Lê Phan
Saturday, May 21, 2016 2:30:49 PM
Trung
Cộng đang đi khắp thế giới để mua hay mua chuộc từ những quốc gia hùng mạnh ở
Âu Châu đến các tiểu quốc ở Thái Bình Dương, nhưng ở ngay sân sau của nhà họ,
những người dân ở Hồng Kông và Đài Loan ngày càng nghi ngờ và chống đối.
Hôm Thứ Tư vừa qua, tâm điểm của một trong những trục
tài chánh toàn cầu đã trở thành một pháo đài với nhiều ngàn cảnh sát trải ra
quanh một khách sạn và một khu hội nghị nơi một viên chức cao cấp của Trung Cộng
đang thăm viếng. Đối với nhiều người dân ở Hồng Kông, sự biểu dương lực lượng
này chỉ càng làm cho họ sợ là những quyền dân sự và tự trị của thành phố đang bị
tấn công bởi chính quyền ở Bắc Kinh.
Bên kia eo biển ở Đài Loan đang có những chuẩn bị cuối
cùng cho lễ tuyên thệ nhậm chức vào hôm thứ sáu của bà Thái Anh Văn, nữ tổng thống
đầu tiên của Đài Loan. Bà đã được đưa vào vị thế quyền lực một phần nhờ những
lá phiếu của giới trẻ, lo sợ trước điều mà họ thấy là gia tăng ảnh hưởng của Bắc
Kinh trên đảo quốc này. Bà Thái được chờ đợi sẽ thận trọng hơn trong việc thúc
đẩy mậu dịch và đầu tư của Trung Cộng so với vị tiền nhiệm của bà.
Tuần vừa qua đáng lẽ phải là một tuần lễ làm Trung Cộng
phải khiêm nhường hơn. Là nền kinh tế lớn thứ nhì trên thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ,
Trung Cộng nay giàu có hơn và hùng mạnh hơn bao giờ hết, và cái sức mạnh tài
chánh của họ đang được cảm thấy trên toàn thế giới. Nhưng Bắc Kinh đang gặp rất
nhiều khó khăn chiếm được niềm tin của dân chúng ở ngay sân nhà, trong số hơn
30 triệu người mà trên nguyên tắc sử dụng cùng chữ Hán ở Đài Loan và Hồng Kông.
Trung Cộng có vẻ đang tìm một lối đối xử mới với cả
Hồng Kông lẫn Đài Loan, nhưng họ vẫn chưa tìm ra cái gì khác hơn là chính sách
họ đã từng dùng trước đây - những chiến thuật chính trị cứng rắn vốn chỉ tạo tức
giận, và kêu gọi thực tế về quyền lợi kinh tế vốn đã không đáp ứng nổi ở những
xã hội nơi lợi ích của mậu dịch với Hoa Lục không được phân chia đồng đều.
Giáo Sư Jean-Pierre Cabestan, giáo sư chính trị và
bang giao quốc tế ở viện đại học Baptist Hồng Kông, được tờ New York Times dẫn
lời giải thích: “Có nhiều lực ly tâm,
thành ra Bắc Kinh khó đối phó với những lực đó. Tôi nghĩ đây là một sự đối đầu
giữa hai văn hóa chính trị: Độc tài ở Trung Cộng và tự do ở Hồng Kông và Đài
Loan. Hồng Kông đang đứng mũi chịu sào, cưỡng lại nền văn hóa chính trị độc tài
của Trung Quốc.”
Điều mỉa mai là viên chức cao cấp nhất của Hoa Lục
đã viếng thăm Hồng Kông tuần này, ông Trương Đức Giang, là tiêu biểu cho văn
hóa đó. Là chủ tịch của Nhân dân Đại biểu Đại hội tức là quốc hội của Trung Cộng,
ông đã chủ trì khi quyết định năm 2014 được đưa ra áp đặt những luật lệ khắt
khe về kiểm soát các ứng cử viên cho chức vụ cao nhất của lãnh địa, chức hành
chánh trưởng quan, vốn đã dẫn đến những cuộc biểu tình khổng lồ năm đó khiến cả
thế giới chú ý.
Nhưng ông Trương, năm nay 69 tuổi, cũng được nhớ đến
ở Hồng Kông từng là bí thư tỉnh ủy của tỉnh Quảng Đông kế cận hồi năm 2003 khi
dịch SARS bùng phát rồi tràn ra khắp Hoa lục. Ông đã bị chỉ trích phản ứng chậm
chạp và đã có những cố gắng chính thức không cho tin tức về loại virus chết người
này truyền ra trên báo chí. Dịch SARS lan tràn ở Hồng Kông làm cho 299 người
thiệt mạng.
Chính thái độ đó - sợ dân chủ và kiểm soát truyền
thông chặt chẽ - đã đi ngược lại với một dân số ngày càng học cao ở Hồng Kông,
một cựu thuộc địa của Anh nơi những dân quyền như tự do ngôn luận và tự do tụ tập
được bảo đảm, và Đài Loan, một nền dân chủ ngày càng vững mạnh từ hơn hai thập
niên nay.
Những quan ngại này lại bùng lên năm ngoái khi năm
nhà bán sách Hồng Kông mất tích, rồi sau thấy xuất hiện ở Hoa Lục và bị bắt giữ
ở Quảng Đông. Một trong nhưng nhân vật này, ông Lý Ba, đã bị bắt ngay trên đường
phố Hồng Kông, một sự vi phạm trắng trợn nguyên tắc “một quốc gia, hai thể chế”
vốn đã bảo đảm quyền tự trị của thành phố cho đến năm 2047, tức là 50 năm sau
khi trả về cho Trung Cộng.
Bà Emily Lau, đứng đầu đảng Dân Chủ trong Nghị Viện
Hồng Kông giải thích: “Hành động đó như là lái một cái xe vận tải qua 'một quốc
gia, hai thể chế.' Hồng Kông đang trải qua những giai đoạn hết sức đen tối.”
Bà Lau và một số các vị dân cử ủng hộ dân chủ khác
đã gặp ông Trương ở một buổi tiếp tân tối hôm thứ tư vừa qua, đã bảo với ông
Trương là vị trưởng quan Lương Chấn Anh phải bị cất chức. Bà Lau còn cười bảo
là khi bà nói như vậy, ông Lương đang đứng kế bên ông Trương. Bà Lau và các bạn
đồng viện của bà đã khuyên ông Trương hãy nghĩ lại về vấn đề bầu cử dân chủ cho
chức vụ trưởng quan. Họ lý luận là mở chức vụ đó ra cho một sự bầu cử thực sự,
thay vì chỉ giới hạn trong số các ứng cử viên được Bắc Kinh cho phép, sẽ làm giảm
sự ngày càng hăng say của người dân Hồng Kông muốn có tự trị, hay ngay cả độc lập.
Bà bảo ông ta đã nhận được thông điệp nhưng vẫn nói là Bắc Kinh hài lòng với
thành tích của chính phủ Hồng Kông và mỗi người có quan điểm khác nhau.
Lo ngại là một trong số những nhóm mới trở thành quá
khích ở Hồng Kông có thể tìm cách gây rối cho chuyến công du của ông Trương,
thành viên bộ chính trị đầu tiên đến lãnh địa từ năm 2012, đã dẫn đến nhưng biện
pháp an ninh nhiều khi đến nực cười.
Ít nhất 6,000 cảnh sát viên đã bao vây quanh khu hội
nghị nơi mà ông Trương đọc bài diễn văn về “Một vòng đai, một con đường” tức là
chính sách tạo nên một “con đường lụa mới” của Bắc Kinh. Các con đường bị đóng
kín. Nhân viên thành phố còn được thấy gắn xi măng lại những viên gạch trên lề
đường, sợ là những người biểu tình bóc gạch ra ném vào cảnh sát.
Phó Chủ Tịch Raphael Wong của Liên Đoàn Dân Chủ Xã Hội,
buột miệng nói: “Ông ta hẳn sợ lắm và
cũng có mặc cảm tội lỗi thành ra ông ta cần những an ninh cao như vậy và sợ
liên hệ với dân chúng. Ông ta không thể nào chấp nhận đối lập với đảng Cộng Sản.”
Đảng Cộng Sản Trung Cộng cũng không dung thứ việc
Đài Loan tuyên bố độc lập, và đã nhiều lần thề sẽ cưỡng chiếm bằng vũ lực nếu
chuyện đó xảy ra. Một bản phúc trình về quân sự của Trung Cộng của Ngũ Giác Đài
phổ biến tuần rồi đã nói là Trung Cộng đang tiếp tục gia tăng lực lượng ở bên
kia eo biển Đài Loan.
Hôm Thứ Tư vừa qua, hai ngày trước khi bà Thái Anh
Văn nhậm chức, Bộ Quốc Phòng Trung Cộng loan báo đang tổ chức tập trận trên bên
kia eo biển Đài Loan gồm có sự tham gia của cả hải, lục và không quân, tuy có
thêm là các cuộc tập trận này “không nhắm vào một mục tiêu nào chính xác cả.”
Trong mấy tháng gần đây, Trung Cộng đã có nhiều bước
để gây áp lực lên tân chính phủ ở Đài Loan. Họ đã buộc Kenya và Malaysia trục
xuất về Hoa Lục những người Đài Loan bị cáo buộc liên quan đến một vụ gian lận
qua điện thoại, dẫn đến những phản đối của các nhà Ngoại Giao Đài Loan. Bắc
Kinh cũng đã mua chuộc để Gambia chuyển sang công nhận họ thay vì công nhận Đài
Loan. Nhỏ mọn hơn, Bắc Kinh còn đang gây áp lực cho các tổ chức quốc tế vốn nhận
Đài Loan với tư cách một hội viên riêng hủy bỏ quy chế đó.
Tuy bà Thái đã hứa duy trì hiện trạng với Trung Cộng,
nhiều người trong đảng Dân Chủ Tiến Bộ của bà, vốn đã thắng áp đảo trong cuộc tổng
tuyển cử hôm Tháng Giêng, và lần đầu tiên kiểm soát cả quốc hội, ủng hộ độc lập.
Dưới thời ông Mã Anh Cửu của Quốc Dân Đảng, liên hệ
kinh tế xuyên eo biển phát triển. Nhưng hậu ý của Trung Cộng làm nhiều người
Đài Loan lo ngại, sợ là liên hệ mật thiết hơn về kinh tế là một khí cụ của Bắc
Kinh để rồi kiểm soát chính trị.
Vào đầu năm 2014, các cuộc biểu tình của thanh niên
và sinh viên đã chiếm đóng Quốc Hội Đài Loan trong vòng 23 ngày để chặn không
cho thông qua một thỏa thuận mậu dịch tự do xuyên eo biển mà họ sợ là sẽ làm
Đài Loan lệ thuộc kinh tế vào Hoa Lục. Nhiều người tham gia cuộc tranh đấu này
đã đến Hồng Kông, tuyên bố ủng hộ độc lập cho Đài Loan và dân chủ cho Hồng Kông
trong các cuộc biểu tình của cuộc Cách Mạng Dù.
Rồi thì cả ở Hồng Kông lẫn ở Đài Loan, thế hệ nay
đang đi vào vị thế trách nhiệm ngày càng coi họ tách biệt ra khỏi Trung Quốc,
và sự gia tăng của một cá tính chính trị độc lập “sẽ là một thách thức chính trị
nghiêm trọng cho Bắc Kinh” theo Giáo Sư Zhang Bao Hui của viện đại học Lingnan ở
Hồng Kông.
Trong khi đó một luật sư 43 tuổi ở Đài Loan thì
nghĩ: “Tôi cảm thấy Hồng Kông giống như
Đài Loan cách đây hơn 20 năm, trước khi chúng tôi có bầu cử tự do. Những người
trẻ ở Hồng Kông đã ý thức về sự quan trọng của tự do và bầu cử. Tôi hy vọng họ
có thể lên tiếng và cho chính phủ lục địa biết cảm nghĩ của họ.”
Khổ một nỗi các lãnh tụ ở Bắc Kinh không thể chấp nhận
cho có dân chủ ở Hồng Kông. Hồng Kông quá gần Hoa lục và nếu bệnh SARS từ Quảng
Đông có thể lây sang hoành hành ở Hồng Kông thì bệnh “Dân Chủ” ở Hồng Kông cũng
có thể lây lan sang Hoa Lục chứ làm sao tránh khỏi.
No comments:
Post a Comment