Sunday, June 5, 2016

BIỂN ĐÔNG TRONG HỘI LUẬN SHANGRI-LA (Nguyễn Đạt Thịnh)





Nguyễn Đạt Thịnh
VienDongDaily.Com - 04/06/2016

Hôm thứ Sáu, mùng 3 tháng Sáu, 2016, cuộc hội luận thượng đỉnh An Ninh Á Châu Shangri-La Dialogue lần thứ 15 khai mạc tại Singapore vào lúc 8 giờ tối, trong bầu không khí căng thẳng, phản ánh tình hình đang vô cùng gay go trên Biển Đông.

Ban tổ chức ghi nhận gần 30 phái đoàn tham dự, quan trọng nhất là những phái đoàn Trung Cộng, Hoa Kỳ, Nhật, Việt Nam, Phi Luật Tân, Nam Hàn, Nam Dương, Pháp, Ý, ...

Phái đoàn Trung Cộng do Đô đốc Tôn Kiến Quốc (Sun Jianguo), Tổng tham mưu phó các lực lượng vũ trang Trung Cộng, làm trưởng đoàn. Ông Tôn đã tham dự Đối Thoại Shangri-la hồi năm ngoái; năm nay ngoài việc đọc diễn văn trình bày quan điểm của Trung Cộng, ông dự định thảo luận song phương và đa phương với nhiều phái đoàn khác.

Vấn đề quan trọng trong cuộc hội nghị năm nay vẫn là Biển Đông.

Đô Đốc Tôn Kiến Quốc đối thoại với Bộ Trưởng Quốc Phòng Ash Carter

Hai ngày trước, trợ lý ngoại trưởng Trung Quốc Zheng Zeguang khuyến cáo Hoa Kỳ không nên lấy lập trường của các quốc gia đồng minh của Hoa Kỳ tại Á Châu-Thái Bình Dương làm lập trường của chính Hoa Kỳ; ông Zheng chỉ trích việc tầu chiến Mỹ, máy bay Mỹ khiêu khích bằng cách ngang nhiên vào hải phận và không phận Trung Quốc.

Vùng biển mà Zheng gọi là hải phận Trung Quốc thật ra là Biển Đông -vùng biển đang tranh chấp chủ quyền giữa nhiều quốc gia về những hải đảo trong đó, và vùng trời Trung Quốc cũng chỉ là không phận trên các hải đảo đó.

Hoa Kỳ nói hành động của mình là bảo vệ quyền tự do lưu thông trên hải lộ Biển Đông -con đường biển hàng năm chuyên chở $5,000 tỉ Mỹ kim hàng hóa đến và đi từ vùng Đông Nam Á; điều này chỉ là một nửa sự thật, nửa thứ nhì là Hoa Kỳ muốn phá vỡ chiến thuật anti-access/area-denial, (ngăn cấm xâm nhập/ lãnh thổ biệt lập) viết tắt là A2AD mà Trung Cộng đang kiên nhẫn thực hiện bằng cách xây dựng một hệ thống hải đảo chiến lũy, trang bị bằng sân bay quân sự, hỏa tiễn chống chiến hạm, và hỏa tiễn phòng không.

Cuộc du hành của Tổng Thống Barack Obama đến Việt Nam và Nhật vừa rồi mang tính chất một cuộc đột kích chính trị, nhằm thực hiện một mục đích chiến lược rõ rệt là phá vỡ chiến thuật A2AD của Trung Cộng; phá bằng cách võ trang csVN để họ có khả năng quân sự bảo vệ lãnh hải và ngư dân.

Tờ The New York Time trong bài bình luận “game of chicken,” vạch rõ mưu đồ thống trị Biển Đông của Trung Cộng bằng chiến thuật A2AD, với mục đích đẩy hải lực Hoa Kỳ ra khỏi Biển Đông. Ngoài âm mưu xây dựng một loạt căn cứ quân sự dài từ đảo Hải Nam xuống đến bờ biển Nam Dương, Trung Cộng còn có kế hoạch thả 80,000 quả mìn quanh những vùng họ cấm lưu thông.

Mặc dù phủ nhận là mình không quân sự hóa Biển Đông, nhưng Trung Cộng vẫn âm thầm trang bị nhiều hệ thống phòng không, phòng duyên tối tân, kể cả những giàn hỏa tiễn S-400 mới mua của Nga cho những tiền đồn hải đảo họ cưỡng chiếm được.

Nhiều quan sát viên cho là trong một tương lai rất gần, Trung Cộng sẽ thiết lập một vùng ADIZ (air-defense identification zone-không phận kiểm soát lý lịch) làm yếu bớt tiềm năng quân sự của Hoa Kỳ trên Biển Đông.
Thành tích mới nhất của Hoa Kỳ tại Đông Nam Á là quyết định của tổng thống Obama giải tỏa lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Nếu việc mua và bán vũ khí được tiến hành trên một tầm vóc khá quan trọng, thì khả năng quân sự của Việt Cộng bảo vệ ngư dân Việt hành nghề trên Biển Đông cũng là một chướng ngại cho mưu đồ thực hiện A2AD.

Ngay sau chuyến viếng thăm Việt Nam của Obama, Ấn Độ tuyên bố họ bán cho Việt Nam loại hỏa tiễn BrahMos, chuyên sử dụng chống chiến hạm, với tốc độ nhanh đến Mach 3 -trên 2,000 miles một giờ.

Brahmos là sản phẩm đồng chế tạo của Nga và Ấn; cái tên của hỏa tiễn là tên 2 con sông -sông Brahmaputra của Ấn, và sông Moscow Rivers của Nga. Hỏa tiễn Brahmos bay rất thấp, với cao độ 32 feet, nên rất khó phát hiện; loại radar tốt nhất cũng chỉ tìm ra nó khi nó còn cách mục tiêu 16 miles, và chiến hạm mục tiêu chỉ có 28 giây để bắn hạ nó.

Nếu hải chiến xảy ra thì loại hỏa tiễn này quả là nguy hiểm cho những chiến hạm đối nghịch; tuy nhiên giả thuyết hải chiến tương đối còn xa vời, và Trung Cộng vẫn đang tiếp xúc với Hoa Kỳ để giải tỏa bớt áp lực họ tạo ra vì tranh giành gần hết Biển Đông làm lãnh hải riêng, và đối xử quá độc ác với ngư phủ Việt Nam.

Hỏa tiễn BrahMos có thể bắn từ đất liền, hoặc gắn trên phi cơ

  Hỏa tiễn BrahMos có thể gắn trên phi cơ

Mặt khác, lập trường chủ hòa của tân tổng thống Phi Luật Tân Rodrigo Duterte đang làm thế liên minh chống Trung Cộng yếu bớt. Ông Duterte tuyên bố ông muốn thương thuyết với Trung Cộng về những tranh chấp lãnh hải trên Biển Đông; ngoại trưởng Vương Nghị đáp ứng ngay, và ca ngợi là “hình thức đàm thoại trực tiếp và tay đôi sẽ giúp Trung Quốc và Phi Luật Tân giải quyết nhanh chóng và thỏa đáng nhiều vấn đề. Trung Quốc hoan hỉ đón nhận sự lựa chọn khôn ngoan của vị tân tổng thống vừa đắc cử."

Duterte nói Phi Luật Tân vẫn thân Mỹ nhưng sẽ giải quyết vấn đề tranh chấp trên Biển Đông theo quyền lợi của Phi. Có thể ông đúng, vì Trung Cộng sẽ nhượng bộ Phi, để các nước khác đang tranh chấp cũng nghiêng về giải pháp thương thuyết.

 Tổng thống đắc cử Rodrigo Duterte của Phi Luật Tân

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cũng lên tiếng bênh vực Trung Cộng, và nói là việc Biển Đông nên để các quốc gia Biển Đông giải quyết với nhau, các cường quốc bên ngoài đừng can dự vào.

Tuần sau viên chức cao cấp Mỹ và Trung Quốc sẽ gặp nhau tại Bắc Kinh ; nhân cơ hội này, trợ lý ngoại trưởng Trung Quốc Zheng Zeguang lại gióng tiếng, “Hoa Kỳ từng tuyên bố là họ không can dự vào cuộc tranh chấp trên biển Nam Hải, và Trung Quốc ước mong Hoa Kỳ cũng tôn trọng quyền bảo vệ lãnh hải của Trung Quốc.”

Bộ Trưởng Quốc Phòng Thường Vạn Toàn cũng tuyên bố, “Nếu Hoa Kỳ chấm dứt những hành động khiêu khích nhắm vào chủ quyền lãnh thổ và nền an ninh của Trung Quốc, tôi tin là họ sẽ đóng góp vào nền hòa bình và ổn định trên biển Nam Hải.”

Nhưng chiến lược của Ngũ Giác Đài đã được cơ quan CSIS (Center for Strategic and International Studies-Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Tình Hình Thế Giới) cân nhắc kỹ lưỡng; chính CSIS khuyến cáo việc Hoa Kỳ tập trung nỗ lực vào Biển Đông, và giải quyết những khó khăn mới chớm thành hình, hầu tránh một cuộc chiến tranh có thể rất ác liệt.

CSIS cũng đề nghị Hoa Kỳ đặt nhẹ vùng Đông Bắc Á để dồn khả năng quân sự xuống Đông Nam Á, đưa thêm tiềm thủy đĩnh loại tấn công về Guam, đưa Thủy Quân Lục Chiến vào Biển Đông và bố trí một chiếc hàng không mẫu hạm tại hải phận phía Tây của Úc.

Vị trí địa dư của Việt Nam -với 2,000 cây số ven Biển Đông- sẽ tạo nhiều thuận lợi chiến lược cho Hoa Kỳ trong việc ngăn chặn mưu đồ A2AD của Trung Cộng, do đó Hoa Kỳ sẵn sàng trả đắt giá để mưu tìm sự công tác của Hà Nội.

Cuộc thăm viếng, lịch trình hoạt động và sự thành công của ông Obama tại Hà Nội và Sài Gòn cho chúng ta thấy thái độ của người Việt Nam là lựa chọn làm bạn với kẻ thù cũ Hoa Kỳ, và ghê tởm, né tránh anh đồng minh mới Trung Cộng.

Nhưng đó chỉ là thái độ của người dân Việt Nam; chưa thấy một yếu nhân Việt Cộng nào ra mặt thân Mỹ cả. Họ vẫn sợ Trung Cộng? vẫn đi dây? vẫn đứng giữa? Trong lúc tân tổng thống Phi Luật Tân, ông Duterte, đã rõ rệt tuyên bố là ông sẽ thương thuyết với Trung Cộng về những tranh chấp trên Biển Đông, thì chính khách Việt Nam vẫn giữ thế ngập ngừng.

Trung Cộng không chỉ trả đòn trên bình diện ngoại giao -Mỹ kéo Hà Nội thân Mỹ để bảo vệ quyền sống của ngư dân Việt Nam; thì Trung Cộng cũng kéo Phi theo giải pháp của Trung Cộng: giải quyết tranh chấp bằng cách thương thuyết tay đôi và trực tiếp; họ còn đang trả đòn trên bình diện dư luận nữa.

Đại sứ Trung Cộng tại Hoa Kỳ, ông Cui Tiankai, chỉ trích truyền thông Mỹ bóp méo sự thật về Biển Đông, và đưa ra một hình ảnh rất hiền lành của Trung Cộng trong những cuộc tranh cướp hải đảo; cùng lúc đó hãng thông tấn Xinhua của Trung Cộng lên án tờ The New York Time là bóp méo sự thật, nói xấu Trung Cộng trong bài bình luận “Playing Chicken in the South China Sea.”

Cùng ngày 6/3/2016 -ngày khai mạc Hội Luận Shangri-la- Nghị Sĩ John McCain, chính khách có nhiều liên hệ và thiện cảm với Việt Nam, cũng đến Singapore tổ chức một buổi nói chuyện về tình hình Biển Đông; ông khuyến cáo Trung Cộng nên chấp hành bản án của Tòa Trọng Tài Liên Hiệp Quốc để tạo một trật tự pháp lý trên Biển Đông đang có thể trở thành một bãi chiến trường.

Nghị Sĩ McCain kêu gọi Trung Cộng thượng tôn luật pháp

McCain nói, “Trung Quốc có quyền lựa chọn thái độ: hoặc tôn trọng tình trạng ổn định đặt căn bản trên luật pháp, hoặc phá vỡ sự ổn định đó.”

Lời kêu gọi của ông McCain có kết quả hay không, còn tùy thuộc vào cuộc đột kích Việt Nam của ông Obama có thành công hay không; nếu Việt Cộng thật lòng muốn mua vũ khí của Mỹ, và những đồng minh của Mỹ -như Ấn Độ- để phòng thủ hải phận, thì với mũi nhọn Việt Nam ngay bên hông Vạn Lý Trường Thành Biển Đông, Trung Cộng sẽ biết điều hơn, và nguy cơ chiến tranh sẽ trở thành xa vời hơn.





No comments: