Wednesday, May 18, 2016

MỘT "CÁNH TAY NỐI DÀI" KÊU CỨU BỘ CHÍNH TRỊ ĐẢNG CSVN (Người Việt)





Người Việt
Tuesday, May 17, 2016 1:53:13 PM


Bài liên quan



HÀ NỘI (NV) - Những tổ chức đại diện cho các giới tại Việt Nam luôn tự nhận là “cánh tay nối dài” của Ðảng CSVN và một trong số này sắp bị trét bùn vào mặt nên xin Bộ Chính Trị cứu.

Cơ quan gọi là “Ðảng-Ðoàn Tổng Liên Ðoàn Lao Ðộng Việt Nam” vừa có văn bản gửi Bộ Chính Trị đảng CSVN và Ban Bí Thư Trung Ương Ðảng CSVN xin hãy “chỉ đạo Ðảng-Ðoàn Phòng Thương Mại Công Nghiệp Việt Nam (VCCI) ngưng việc bình chọn đối với Luật Công Ðoàn 2012” bởi “những nội dung, lý do mà VCCI đưa ra không chính xác, không hợp lý, không hợp tình và thiếu hiểu biết về tổ chức công đoàn.”

Trong thực tế, cuộc bình chọn đã xong và VCCI sắp sửa công bố kết quả. Theo đó, một trong những qui định của Luật Công Ðoàn 2012 - giúp Tổng Liên Ðoàn Lao Ðộng Việt Nam sống ký sinh trên lưng doanh giới đã bị xác định thuộc nhóm “mười qui định tồi nhất.”

Cuối năm ngoái, VCCI đề nghị doanh giới cả Việt Nam lẫn ngoại quốc đang hoạt động tại Việt Nam, bình chọn “Mười qui định tốt nhất và mười qui định tồi nhất.” Kết quả cho thấy, việc buộc doanh giới phải góp 2% tính trên tổng số tiền lương phải trả cho công nhân để nuôi Tổng Liên Ðoàn Lao Ðộng Việt Nam là “một trong mười qui định tồi nhất.”

Tổng Liên Ðoàn Lao Ðộng Việt Nam là tổ chức chính trị duy nhất cho tất cả người lao động tại Việt Nam. Tổ chức này do Ðảng CSVN thành lập và điều hành. Theo “luật” thì toàn bộ người lao động thuộc các ngành, các giới tại Việt Nam tự động bị gom thành một mối và phân cấp theo một hệ thống trải dài từ trung ương (Tổng Liên Ðoàn Lao Ðộng Việt Nam) đến địa phương (Liên Ðoàn Lao Ðộng các tỉnh, thành phố, công đoàn cơ sở tại tất cả các nơi có người lao động).

Tổng Liên Ðoàn Lao Ðộng Việt Nam hoạt động bằng ngân sách (lấy từ thuế do dân chúng đóng góp) và bằng phí công đoàn (cưỡng bức doanh giới và người lao động nộp). Trước đây, Tổng Liên Ðoàn Lao Ðộng Việt Nam không sợ cạnh tranh nhưng tình hình đã khác.

Với TPP (Hiệp Ðịnh Hợp Tác Kinh Tế Chiến Lược Xuyên Thái Bình Dương) mà chính phủ Việt Nam đã ký kết và đang chờ Quốc Hội Việt Nam phê chuẩn thì Tổng Liên Ðoàn Lao Ðộng Việt Nam khó có thể sống ký sinh trên lưng doanh nghiệp, công nhân như trước nữa.

Hồi tháng 3, tờ Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn đã vạch ra viễn cảnh tăm tối của Tổng Liên Ðoàn Lao Ðộng Việt Nam khi TPP có hiệu lực.

Trong một bài viết có tựa là “Sau TPP, công đoàn sẽ đi về đâu?,” Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn nhấn mạnh, TPP đòi buộc Việt Nam phải chấp nhận sự bình đẳng giữa các tổ chức đại diện cho người lao động, bất kể tổ chức đó có thuộc Tổng Liên Ðoàn Lao Ðộng Việt Nam hay không và đó sẽ là “thách thức không nhỏ” đối với Tổng Liên Ðoàn Lao Ðộng Việt Nam bởi trước nay nhiều người lao động vẫn cho rằng, tổ chức này không bảo vệ quyền lợi của họ. Trước nay, nhiều công nhân rất bất bình khi chủ tịch công đoàn cơ sở thường là những người có chức vụ trong các cơ sở nên thay vì tranh đấu cho quyền lợi của công nhân thì công đoàn cơ sở luôn đứng về phía giới chủ. Hoạt động của các công đoàn cơ sở chỉ xoay quanh chuyện hiếu, hỉ.

Có một điểm đáng lưu ý khác là dù được hệ thống công đoàn nhà nước hỗ trợ, có thể “khiển” được hệ thống này nhưng giới chủ doanh nghiệp cũng không hài lòng.

Ông Nguyễn Xuân Dương, chủ tịch Hội Ðồng Quản Trị của tổng công ty may Hưng Yên, kiêm chủ tịch Hiệp Hội Doanh Nghiệp tỉnh Hưng Yên, kể với tờ Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn rằng, công ty của ông ta có hơn 10,000 công nhân. Theo quy định hiện hành, mỗi tháng, công ty của ông ta phải trích 2% quỹ lương nộp cho hệ thống công đoàn nhà nước, khoản tiền này khoảng 700 triệu đồng/tháng. Nếu tính cả khoản 1% lương của cái gọi là “công đoàn phí” mà mỗi công nhân phải nộp hàng tháng thì số tiền mà cả công ty lẫn công nhân đóng góp cho hệ thống công đoàn nhà nước lên tới gần... một tỉ đồng.

Theo ông Dương, các khoản đóng góp cho hệ thống công đoàn nhà nước vừa là gánh nặng cho doanh giới, vừa là gánh nặng cho công nhân vốn chẳng dư dả gì. Chưa kể cả doanh giới lẫn công nhân đều không biết những khoản mà họ bị buộc phải đóng góp theo qui định hiện hành được hệ thống công đoàn nhà nước dùng vào việc gì.

Chẳng riêng ông Dương hay Hiệp Hội Doanh Nghiệp tỉnh Hưng Yên mà các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp các ngành dệt may, da giày, thủy sản, (vốn sử dụng nhiều công nhân nên các khoản phải đóng góp cho hệ thống công đoàn nhà nước rất lớn) cũng đã liên tục phản ứng chuyện bị buộc phải gánh trách nhiệm không liên quan đến họ (nuôi hệ thống công đoàn nhà nước) song không thành công.

Trên toàn thế giới, chỉ còn Trung Quốc và Việt Nam buộc doanh giới phải đóng góp nuôi hệ thống công đoàn.

Giữa bối cảnh vị trí của Tổng Liên Ðoàn Lao Ðộng Việt Nam đang “lung lay” do TPP đòi buộc Việt Nam phải chấp nhận để người lao động tự liên kết, thành lập tổ chức bảo vệ quyền lợi của họ và những tổ chức này có thể tự liên kết với nhau mà không cần phải nhìn ngó đến Tổng Liên Ðoàn Lao Ðộng Việt Nam thì tổ chức này lại bị VCCI giúp doanh giới trét bùn vào mặt.

Xin mời xem thêm video: Bệnh Ung Thư tăng nhanh tại Việt Nam

Trong văn bản gửi Bộ Chính Trị Ðảng CSVN và Ban Bí Thư Trung Ương Ðảng CSVN, “Ðảng-Ðoàn Tổng Liên Ðoàn Lao Ðộng Việt Nam” nhấn mạnh, họ đã tận tâm thực hiện và hoàn thành “các nhiệm vụ mà đảng và nhà nước giao” suốt 55 năm vừa qua, nên hãy can thiệp để “uy tín” của họ không bị vấy bẩn, cũng như tiếp tục giữ được khoản thu tương đương 2% quỹ lương mà doanh giới phải nộp.

Ðiểm lý thú là dù vẫn “lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối,” lần này, chưa chắc Bộ Chính Trị Ðảng CSVN và Ban Bí Thư Trung Ương Ðảng CSVN có thể đáp ứng lời khẩn cầu của Tổng Liên Ðoàn Lao Ðộng Việt Nam.

Theo một thỏa thuận đã được lập thành văn bản giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, từ nay tới khi TPP có hiệu lực, Việt Nam phải cải cách thể chế, sửa đổi luật lệ để minh định về “quyền tự do liên kết.” Ngay vào lúc TPP có hiệu lực, người lao động có thể liên kết để thành lập tổ chức bảo vệ quyền lợi cho họ ngay lập tức.

Trong vòng năm năm kể từ ngày TPP có hiệu lực, Việt Nam phải thực thi đầy đủ các cam kết về “quyền tự do liên kết,” bao gồm liên kết theo vùng và theo ngành. Mặt khác, các tổ chức công đoàn độc lập có thể tự tổ chức những hoạt động cần thiết để bảo vệ cho quyền lợi của người lao động như thương lượng với giới chủ về lương và phúc lợi, tổ chức đình công,...

Hoa Kỳ khẳng định sẽ giám sát việc thực hiện các cam kết của Việt Nam về “quyền tự do liên kết.” Nếu sau bảy năm kể từ ngày TPP có hiệu lực, Việt Nam vẫn chưa thực hiện được những cam kết về “quyền tự do liên kết” thì Hoa Kỳ có thể đơn phương dừng thực hiện các cam kết về thuế quan (giảm thuế đối với những hàng hóa Việt Nam xuất cảng sang Hoa Kỳ). (G.Ð)








No comments: