Phương Nga - RFI
Phát Thứ tư, ngày 18 tháng năm năm 2016
.
Người dân Việt Nam biểu tình phản đối nhà máy Formosa của Đài Loan, bị cho
là "thủ phạm" gây hiện tượng cá chết hàng loạt ở miền trung Việt Nam.
Ảnh chụp tại Hà Nội, ngày 01/05/2016.REUTERS/Kham
Cũng như nhiều nước khác trên thế giới,
biển Việt Nam - với diện tích hơn 1 triệu km2 - hiện cũng đang phải đối mặt với
tình trạng ô nhiễm nước biển nghiêm trọng.
Từ hơn một tháng nay, báo chí trong nước cũng như quốc tế
đều đồng loạt đưa tin tình trạng cá chết hàng loạt dọc bờ biển miền trung Việt
Nam, rồi lan sang cả cá nuôi trong các ao hồ khu vực xung quanh. Nếu nói riêng
về tình trạng cá chết hàng loạt mà nguyên nhân là do biến đổi khí hậu hoặc do ô
nhiễm nguồn nước thì tại một số nước trên thế giới như Mỹ, Brazil, Chile,
Mexico, Bolivia, Indonesia, Thái Lan, Trung Quốc, Cam Bốt… cũng đã từng xảy ra.
Tuy nhiên, trong bối cảnh của Trung Bộ Việt Nam, mấy năm
gần đây có sự gia tăng và phát triển của các khu công nghiệp ven biển, hầu hết
tại các tỉnh và đặc biệt là ở Hà Tĩnh có khu công nghiệp Vũng Áng, với một số
nhà máy nhiệt điện, nhà máy cán thép đã đi vào hoạt động. Thực trạng biển
Việt Nam hơn lúc nào hết đã gióng một hồi chuông thức tỉnh cả thế giới.
Nhiều con mắt nghi ngờ đang đồ dồn về phía công ty TNHH
gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS, thuộc tập đoàn Formosa Đài Loan)
như thủ phạm chính gây ra cái chết hàng loạt của thủy hải sản dọc khu vực miền
Trung Việt Nam, kể từ sau khi phát hiện công ty này đã cho lắp đặt trái phép
các ống xả ngầm đổ ra biển.
Mới đây đã diễn ra nhiều cuộc biểu tình của người dân
trong và ngoài nước, phản đối và đòi đuổi Formosa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Liệu
đây có phải là thủ phạm chính hay chỉ là giọt nước làm tràn ly của tình trạng ô
nhiễm biển Việt Nam vốn chưa được quan tâm đúng mức từ trước đến giờ ?
Nhìn một cách tổng quát, gây ô nhiễm nước biển được hiểu
là việc đưa vào nguồn nước biển (bằng hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp) các
chất cặn bã, các thực thể hay năng lượng, trong đó bao gồm cả các nguồn âm
thanh do con người phát ra dưới lòng biển, gây ra tác hại xấu đối với nguồn
sinh vật sống và hệ sinh thái biển. Hậu quả là nguồn đa dạng sinh học bị suy giảm,
nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người, gây ra những cản trở cho các hoạt động
liên quan đến biển (chủ yếu là đánh bắt hải sản, du lịch và thư giãn trên biển…)
hay sự biến chất của nguồn nước.
Các nguồn nước thải gây ô nhiễm nước
biển
Theo tiến sĩ Dư Văn Toán, Viện Nghiên Cứu Biển và Hải Đảo
Việt Nam, dải ven biển hay đới ven biển nói chung trên thế giới cũng như tại Việt
Nam có rất nhiều nguồn tiềm ẩn gây ô nhiễm. Cho đến nay, đa phần lượng chất
gây ô nhiễm đến từ đất liền, một phần nhỏ đến từ các hoạt động trên biển từ tàu
thuyền, dàn khoan, đáy biển.
Các nguồn nước thải ra biển chủ yếu bao gồm:
- Các nguồn thải lục địa đổ ra sông và theo dòng sông đổ
ra biển
- Nước thải sinh hoạt trực tiếp từ khu vực đô thị, thành phố ven biển
- Nước thải công nghiệp từ các khu công nghiệp ven biển trực tiếp hay qua cống thải ngầm dưới biển
- Nước thải, dầu thải, hóa chất của tầu thuyền trên biển
- Sự cố dầu tràn của dàn khoan khai thác, tầu vận tải chuyên chở dầu.
- Nước thải sinh hoạt trực tiếp từ khu vực đô thị, thành phố ven biển
- Nước thải công nghiệp từ các khu công nghiệp ven biển trực tiếp hay qua cống thải ngầm dưới biển
- Nước thải, dầu thải, hóa chất của tầu thuyền trên biển
- Sự cố dầu tràn của dàn khoan khai thác, tầu vận tải chuyên chở dầu.
Cùng với các yếu tố dòng chảy, chế độ sóng, gió khu vực
cũng gây ra các quá trình vận chuyển ô nhiễm sang các vùng lân cận. Các chất
gây ô nhiễm cũng tác động đến chế độ hải dương, các quá trình sinh học, làm xuất
hiện hiện tượng phù dưỡng (tức là tình trạng gia tăng dinh dưỡng gốc photpho
PO4 trong nước) hoặc cũng có thể gây ra các hiện tượng suy giảm nồng độ oxy hòa
tan (tên tiếng Anh là Dissolved oxygen hay DO) dẫn đễn hiện tượng cá và hải sản
chết.
Trong khi người dân Việt Nam vẫn đang chờ chính phủ công
bố chính thức nguyên nhân của việc cá chết hàng loạt này, RFI đã có dịp trao đổi
với Giáo sư-Tiến sĩ Trương Nguyện Thành, hiện đang
công tác tại đại học Utah, Hoa Kỳ, để hiểu rõ hơn về thành phần cũng như tác hại
của các chất độc có thể tìm thấy trong nước thải công nghiệp. Xin mời quý vị
đón nghe cuộc trao đổi này :
RFI : Xin chào GS Trương Nguyện Thành. Cảm ơn ông đã nhận lời trả lời phỏng
vấn của Ban Việt ngữ, đài quốc tế Pháp RFI. Như ông đã biết, hiện nay nhiều nước
trên thế giới trong đó có cả Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm
nước biển nghiêm trọng. Một thực tế không thể phủ nhận, đó là việc gia tăng các
hoạt động kinh tế - dân sinh, song hành cùng với việc gia tăng lượng chất thải,
nước thải đi theo các sông, hồ, đổ ra biển. Dưới góc độ là một nhà khoa học có
kinh nghiệm lâu năm, công tác trong lĩnh vực hóa học, ông có thể cho thính giả
biết đôi nét về thành phần các chất thải, xuất phát từ các hoạt động công-nông
nghiệp của con người, cũng như hậu quả của chúng đối với môi trường sống nói
chung và đối với môi trường biển nói riêng được không ạ?
GS. TS. Trương Nguyện Thành : Về hoạt động nông nghiệp, đa số là sử dụng phân bón, mà người ta gọi là
những nguồn chất thải không nhất định vị trí. Đa số những chất độc có trong chất
thải từ nông nghiệp là chất hữu cơ, tính độc tính thực sự không ảnh hưởng lâu
dài. Còn về hoạt động công nghiệp, nguồn thải là cố định, người ta biết nguồn
thải đó nằm ở vị trí nào. Chất độc từ công nghiệp thì cũng tùy theo lĩnh vực
công nghiệp. Đa số nguồn thải đó phải qua xử lý.
Những nước tiên tiến thì có một hệ thống xử lý nước thải
rất tốt. Những nước đang phát triển gặp phải vấn đề là xử lý chất thải rất tốn
kém, nên họ thường có những cách để không qua những bước xử lý chất thải đó, mà
đổ thẳng nguồn nước thải ra ngoài thiên nhiên. Đó mới là nguồn gây độc hại tới
môi trường.
Trong xử lý nước thải công nghiệp, nó sẽ lọc ra các hóa
chất độc trong đó có hóa chất hữu cơ và vô cơ. Trong những loại chất hữu cơ thì
cũng có những loại có độc tính khá cao như là các loại hữu cơ nhiều vòng : có
khả năng gây ung thư nhưng chưa đến nỗi gây chết người hay súc vật cho lắm.
Còn những đặc tính vô cơ, ví dụ như kim loại nặng thì rất
độc. Chỉ với một thành phần rất nhỏ trong nước, chừng 1 gam trong 1 triệu lít
nước, có những kim loại nặng có khả năng giết sinh vật. Chẳng những vậy, con
người thường là sinh vật cuối cùng trong hệ tiêu thụ. Khi con người hấp thụ kim
loại nặng, bộ phận tiêu hóa không thải ra hiệu quả lắm cho nên kim loại nặng
tích tụ trong người. Như vậy, các loại kim loại nặng ảnh hưởng đến bộ máy tiêu
hóa, phân chia tế bào, không những gây ung thư mà còn có thể làm hư cả tế bào gốc,
sinh dị tật, có thể gây ảnh hưởng đến nhiều thế hệ sau nữa
Một tình trạng từng xảy ra trong lịch sử của Nhật Bản, đó
là thủy ngân ; nó ảnh hưởng đến 60 năm, người dân Nhật vẫn còn phải trả giá, đó
là vẫn phải chịu dị tật. Xã hội Việt Nam cũng đã từng bị một chất độc hữu cơ rất
là mạnh, gọi là chất độc da cam. Loại chất độc này cũng gây dị tật và đi theo
nhiều thế hệ.
Kim loại mạnh ảnh hưởng mạnh mẽ hơn, nặng nề hơn chất độc
da cam. Khi con người tiếp xúc với nó, với nồng độ cao thì sẽ bị ảnh hưởng liền,
trừ khi tiếp xúc với nồng độ thấp, chẳng hạn thủy ngân trong cá với một tỉ lệ
nhỏ. Nếu cá bị nhiễm một lượng độc cao, khi ăn vào thì lượng độc đó vượt ngưỡng
trong cơ thể thì lúc đó người có thể bị ngộ độc kim loại nặng, có thể gây chết
người liền.
Kim loại nặng cũng có rất nhiều loại kim loại, từ công
nghệ khai thác mỏ, công nghệ làm thép. Kim loại nặng từ lòng đất mà ra. Cho nên
trong công nghệ khai thác mỏ, thường thường sẽ giải phóng kim loại nặng ra môi
trường.
Trong mẫu nước, kim loại nặng bị pha loãng theo thời
gian, nhưng ở trong con cá thì vẫn còn. Nếu như kim loại nặng khi pha loãng thì
nó cũng bị phát tán đi, theo dòng hải hưu và lắng dần xuống lớp bùn. Lấy mẫu từ
những con vật sống dưới đáy như sò, ốc, trong lớp bùn phủ dưới đáy biển, vẫn
còn có một lượng rất lớn kim loại nặng dưới đó.
Tôi nghĩ rằng chính phủ Việt Nam cần phải có cơ sở để xét
nghiệm chất lượng nước thải trước khi nó được đưa ra ngoài môi trường. Một số
cơ sở công nghiệp Việt Nam né vấn đề xử lý nước thải vì cái đó tốn kém nên họ
thải thẳng ra nguồn thiên nhiên : sông hoặc biển. Nếu thải ra sông thì giết hết
cả các sinh vật sông, mà nếu không giết thì cá đó bị nhiễm độc, rồi người ta ăn
cá và cũng bị nhiễm độc trong người.
RFI : Ông nghĩ sao về cái giá mà Việt Nam phải trả trong câu chuyện phát triển
kinh tế không đi đôi với bảo vệ môi trường này?
GS. TS. Trương Nguyện Thành : Nền kinh tế chung Việt Nam lệ thuộc vào kinh tế biển là chính. Nếu môi
trường ảnh hưởng đến thương hiệu của nền kinh tế biển, kể cả vấn đề sức khỏe
con người và ảnh hưởng đến nhiều thế hệ thì cái giá phải trả cao hơn nhiều so với
cái giá để phát triển kinh tế về công nghệ đó.
RFI : Trước thảm họa môi trường biển mà Việt Nam đang phải gánh chịu, ông muốn
nhắn nhủ thông điệp gì?
GS. TS. Trương Nguyện Thành : Đây là một lo ngại rất là lớn cho nền kinh tế, cũng như sức khỏe của
người Việt Nam trong nhiều thế hệ. Tôi nghĩ rằng tất cả các khoa học gia trong
và ngoài nước mà quan tâm cũng nên có một chút suy nghĩ để giúp cho dân tộc Việt
Nam vượt qua thảm họa này chứ không phải giúp cho một chính phủ nào.
--------------------------------
Làm sao tránh một vụ Vũng Áng khác : Trước tham vấn, sau minh bạch
.
Cá biển chết ở Việt Nam: Hệ lụy có thể kéo dài 50 năm
.
Cá biển chết hàng loạt: Chính quyền vẫn còn mơ hồ
No comments:
Post a Comment