?” Trả lời câu hỏi của
cô gái tên Thiên Hương trong tổ chức “Save Son Doong”, ông Obama nói rằng ông
có ý định làm một cuộc thám hiểm hang động Sơn Đoòng trong lần ông trở lại đất
nước này. Chắc không phải là câu nói xã giao cho vui, vì ông còn hỏi kỹ là phải
mất mấy ngày đi bộ để chinh phục hang động này. “Bảy ngày? Ok, chơi luôn,” ông
nói. “Tôi vẫn còn trẻ mà.” Ông tự hào mình vẫn trẻ hơn các Tổng Thống khác sau
khi về vườn.
Ông nói rằng ông sẽ trở về. Ông nói thiệt chứ không
nói chơi, tôi tin là vậy. Chuyến này thì ông sẽ có nhiều thời gian hơn và cũng
thoải mái hơn để enjoy mọi thứ trên đời. Không cần đáp Air
Force One, không cần tiền hô hậu ủng, không cần đặc vụ mật vụ bám sát. Ông có
thể tà tà thả bộ ngoài đường, lang thang trên các hè phố, tấp vào một quán cóc
vỉa hè nhấm nháp ly café sữa đá, nhìn dòng đời ngược xuôi, xuôi ngược. Ông có
thể đi khắp hang cùng ngõ hẻm, thưởng thức nhiều món “đặc sản” Việt Nam ngon và
rẻ, chứ không phải chỉ có bún chả thôi đâu (thế nào lại chẳng có nhiều người
tranh nhau chiêu đãi ông món này món nọ). Chỉ có khác là chuyến về lần này ông
sẽ thấy đất nước và con người Việt Nam có lắm đổi thay, đời sống êm ả hơn,
không khí dễ thở hơn, không còn tuần hành, biểu tình cây chết cá chết, Hoàng Sa
Trường Sa, không còn tọa kháng, tuyệt thực, không còn ai hò hét, đánh đập, lôi
kéo ai ngoài đường… Ông muốn gặp ai thì gặp, chẳng ai ngăn chận. Ông lại bắt
tay những người trẻ thêm một lần nữa, ông lại chơi beatbox thêm
một lần nữa để nghe thêm một đoạn nhạc rap nói về ước mơ của
tuổi trẻ ngày nào mang đến những đổi thay cho đất nước nay đã thành sự thật.
Chỉ là ước mơ và ước mơ, thế nhưng ai cấm được những
ước mơ đâu, để cho cuộc sống dễ chịu hơn một chút; và hơn thế nữa, không phải
là ông Obama từng nói, khi những người trẻ dám theo đuổi ước mơ và đam mê với
công việc thì mọi ước mơ đều trở thành sự thật hay sao?
“Bao giờ ông trở lại?” Lúc này ông Obama chẳng còn bụng
dạ nào để mà trả lời. Ông còn đang lo đủ thứ chuyện, nhiều chuyện ông phải gấp
rút làm cho xong để mà thở phào bước chân ra khỏi Toà Bạch Ốc, kể cả việc làm
sao để người ngồi vào chiếc ghế Tổng Thống sau ông phải là người cộng sự thân
thiết của ông ngày trước, để cho “dấu ấn Obama” vẫn còn lưu lại về lâu về dài
trong lòng người dân Mỹ và những người yêu mến ông.
Dù sao thì người Việt trong nước vẫn đợi chờ, vẫn nhắc
tên ông. Obama, bao giờ ông trở lại?
Lê Hữu
No comments:
Post a Comment