Saturday, May 7, 2016

NHÌN RA XUNG QUANH : CHỈ CÒN TA KHÁC TẤT CẢ (J.B Nguyễn Hữu Vinh)




Fri, 05/06/2016 - 20:05 — nguyenhuuvinh

Những thông tin về các vấn đề trong nước được báo chí Việt Nam (VN) đưa khá nhiều, làm mệt mỏi những người ưa thông tin về xã hội. Chú ý nhiều đến các thông tin trong nước, nhiều khi cũng tăng độ stress cá nhân và không khéo thì có thể sốc nặng tập thể.

Bởi liên tục những thông tin và các diễn biến liên tiếp về các sự  kiện cứ thay đổi, xoay chiều như chong chóng. Cả xã hội đang như loạn cào cào chẳng biết sẽ về đâu với mức độ an ninh về môi trường sống ở VN, dù là nơi luôn được tự hào là điểm đến, là chỉ số hạnh phúc đứng thứ nhì thế giới.

------------

Tạm gác bỏ những chuyện hàng ngày cơm, áo, gạo, tiền, cướp giật, mại dâm, ô nhiễm ở VN, thử ngó qua hàng xóm quanh ta về một vài vấn đề cùng quan tâm như thế nào? Đó là mối tương quan với Trung Quốc, một đất nước mới lớn lên thời gian gần đây và đã sớm bộc lộ bản thân mình sau khi vứt bỏ chiếc áo khoác "Trỗi dậy hòa bình" để thể hiện sớm mưu đồ bành trướng - Một căn bệnh thâm căn, cố đế của mình.

Ba nước không được dân Trung Quốc thích: Nhật Bản, Philippines và Việt Nam

Tờ báo Hoàn Cầu, một cánh tay nối dài của Nhân Dân Nhật báo - Cơ quan của Trung ương Đảng CS Trung Quốc, tương tự tờ báo Đảng CSVN mang tên Nhân Dân ở VN - đã làm một cuộc trưng cầu dân ý trên mạng: “Lựa chọn láng giềng” mới đây đã cho kết quả như trên.

Sở dĩ kết quả thu được như vậy, vì ba nước này đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc. Hẳn nhiên, là có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc, thì người dân Trung Quốc không thích, chẳng có gì là lạ.

Về lãnh thổ và bành trướng lãnh thổ, Trung Quốc có tất cả 14 láng giềng trên bộ và từng có tranh chấp lãnh thổ với tất cả, trừ Pakistan. Một số đã được thỏa thuận xong nhưng vẫn tồn tại nhiều tranh chấp đến tận ngày nay.

Bắt đầu từ Nga, Ấn Độ, Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên và các nước Trung Á như Kyrgyzstan, Kazakhstan, Tajikistan, Afghanistan, còn với Mông Cổ, Trung Quốc đòi toàn bộ lãnh thổ của nước này.

Không tính đến căng thẳng quanh eo biển Đài Loan, Trung Quốc đang đẩy mạnh tranh giành chủ quyền trên 2 vùng biển Đông và Hoa Đông.

Ở biển Hoa Đông, Trung Quốc liên tục quấy nhiễu quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) do Nhật Bản quản lý. Với Hàn Quốc, tranh chấp quanh bãi đá Ieodo/Tô Nham Tiêu, Seoul phản ứng kiên quyết với vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) mà Bắc Kinh lập trên biển Hoa Đông vì chồng lấn không phận của nước này.

Còn trên biển Đông, Trung Quốc dùng “đường lưỡi bò” liếm gần như hầu hết vùng biển chiến lược này, tranh chấp với các nước Đông Nam Á gồm Việt Nam, Philippines, Brunei, Malaysia.

Do vậy, hàng loạt nước láng giềng của Trung Quốc trở thành thù địch và cảnh giác, là điều rất dễ hiểu.

Mới đây, Nhật Bản bị một trận động đất rất nặng nề, sau trận động đất xảy ra ở đảo Kyushu, hôm 16/4/2016 làm hàng chục người chết, 200.000 người mất nhà cửa, nhiều nơi thăm hỏi và chia sẻ... Duy chỉ có ở Trung Quốc, có những công ty, nhà hàng căng băng rôn "Chúc mừng động đất ở Nhật Bản" và khuyến mãi các thức ăn.

Tương tự, những tấm biển cấm người Nhật, Philippines và VN đến cửa hàng được dán công khai.

Nói qua vài nét, để hiểu được người Trung Quốc đã huấn luyện, tuyên truyền cho dân chúng họ "giác ngộ" như thế nào về cái gọi là "chủ nghĩa dân tộc" cực đoan mang tên yêu nước.
Trên phương diện nhà nước, các mối quan hệ và thái độ ra sao?

Khi "kẻ thù" đồng hành với Việt Nam

Có thể nói, kể từ khi VN dưới bàn tay lãnh đạo của Đảng Cộng sản, khái niệm "Bạn - Thù" luôn được xác định rất rõ ràng và trở thành một chính sách đối ngoại khó thay đổi dựa trên lý thuyết Quốc tế Cộng sản.

Những nước thường được liệt kê vào danh sách "Kẻ thù" của Việt Nam, gần đây đã có thái độ như thế nào với Trung Quốc?

Nhật Bản: Một nước bại trận trong chiến tranh thế giới thứ 2, "được hưởng" đầy đủ nỗi nhục nhã của kẻ chiến bại.

Chỉ mấy chục năm sau, kẻ chiến bại Nhật Bản đã biến thành một đất nước công nghiệp, văn minh và phát triển gây sửng sốt cho nhân loại. Nhật Bản đàng hoàng vươn lên trước anh bạn đã thắng cuộc Trung Hoa cộng sản.

Và gần đây, khi kẻ láng giềng có âm mưu thôn tính lãnh thổ đang tranh chấp, Nhật Bản đã sẵn sàng chơi rắn với anh bạn khó chơi này.

Cách đây 3 năm, trả lời báo Mỹ Wall Street Journal, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe nhấn mạnh, Nhật Bản đã sẵn sàng đương đầu Trung Quốc, nếu nước này chọn cách dùng vũ lực.

Và Nhật Bản đã luôn trong tư thế chờ đợi và sẵn sàng đáp trả bất cứ một sự xâm phạm lãnh thổ nào từ Trung Quốc. Nhiều loại vũ khí, khí tài Nhật Bản mới tự sản xuất đáp ứng đầy đủ yêu cầu bảo vệ lãnh thổ và niềm kiêu hãnh của Nhật Bản đã làm cho gã khổng lồ Trung Quốc phải e dè và kiêng nể, thậm chí kính phục.

Không chỉ có lo cho mình, Nhật Bản còn giúp đỡ các nước xung quanh như Philippines và Việt Nam trong cơn hoạn nạn bành trướng hiện nay.

Một Phlippines nhỏ bé, tan hoang do thiên tai vẫn cứng đầu với quân bành trướng:
Khi Trung Quốc đưa quân chiếm bãi cạn Scarborough mà Philippines và VN cùng tuyên bố chủ quyền, dù là một nước nhỏ và yếu, Philippines vẫn sẵn sàng làm hết sức mình vì chủ quyền đất nước họ đã tuyên bố.

Thậm chí, họ không ngại va chạm trên các lĩnh vực như kinh tế, chính trị. Chính Philippines đã đưa Trung Quốc ra trước Tòa án Quốc tế về vấn đề yêu cầu phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông.

Không chỉ là các nước có chung tuyến biên giới trên biển, trên bộ với Trung Quốc mà ngay cả những nước không chung biên giới, cũng tỏ nhiều thái độ với sự hung hăng của Trung Quốc.

Anh bất ngờ "cứng" với Trung Quốc về biển Đông:

Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Anh Hugo Swire hôm 18/4/2016 tuyên bố phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague – Hà Lan phải thể hiện được “tính ràng buộc”.
Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Anh nói rằng dù quan hệ giữa London với Bắc Kinh đang ấm dần lên, cũng như đầu tư của Trung Quốc vào Anh tăng mạnh nhưng không vì vậy mà họ “nhắm mắt” trước những hành vi vi phạm nhân quyền và sự quyết liệt của Bắc Kinh ở biển Đông.

Hồi tháng 2, Mỹ và Liên minh châu Âu - trong đó có Anh - cảnh báo Trung Quốc cần tôn trọng phán quyết từ The Hague.

Mỹ xoay trục sang Châu Á - Thái Bình dương

Mấy năm gần đây, Mỹ thực hiện chính sách xoay trục sang Châu Á - Thái Bình Dương. Đây là một bước đi bảo đảm an ninh lâu dài của Mỹ trước việc một Trung Quốc trỗi dậy hung hăng sau khi đại hoại bởi những chính sách của Đại Cách mạng Cộng sản.

Ngoài những chính sách và hành động bảo vệ đồng minh của Mỹ ở khu vực này, Mỹ đã có những động tác tiến gần hơn với các nước có tranh chấp với Trung Quốc. Trung Quốc đã phải không dễ chịu chút nào trước việc thay đổi này.

Những đất nước bé nhỏ, yếu thế được Mỹ giúp đỡ về nhiều mặt và tăng cường khả năng bảo vệ lãnh thổ của mình như Philippines, Đài Loan, Nhật Bản và cả Việt Nam.

Australia tuần tra Biển Đông làm Trung Quốc nóng mặt khi Bộ trưởng Quốc phòng Australia bày tỏ quan ngại việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông và khẳng định Canberra tiếp tục điều máy bay tuần tra trên khu vực này.

Khi bạn bè bỏ Việt Nam trong cơn hoạn nạn

Nga: Có thể nói, lịch sử VN mấy chục năm dưới triều đại Cộng sản, mối quan hệ giữa Liên Xô trước đây và Nga sau này, được VN chăm chút và tôn thờ như một "di sản quý báu". Hầu hết vũ khí, trang bị của quân đội VN đều được mua sắm từ nguồn này. Thâm chí, VN còn đứng vào danh sách tiêu thụ vũ khí Nga thuộc diện khách hàng lớn và tiềm năng.

Thế nhưng, với vai trò con buôn vũ khí, khi Nga bán cho VN một loại vũ khí nào đó hiện đại, thì sẽ bán cho đối tượng của VN là Trung Quốc một loại vũ khí hiện đại hơn, mạnh hơn. Con bài đó diễn đi, diễn lại bao năm nay. Và VN cứ tiếp tục chạy dài theo con đường định mệnh.
Thế rồi mới đây, tuyên bố của Ngoại trưởng Nga về việc chống lại "quốc tế hóa vấn đề Biển Đông" đã như một cú giáng vào mặt những nhà lãnh đạo VN vốn hay ảo tưởng vào cái gọi là "tình bạn".

Ấn Độ: Tương tự như một mối quan hệ tình bạn thắm thiết với Nga, VN đã từng coi Ấn Độ như một người bạn lớn. Trong chuyến thăm Ấn Độ năm 1980, ông Phạm Văn Đồng đã tuyên bố: Tại đây, VN tuyên bố vùng Kashmir là lãnh thổ không thể tách rời của Ấn Độ - Đây là vùng tranh chấp giữa Ấn Độ và Trung Quốc dai dẳng đến ngày nay. Tưởng rằng tình bạn đến vậy là đỉnh cao.

Mới đây, bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã nhắc lại lời của Phạm Văn Đồng trong chuyến thăm đó rằng “Quan hệ hữu nghị Việt Nam-Ấn Độ trong sáng như bầu trời không một gợn mây”.

Thế nhưng, bầu trời không gợn mây bỗng dưng có sấm nổ khi Ấn Độ bất ngờ tuyên bố ủng hộ “đối thoại giữa các bên có liên quan” - chính là sự hậu thuẫn cho Trung Quốc thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông.

Người ta không thấy ông bạn Cuba "thức" khi dân VN ngủ nữa, mà ngược lại, ông bạn đã buông súng ngủ tự lúc nào bên cạnh chàng Mỹ phồn hoa, mặc cho anh bạn VN một mình "canh giữ hòa bình thế giới" - Nguyễn Minh Triết.

Campuchia và Lào: Có lẽ, hai đất nước đã từng được VN coi là "anh em một nhà, đoàn kết chiến đấu" và tốn không biết bao máu xương, tiền của của dân tộc này cho họ, đò là Campuchia và Lào. Những tưởng rằng, khi Đảng CSVN đưa máu xương dân tộc mình cống hiến cho "anh em" theo cái gọi là "nghĩa vụ quốc tế vô sản" thì sẽ xây dựng được một mối tình bền vững.

Nhưng không, ngược lại "đứa em hư hỏng" của VN đã thẳng thừng phản bội lại ông anh của mình, đứng về phía kẻ thù của người anh. Mới đây, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố Trung Quốc đã đạt được đồng thuận với Brunei, Campuchia và Lào trong vấn đề Biển Đông; và những nước này không phản đối những đòi hỏi của Bắc Kinh ở vùng biển này.

Đây là một bài học đắt giá về cái gọi là "nghĩa vụ quốc tế vô sản trong sáng" trong mớ lý thuyết Cộng sản vốn vẫn được đem ra xài trong hệ thống chính trị VN hiện nay.

Cuối cùng, có lẽ cần nhắc đến anh bạn Bắc Triều Tiên mà đã có thời kỳ sách vở giới thiệu về những nét tương đồng giữa hai đất nước. Đặc biệt những điểm giống nhau về cuộc chiến VN và cuộc chiến Nam - Bắc Hàn.

Được mệnh danh là "côn đồ quốc tế" khi Bắc Triều Tiên suốt ngày cào mặt ăn vạ, kiếm viện trợ bằng cách giơ cái mảnh chai "vũ khí hạt nhân" và những lời tuyên bố ngông cuồng để kiếm viện trợ nhân đạo. Đảng và nhà nước VN vẫn duy trì mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị, tặng quà, tặng gạo cho Bắc Triều Tiên như với anh em đồng chí.

Tuy được mệnh danh không hay ho gì, người dân chết dần mòn trong đói kém của nạn độc tài cộng sản, nhưng điều đáng biểu dương ở chàng thanh niên lãnh tụ đời thứ 3 của Triều Tiên, là vẫn không chịu khuất phục hoàn toàn ông anh cả Trung Quốc, sẵn sàng chơi cùn và chơi rắn không khoan nhượng.

Tạm kết

Xét ra, cái gọi là "Bạn - Thù" đã từng được coi là kim chỉ nam hành động của những nhà lãnh đạo Cộng sản đã lại chứng minh sự bất nhất và sai lầm của nó đối với  việc bảo vệ quyền lợi dân tộc và đất nước.

Những nước cựu thù của VN, dù no, đói vẫn hiên ngang vững vàng đối đầu với chàng Trung Hoa khổng lồ để bảo vệ quyền lợi của dân tộc mình.

Người ta không thấy ông Thủ tướng Nhật Bản, Tổng thống Philippnies kêu lên rằng "không thể dọn nhà thay đổi láng giềng" như Nguyễn Phú Trọng, không thấy kêu Trung Hoa là một gã khổng lồ bên cạnh Nhật Bản và Philippines nhỏ bé. Cũng không thấy Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản sợ tâm lý bài Trung Quốc là có hại, là nguy hiểm cho tiền đồ dân tộc...

Người ta không thấy ở những đất nước đó những cuộc trấn áp, bỏ tù người dân khi biểu thị lòng yêu nước của mình trước họa xâm lăng như ở Hà Nôi, Sài Gòn và nhiều nơi khác ở VN. Không thấy báo chí bị cấm xuất bản khi nói đến những vùng lãnh thổ, hải đảo là của mình.

Ở những đất nước đó, khi bị xâm lăng họ hành động bằng sức  mạnh dân tộc, bằng sự liên minh, liên kết vững vàng mà không thấy mấy những từ ngữ "quan ngại, rất quan ngại hoặc  giao thiệp"... với kẻ thù.

Người ta cũng không thấy ở những đất nước kia, những từ ngữ sáng choang là bạn vàng hay bạn bạc, với 4 tốt và 16 chữ vàng. Không thấy có đường dây nóng nào để khi bị xâm lược thì "gọi mãi... chẳng ai thưa".

Người ta chỉ thấy một tinh thần vì một đất nước phồn vinh, một dân tộc tiến bộ và kiêu hãnh.

Lý giải điều đó thật khó.

Nhưng sẽ là rất dễ, nếu bạn hiểu được điều này: Ở những đất nước đó, họ không có Đảng Cộng sản, một tổ chức tự xưng là sáng suốt, tài tình, thiên tài và tự nhận là vai trò lãnh đạo duy nhất của đất nước họ.

Hà Nội, Ngày 7/5/2016
J.B Nguyễn Hữu Vinh









No comments: