Saturday, June 4, 2016

LIỆU VIỆT NAM CÓ QUYẾT ĐỊNH RỜI KHỎI TRUNG QUỐC ? (Bùi Quang Vơm)





Bùi Quang Vơm
Posted by adminbasam on 04/06/2016

Tổng thống Mỹ Barack Obama, vị Tổng thống thứ ba của Mỹ đến thăm Việt Nam kể từ khi bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ, đã kết thúc chuyến thăm được đánh giá làm sâu sắc thêm quan hệ giữa hai quốc gia từng là cựu thù, trước hết đem lại nhiều chờ đợi trong dân chúng về một triển vọng sáng sủa hướng về phía tiến bộ. Chính sách ngoại giao của Việt Nam hứa hẹn sẽ có ít nhiều thay đổi.

Tuy nhiên, điều này hoàn toàn không đơn giản. Quan hệ Việt – Mỹ dù các cố gắng tăng cường, không thể tách hẳn đường lối các chính sách ngoại giao của Việt Nam khỏi những nguyên tắc truyền thống. Từ sau năm 1991, khi khối XHCN thế giới tan vỡ, Việt Nam theo đuổi con đường cải cách, trong đó có chính sách ngoại giao độc lập trong đa dạng và đa hướng, với quan điểm xây dựng một môi trường hợp tác và hòa bình với bên ngoài, tạo điều kiện theo đuổi các lợi ích quốc gia như phát triển kinh tế, chủ quyền quốc gia, duy trì chế độ độc đảng cầm quyền, phát triển kinh tế và xã hội. Nhưng những nguyên tắc này thường được rút gọn lại bằng bốn chữ, “chế độ và tăng trưởng”. Đó là những thứ mà lãnh đạo Việt Nam gọi là “nhị bất biến, ứng với vạn biến”. Trước hết là chế độ, chống mọi thế lực thù địch và âm mưu diễn biến. Tiếp đến là tăng trưởng kinh tế nhằm tìm kiếm chính danh và sức mạmh đảm bảo ổn định cho chế độ.

Ưu tiên chế độ trở thành ưu tiên ý thức hệ dẫn đến ưu tiên quan hệ Trung Việt. Sau ba mươi năm, quan hệ Trung Việt phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu, bề ngoài, có vẻ như chế độ có một chân đế vững chắc. Không có gián điệp Trung Quốc gây bạo loạn, không có Trung Quốc làm diễn biến hoà bình. Không có Mặt Trận kháng chiến phục Việt do Trung Quốc giật dây, nuôi dưỡng. Không có “dân chủ và nhân quyền tư bản”.

Nhưng, sau ba mươi năm, biên giới hầu như thông thương, mọi thứ, cả con người lẫn phương tiện qua lại như anh em trong nhà, không thể phân biệt ngay, gian. Rừng biên giới có người Trung Quốc rào chắn, làm đường, đào hầm, lập làng, cưới vợ, gả chồng sinh con, đẻ cái. Công ty Trung Quốc hiện diện ở khắp mọi nơi, thuê dài hạn và chiếm những vị trí xung yếu, trên suốt chiều dài đất nước, đặc biệt vùng đất hẹp miền Trung. Nền công nghiệp què quặt của Việt Nam, phần lớn sản xuất bằng công nghệ lỗi thời của Trung Quốc, sử dụng nguyên liệu nhập từ trung Quốc, sẵn sàng tê liệt khi mất nguồn cung từ Trung Quốc. Người ta không thể quên, những lãnh tụ Trung Quốc từng tổng kết rằng, có ba con đường để Trung Quốc mở rộng lãnh thổ, một là đồng hoá các dân tộc trong cùng biên giới, hai là dồn dân tới các vùng giáp ranh để lấn đất, ba là gây chiến tranh.Với Bôxít trên nóc cao Nguyên, khu công nghiệp Vũng Áng trấn tại đèo ngang Hà Tĩnh, một khi chiếm trọn Trường Sa, thì cả biển lẫn đất có nguy cơ không có cách gì giữ được?

Chủ trương chế độ trên hết đã bộc lộ là một chủ trương sai lầm. Càng gần Trung Quốc, càng phát triển rộng và sâu với Trung Quốc, chính quyền Việt Nam càng mất dần khả năng kiểm soát đất nước, chủ quyền biển đảo càng có nguy cơ không giữ được. Đây mới chính là thực chất của mối đe dọa chế độ.

