15.06.2016
Truyền thông và công luận Việt
Nam trong những ngày gần đây đang nóng lên về một số vụ việc gắn với các quan
chức chính quyền.
Cựu Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, vừa rời chức vụ cách đây 2 tháng,
đã bị chất vấn về việc đưa con trai là Vũ Quang Hải vào các vị trí lãnh đạo
trong bộ và trong doanh nghiệp nhà nước.
Mới nhất là việc cựu Bộ trưởng
Công thương Vũ Huy Hoàng, người mới rời chức vụ cách đây 2 tháng, bị Hiệp hội Đầu
tư Tài chính Việt Nam (VAFI) chất vấn trong một lá thư đề ngày 13/6 về việc đưa
con trai là Vũ Quang Hải vào các vị trí lãnh đạo trong bộ và trong doanh nghiệp
nhà nước.
Chức vụ cuối cùng mà ông Hải nắm
giữ từ tháng 2/2015 là Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Bia Sabeco, một doanh nghiệp
nhà nước lớn.
Nhận xét về lý do công luận bất
bình về việc bổ nhiệm này, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản
lý Kinh tế Trung ương, nói với VOA Việt ngữ:
“Đây là một cái việc sai trái rất rõ ràng. Một ông bộ trưởng là đại diện
chủ sở hữu nhà nước ở cái tổng công ty đó lại bổ nhiệm con mình vào chức vụ là
phó tổng giám đốc ở đấy là một cái điều sai hẳn Luật Doanh nghiệp”.
Trước vụ việc này, truyền thông
và công luận Việt Nam cũng tập trung sự chú ý, kể cả bày tỏ thái độ bực bội về
trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh, Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang, đi xe tư nhân rất
sang trọng nhưng lại gắn biển xanh chỉ dành cho xe nhà nước, bên cạnh đó là những
nghi vấn về việc ông trúng cử đại biểu quốc hội.
Sự ồn ào về ông Thanh trên truyền
thông đã dẫn đến việc Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng ngày
9/6 yêu cầu các ủy ban của đảng, Bộ Công an và một số cơ quan nhà nước, kể cả Tập
đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, nơi ông Thanh từng làm lãnh đạo, phải kiểm tra,
xác minh những nội dung mà báo chí phản ánh về ông này. Ông tổng bí thư yêu cầu
phải “coi đây là việc cần làm ngay”.
Trên mạng xã hội, một số người
cho rằng những vụ này là dấu hiệu của một cuộc bài trừ nạn bè phái, lạm quyền,
song ở một quy mô nhỏ hơn và ít ầm ĩ hơn nhiều so với chiến dịch “Đả hổ diệt ruồi”
ở Trung Quốc. mặc dầu vậy, với con mắt chuyên gia, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh đưa ra
nhận định:
“Tôi nghĩ rằng đó là các dấu hiệu của sự chuyển động chứ không phải đây
là một chiến dịch mà giống như là ông Tập Cận Bình đã thực hiện trong nhiều năm
nay. Hai cái sự việc nó khác nhau”.
Tiến sỹ Doanh cho rằng những
hành động mới đây của lãnh đạo đảng cầm quyền có thể bị thúc đẩy bởi những mong
muốn thay đổi của người dân sau nhiều năm chứng kiến rất nhiều điều bất hợp lý
trong cách thức điều hành chính quyền và vận hành xã hội. Ông cho rằng “có dấu
hiệu” là sự thay đổi - được giới lãnh đạo chính trị điều khiển, kiểm soát -
đang “thật sự chuyển dịch, có tính chất mạnh mẽ và đồng bộ hơn”.
Ông nói thêm một cách cụ thể:
“Tôi nghĩ rằng đây là sự chuyển động từng bước và có căn cứ và được sự ủng
hộ của người dân. Đây cũng phản ánh đòi hỏi của công luận, của người dân và
doanh nghiệp. Nó thể hiện cái yêu cầu của sự phát triển của kinh tế, của xã hội
Việt Nam, thể hiện khát vọng dân chủ”.
Thời gian gần đây, đảng cầm quyền
đã chịu nhiều sức ép từ người dân khi họ liên tục lên tiếng thông qua truyền
thông và mạng xã hội về tình trạng ô nhiễm môi trường, nạn lợi ích nhóm, và các
cái sai trái khác. Sức ép này dường như đã dẫn đến một số thay đổi nhưng chưa
to lớn và có tính cơ bản như nhiều người mong đợi.
---------------
No comments:
Post a Comment