Thursday, June 23, 2016

91 NĂM BÁO CHÍ CONG LƯNG - CÚI ĐẦU (Phạm Trần)





Phạm Trần
Đăng ngày 23.06.2016 - 4:40pm

GNsP (23.06.2016) – Nền Báo chí mệnh danh Cách mạng ở tuổi 91 của Nhà nước Cộng sản Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2016) nên được đánh gía như thế nào trong lịch sử Báo chí Việt Nam ?

Trước hết, loại báo này không phải là báo của quần chúng mà là của các Tổ chức của đảng và nhà nước. Chúng ra đời với mục đích duy nhất để phục vụ và tuyên truyền cho đảng.

Nhiệm vụ của báo chí đảng được quy định rành mạch trong Luật Báo Chí (sửa đổi), ban hành ngày 05/04/2016 (Luật số: 103/2016/QH13): “Là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp; là diễn đàn của Nhân dân.” (Điều 4)

Nhưng “diễn đàn của Nhân dân” không có nghĩa người dân được quyền phê bình hay chỉ trích giới Lãnh đạo, nhất là đối với 4 chức vụ chủ chốt gồm Tổng Bí thư đảng, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng.

Ý kiến nhân dân, đa phần có nội dung thuận lợi cho đảng và những việc làm của cán bộ, chỉ được đăng tải sau khi được chắt lọc bởi Tổng biên tập, một cán bộ của Nhà nước làm việc trực tiếp với Ban Tuyên giáo đảng.

Những phản biện không đáp ứng nhu cầu của đảng như những bài góp ý kêu gọi bỏ Điều 4 Hiến pháp dành quyền lãnh đạo độc tôn đương nhiên cho đảng đã bị dẹp bỏ vào dịp Nhà nước lấy ý kiến sửa đổi Hiến pháp năm 2013.

Báo đảng cũng không được phép đưa tin khi có phong trào quần chúng và Hội đồng Giám mục Việt Nam, đại diện cho trên 7 triệu người Công giáo, lên tiếng đòi bỏ Điều 4 Hiến pháp và loại Chủ nghĩa Cộng sản ra khỏi Hiến pháp mới.

Họ cũng không dám tường thuật các vụ Cảnh sát và Công an đội lốt côn đồ tấn công người biểu tình chống Trung Quốc từ năm 2007. Thiếu sót có chủ trương này được chứng minh trong các cuộc tập trung hay biểu tình bất bạo động của người dân ở Sài Gòn và Hà Nội để tưởng niệm các chiến sỹ và anh hùng đã hy sinh trong các cuộc chiến bảo vệ lãnh thổ và chủ quyền ở Hòang Sa (1974); Cuộc chiến chống Trung quốc xâm lược biên giới (1979) và chống Trung quốc xâm lăng Trường Sa năm 1988.

Ngược lại, báo nhà nước đã đăng tin và đầy đủ hình ảnh của Đòan Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh mang cờ đỏ sao vàng xuống đường để diễn hành hóa giải và làm lu mờ các cuộc biểu tình chống Tầu của người dân.

Những phát biểu phẫn nộ của người dân chỉ trích hành động của nhà nước hay nhằm vào Trung Quốc trong các biến cố này đều không thấy xuất hiện trên báo đài nhà nước. Thậm chí nhiều báo còn đưa tin chỉ trích người biểu tình đã chống lại lực lượng bảo vệ trật tự đường phố. Báo đảng cũng rất tích cực chạy tin các viên chức Nhà nước và Công an lên án những ngưởi mà họ quy chụp đã  bị “các thế lực thù địch chống đảng” thúc đẩy kích động đi biểu tình, dù không trưng ra được bằng chứng nào.

Những việc này chứng minh báo đài nhà nước không phải là “diễn đàn của nhân dân” mà là những cái loa tuyên truyền cho nhà nước.

BÁO CHÍ VÀ NGÂN SÁCH

Nhưng lấy tiền đâu ra làm nhiệm vụ này?

Theo số thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) hiện nay ở Việt Nam có hơn 20.000  người phục vụ tại hơn 800 cơ quan báo chí và 17.000 người được cấp thẻ Báo chí.
Chi phí ngân sách hàng năm của nhà nước dành cho lực lượng công nhân này là bao nhiêu không ai biết vì không có báo nào của nhà nước có thể sống tự túc. Bộ TTTT cũng không có báo cáo số tiền đã chi ra cho các báo hàng năm từ Trung ương xuống cơ sở.

Lý do các cơ quan báo chí đảng được tài trợ vì số người mua báo càng ngày càng ít. Ngoài nội dung khô khan, không đáp ứng nhu cầu người đọc, báo đảng còn chạy theo thị hiếu tầm thường, nhiều khi phản cảm và thông tin một chiều.

Các cơ quan báo chí lại tự phát ra thêm các báo, thành lập đài riêng để lấy tiền nhà nước và phô trương thành tích cho cơ quan mình phục vụ.

Bài viết của Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội trên báo Giáo dục Việt Nam ngày 04/11/2015 là một bằng chứng.

Ông viết: “Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, tới nay, cả nước đã có trên 800 cơ quan báo chí, với gần 1.500 ấn phẩm, 68 đài phát thanh, truyền hình. Thậm chí, một số địa phương còn tổ chức đài phát thanh – truyền hình cấp huyện.

Sự phát triển của báo chí thể hiện tác động tích cực của Luật Báo chí trong cuộc sống. Tuy nhiên, việc phát triển quá nhanh số lượng cơ quan báo chí và đội ngũ nhà báo trong khi vẫn duy trì chế độ bao cấp về xuất bản và phát hành đang đặt ra những vấn đề cần được điều chỉnh kịp thời.

Đại bộ phận báo, đài hiện nay vẫn được Nhà nước bao cấp toàn bộ hoặc một phần về nhân sự, trụ sở, trang thiết bị, chi phí in ấn và được phát hành tới các đơn vị hành chính, các tổ chức chính trị, xã hội cũng bằng ngân sách nhà nước.

Số cơ quan báo chí tự cân đối thu chi một cách thực sự chỉ vào khoảng trên dưới 10 đơn vị và cũng chỉ đối với khoảng vài chục ấn phẩm báo chí; chỉ một vài đài phát thanh – truyền hình có thính giả, khán giả thường xuyên.”

Không những thế, theo vị nguyên Đại biểu Quốc hội Tỉnh Lạng Sơn nổi tiếng cương trực thì : “Một số cơ quan báo chí còn đồng thời sở hữu nhiều loại hình báo chí, như Thông tấn xã Việt Nam có bản tin, báo in, báo điện tử và kênh truyền hình riêng; Đài Tiếng nói Việt Nam cũng có báo in, báo điện tử và kênh truyền hình.

Bên cạnh đó, một số ngành cũng thành lập riêng các đài truyền hình của mình. Sắp tới một kênh truyền hình cũng được thành lập ở Báo Nhân Dân. Có thể nói đây là hậu quả của chính sách bao cấp tràn lan, thiếu quy hoạch hợp lý trong một thời gian dài, gây lãng phí lớn về thời gian, công sức và tiền của, cần sớm được khắc phục.”

Rất tiếc những lời cảnh giác của vị Giáo sư khả kính ở Hà Nội đã bị nhà nước bỏ ngoài tai. Các “Đối tượng được thành lập cơ quan báo chí” quy định trong Điều 14 Luật Báo chí mới vẫn là thứ đặc quyền đặc lợi của:

“1. Cơ quan của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức tôn giáo từ cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên, hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam được thành lập cơ quan báo chí.

  1. Cơ sở giáo dục đại học theo quy định của Luật giáo dục đại học; tổ chức nghiên cứu khoa học, tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tổ chức dưới hình thức viện hàn lâm, viện theo quy định của Luật khoa học và công nghệ; bệnh viện cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên được thành lập tạp chí khoa học.”

Các loại báo chí này chỉ để phục vụ lợi ích cho phe nhóm nhưng ngân sách nhà nước phải đài thọ từ đồng tiền lao động của dân là sự lãng phí vô trách nhiệm của nhà nước.

SỐ NHIỀU NÓI ĐƯỢC BAO NHIÊU ?

Vì vậy nếu khoe khoang Việt Nam có tự do báo chí căn cứ trên tổng số báo, đài hoạt động còn là sự sỉ nhục cho kiến thức người hành nghề báo chí.

Bởi vì người làm báo của nhà nước buộc phải: “Tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí; góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu văn hóa lành mạnh của Nhân dân, bảo vệ và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.” (Mục b, Điều 4 Luật Báo chí).

Tóm tắt lại là báo chí phải ưu tiên bảo vệ đảng cầm quyền và chế độ Cộng sản mệnh danh dân chủ trá hình là “xã hội chủ nghĩa”.

Không những thế, báo chí ở Việt Nam còn bị “qủan lý” bởi hệ thống cầm quyền từ Trung ương xuống tận Ủy ban Nhân dân cấp Tỉnh như quy định tại Điều 7 của Luật Báo chí mới:
  1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về báo chí.
  2. Bộ Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về báo chí.
  3. Các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện quản lý nhà nước về báo chí.
  4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm quản lý nhà nước về báo chí tại địa phương.

Vì nhà nước kìm kẹp báo chí như thế nên Tổ chức Ký giả không biên giới (Reporters Sans Frontières, hay Reporters Without Borders) đã liệt kê, trong báo cáo năm 2016 của họ, Việt Nam đứng gần cuối bảng 180 nuớc không có tự do báo chí.

Theo RSF thì Việt Nam đứng hàng 175/180, chỉ trên Trung Quốc, Syria, Turkmenistan, North Korea và Eritrea nhưng đứng sau Lào (173/180) và sau xa Cao Miên (128/180)

NHÀ BÁO HAY CÁN BỘ ?

Đáng chú ý là Luật Báo chí mới (Điều 9) còn cấm không được “Xuyên tạc lịch sử; phủ nhận chính quyền nhân dân; phủ nhận thành tựu cách mạng” của đảng, nhưng lại mở cửa tự do cho báo chí tha hồ xuyên tạc, vu khống và bôi nhọ các Chế độ không Cộng sản đã có trong lịch sử nước Việt Nam.

Đối với lịch sử 20 năm của Việt Nam Cộng Hòa và Chính quyền Quốc gia trước năm 1945 thì đổi trắng thay đen để mạ lỵ không sợ gẫy lưỡi là một nghề từ lâu của cán bộ Tuyên giáo và Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam.

Do đó khi nói đến “Quyền và nghĩa vụ của nhà báo” quy định trong Điều 25 thì Luật Báo chí mới buộc báo chí phải:

  1. a) Thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của Nhân dân; phản ánh ý kiến, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân;

  1. b) Bảo vệ quan Điểm, đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát hiện, tuyên truyền và bảo vệ nhân tố tích cực; đấu tranh phòng, chống các tư tưởng, hành vi sai phạm.

Nhưng thế nào là “phù hợp với lợi ích của đất nước và của Nhân dân” thì không thấy minh định. Riêng việc nhà báo phải “Bảo vệ quan Điểm, đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước” thì rõ ràng nhà báo là cán bộ của đảng, dù là đảng viên hay chưa là đảng viên.

Nếu là đảng viên thì họ còn phải tuân hành nghiêm chỉnh Quy định tại Điều 2 của Điều lệ đảng năm 2011 là: “Tuyệt đối trung thành với mục đích lý tưởng cách mạng của Đảng, chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước; hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; phục tùng tuyệt đối sự phân công và điều động của Đảng.”

Sự ràng buộc bắt buộc này được tròng vào cổ người hành nghề báo chí trong chế độ CSVN cho thấy họ không có tự do tư tưởng. Nếu thấy đảng sai trái cũng không dám phản biện vì miếng cơm manh áo sẽ bị lấy mất nếu làm khác.

Do đó nhân dân cũng không có tiếng nói trong sinh hoạt chính trị một đảng cầm quyền, hay trên  báo chí của nhà nước vì đảng không chấp nhận đảng chính trị đối lập và không cho phép tư nhân ra báo. Người dân chỉ được tiếp cận thông tin một chiều của nhà nước kiểm soát.

TƯỜNG LỬA VÀ INTERNET

Tình trạng này đã một phần được thay đổi từ cuối Thế kỷ 20 khi hệ thống thông tin tòan cầu Internet bắt đầu xâm nhập vào Việt Nam. Một bộ phận người dân, đa phần là trí thức và giới sinh viên và học sinh có nhu cầu tiếp cận để nghiên cứu, biết cách chui qua các hàng rào cản của nhà nước hay vì nhu cầu giáo dục thì họ đã tiếp cận được các nguồn thông tin tự do trên thế giới.

Nhưng không phải bất cứ loại tin nào của Thế giới, qua hệ thống thông tin tòan cầu Internet, cũng đến được với người truy nhập ở Việt Nam. Nhà nước CSVN đã thiết lập hệ thống kiểm soát gọi thông dụng là “bức tường lửa” để ngăn chặn  những tin hay bài viết không phù hợp với chính sách của đảng, hay còn được gọi là “nhạy cảm” và “chống đảng, chống lại nhân dân”.

Một hệ thống kiểm soát thông tin trên Internet đã được Ban Tuyên giáo đảng phối hợp với hai bộ Công an và Quốc phòng áp dụng từ mấy năm qua. Việc này đã gây ra nhiều khó khăn nhưng các giới đấu tranh dân chủ, nhân quyền và quyền tự do ngôn luận vẫn biết cách len lỏi để tiếp cận với thế giới bên ngoài Việt Nam.

Hẩm hiu nhất vẫn là các thành phần công nhân, nhân dân lao động và nông dân chiếm đa số trong hơn 90 triệu người dân. Họ tiếp tục bị nhà nước bưng mắt trước tiến bộ và phát triển của khoa học thông tin tòan cầu. Hàng ngày họ vẫn phải tiếp cận với thông tin một chiều do đảng kiểm soát.

TIẾNG NÓI TỪ CON TIM

Tỷ dụ như các thông tin vụ cá chết ở miền Trung từ ngày 06/04/2016 là một bằng chứng. Nhà nước hứa điều tra cho ra ngọn ngành và sẽ trừng phạt thủ phạm gây ra thảm trạng này nhưng đã hơn 2 tháng mà nhân dân vẫn chưa được thông tin.

Nhà nước nói các nhà khoa học đã tìm ra nguyên nhân nhưng chưa chịu công bố. Tại sao, không ai biết lý do. Và cũng tại sao lại chọn thời điểm cuối tháng 6 mới cho dân biết? Có ẩn ý chính trị hay kỹ thuật gì khi chọn thời gian này không?

Báo chí nhà nước cũng không được phép đi thăm dân cho biết sự tình, dù ít nhất 5 triệu người đang khốn khó vì mất miếng cơm từ biển ở 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế.

Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt, người bị nhà nước CSVN ép buộc rời nhiệm ở Hà Nội năm 2010 đã đến thăm Giáo dân Giáo xứ Đông Yên thuộc xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh ngày 16.06.2016.

Ngài nói: “Khi chứng kiến tất cả đời sống của họ cũng như đi thăm tất cả các bờ biển, tôi cảm thấy đau xót, có thể nói là một cảnh chết chóc. Tôi vào một nhà nghỉ khá lớn của Hà Tĩnh thấy khách vắng hoe, chả thấy khách đâu cả. Rồi đi ra bãi biển thấy thuyền nằm chất đống ở đó, có những con thuyền chỉ còn đậy những tấm vải y hệt như những thân thể bị liệm thì đúng là một cảnh chết chóc. Ở bờ biển không có một sinh vật nào cả, trên bãi cát không có một con dã tràng nào. Tôi thấy ở các bãi biển đều có những con vật nhỏ li ti như con dã tràng, con cua, con ốc thì bãi biển này hoàn toàn chết hết rồi, không còn một tí gì là sự sống nữa. Khi chúng tôi xuống biển, tất cả mọi người đều hết sức đề phòng để cho nước biển không được dính vào chân. Họ kéo thuyền thật cao trên bãi cát, xong rồi thì có thể bước lên bờ để chân mình khó có thể dính nước biển… Cả một sự chết chóc như vậy.”  (Theo Huyền Trang/Tin mừng Cho Người Nghèo).

Thật hãi hùng và bi thảm nhưng tại sao hàng chục ngàn Nhà Báo của đảng từ Trung ương đến Địa phương không thấy ?

Nên biết Luật Báo chí đã minh định: “Báo chí ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội” và có nhiệm vụ phải “Thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của Nhân dân…”

Vậy hình ảnh của Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt nói về sự chết ở Huyện Kỳ Anh-Vũng Áng không phải là “tin thiết yếu đối với đời sống xã hội” hay sao ?

Sự chết dưới mắt TGM Kiệt được diễn ra tiếp theo: “Trong làng trong xóm sự chết chóc đang dần mòn đi tại vì những người dân đánh cá đã ba tháng nay không ra biển thì chả còn thu nhập gì cả. Thành ra chúng tôi thấy sự chết dần mòn. Người ngư dân chết trực tiếp, cá chết thì người đánh cá cũng chết, những người làm nghề liên quan đến nghề cá như người bán xăng cho những tàu đánh cá cũng chết, những người làm chài lưới cũng chết, những người buôn bán hải sản cũng chết, những người chế biến hải sản cũng chết, ngành du lịch cũng chết, bao nhiêu sự chết kéo theo. Người ta đoán là có ít nhất là 5 triệu người bị ảnh hưởng bởi vụ cá chết này. Hết sức là đau xót, xung quanh đó hết sức là hoang tàn, không còn sức sống, người ta ai cũng mệt mỏi, rã rời và buồn chán.”

Nhưng sự chết bi thương này sẽ còn kéo dài cho đến thế hệ người dân thứ bao nhiêu ở Giáo phận Vinh của Đức cha Nguyễn Thái Hợp ?

Đức cha Hợp nói với 50 nghìn người, không phân biệt tôn giáo, trong đại lễ mừng kính Thánh Antôn tổ chức tại Linh địa Trại Gáo (Nghệ An) vào sáng thứ Hai ngày 13.06.2016: “Chúng ta đang sống trong thời khắc bi thảm vì chưa bao giờ đất nước chúng ta trải qua một thảm họa môi trường biển như đã xảy ra cách đây hơn hai tháng.

Chúng ta xin thánh Antôn cho chúng ta tìm lại môi trường biển đã đánh mất đó, tìm lại nguồn biển an lành và trong sạch. Đó là một nguồn thực phẩm bổ dưỡng và lành mạnh. Đó là một môi trường của bao nhiêu ngư dân đất Việt đang sinh sống, đã sinh sống và sẽ sinh sống từ nguồn biển trong lành.

Hôm nay môi trường đó đã bị nhiễm độc và biển đang kêu lên từ hai tháng qua nhưng vẫn không có được một giải đáp đâu là nguyên nhân gây ra thảm họa môi trường và ai là người đã gây ra thảm họa môi trường. Chúng ta phải tiếp tục can đảm yêu cầu nhà cầm quyền, những người có trách nhiệm với đất nước với đồng bào mình phải công bố nguyên nhân. Công bố càng sớm càng hay! Và yêu cầu ai là người đã gây tác hại cho môi trường biển phải đền bù cho ngư dân thỏa đáng.”

Đức cha Hợp nói tiếp về sự chết mà Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt đã chứng kiến: “Trong những ngày qua được đến thăm đồng bào ở vùng biển bị tác hại, tôi đã có cơ hội được nhìn thấy những con thuyền nằm chơ vơ trên cát nhớ biển khơi xa. Bao giờ những con thuyền đó mới được ra biển trở lại? Và bao giờ những ngư dân đánh bắt gần bờ mới có thể tiếp tục lại nghề của mình?

Thảm họa môi trường biển miền Trung chỉ là những giọt nước nhỏ làm tràn ly. Và qua giọt nước làm tràn ly đó, ta thấy đất nước chúng ta chưa bao giờ rơi vào tình cảnh thảm họa môi trường không những môi trường biển mà là môi trường nông nghiệp, môi trường rừng. Và trên bàn ăn của người Việt Nam hôm nay chưa bao giờ đối diện với tình cảnh thê thảm ô nhiễm như vậy.”

Bằng giọng nói như có nước mắt tràn ra, Đức cha Hợp lo âu: “Mâm cơm” hôm nay của người Việt Nam còn rất nhiều khủng hoảng như “mâm cơm giáo dục”. Chưa bao giờ giáo dục xuống cấp như vậy. Chưa bao giờ giáo dục rơi vào hoàn cảnh dạy chữ không nổi, huống hồ dạy người. Chưa bao giờ bạo lực học đường tràn lan và công khai như hôm nay. Chưa bao giờ con cái của các quan chức và đại gia lại bỏ nước ra đi học ở nước ngoài nhiều như vậy, để lại trường lớp cho con cái nhà nghèo.

“Mâm cơm văn hóa”, “mâm cơn nhân bản”, “mâm cơm tình người” chưa bao giờ bẩn như hôm nay, khi con người xử ác và xử tệ đến như vậy. Chưa bao giờ con người Việt Nam bạo động, nóng nảy và hung ác như vậy. Chỉ cần ra đường va chạm nhỏ cũng dẫn đến bạo động, đả thương nhau! Tình nghĩa đồng bào còn đâu! Đâu còn những giá trị văn hóa và tâm linh! Còn đâu câu ca dao: “Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Tại sao con người hôm nay lại xuống cấp thê thảm về giáo dục, văn hóa, và nhân bản đến như vậy?”.

Báo chí  được mệnh danh “cách mạng” của đảng Cộng sản Việt Nam sinh ra vào năm 1925, khi Báo Thanh Niên do ông Hồ Chí Minh sáng lập ra đời. Nhưng trong suốt 91 năm qua, những người phục vụ cho nền báo chí này chỉ biết cong lưng và cúi đầu đeo tròng vào cổ cho đảng kéo đi.

Các nhà báo nhà nước CSVN chỉ biết tuân hành và phục vụ để bảo vệ cho được vị trí cầm quyền độc tôn cho đảng. Ngòai ra họ chả có lý tưởng gì ngòai miếng cơm manh áo.
Nếu không tin, có ai dám so sánh hai nền báo chí Việt Nam Cộng hòa và Xã hội Chủ nghĩa không ? -/-

Phạm Trần
(06/016)





No comments: