Monday, June 20, 2016

BA LÝ DO KHIẾN TRUNG QUỐC MUỐN NƯỚC ANH Ở LẠI LHIEEN HIỆP CHÂU ÂU (Thanh Hà - RFI)





Thanh HàRFI
Đăng ngày 20-06-2016

« Brexit or not Brexit ? », đó không chỉ là mối đau đầu của riêng nước Anh hay 27 thành viên còn lại trong Liên Hiệp Châu Âu ba ngày trước cuộc trưng cầu dân ý. Sau Hoa Kỳ đến lượt Trung Quốc cũng đang hồi hộp chờ đợi xem cử tri Anh chọn ra đi hay ở lại trong đại gia đình Châu Âu. Trong trường hợp ngày 23/06/2016 đa số cử tri Anh đòi « ly dị » với Liên Hiệp Châu Âu, Trung Quốc chờ đợi sẽ phải trả giá đắt cả về mặt chính trị lẫn kinh tế.

Báo chí quốc tế chú trọng nhiều đến lập trường của Washington kêu gọi Anh nên ở lại trong Liên Hiệp Châu Âu vì những quyền lợi kinh tế và tài chính của Hoa Kỳ nhưng ít ai để ý đến thái độ của Bắc Kinh. Trong chuyến công du vương quốc Anh hồi tháng 10/2015, đích thân chủ tịch Tập Cận Bình trong một thông cáo đã tuyên bố « Trung Quốc hy vọng Châu Âu được thịnh vượng và Liên Hiệp luôn đoàn kết và thống nhất ».

Theo phân tích của tạp chí Mỹ, The National Interest trên mạng, thông điệp của Trung Quốc đối với Luân Đôn quá rõ ràng : Bắc Kinh không muốn để kịch bản Brexit xảy ra vì trong trường hợp Luân Đôn nói không với Bruxelles, Trung Quốc sẽ bị thiệt hại cả về mặt kinh tế lẫn chính trị.

Tác giả bài viết, nhà nghiên cứu Ivan Lidarev thuộc trường King College, nêu ra ba lý do khiến Trung Quốc lo sợ kịch bản đó xảy ra.

Thứ nhất, trong bối cảnh áp lực của Hoa Kỳ và Nhật Bản tại châu Á ngày càng lớn, Trung Quốc đang xoay trục sang châu Âu và trong nước cờ đó, Bắc Kinh đã đánh cuộc vào Luân Đôn để mở rộng ảnh hưởng của mình tại Lục Địa Già. Đặc biệt là để từng bước củng cố kế hoạch xây dựng lại Con Đường Tơ Lụa của thế kỷ XIX, một hoài bão to lớn, cả về mặt giao thương lẫn chiến lược được ông Tập Cận Bình ấp ủ.

Tính toán này của Bắc Kinh đã bắt đầu đem lại một số thành quả rõ rệt, ít nhất là trên hai điểm : một là Luân Đôn đang nỗ lực vận động Liên Hiệp Châu Âu công nhận Trung Quốc là một nền kinh tế thị trường, cho phép giảm thuế nhập khẩu đánh vào hàng của Trung Quốc xuất sang châu Âu. Điểm thứ hai là nước Anh, năm 2015 đã mở rộng cửa đón nhận hàng loạt các dự án đầu tư của Trung Quốc, trị giá hàng tỷ đô la. Nhìn từ phía Bắc Kinh, đây là bước đầu hết sức quan trọng để Trung Quốc bắt rễ vào châu Âu. Trong chuyến công du 5 ngày vào năm 2015, bộ trưởng Kinh Tế Anh từng tuyên bố : Luân Đôn là đối tác Tây phương quan trọng nhất của Trung Quốc trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư.

Lý do thứ nhì khiến Trung Quốc muốn ở nước Anh ở lại trong Liên Hiệp Châu Âu, đơn giản vì vương quốc Anh là cửa ngõ quan trọng để hàng hóa Trung Quốc dễ tràn vào thị trường châu Âu với hơn 500 triệu dân. Nếu như Luân Đôn « chia tay » với Bruxelles thì coi như một cánh cổng mở ra thị trường rộng lớn này bị khép lại. Nhiều nhà quan sát lo ngại là trong trường hợp phe Brexit thắng thế, nhiều doanh nhân Trung Quốc sẽ di dời cơ sở khỏi vương quốc Anh.

Yếu tố thứ ba khiến Bắc Kinh lo ngại kịch bản Brexit, là vì Trung Quốc xem Anh Quốc là bệ phóng cho tiến trình quốc tế hóa đồng nhân dân tệ khi ra ngoài khu vực châu Á Thái Bình Dương : Luân Đôn là trung tâm tài chính số một của châu Âu, lại có múi giờ thuận tiện, giữa châu Âu và châu Mỹ. Sau Hồng Kông, Luân Đôn đã trở thành địa điểm thứ nhì trên thế giới ngoài Hoa Lục, nơi đồng nhân dân tệ của Trung Quốc được công nhận và dùng làm phương tiện thanh toán.

Khu tài chính City và việc Luân Đôn đồng ý trao đổi với Bắc Kinh bằng nhân dân tệ là công cụ quý giá nhất cho một đơn vị tiền tệ trên đường chinh phục quốc tế để vươn lên ngang hàng với những đồng tiền có uy tín như yen của Nhật, euro của châu Âu hay đô la của Mỹ.
Bên cạnh ba lý do quan trọng được Ivan Lidarev nêu lên trong bài viết đăng trên tờ The National Interest, còn phải kể đến một tính toán khác của Bắc Kinh là Liên Hiệp Châu Âu hiện là đối tác thương mại quan trọng nhất của Trung Quốc, tổng trị giá trao đổi mậu dịch hai chiều lên tới 520 tỷ vào năm ngoái. Việc Anh Quốc ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu sẽ làm rúng động đại gia đình châu Âu này, qua đó tác động lây đến quyền lợi của Bắc Kinh.





No comments: