22.06.2016
Mấy hôm nay các trang mạng xã hội lẫn nhiều tờ báo
Việt Nam nhuốm đậm màu xám. Xám vì nhiều nỗi buồn cứ chồng chất lên nhau. Xám
vì hầu hết các tin tức nóng nhất là các tin thương tâm, đau lòng hay ghê sợ.
Xin cúi đầu vĩnh biệt những người lính đã nằm xuống thời bình, dù bất cứ lý do
gì phải ra đi, thì các anh cũng là những người đáng được trân trọng, đáng để
ghi tên cho những thế hệ trẻ sống một cách không hèn mọn.
Tôi xin phép gác màu xám đầy thương tâm của vụ những
người lính biển ra đi rồi chẳng thấy về. Thương tâm đủ rồi, đau đớn và xót xa
tràn ngập rồi. Gạt nước mắt quay về thực tại, người ta lại hoảng hồn. Bên cạnh
sự ra đi đầy nhân văn, thì những người ở lại phía sau vẫn còn đang lo sợ, hãi
hùng trong một xã hội mà nhiều người bảo “sống để...tự hại nhau”. Tôi xin phép
đặt tên cho cái lối sống, không phải bao trùm xã hội nhưng hiện diện khắp mọi
nơi, chính là lối sống “không tử tế, thiếu tính con người”.
Khái niệm tử tế quả thật không phải cao siêu hay xa
xỉ. Và sống thiếu tử tế xuất phát từ những hành động nhỏ bé nhất, nhưng mang lại
những hậu quả to lớn không cùng. Không tử tế là khi người ta coi thường nhân mạng
hàng chục người, hàng vài chục người trên những tuyến xe mang danh là cao cấp,
ba bốn năm sao, nhưng tài xế thích chạy sao thì chạy, lấn đường vượt tuyến, đua
nhau tranh khách,... để rồi hết vụ tai nạn này đến tai nạn khác: xe cháy, người
chết không nhận dạng, gia tình tan nát, điêu linh. Không tử tế là khi hàng chục
người ăn bánh mì rồi phải nhập viện, có người tử vong. Chưa có kết luận chính
thức của các cơ quan chức năng, nhưng nỗi sợ về việc đồng bào hại đồng bào vẫn
cứ len lỏi một khách khó nắm giữ và vô cùng khó chịu. Không tử thế là khi biến
hóa thịt heo thành hàng loạt thứ thịt “quý hiếm” như nai, cừu, đà điểu... để rồi
miếng thịt nào cũng nhiễm vi sinh, đe dọa sức khỏe, an toàn tính mạng của người
tiêu dùng: tiền mất, tật mang. Còn chưa kể, thiếu tử thế là khi bán thức ăn cho
sinh viên, những thế hệ tương lai của đất nước, mà trong thức ăn tràn lan những
con giòi khiến người xem còn buồn nôn nói chi đến người dùng.
Những câu
chuyện thiếu tử tế, sống hại nhau như vậy vẫn cứ xuất hiện đều đặn và dường như
có xu hướng ngày càng tinh vi hơn, nguy hiểm hơn, ghê rợn hơn. Sự thiếu tử tế ấy một phần có thể xuất phát từ một môi trường thiếu đạo
đức, thiếu niềm tin vào đạo đức. Con người được sinh ra với tính bản ác hay
tính bản thiện, đó hiện vẫn còn là điều gây tranh cãi. Tuy nhiên, nếu người đó
lớn lên trong môi trường có giáo dục và hướng đến bản thiện, ắt sẽ có khuynh hướng
bản thiện nhiều hơn, tử tế nhiều hơn. Nhớ câu chuyện người Việt hay kể, rằng
khi kêu gọi dân làng góp rượu mở hội cho làng, thì kết quả hồ rượu thành hồ...nước
lả. Ai cũng tin rằng nếu chỉ có mình mang nước lả, thì không ảnh hưởng đến hồ
rượu chung, không ngờ ai cũng mang nước thay vì góp rượu. Phải chăng xã hội
chúng ta nghĩ rằng chỉ có vài ba người xấu, cái xấu sẽ không ảnh hưởng đến xã hội,
hóa ra thành một bể người xấu, đang ngoài kia, làm những chuyện thiếu tử tế: từ
chén cơm, bó rau, con cá, miếng thịt đến những đại dự án sặc mùi nhóm lợi ích.
Sự thiếu tử tế còn xuất phát từ một bộ phận lãnh đạo
thiếu tử tế. Đó là câu chuyện hàng ngày mà người Việt nào có quan tâm đều nghe,
hoặc có khi không quan tâm đến thời cuộc cũng vô tình thấy nhắc ở đâu đó: trong
quán chè lá vỉa hè, trong quán ăn hàng rong, hay thậm chí trong nhà hàng sang
trọng, trên báo chí truyền hình. Nhiều nhà nghiên cứu lẫn báo chí phản ánh, và
dường như chưa ai đủ thuyết phục để phủ nhận sự tồn tại của các nhóm lợi ích,
những gã độc quyền đang thao túng phía sau những ông lớn của nhiều ngành kinh
doanh mang tính thiếu lành mạnh. Vụ việc cán bộ công an lại dám tự ý kinh
doanh, chống lưng cho doanh nghiệp sân sau của mình là một điển hình như vậy. Đó
là chưa nói đến sự tắc trách, hoặc đôi khi trở thành nạn nhân và bất lực của
ngành quản lý trước thời cuộc vốn tồn tại nhiều tiêu cực: từ tuyên bố “thực phẩm
đa phần là sạch nhưng người dân không biết”, đến việc “cá này được chứng nhân sạch,
nhưng an toàn lại là chuyện khác”. Những phát ngôn ấy cho thấy sự bế tắc về quản
lý, sự nhút nhát trước việc đối diện với những nguy cơ bệnh tật, sống chết đang
tràn đến từng nhà, leo lên bàn ăn, chui vào nhà bếp.
Sự bế tắc là khi trên một tuyến đường thênh thang, dẫu
có quanh co cũng không ngặt nghèo như những tuyến đường vượt rừng vượt biển tại
nhiều nơi ở Mỹ, châu Âu hay như Thái Lan, nhưng tai nạn thương tâm cứ ngày đêm
âm ĩ. Mới hôm trước là tông nhau hàng chục người chết, vài hôm sau lại một vụ
tương tự xảy ra. Ai cũng hoảng hồn, ai cũng mất niềm tin, dù không đi xe (vốn
chỉ có vài ba hãng lớn) thì cũng chẳng biết đi bằng gì. Ngành chức năng lúc thì
lên tiếng, lúc chẳng thấy tăm hơi. Không lẽ việc quản lý đường bộ với vài ba
tuyến xe khách khó khăn đến mức như vậy hay sao?
Cuối cùng, cá nhân tôi cho rằng việc những kẻ thiếu
tử tế tràn lan ngoài kia phần lớn cũng vì cơ chế xử lý vẫn còn nhẹ nhàng quá.
Có một nghịch lý về môi trường pháp lý ở Việt Nam, mà một vị đại biểu quốc hội
Việt Nam từng thẳng thừng tuyên bố, đó là môi trường pháp lý thiếu an toàn. Vài
ba người tốt thì không được bảo vệ, trong khi lắm kẻ xấu vẫn cứ ung dung. Xây
quán cà phê, mở cái chuồng gà có khi phải hầu tòa hình sự, trong khi vi phạm kỷ
luật ngành công an, tự ý kinh doanh khi còn làm quan chức, chống lưng cho doanh
nghiệp sân sau,... thì cũng chỉ bị điều đi nơi khác mà vẫn tiếp tục làm nghề.
Doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường gây ảnh hưởng xã hội thì đền bồi cũng ở mức
thấp, xá gì với cái lợi chất ngất mà họ làm trong suốt chục năm. Nhiều doanh
nghiệp ảnh hưởng môi trường vẫn cứ trốn chui giấy phép, chẳng hiểu sao với cơ
chế giám sát chặt chẽ đến tận gánh bún lề đường của quân nhà mình mà lại để sót
những ông lớn doanh nghiệp không giấy phép?
Than ôi, cái thời nhiều người sống chỉ biết để...hại
nhau!
-----------------------
* Blog của Cao Huy Huân là blog cá nhân. Các bài viết
trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm
hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment