21 Jun 2016
Giới báo chí thường tự gán cho mình chức năng phản
ánh sự thật và toàn bộ sự thật. Sau đây là bốn trong số nhiều sự thật về… báo
chí Việt Nam.
1. Tự
do báo chí: thua cả Lào và Cuba
“Việt Nam tự do báo chí hơn nhiều nước khác” là lời
cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông Nguyễn Bắc Son khẳng định trong một cuộc tiếp xúc cử tri ngày 24/4/2015.
Tin vui là ông Sơn hoàn toàn đúng. Tin buồn là con số
“nhiều nước khác” chỉ là… 5 nước.
Theo chỉ số xếp hạng tự do báo chí năm 2016 của tổ chức Phóng
viên Không biên giới (Reporters Without Borders) thì Việt Nam xếp thứ 175/180
nước, chỉ hơn Trung Quốc (176), Syria (177), Tukmenistan (178), Bắc Triều Tiên
(179) và Eriteria (180). Kết quả xếp hạng năm 2015 cũng tương tự.
Cũng theo bảng xếp hạng này thì Việt Nam xếp sau cả
Lào (171) và Cuba (170). Người hàng xóm Cambodia thì đã bỏ xa Việt Nam tới 47 bậc,
xếp thứ 128 và vươn lên đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Cần lưu ý rằng dù còn nhiều
hạn chế, người Cambodia có thể tự do lập các tờ báo tư nhân và không phải chịu
chế độ kiểm duyệt khắt khe như nhiều nước khác trong khu vực.
Riêng về điểm số thì năm 2016, Việt Nam giảm 1,64 điểm
so với năm 2015.
2.
Việt Nam có báo chí tư nhân
Nhiều báo cáo về tự do báo chí ở Việt Nam đều khẳng
định Việt Nam không có báo chí tư nhân. Trên thực tế, tư nhân hoá báo chí là một
trong những nghị trình chính của các nhóm vận động quyền ở Việt Nam cũng như quốc
tế. Nhưng, dưới nhiều hình thức và tên gọi khác nhau, báo chí tư nhân đang tồn
tại như một thực tế không thể phủ nhận ở Việt Nam.
Dưới hình thức là các “trang thông tin điện tử tổng
hợp”, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng những tờ báo lớn, có nhân sự lên tới
vài chục người và sản xuất một lượng tin bài đáng kể. Theo Nghị định 72 năm
2013, các trang tin này chỉ được phép đăng tải lại bài vở của các cơ quan báo
chí chứ không được sản xuất tin bài riêng.
Bài viết này không nêu tên các tờ báo này vì họ đã
khéo léo lách luật bằng cách hợp tác với một số tờ báo điện tử có giấy phép, đẩy
toàn bộ tin bài của họ lên đó rồi đăng tải lại trên trang chính của họ để hợp
thức hoá hoạt động báo chí của mình.
Ở một khía cạnh khác, không thể không kể đến những tờ
báo tư nhân thực thụ như Dân Luận (danluan.org), Việt Nam thời báo (ijavn.org)
và Anh Ba Sàm (basam.info). Cả ba tờ báo này đều không có cả giấy phép báo chí
lẫn giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, hoạt động hoàn toàn độc
lập với các cơ quan quản lý báo chí ở Việt Nam bằng nguồn kinh phí riêng. Tuy vậy,
họ đều có đội ngũ phóng viên riêng và tổ chức sản xuất nội dung không khác gì một
cơ quan báo chí bình thường.
Một nguồn tin của Luật Khoa cho biết, đã từ lâu,
VnExpress bị đồn là một tờ báo tư nhân của Công ty Cổ phần Dịch vụ Trực tuyến
FPT (FPT Online) – một công ty con của FPT. Về mặt pháp lý, VnExpress là một
đơn vị sự nghiệp của Bộ Khoa học – Công nghệ, nhưng trụ sở của báo lại nằm ở
toà nhà FPT Cầu Giấy ở Hà Nội. Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh của VnExpress cũng nằm
ở toà nhà FPT ở quận 7.
Báo cáo
thường niên năm 2016 của FPT Online còn cho thấy, Tổng
biên tập và đồng sáng lập viên Thang Đức Thắng của VnExpress đồng thời là Chủ tịch
Hội đồng quản trị của FPT Online, hai trong ba Phó Tổng Giám đốc của FPT Online
đang là Phó Tổng biên tập, người còn lại đã từng giữ vị trí Thư ký toà soạn của
VnExpress.
Bên cạnh đó, FPT Online cũng là đơn vị độc quyền
khai thác quảng cáo trên VnExpress như họ tuyên bố trên website của mình.
Bài viết này không có cơ sở để khẳng định VnExpress
là một tờ báo tư nhân do FPT Online sở hữu, nhưng những thông tin chính thức
trên đây cho thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa hai tổ chức này và điều đó khiến
cho dư luận đặt ra nhiều suy đoán.
3.
Nhà báo Việt Nam có nghĩa vụ bảo vệ Đảng
Theo Luật Báo chí năm 1989 thì nhà báo không có nghĩa vụ “bảo vệ
đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước”. Điều này
chỉ được bổ sung vào năm 1999 khi luật này được Quốc hội sửa đổi
và vẫn tiếp tục được giữ nguyên trong Luật Báo chí mới năm 2016, sẽ có hiệu lực từ 1/1/2017.
Ảnh: RFI
Điều này tỏ ra không phù hợp với ít nhất bốn chức
năng của báo chí theo quy định của Luật Báo chí năm 2016.
Theo đó, báo chí phải “thông tin trung thực về tình
hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của Nhân dân”,
“nâng cao dân trí”, “phản ánh dư luận xã hội” và “làm diễn đàn thực hiện quyền
tự do ngôn luận của nhân dân”.
Luôn tồn tại một khả năng là đường lối, chủ trương,
chính sách của Đảng (cộng sản) và pháp luật của nhà nước là sai. Điều này đã được
chứng minh một cách rõ ràng trong lịch sử với Luật Cải cách Ruộng đất năm 1953,
gây ra cái chết oan ức cho hàng chục nghìn người, hay chính sách kinh tế bao cấp
kéo dài đến năm 1986 gây ra nạn lạm phát và khủng hoảng kinh tế thuộc loại tồi
tệ nhất trong lịch sử hiện đại Việt Nam. Ngày nay, chính sách lấy kinh tế nhà
nước làm chủ đạo vẫn là kim chỉ nam của nền kinh tế, còn hệ thống tư pháp hình
sự đã tạo ra hàng loạt bản án tử hình oan sai, chưa kể hàng trăm người chết một
cách bí hiểm trong đồn công an.
Nếu nhà báo phải bảo vệ những đường lối, chính sách
và pháp luật này, thì liệu điều đó có “phù hợp với lợi ích của đất nước và của
nhân dân” hay không?
Nhà báo phải làm thế nào để “nâng cao dân trí” nếu
thông tin họ đưa ra chỉ có bảo vệ mà không có phê phán Đảng và Nhà nước? Theo
quy định này thì có thể suy đoán “dân trí cao” có nghĩa là luôn bảo vệ và tin
vào Đảng và Nhà nước hay không?
Bên cạnh đó, dư luận luôn có nhiều xu hướng quan điểm
khác nhau, về cơ bản có thể chia làm ba phe là đồng tình, phản đối và trung lập
với đường lối của Đảng và pháp luật của nhà nước. Nếu nhà báo chỉ bảo vệ Đảng
và Nhà nước, tức là theo phe đồng tình, thì họ phải bỏ qua hai luồng dư luận
còn lại, khi đó, họ không thể thực hiện hai chức năng “phản ánh dư luận xã hội”
và “làm diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của nhân dân”.
4.
Chủ tịch Hồ Chí Minh không đủ điều kiện làm nhà báo Việt Nam ngày nay
Mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng nếu Chủ tịch Hồ
Chí Minh còn sống, ông sẽ không đủ điều kiện được cấp thẻ nhà báo, bất kể lãnh
đạo Đảng và nhà nước luôn ca ngợi ông như một nhà báo lớn, thậm chí là người
khai sinh ra nền báo chí cách mạng Việt Nam.
Lý do rất đơn giản: Hồ Chí Minh không có bằng đại học.
Theo quy định hiện hành lẫn Luật Báo chí 2016, tốt nghiệp đại học trở lên là một
điều kiện bắt buộc để được cấp thẻ nhà báo, trừ khi là người dân tộc thiểu số
trong một số trường hợp nhất định.
Quy định này có thể được ngầm hiểu là chỉ có người tốt
nghiệp đại học trở lên mới đủ trình độ làm báo, trong khi chưa rõ Quốc hội và
các cơ quan soạn thảo dựa trên căn cứ nào để khẳng định điều này.
Thực tế cho thấy, trình độ làm báo không nhất thiết
phải đi kèm với bằng cấp, còn quyền tự do ngôn luận thì gắn với tất cả mọi người
bất kể trình độ lẫn bằng cấp.
No comments:
Post a Comment