Việt Nam tìm kiếm trước hết sự hỗ trợ từ ASEAN, hy vọng tạo ra được một tiếng nói chung khả dĩ đa phương hoá nguy cơ chèn ép nước lớn của Trung quốc. Nhưng cộng đồng chung này chưa có gì chung ngoài ý chí, thực chất đã bị phân hoá trước thủ đọan chia rẽ bằng lợi ích kinh tế ích kỷ của từng quốc gia thành viên, trong khi cộng đồng tồn tại với một cơ chế đồng thuận lỏng lẻo.

Nhật Bản là một lựa chọn. Việt Nam biết Nhật Bản, với những ràng buộc chưa thể gỡ bởi luật pháp quốc tế đối với một quốc gia nguyên tội phạm chiến tranh, không cho phép Nhật triển khai một cách tự do tiềm lực quân sự và hỗ trợ quân sự các quốc gia khác. Chưa nói, bản thân tiềm lực quân sự của Nhật bản dẫu mạnh, vẫn chưa thể đối đầu với Trung Quốc. Nhưng Nhật Bản có một điểm đặc biệt. Nhật không có đối kháng về thể chế chính trị với chế độ cộng sản độc đảng. Nhật Bản không có yêu cầu nhân quyền kèm theo các hợp tác kinh tế. Vì vậy, Việt Nam gắn kết toàn tâm bằng sự tin cậy hoàn toàn với Nhật Bản. Nhật Bản là một quốc gia dân chủ và là đồng minh đặc biệt của Mỹ. Quan hệ gắn bó và sâu sắc, tin cậy hoàn toàn với Nhật bản, Việt Nam có cơ hội quen dần và thích nghi với chuỗi giá trị khác với hệ thống giá trị truyền thống của chế độ XHCN. Qua Nhật Bản, vốn từng là cựu thù chiến tranh, vì thế, cách nhìn nhận một cựu thù như Mỹ đối với lãnh đạo cộng sản Việt Nam, có phần bớt gay gắt.

Trước một thách thức lớn đến từ sự trỗi dậy, tiềm tàng một tham vọng bành trướng mang tên “giấc mộng Trung Hoa”, biển Đông có nguy cơ biến thành ao riêng của Trung Quốc. Khu vực biển có lưu lượng hàng hoá luân chuyển gần 50% tổng lượng hàng hoá lưu chuyển toàn cầu và trên 5000 tỷ đôla giá trị sản lượng hàng năm, tự do hàng hải, tự do hàng không phía trên vùng biển và an ninh trật tự khu vực có lợi ích gắn với lợi ích của Mỹ.

Sau tuyên bố Mỹ có lợi ích quốc gia với tự do hàng hải và luật pháp quốc tế tại biển Đông của bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, bà Hillary Clinton năm 2010 tại ASEAN, Tổng thống OBAMA tuyên bố chuyển trục chiến lược sang Đông Á.

Việt Nam vốn biết, đàm phán song phương với Trung Quốc chỉ đem lại thất bại. Đàm phán là thủ đọan hoãn binh và trói tay đối phương trên bàn, bằng mồi nhử kinh tế, để Trung Quốc lấn lướt, một mình tự tung, tự tác trên thực địa, tạo ra việc đã rồi, từng bước, từng lát cắt cho đến khi độc chiếm. Việt Nam tìm cách đa phương hoá tranh chấp. Việt Nam tìm kiếm chỗ dựa, tìm hỗ trợ cho cuộc chiến quá chênh lệch với Trung Quốc.

Và Việt Nam đã thấy ở chiến lược chuyển trục Đông Á của Mỹ nhằm bảo vệ tự do hàng hải và trật tự an ninh khu vực theo luật pháp quốc tế, có lợi ích ngăn chặn chủ nghĩa bá quyền của Trung Quốc đồng nhất với lợi ích bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt nam.

Tháng 7/2013, Việt Nam và Mỹ nhất trí nâng cấp quan hệ song phương lên “đối tác toàn diện”, thúc đẩy quan hệ trong mọi lĩnh vực, tạo sự tin cậy gắn kết từng bước tới thực chất.
Cũng bắt đầu từ sau chuyến thăm Mỹ của ông Trương Tấn Sang, Trung Quốc tăng cường trả đũa Việt nam bằng áp lực Hoàng, Trường Sa. Hai nước Việt Mỹ càng tiến lại gần nhau, quan hệ hợp tác giữa hai nước càng phát triển thì thái độ lấn chiếm biển đông càng kiên quyết, tốc độ xây dựng và quân sự hoá theo hướng tăng cường khả năng tấn công càng bộc lộ rõ. Dường như thông điệp mà Trung Quốc muốn chuyển tới lãnh đạo Hà Nội là việt Nam không còn lối thoát bất chấp mọi cố gắng tìm kiếm đồng minh.

Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS, Mỹ) nhận định “nếu tình hình Trung Quốc quân sự hóa biển Đông không được can thiệp, biển Đông sẽ biến thành ao nhà của Trung Quốc vào năm 2030.” Điều này có nghĩa là không có can thiệp Mỹ, sau 2030, Việt Nam sẽ không còn biển? Nếu đường lưỡi bò trở thành hiện thực, ra cách bở khảng 44km, Việt Nam đã lọt vào biển Trung Quốc.(12 hải lý lãnh hải + 12 hải lý giáp ranh lãnh hải), nếu không có phép, tàu thuyền Việt Nam sẵn sàng bị bắn hạ.

Báo Guardian (Anh) tuần trước dẫn lời Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) Michael Hayden cảnh báo nếu Mỹ không xử lý tốt đà trỗi dậy của Trung Quốc trong 10 năm tới thì hậu quả sẽ là thảm họa với Mỹ và với cả thế giới. Theo ông Michael Hayden, “Mỹ cần soạn ra một kế hoạch chặt chẽ và lâu dài cho khu vực Thái Bình Dương trong thập niên tới và cả sau này”.

Mỹ đã có một chiến lược, đương nhiên. Nhưng điều đáng quan tâm là Việt Nam ở đâu trong kế hoạch này? Việt Nam rõ ràng không có nhiều lựa chọn.

Quan hệ Việt – Mỹ phát triển không ảnh hưởng tới các mối liên hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc. Thay vì phải chọn một bên nào, Việt Nam đang cố gắng hết sức để tăng cường quan hệ với cả Trung Quốc và Mỹ, và coi quan hệ với hai nước này là quan hệ các bên đều có lợi.
Để công nghiệp hóa và hiện đại hóa, Việt Nam coi trọng Mỹ như nguồn chính về thị trường, đầu tư, công nghệ và phát minh sáng chế. Các nước khác, trong đó có Trung Quốc, đều đã củng cố quan hệ với Mỹ vì lý do tương tự. Tăng cường quan hệ Việt – Mỹ cũng đem lại cho Việt Nam các nguồn lực ngoại giao và chiến lược mạnh hơn. Mỹ ủng hộ ASEAN đóng vai trò trung tâm trong việc định hình các cấu trúc an ninh khu vực tại Châu Á – Thái Bình Dương và hỗ trợ các thành viên ASEAN, trong đó có Việt Nam, xây dựng năng lực hàng hải để cải thiện khả năng cảnh báo trong lĩnh vực hàng hải và các năng lực an ninh biển.

Tháng 9/2011, Việt Nam và Mỹ đã ký Biên bản ghi nhớ (MOU) nhằm thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương trong 5 lĩnh vực, bao gồm an ninh hàng hải, tìm kiếm và cứu hộ, các chiến dịch gìn giữ hòa bình của LHQ, các hoạt động nhân đạo và cứu trợ thiên tai, và hợp tác giữa các trường đại học quốc phòng và viện nghiên cứu. Trong chuyến thăm vừa qua, Tổng thống Obama đã thông báo dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vũ khí sát thương đối với Việt Nam.

Tuy nhiên, thúc đẩy quan hệ Việt – Mỹ, Việt Nam luôn nhấn mạnh không đồng nghĩa với kiềm chế và chống lại Trung Quốc. Việc dỡ bỏ lệnh cấm trên chủ yếu nhằm tạo điều kiện cho Việt Nam đa dạng hóa nguồn cung cấp trang thiết bị quân sự và đạn dược.

Hình ảnh độc lập của chính sách đối ngoại của Việt Nam chủ yếu dựa vào chính sách quốc phòng, theo đó Việt Nam theo đuổi nghiêm ngặt “nguyên tắc ba không” – Việt Nam sẽ không tham gia một hiệp định quân sự và trở thành một đồng minh quân sự với bất kỳ nước nào, không cho phép bất kỳ nước nào lập căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình, và không dựa vào bất kỳ nước nào để chống lại một nước khác.

Gần đây, Việt Nam đang chịu sức ép trong nước phải xem lại nguyên tắc này, tuy nhiên, việc kiên trì theo đuổi nguyên tắc này vẫn là cố gắng trong chính sách của chính phủ Việt Nam, mặc dù giới lãnh đạo Việt Nam thừa biết, không có sự can thiệp của Mỹ, Việt nam dẫu có quyền mua vũ khí ở bất kỳ đâu, hy sinh thu nhập cho trang bị quốc phòng đến mức nào, cũng không cản được bước tiến của Trung Quốc tới chiếm đọat hoàn toàn.

Là một thành viên ASEAN, Việt Nam đã chủ động tham gia các nỗ lực của Hiệp hội trong việc thu hút tất cả các nước lớn thông qua các cơ chế hợp tác do ASEAN đứng đầu, với chủ trương ASEAN không phải là một hiệp định quân sự hay nằm dưới sự ảnh hưởng của một nước lớn nào, mà là một tổ chức thúc đẩy ngoại giao để giải quyết những bất đồng.

Việc nghiêng về một bên nào đó là không hợp lý và không khả thi, vì cả Mỹ và Trung Quốc, bất chấp những bất đồng của họ, đều đang phối hợp dựa trên một quan hệ kiểu mới coi trọng việc tránh đối đầu quân sự, đồng thời thúc đẩy quan hệ trong mọi lĩnh vực.

Là một nước nhỏ theo dõi sát diễn biến trong quan hệ Mỹ – Trung, Việt Nam không thể không lo ngại các kịch bản Bắc Kinh và Washington trực tiếp đối đầu hoặc thỏa hiệp với nhau.

Lo ngại của Việt Nam không phải là không có cơ sở, vì lịch sử đã cho thấy Việt Nam bị ảnh hưởng bởi những thăng trầm trong quan hệ Mỹ – Trung trong thời Chiến tranh Lạnh.
Vả lại Trung Quốc sẵn sàng làm mọi việc để đạt được thoả hiệp với Mỹ, nhằm chủ yếu dạy bài học cho các quốc gia nhỏ yếu khác. Một chính sách như vậy sẽ đẩy Mỹ đối diện với thử thách không dễ vượt qua, khi Quốc hội Mỹ chỉ lựa chọn lợi ích của người dân Mỹ.

Vì vậy, lựa chọn chính sách là bạn với cả Mỹ và Trung Quốc, chủ động trong ASEAN, và tuân thủ các nguyên tắc toàn cầu của luật pháp quốc tế cũng như các chuẩn mực khu vực đã được thiết lập về cách hành xử và bộ quy tắc ứng xử, có thể là lựa chọn chiếm ưu thế trong các nhà lãnh đạo Việt Nam. Sự cải thiện trong quan hệ Việt – Mỹ sẽ củng cố xu hướng này.

Nhưng liệu chủ trương này của Việt Nam có khả thi không? Với Mỹ, dù không gắn kết bằng một hiệp định đồng minh, Việt Nam vẫn có thể phát triển quan hệ đối tác toàn diện với đầy đủ sự tin cậy và tôn trọng bình đẳng, căn cứ trên luật pháp quốc tế và văn minh nhân quyền. Với Trung Quốc, ngược lại, quan hệ thân thiện hoặc đối tác toàn diện chỉ đem lại thiệt hại. Ngay cả khi là đồng minh, Trung Quốc luôn lợi dụng các hiệp định hợp tác để tạo ra sự trói buộc và lệ thuộc tới mức Việt nam mất khả năng kiểm soát. Trong trường hợp không còn là đồng minh, hoặc có biểu hiện ngả sang phía đối thủ, Trung Quốc sẽ gây áp lực và đe dọa an ninh chế độ, nuôi lửa xung đột buộc Việt nam phải chạy đua quốc phòng, dẫn tới tình trạng chảy máu, kiệt sức.

Làm thế nào để chặn được tất cả các vòi bạch tuộc đang len lách ở khắp mọi nơi. Cách ly hoàn toàn thì có nguy cơ xung đột, gây đổ vỡ lập tức, không thể kịp ứng phó. Nhưng nếu không cách ly, để ngỏ cửa, thì nguy cơ có thể đến chậm, nhưng cũng không có cách nào ngăn chặn được.

Có thể phải lựa chọn cặp đôi với Mỹ, cho dù không tránh khỏi những điều không thể tránh khỏi, nhưng nguy cơ mất nước thì không.



No comments: