Thursday, May 12, 2016

"LOẠN ĐÀO TẠO TIẾN SĨ" : LÃNH ĐẠO THƯ VIỆN QUỐC GIA NÓI GÌ ? (Tiền Phong Online)





06:32 ngày 10 tháng 05 năm 2016

TP - Trao đổi với Tiền Phong về lưu giữ luận án tiến sĩ trong Thư viện quốc gia, ông Nguyễn Xuân Dũng, Phó giám đốc Thư viện cho biết: Luận án tiến sĩ của người Việt Nam ở trong nước bảo vệ ở nước ngoài, hay bảo vệ trong nước và người nước ngoài bảo vệ luận án tại Việt Nam đều được lưu giữ tại Thư viện quốc gia.

Theo Phó Giám đốc Thư viện quốc gia Nguyễn Xuân Dũng, đến nay chưa có luận án tiến sĩ nào bị rút khỏi thư viện.

Ông Dũng cho hay: Nói chung, thời gian gần đây, các văn bản về pháp luật đã được ban hành. Nhưng chưa đủ chế tài mạnh để ràng buộc các nghiên cứu sinh phải nộp luận án sau khi bảo vệ thành công. Vì thế nên nghiên cứu sinh chưa nộp luận án nghiêm túc.

Trước đây, các tiến sĩ của Việt Nam bảo vệ luận án ở nước ngoài là chính (tại Liên bang Xô viết và các nước xã hội chủ nghĩa). Theo tôi được biết, họ thường thực hiện rất chuẩn chỉ việc nộp lưu giữ luận án tại Thư viện quốc gia. Khi trở về nước, họ thường phải báo cáo với Bộ Đại học (giờ là Bộ GD&ĐT) và trước khi báo cáo phải có giấy chứng nhận đã nộp lưu giữ luận án tại Thư viện quốc gia.

Còn hiện nay, nếu không thấy tên luận án trong hệ thống tra cứu của thư viện thì chắc chắn luận án đó chưa nộp. Trong quy định đào tạo tiến sĩ, nghiên cứu sinh muốn được cấp bằng sau khi bảo vệ thành công phải có chứng nhận của Thư viện quốc gia là đã nộp lưu giữ luận án. Như vậy, các cơ sở đào tạo phải giám sát việc này, còn Thư viện quốc gia không có quyền làm việc đó.

Ông có nắm được còn bao nhiêu luận án tiến sĩ chưa được nộp vào Thư viện quốc gia  không?
Để làm được việc này, phải có thống kê để so sánh. Muốn vậy, Bộ GD&ĐT phải cung cấp được bản danh sách các luận án tiến sĩ đã được bảo vệ, sau đó thư viện sẽ so sánh với số lượng luận án đã nộp.  Còn hiện, Thư viện quốc gia chưa có bản thống kê này.

Một năm bao nhiêu luận án được nộp vào và bao nhiêu lượt người đọc các luận án này, thưa ông?
Theo số liệu tôi được biết, năm 2015, số lượng luận án tiến sĩ được Thư viện quốc gia thu nhận là 2.394 luận án. Tuy nhiên, con số này không khẳng định là số lượng luận án đã được bảo vệ thành công trong năm đó. Vì có những luận án đã bảo vệ thành công từ những năm trước, đến năm 2015 nghiên cứu sinh mới nộp. Số lượng luận án bạn đọc mượn đọc bản gốc vào khoảng 4.000 trong năm 2015.

Dựa vào quy định nào để Thư viện quốc gia yêu cầu bạn đọc không được sao, chụp luận án tiến sĩ, thưa ông?
Thư viện quốc gia có trách nhiệm lưu giữ những luận án này và chúng tôi cũng tuân thủ theo Luật Sở hữu trí tuệ. Chúng tôi có trách nhiệm tôn trọng sở hữu của tác giả. Nên việc đọc các luận án cũng hạn chế. Nếu mượn đọc, mỗi lần bạn đọc chỉ được mượn 2 cuốn và không được mang ra khỏi thư viện. Việc sao chép không được phép, vì tình trạng sao chép, rất nhiều.

Nhưng lại không cấm độc giả chép bằng tay?
Không thể cấm được bạn đọc chép. Chúng tôi chỉ cản trở ở mức độ nào đó. Thực ra, nếu đã cố tình thì có thể lấy được nội dung tài liệu bằng cách này hay cách khác. Còn các nhà chuyên môn phải có trách nhiệm phát hiện ra sự sao chép đó. Còn nếu để phục vụ mục đích nào đó khác thì phải có giấy giới thiệu hoặc ý kiến của cơ quan công an.

Thưa ông, đến nay, đã có luận án nào bị rút ra khỏi thư viện chưa?
Từ khi tôi nhận nhiệm vụ ở đây thì chưa thấy, còn trước đó thì tôi không biết. Bình thường, các luận án được bảo vệ, được qua thẩm định rồi nên không có chuyện rút.

Vậy kiến nghị của thư viện trong việc nộp luận án được đầy đủ, nghiêm túc hơn?
Luật xuất bản đã quy định rõ việc nộp lưu chiểu nhưng thực hiện đến đâu là cả một vấn đề. Thư viện quốc gia mong muốn nhận được đầy đủ nhất các ấn phẩm xuất bản tại Việt Nam cũng như các luận án tiến sĩ. Tuy nhiên, cần sự vào cuộc của các bộ ngành và có chế tài đủ mạnh thì mới đủ sức răn đe, yêu cầu nghiên cứu sinh nộp luận án tiến sĩ đầy đủ.

Cảm ơn ông.

-------------------------

TIN LIÊN HỆ :
.
Việt Nam có trên 12.000 tiến sĩ tham gia nghiên cứu (Bộ KH&CN 30-4-16) -- Tất cả các nhà khoa học trên thế giới hãy dang ra, về nhà nuôi heo cho vợ, nấu cơm cho chồng.  Văn minh nhân loại đã có các tiến sĩ Việt Nam đảm đương!
Đào tạo tiến sĩ Việt Nam: “Đừng lấy cớ để từ chối, trì hoãn hội nhập!” (DT 2-5-16) -  Cứ nói "hội nhập", "toàn cầu hóa" mãi, thật chán!  Chất lượng là chất lượng. Dù Việt nam có là quốc gia duy nhất trên thế giới thì cũng phải bảo đảm chất lượng.  Không cứ gì phải "hội nhập" mới là cần chất lượng!
GS. Phạm Tất Dong: Nhiều lỗ hổng trong đào tạo tiến sỹ (TP 27-4-16) -- Tôi đề nghị đình hoãn (moratorium) cấp tiến sỹ trong cả nước trong 5 năm để rà soát lại tất cả hệ thống này!
Bộ Giáo dục thừa nhận chất lượng đào tạo tiến sĩ ở ta chưa được như các nước (GD 27-4-16) -- Cũng như thừa nhận là mặt trời mọc ở hướng đông!
Đào tạo tiến sĩ: Chỉ 22 bài công bố quốc tế trong 5 năm? (Zing 25-4-16) --  Mỗi lần nghĩ rằng vấn nạn giáo dục Việt Nam đã rớt tận đáy thì té ra dưới đáy ấy còn nhiều đáy nữa!
Lạm phát đào tạo tiến sỹ: Những tiến sỹ trong cuộc nói gì? (TP 24-4-16) -- Có ý kiến của Lê Ngọc Sơn
“Lò sản xuất tiến sĩ” họp báo nóng (LĐ 22-4-16) Hàn Lâm Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (!!!)




No comments: