Friday, May 13, 2016

ĐI BIỂU TÌNH VÌ MÔI TRƯỜNG, BỊ KẺ LẠ BỊT MẠT ĐÁNH, PHÁP LUẬT QUY ĐỊNH NHƯ THẾ NÀO ? (Ls Trần Hồng Phong - Bình Luận Án)





Ls Trần Hồng Phong - Bình Luận Án
Thứ Sáu, ngày 13 tháng 5 năm 2016




Trong hộp thư, tôi có nhận được một câu hỏi như sau: "Thưa luật sư, mấy ngày qua, dư luận cả nước rất bức xúc trước việc cá chết hàng loạt ở miền Trung, có thể nói đây là nhân tai do con người gây ra. Từ sự kiện này, ở Hà Nội và TP.HCM có xảy ra những cuộc biểu tình tự phát của người dân, đưa ra những yêu cầu, kiến nghị theo tôi là không có gì sai trái. Như "tôi yêu biển", "minh bạch thông tin cá chết" ... Thế nhưng qua mạng xã hội, tôi thấy có nhiều người tham gia biểu tình, thậm chí là phụ nữ, bị một số người mặc áo xanh giống thanh niên xung phong, thậm chí mặc thường phục không biết là ai, mặt đeo khẩu trang, hung hãn xô đẩy, đánh đấm rất tàn nhẫn và phản cảm. Người với người mà sao lại đối xử với nhau như loài sói vậy. Tôi xin hỏi luật sư pháp luật có quy định gì về việc công dân bị đánh, hay có quyền được bảo đảm về tự do thân thể hay không?".

Đánh người là sai, nhưng trong một số thể thao như quyền anh, hai người có thể đánh nhau - nhưng bình đẳng và theo luật. Chứ không phải một bên đứng yên, một bên nhào vô đánh (ảnh minh họa)

Sau đây là ý kiến trả lời của tôi:

Trước hết, qua những thông tin từ bạn bè, người quen trên facebook, tôi thấy những điều anh nêu là có thật, đã xảy ra ở 2 cuộc biểu tình Vì môi trường biển ngày 1/5 và 8/5/2016 vừa qua. Điều này thật là đáng phẫn nộ và đau lòng. Thậm chí là đáng xấu hổ, làm xấu đi hình ảnh của đất nước.

Đúng như anh nhận xét, người với người, sao nỡ đối xử với nhau tàn ác, vô cảm như vậy. Nhất là khi biểu tình là quyền của công dân, được quy định trong Hiến pháp (tôi đã có nhiều bài viết về vấn đề này, đăng trên blog này, nên không nói thêm ở đây).

Đi vào câu hỏi của anh, thì tôi thấy thế này:

Nói chung, pháp luật nước nào, dù là của "bọn tư bổn giãy chết", hay những nước to, nước nhỏ, nước giàu, nước nghèo, nước ở châu Phi, hay châu Á ... - và tất nhiên cả Việt Nam, đều coi con người là tài sản quý nhất. Thế nên, những gì thuộc về con người (bản ngã, bản năng, trí tuệ ...) đều được pháp luật tôn trọng và bảo vệ. Cụ thể con người được bảo vệ về tính mạng, sức khỏe, quyền con người (gồm quyền được sống, được đối xử bình đẳng ...).

Có lẽ chính vì vậy, mà chủ tịch Hồ Chí Minh khi xưa có trích dẫn một câu trong Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ. Nguyên văn "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". Theo tôi hiểu, việc biểu tình Vì môi trường có thể xem là quyền "mưu cầu hạnh phúc".

Tại bản Hiến Pháp 2013 của nước CHXHCNVN -  Chương II (QUYỀN CON NGƯỜI, QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CƠ BẢN CỦA CÔNG DÂN) quy định rõ như sau:

Điều 16  

1. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.

2. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội.

Điều 19  


Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật. 


Điều 20  


1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.


2. Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Toà án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt, giam, giữ người do luật định.

Qua đó, có thể thấy việc những người đi biểu tình bị lực lượng mặc áo màu xanh lá cây, hay những người bịt mặt bí hiểm đánh, hay xô đẩy, "sờ mó" vào cơ thể ... đều là những hành động bị cấm - theo quy định tại Hiến Pháp.

Tuy nhiên, tôi nghĩ cũng có thể là do phía Chính quyền vì lý do nào đó, cho rằng việc người dân biểu tình làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự, hay thậm chí nặng nề hơn như "phản động", "chống đối", ...vv - thì về nguyên tắc, cũng không được đánh đập, xỉ nhục. Mà phải lập biên bản, xác định hành vi sai phạm, sau đó mới xử lý theo quy định (chẳng hạn như xử phạt hành chính, hay truy tố ra trước tòa án ...).

Nhưng bất luận thế nào, thì việc xử lý, bắt giữ người biểu tình (nếu có), nhất thiết phải do những người có thẩm quyền, trách nhiệm thực hiện (ở đây là lực lượng công an, mặc trang phục công an chính danh đàng hoàng). Chứ lực lượng Thanh niên xung phong hay những "người lạ" không có quyền này.

Tóm lại, tôi muốn nhấn mạnh là dù sao, hoàn cảnh nào, thì cũng không ai có quyền được đánh người. Thậm chí nếu đánh người nghiêm trọng, những kẻ đánh có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Được đăng bởi Bình Luận Án vào lúc 18:30 

No comments: