2.05.2016
Vào
giữa tháng Tư năm thứ 41 kỷ niệm ngày 30 tháng 4, 1975 cộng đồng Việt hải ngoại,
đặc biệt tại Mỹ, nhận được một ngạc nhiên vô cùng thích thú, nếu không là ngoài
sức tưởng tượng của bất cứ ai. Đó là tin cuốn tiểu thuyết "The
Sympathizer" (Cảm Tình Viên) của Việt Thanh Nguyễn, một người trẻ Việt thuộc
thế hệ 1.5 hiện là giáo sư chuyên ngành văn học và sắc tộc tại trường Đại học
University of Southern California, được giải thưởng Pulitzer về văn chương.
Giải
Pulitzer, năm nay vừa tròn 100 tuổi, là một trong những giải thưởng văn học
danh giá nhất của Hoa Kỳ, có thể nói đây là một giấc mơ của bất cứ người cầm
bút nào, và đã từng được trao tặng cho những tác phẩm nổi tiếng của Mỹ, như
"Gone With The Wind" của Margaret Mitchell, "The Old Man and the
Sea" của Ernest Hemmingway, và "To Kill A Mockingbird" của
Harper Lee. Giải Pulitzer, do ông Joseph Pulitzer, một nhà báo gốc Hungary sáng
lập vào năm 1917, thoạt đầu dành cho báo chí sau mở rộng ra bao gồm cả các bộ
môn văn chương, kịch nghệ và âm nhạc. Về ba bộ môn sau tác giả phải có quốc tịch
Hoa kỳ. Riêng bộ môn báo chí, tác giả có thể là người ngoại quốc nhưng tác phẩm
đọat giải phải đã xuất hiện trên các cơ quan truyền thông Mỹ. Năm 1973, Huỳnh
Công Út, phóng viên nhiếp ảnh người Việt đầu tiên được giải Pulitzer về nhiếp ảnh
phóng sự (spot news photography), với tấm ảnh "Cô bé Napalm."
Vào
tháng Tư năm ngoái khi cuốn tiểu thuyết "The Sympathizer" chào đời,
do nhà Grove Press ở New York xuất bản lần đầu, một vài người bạn tôi sau khi đọc
vài trang hay chương đầu, điện thư, giọng như có vẻ nhớn nhác nữa, hỏi tôi, thế
là thế nào, có phải nhân vật ấy nhân vật nọ là ông này ông kia trong cộng đồng
người Việt. Có chị bạn không có thì giờ đọc song muốn biết cốt chuyện, khi nghe
tôi vừa bắt đầu kể đây là cuốn truyện về một tên gián điệp Việt Cộng nằm vùng,
chị bật lên câu hỏi ngắt ngang lời tôi, thế anh ta sau có… hồi chánh không.
Các
bạn tôi hoang mang phần lớn vì cuốn truyện vốn lấy góc nhìn (point of view) của
một gã Việt Cộng nằm vùng từ trước 1975 ở Miền Nam và cả trong cộng đồng người
Việt tại Mỹ vào thời điểm giữa thập niên 1980. Tôi không trách được họ, vì
chính bản thân tôi cũng hơi bị "choáng váng" ở vài trang đầu. Nhưng
vì hiếu kỳ, và cũng vì đã đọc một số nhận định phần lớn là ca ngợi của một số
nhà điểm sách của những tờ báo lớn của Mỹ, nên tôi đọc tới, rồi dần bị lôi cuốn
bởi văn phong duyên dáng, tài kể chuyện, có khi dí dỏm, có lúc châm biếm, và khả
năng xây dựng nhân vật linh động, dàn dựng cốt chuyện chặt chẽ của tác giả.
The
Sympathizer mở
đầu trong bối cảnh sôi động cùng cực của Miền Nam vào những ngày tháng Tư năm
1975, qua nhãn quan của nhân vật xưng tôi, từ đầu tới cuối không có tên và cả
tuổi, như phần lớn những nhân vật khác trong truyện. Tuy nhiên, dài theo chuyện
kể thì ta có thể biết Cảm Tình Viên (CTV) có lẽ vào khoảng trên dưới 30 vào lúc
Miền Nam sắp tan hàng, là một người con lai Pháp, con vô thừa nhận của một vị
linh mục người Pháp và một phụ nữ giúp việc nhà người Việt, lúc nhỏ thường bị đối
xử một cách kỳ thị bất công như hầu hết những đứa trẻ hai giòng máu sinh ra ở
Việt Nam. Tuy vậy, anh ta cũng được vị linh mục cho theo học trường của ông, và
với sự khuyến khích của bà mẹ ít học, anh ta học hành giỏi, và đã được học bổng
đi du học tại Mỹ, trong vùng San Francisco.
Trong
thời gian du học này anh ta được móc nối làm việc cho phía cộng sản. Khi về nước
(Miền Nam), anh ta nhập ngũ và trở thành một đại úy trong quân đội Việt Nam Cộng
Hoà, là một thuộc hạ rất được tín cậy của một Ông Tướng, đến độ anh ta được Ông
Tướng cho một phòng riêng trong giẫy nhà ngang ở sau biệt thự của gia đình ông.
Từ vị trí cánh tay mặt thân tín của Ông Tướng, được giao phó việc thiết lập
danh sách di tản, CTV có dịp tiếp xúc và quan sát những nhũng lạm của một số tướng
tá vào những ngày cuối cùng của Miền Nam.
Trong
khi đó anh ta vẫn tiếp tục làm gián điệp cho Miền Bắc. Người mà anh có phần vụ
báo cáo các tin tức thu lượm được của phía Ông Tướng là một trong hai người anh
em đã cùng cắt máu ăn thề kết nghĩa trọn đời bảo bọc cho nhau, trong truyện có
tên là Man, một cán bộ VC nằm vùng. Người anh em kết nghĩa kia có tên Bon, là một
sĩ quan trong quân lực VNCH. Bon la người duy nhất trong ba anh em kết nghĩa
này không biết hai người kia cùng là VC nằm vùng.
"Tôi
là một tên gián điệp, một gã nằm vùng, một bóng ma, một người với hai mặt,"
cuốn truyện mở đầu. "Có lẽ cũng không đáng ngạc nhiên là tôi cũng còn là
người mang hai bộ óc. Tôi không phải là một thứ biến thái nhìn lầm từ một cuốn
sách hí hoạ hay cuốn phim kinh dị nào, mặc dù có vài người đã đối xử với tôi
như [thể tôi là mấy thứ đó]. Thực ra tôi chỉ là người có khả năng nhìn bất cứ sự
việc gì từ hai phía." (Nguyen, Viet Thanh, 2015-04-02.The Sympathizer:
A Novel, Kindle Locations 29-31. Grove/Atlantic, Inc.. Kindle Edition.)
Có
lẽ cũng chính vì vị trí nhìn mọi sự việc từ hai phía của nhân vật xưng tôi này,
nhiều độc giả Việt hải ngoại, những người không chấp nhận cộng sản, đã không cảm
thấy gần gũi với người kể chuyện và cả câu chuyện kể. Dài theo 23 chương sách,
người kể chuyện cũng như độc giả hầu như không chia sẻ, liên đới, "đan kết"
được với nhau. Có lẽ cũng không quá lắm khi một người bạn tôi thốt lên là cuốn
truyện "khó nhai," là mình không cảm thấy xúc động ngay cả trước những
cảnh di tản vốn nhiều đau thương, hay những phấn đấu cam go để tồn tại của các
nhân vật trong thời gian đầu của cuộc sống lưu vong. Giản dị, khi đọc sách, đặc
biệt sách văn chương, ta thường đọc bằng tất cả những kinh nghiệm, suy tư và cả
định kiến cá nhân, một hành trình rất riêng tư. Chưa kể, tác giảThe
Sympathizer lại sử dụng thể loại văn chương ít ai dùng, nếu không nói
là ngoại lệ (unconventional), đó là loại phản người hùng (tạm dịch từ
"antihero" hay "antiheroine"), mà trong đó nhân vật chính
thiếu những giá trị ước lệ của xã hội, như lý tưởng, can trường và đức hạnh, để
kéo người đọc nhập vào dòng chuyện và "đứng về phe mình." Loại nhân vật
này thường có cá tính đen tối như bất đồng quan điểm, thiếu thành thực, và năng
động. Cũng "khó đọc" nữa là về hình thức, tác giả không theo các quy
luật thông thường, như không để những ngoặc kép xung quanh những lời đối thoại,
khiến nhiều khi phải đọc đi đọc lại một đoạn nào đó để biết ai đang nói cái gì.
Điều này, theo cái nhìn của tôi, cũng chứa đụng một ẩn ý nào đó về phía tác giả
nhằm vẽ lên những tranh tối tranh sáng, thay vì chỉ có trắng đen, của những vấn
đề chưa ngã ngũ, còn trong thời kỳ khai triển, còn biến thái qua muôn hình vạn
trạng.
Khi
Saigon sắp đầu hàng, với tin Bắc quân với xe tăng đã nằm trấn ở các ngả vào thủ
đô, nhân vật CTV tính ở lại, vì anh ta nghĩ đất nước đã tới lúc được giải phóng
thì anh ta ở lại để tiếp tay xây dựng. Nhưng tổ trưởng Man ra lệnh cho anh ta
theo gia đình Ông Tướng di tản để tiếp tục báo cáo mọi việc làm của Ông Tướng ở
nước ngoài. Anh ta đành tuân lệnh. Trong chuyến di tản với gia đình Ông Tướng
có cả gia đình Bon, gồm vợ và một đứa con trai nhỏ. Trong lúc chạy vào đuôi chiếc
phi cơ vận tải quân sự của Mỹ chờ trên phi đạo ở phi trường Tân Sơn Nhất, vợ
con của Bon bị đạn lạc chết. Bon trở thành thất trí, sang tới Mỹ chỉ một hai
nung nấu ý định trở về VN để trả thù và khôi phục lại đất nưóc.
Sang
tới Mỹ, Ông Tướng mở nhà hàng sinh sống, tiếp tục tin dùng CTV và bắt đầu thu
thập tàn quân nuôi mộng khôi phục đất nước. CTV tất nhiên báo cáo mọi việc cho
Man qua những lá thư gửi sang Pháp cho một "bà cô," tường trình cả những
buổi họp nuôi mộng phục quốc sôi sục đầy khí thế trong cộng đồng người Việt hải
ngoại mà những người di tản năm 1975 và sau đó có lẽ còn nhớ, đã được tác giả
mô tả khá sống động như thể đã từng tham dự, mặc dù lúc ấy tác giả chỉ là một cậu
bé con.
Tình
cờ, và vì sinh kế, CTV được thu nhận vào làm việc với tư cách cố vấn cho cuốn
phim về chiến tranh Việt Nam kiểu Apocalypse Now được quay tại
Phi Luật Tân, nơi các vai VC phụ diễn được tuyển trong đám thuyền nhân còn ở
trong trại tị nạn, nhiều người là những cựu quân nhân trong quân lực VNCH, đóng
vì cần tiền và cũng vì thường khi được tuyển đóng phim, nhất là làm phụ diễn
(extras), không ai được biết cốt truyện và chiều hướng của nhà làm phim. Qua tiếp
xúc với các thuyền nhân, tìm hiểu vì sao họ phải bỏ cửa bỏ nhà bỏ quê hương liều
chết vượt biển, CTV bắt đầu chất vấn cái gọi là "lý tưởng cách mạng"
mà anh ta theo đuổi lâu nay.
Trở
lại Mỹ, CVT được biết Ông Tướng bắt đầu gửi người về chiến khu hoạt động, và một
trong những người tình nguyện về là người anh em kết nghĩa Bon. Sau khi thuyết
phục Bon đừng về vì nguy hiểm không xong, CVT cảm thấy, do đã cắt máu ăn thề
đùm bọc lẫn nhau, mình phải xin đi theo để che chở cho Bon. Để được Ông Tướng
chấp nhận cho về chiến khu, CTV đã tham dự vào vụ ám sát một cựu sĩ quan VNCH
mà Ông Tướng tình nghi là "hai mang," và chính tay giết thêm một nhân
vật thường viết bài chỉ trích việc làm của nhóm Ông Tướng, để chứng tỏ lòng
trung thành với chính nghĩa của mình.
Trong
một cuộc đụng độ đâu đó trong rừng ở vùng biên giới Đông Dương, nhóm kháng chiến
bị lọt ổ phục kích của quân cộng sản, một số bị giết và những người còn lại bị
bắt, trong đó có Bon và CTV. Vì trường hợp đặc biệt khi thú nhận là đã hoạt động
cho phe cộng, CTV càng bị tình nghi, bị biệt giam, bị tra tấn, phải viết tới viết
lui một bản tự kiểm thảo, với kết quả là một tập giấy dầy tới gần 300 trang.
Hành trình này – tự kiểm thảo tới lui, bị biệt giam và tra tấn – đã giúp CTV dần
"giác ngộ," để thấy là các đồng chí của mình "[M]ột khi đã giải
phóng chúng ta dưới danh xưng độc lập và tự do – sao tôi mệt vô cùng khi nói tới
những chữ này! – chúng ta lại cướp đi chính những thứ này từ những người anh em
bị bại trận." (Kindle Locations 5497-5498)
Qua
sự can thiệp và cả hối lộ viên trưởng trại của tổ trưởng Man (bằng tiền bạc đút
lót từ các bà vợ của các tù cải tạo để được thăm nuôi lo cho chồng) tình cờ là
bí thư chính trị của trại tù nơi CTV bị giam giữ mà chỉ về sau này mới xuất đầu
lộ diện, CTV cuối cùng được phóng thích cùng với Bon, và với cả bản tự kiểm thảo
do Man trao lại: đó cũng chính là cuốn "The Sympathizer" mà độc giả
đang cầm trên tay. Họ được hướng dẫn tới một trạm giao liên, và chờ ngày lên đường
vượt biên.
Tác
giả Nguyễn Thanh Việt
và
cuốn tiểu thuyết "The Sympathizer" (Ảnh Google/Images)
Tôi
phải mất một thời gian để "tiêu hoá" câu chuyện, mặc dù biết đây chỉ
là một truyện sáng tác, dù tác giả nhìn nhận trong phần công nhận
(Acknowledgments) ở cuối sách, là "[N]hiều sự việc trong cuốn tiểu thuyết
thực sự đã diễn ra, mặc dù tôi phải nhìn nhận là đã tùy nghi thay đổi tình tiết
và thứ tự thời gian." (Kindle Locations 5594-5595). Tôi có linh cảm về một
tầm mức quan trọng của The Sympathizer do giá trị văn chương của
cuốn truyện, hơn là tính cách chính trị của những vụ việc dù dựa vào sự thực
hay có tính cách sáng tạo. Nhưng tin cuốn tiểu thuyết được giải Pulitzer quả là
một bất ngờ. Những ghi nhận bên dưới hoàn toàn là của cá nhân tôi, và đã hẳn
không phản ảnh suy tư của tác giả, người mà tôi chưa hề trực diện.
Do
giá trị văn chương nổi bật của cuốn truyện – cái sức mạnh không thể chối cãi của
một tác phẩm văn chương đã khiến một độc giả đọc mà tưởng như đang đọc chuyện
có thật – đã, có lẽ, khiến đài BBC tiếng Việt đặt thành "vấn đề" bằng
tựa đề cho một bài tường thuật gần đây, "Người Mỹ ‘phải nhìn khác về chiến
tranh VN’," như thể đây là cuốn sách biên khảo về chiến tranh VN, chứ
không phải là tiểu thuyết (fiction). (*)
Cuộc
chiến Việt Nam không chỉ là những bàn cãi chưa ngã ngũ giữa các học giả, sử gia
và những người còn quan tâm thuộc thế hệ tôi, những người trên dưới 70, thế hệ
người Việt di dân thứ nhất, mà còn là quan tâm của nhiều người trẻ Việt đặc biệt
thuộc thế hệ 1.5, như tác giả The Sympathizer. Là những người trẻ lớn
lên trong xã hội Mỹ, thụ huấn một nền giáo dục nhân bản và phóng khoáng, với tất
cả những cơ hội phát triển và tiến thân có thể nói vào bậc nhất thế giới, họ tất
nhiên không chấp nhận quan điểm của cha anh mình mà ngược lại, họ chất vấn những
tin tưởng, giá trị của tiền bối. Trong cuộc hành trình trí thức đó, họ cũng đồng
thời không chấp nhận quan điểm về cuộc chiến Việt Nam rất phiến diện của những
cuốn sách giáo khoa mà họ phải học khi còn ở trung học, và nhan nhản trong nhiều
cuốn sách về chiến tranh Việt Nam vốn ảnh hưởng bởi phong trào phản chiến vốn bị
ô nhiễm bởi hệ thống tuyên truyền tinh vi của khối cộng sản vào cuối thập niên
1960, đầu thập niên 1970. Thế hệ Việt 1.5 và sau này muốn "nhìn […] sự việc
từ hai phía," để từ đó xây dựng một hệ thống giá trị của riêng họ.
Điều
nổi bật nhất nơi, nếu không nói là một thứ căn cước của, những người di dân thuộc
thế hệ tôi, đã hẳn, là tinh thần chống cộng. Làm sao không chống cộng được khi mà chủ nghĩa tàn độc
này, từ gần một thế kỷ qua, trải dài cả thảy là ba, bốn thế hệ, đã hủy diệt bao
nhiêu khát vọng độc lập tự do thật sự để xây dựng đất nước, vun sới tiền đồ của
tổ tiên, dân tộc. Đấy là chưa kể con người đã và đang bị tha hoá, không còn
phân biệt phải trái, chính tà; và một môi trường thiên nhiên đã không những
không được bảo vệ mà còn bị tàn phá vì những lợi nhuận nhỏ bé cá nhân của tầng
lớp lãnh đạo từ trung ương tới địa phương. Điển hình là vụ cá bị nhiễm độc
chết trắng một vùng dọc bờ biển miền Trung Việt Nam do Công ty TNHH Gang thép
Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, thuộc tập đoàn Formosa Đài Loan (mà phiá sau cũng
là từ Hoa Lục), hoạt động tại Khu kinh tế Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh, gây ra và hiện
đang gây xôn xao, phẫn nộ trong dư luận cả trong và ngoài nước.
Nói
đến tinh thần chống cộng thì ta cũng phải nhìn nhận là có nhiều thành phần
trong cộng đồng hải ngoại đã trở thành chống Cộng hết sức cực đoan, tới độ nhìn
đâu cũng thấy VC, rồi xoay ra tố cáo lẫn nhau, xẩy ra cái cảnh mà một nguời bạn
của tôi đã gán cho cái nhãn "quân mình đánh quân ta," tiếp nối một trận
hoả mù đã từng diễn ra ở Miền Nam trong suốt thời kỳ chiến tranh mà nấp phía
sau là các đặc công VC mà nhiều người Miền Nam dạo ấy không thấy, có khi ngay cả
chính nạn nhân cũng không thấy và không biết luôn. Trường hợp điển hình mà tôi
biết đích xác là vụ nhà văn/nhà báo Chu Tử bị ám sát hụt vào giữa năm 1966. Cho
tới khi chết — ông Chu Tử bị tử thương trên chuyến tầu di tản ngày 30 tháng 4,
1975 khi tầu còn trong sông Saigòn, nhiều người tin là bị B40 của VC – ông có lẽ
vẫn tin là mình bị "người anh em quốc gia" thanh toán. Thực tế, ông bị
đặc công Huỳnh Văn Long ám sát, nhưng một người nào đó, có thể là chính Long,
được VC dàn dựng là người mưu sát ông tới tìm gặp ông, cho biết là cảm tình
viên của Thượng toạ Thích Thiện Minh, thấy thầy mình bị ông Chu Tử chỉ trích, tức
khí, đi tìm bắn nhà báo để trả thù, không ngoài chủ trương gây chia rẽ giữa báo
chí và tôn giáo.(**)
Kết
quả của những vụ "quân mình đánh quân ta" là nhiều người phát chán nản,
không muốn dính vào chuyện cộng đồng. Thậm chí còn gọi cộng đồng Việt, đặc biệt
ở vùng Orange County, Nam Cali, là chốn "gió tanh mưa máu." Một số bạn
báo chí Việt ngữ của tôi cảm thấy mặc dù mình đang sinh hoạt trong một xã hội
mà quyền tự do báo chí được tuyệt đối bảo vệ qua Tu Hiến Pháp Thứ nhất (First
Amendment) nhưng họ không thấy được tự do hành nghề. Rất ít những người trẻ thuộc
thế hệ 1.5 còn sinh hoạt trong cộng đồng; phần lớn hội nhập vào và xây dựng sự
nghiệp của mình trong giòng chính. Một số ít, vì một đam mê nghề nghiệp nào đó
hoặc do nhu cầu phục vụ, đi về Việt Nam làm việc, cả phối hợp với các cơ quan
trong nước, để làm những việc mà họ không có cơ hội và được sự hỗ trợ của cộng
đồng hải ngoại. Điển hình là phần lớn những phim truyện được trình chiếu trong
kỳ đại hội điện ảnh Việt Film Fest vừa qua đã xuất phát từ Việt Nam nhưng lại
do những nhà làm phim gốc Việt tại Mỹ thực hiện, với sự phối hợp và giúp đỡ của
các cơ quan trong nước. Ngoài ra, còn có những người trẻ về nước trong âm thầm
để làm những việc xã hội cho những lớp người dân đã bị chế độ Hà Nội bỏ quên.
Và không ít những người trẻ này đã bị nhiều người trong cộng đồng chỉ trích là
làm lợi cho cộng sản, hay bị cộng sản lợi dụng.
Phải
thẳng thắn mà nhìn nhận là giữa các thế hệ 1 và 1.5 – khoan nói tới thế hệ 2 trở
đi, gồm các em sinh ra tại Mỹ — hiện có một hố sâu ngăn cách: chúng ta không hiểu
các con em của mình, cho là chúng bị Mỹ hoá, và về quan điểm chính trị, chúng
chưa hay không chống cộng đủ. Và ngược lại, các thế hệ trẻ không hiểu chúng ta.
Một chuyện khá bi hài về bất đồng thế hệ mà tôi nghe kể, là có vài vị trưởng
thượng tại một thành phố nọ ở Quận Cam đã đòi đuổi một ông thị trưởng trẻ gốc
Việt về vườn, bằng luật "recall," vì ông này không chống cộng đủ. Nhiều
bậc cha mẹ còn giữ thói quen "nói xuống" các em, thay vì "nói với,"
cho rằng chúng phải tìm tới mình, thay vì mình với tới (reach out) chúng. Tình
trạng này xẩy ra phần lớn cũng còn vì ngôn ngữ bất đồng: cha mẹ không đủ tiếng
Mỹ để nói chuyện sâu sắc với các con, mà con cái thì cũng không đủ tiếng Việt để
đối thoại một cách có ý nghĩa với cha mẹ. Nhiều em lớn lên hay sinh ra ở Mỹ
không thông thạo tiếng Việt thường bị các bậc cha mẹ hay trưởng thượng kỳ thị,
không coi các em là người Việt; thế nhưng họ lại vui vẻ đón nhận và khen ngợi một
người Mỹ hay ngoại chủng chỉ vì người này thích ăn cơm Việt, biết dùng nước mắm,
và bập bẹ được vài câu tiếng Việt. Đấy là chỉ mới nói tới chuyện bất đồng ngôn
ngữ và văn hoá, khoan nói tới lịch sử hay chính trị, đặc biệt là cuộc chiến Việt
Nam.
Tuổi
trẻ Việt, qua "The Sympathizer," theo cảm nhận chủ quan của tôi, hình
như đã nhìn thấy đường ra khỏi trận hoả mù mà cuộc chiến Việt Nam đã gây ra.
Thái độ của tôi là chấp nhận họ với một trạng thái như thế, cũng như không nên
gán cho cuốn tiểu thuyết cái nhãn "chống Cộng" hay "thân Cộng."
Vả
lại, đây chẳng qua chỉ là một cuốn tiểu thuyết. Và cũng có lẽ chỉ có văn chương
vốn có một kích thước vô bờ bến, và với hình thức tiểu thuyết, mới có thể giúp
tác giả nói lên được những suy tư chủ quan của mình, trong hành trình chữa
thương nhằm "giải oan cho cuộc biển dâu" (***) này, chăng?
Tôi
đọc đâu đó, được biết tác giả Nguyễn Thanh Việt đang viết cuốn
"sequel" của The Sympathizer. Đã từng thưởng ngoạn tính
chất văn chương của The Sympathizer, tất nhiên là tôi chờ đợi cuốn
kế.
[TD2016/04]
Chú
thích:
(*)
"Người Mỹ ‘phải nhìn khác về chiến tranh VN’,"http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/04/160418_the_sympathizer_pulitzer_comments
(**)
"Báo chí Miền Nam: Nhân 38 năm ngày giỗ Chu Tử, Nhìn lại vụ Chu Tử bị ám
sát hụt, ngày 16- 4-1966,"http://www.diendantheky.net/2013/05/trung-duong-bao-chi-mien-nam-nhan-ky.html.
(***)
Thơ Tô Thùy Yên, bài "Ta Về," http://poem.tkaraoke.com/10069/Ta_Ve.html
-------------------------
TIỂU
THUYẾT "THE SYMPATHIZER" CỦA NGUYỄN THANH VIỆT ĐOẠT GIẢI PULITZER
2016
NGUYỄN
THANH VIỆT ĐOẠT GIẢI PULITZER VỀ TIỂU THUYẾT "CẢM TÌNH VIÊN" -
SYMPATHIZER (tin tổng hợp) 19/4/2016
No comments:
Post a Comment