Tuesday, May 10, 2016

DUTERTE THẮNG CỬ TỔNG THỐNG PHILIPPINES (BBC Tiếng Việt)





BBC Tiếng Việt
10 tháng 5 2016

Ông Rodrigo "Digong" Duterte, ứng viên có khuynh hướng chống tội phạm cứng rắn, giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Philippines.
Dù kết quả chính thức chưa được công bố, đối thủ chính của ông Duterte là Mar Roxas đã thừa nhận thất bại trong cuộc đua này.
Ông Duterte là ứng viên dẫn đầu trong thời gian dài.
Tổng thống Benigno "Noynoy" Aquino sắp từ nhiệm do hiến pháp giới hạn nhiệm kỳ tổng thống còn sáu năm. Cuộc bầu cử Philippines cũng nhằm chọn một phó tổng thống và các quan chức địa phương.
Image copyright Getty Image caption Việc cử tri nhiệt tình bầu cho ông Duterte cho thấy người Philippines mệt mỏi với những chính khách quen thuộc
PPCRV được Ủy ban bầu cử công nhận để giám sát việc kiểm phiếu nhưng báo cáo của tổ chức này không phải là kết quả chính thức.
Tuy nhiên, ông Duterte nói với AFP: "Với sự khiêm nhường, tôi chấp nhận trọng trách mà người dân giao phó.

'Tàn sát tội phạm'
Ông nói chính sách pháp luật là chìa khóa dẫn đến sự thành công của mình.
"Những gì tôi có thể hứa với quý vị là tôi sẽ làm hết sức mình không chỉ trong giờ làm việc mà cả trong giấc ngủ" ông nói.
Ông Duterte đã có nhiều phát biểu gây tranh cãi trong chiến dịch tranh cử, chẳng hạn như nói ông sẽ tiêu diệt hàng ngàn tội phạm không qua xét xử
Với biệt danh "Kẻ trừng phạt", ông là thị trưởng thành phố Davao trong hơn 22 năm.
Chiến dịch tranh cử của ông tập trung vào việc cải cách kinh tế, cơ sở hạ tầng, và tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông.

Jonathan Head, phóng viên BBC ở Đông Nam Á tường thuật:
Không khí bầu cử ở đây rất vui vẻ, nhiều nhóm gia đình, hàng xóm rủ nhau cùng đi bầu. Cử tri nắm đầy đủ thông tin trước khi quyết định.
Việc cử tri thể hiện sự nhiệt tình cho ông Duterte cho thấy người Philippines mệt mỏi với những gương mặt chính khách quen thuộc, những người đem lại cải cách kinh tế nhưng ít thay đổi thực sự về nạn nghèo đói và tham nhũng.
Ông Duterte nói rằng sẽ bỏ qua cơ chế “kiềm chế và đối trọng” nếu điều này cản trở việc giải quyết các vấn đề của đất nước.
Thông điệp này thu hút người dân.

------------------------------

Victor Beattie
09.05.2016

Cử tri Philippines hôm 9/5 bỏ phiếu bầu tổng thống trong lúc các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy ông Rodrigo Duterte, thị trưởng Davao, đang dẫn đầu và có phần chắc sẽ là người kế nhiệm Tổng thống Benigno Aquino. Thông tín viên Victor Beattie của đài VOA gửi về bài tường thuật.

Ông Duterte, 71 tuổi, đã giữ chức thị trưởng Davao trong nhiều năm. Ông thường đưa ra những phát biểu hung hãn với những từ ngữ thô tục, và trọng tâm của chiến dịch vận động tranh cử của ông xoay quanh vấn đề bảo vệ an ninh trật tự xã hội và chống tham nhũng, trong đó có lời hô hào cho việc giết chết những phần tử tội phạm mà không thông qua thủ tục pháp lý.

Các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy ông đang dẫn đầu khá xa các đối thủ, trong đó có Thượng nghị sĩ Grace Poe và Bộ trưởng Nội vụ Manuel Roxas, là người có được sự hậu thuẫn của Tổng thống Aquino.

Những tuyên bố hung hãn của Duterte cộng với thói quen khoe khoang, thậm chí về khả năng tính dục, đã làm cho nhiều người so sánh ông với ông Donald Trump -- người sẽ được đảng Cộng hoà ở Mỹ chọn làm ứng cử viên Tổng thống vào tháng 11. 

Tuy nhiên, việc ông tuyên bố nhất định thực hiện chương trình nghị sự của mình, cho dù phải giải tán quốc hội, làm cho nhiều người nhớ tới ông Ferdinand Marcos, cố lãnh tụ độc tài của Philippines.

Ông Gerard Finan, một nhà nghiên cứu cao cấp của Viện Đông Tây ở Hawaii, cho biết thế hệ mới ở Philippines dường như không còn nhớ tới những vụ chà đạp nhân quyền và lạm dụng quyền lực của chế độ Marcos, là chế độ đã bị sụp đổ năm 1986 trong cuộc nổi dậy có tên Sức mạnh Nhân dân.

Ông Finan nói: "Nhân quyền đang có tiến bộ và kinh tế đang phát triển. Và quân đội Philippines đang chấp nhận quyền lãnh đạo của phe dân sự. Cái mà mọi người dường như không được thỏa mãn lắm là chiều hướng của những sự thay đổi ở Philippines. Những cấu trúc cơ bản của nền kinh tế không được ưa chuộng nhất đã không thay đổi. Không có những thay đổi trong cơ sở hạ tầng có ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của người dân -- như hệ thống cấp nước, hệ thống giao thông tiếp tục ì ạch, nhất là trong lúc dân số tiếp tục gia tăng. Kể từ khi ông Marcos bị lật đổ, đã có các nhà lãnh đạo quốc gia chân thực như bà Corazon Aquino, ông Fidel Ramos và tổng thống hiện thời. Tuy nhiên, có rất nhiều người không nhớ đến Marcos và họ không biết là những điều kiện thảm hại về kinh tế, xã hội và chính trị là hậu quả trực tiếp của chế độ thiết quân luật mà ông ta điều hành. Đã có những người ủng hộ ông Marcos vì ông ấy đưa ra những lời hứa tương tự như những gì mà ông Duterte đang đưa ra hiện nay. Và chỉ sau này họ mới nhận ra những việc đó đã gây tác hại như thế nào tới nền dân chủ pháp trị của đất nước."

Ông Finan cũng cho biết kết quả cuộc đầu phiếu hôm 9/5 ở Philippines đang được Hoa Kỳ và các nước khác chú tâm theo dõi. Ông cho rằng trong trường hợp ông Duterte đắc cử và Philippines phải rơi lại vào sự cai trị độc tài, sự hợp tác an ninh đang trên đà gia tăng giữa Washington với Manila sẽ bị phương hại rất nhiều.

----------------

Đăng ngày 06-05-2016

Tại một quốc gia có đa số dân theo Công giáo, ông Rodrigo Duterte đã không ngần ngại chửi cả Giáo hoàng. Thế mà thị trưởng thành phố Davao, 71 tuổi, từ vị trí "outsider"  ( người ngoài cuộc ) lại trở thành ứng cử viên có triển vọng đắc cử nhất trong cuộc bầu cử tổng thống Philippines ngày 09/05 tới.

Kể từ khi ra tranh cử, ông Duterte đã liên tiếp đưa ra những tuyên bố gây sốc. Chẳng hạn như ông đã hứa sẽ hạ sát hàng chục ngàn tội phạm, rồi sau đó tự ân xá cho hành động này. Thị trưởng Davao còn dọa sẽ dẹp bỏ Quốc hội nào không nghe theo lệnh của ông. Ứng cử viên tổng thống này còn cáo buộc con gái của ông là đã " thổi phồng sự việc ", khi cô nói đến việc mình đã từng là nạn nhân của những vụ lạm dụng tình dục.
Nhờ vận động tranh cử như vậy mà trái với mọi dự đoán, ông Duterte đã trở thành ứng cử viên có triển vọng đắc cử nhất và nhiều nhà phân tích đã so sánh ông với ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump.
Thật ra thì không hẳn là chỉ nhờ những tuyên bố mà Duterte đã qua mặt các ứng cử viên khác. Thị trưởng Davao đã khéo léo thể hiện mình như là một chính khách có thể đề ra những giải pháp để giải quyết cấp tốc mọi vấn đề cố hữu của Philippines như tình trạng tội phạm hay nạn nghèo đói.
Như nhận định nhà chính trị học Raon Casiple, được AFP trích dẫn hôm nay, Duterte đã trở thành biểu tượng của sự bất mãn, thậm chí của sự tuyệt vọng đối với những người đã đặt niềm tin vào giới lãnh đạo Philippines.
Kể từ khi nhà độc tài Ferdinand Marcos bị lật đổ năm 1986, Philippines, ở cấp địa phương cũng như cấp quốc gia, vẫn dưới sự điều hành của các gia đình, với sự hỗ trợ của giới tài phiệt. Hệ thống chính trị này càng khiến cách biệt giầu nghèo ở Philippines thêm nặng nề.
Tổng thống mãn nhiệm Benigno Aquino chính là sản phẩm đặc trưng của hệ thống chính trị đó. Trong thời gian cuối nhiệm kỳ, ông bị chỉ trích là đã thi hành một chính sách kinh tế có lợi cho người giàu. Kể từ khi ông Aquino lên làm tổng thống năm 2010, tăng trưởng kinh tế hàng năm của Philippines đúng là đã đạt mức trung bình 6%. Nhưng một phần tư dân số của nước này vẫn sống dưới ngưỡng nghèo, như là cách đây 6 năm.
Nắm bắt tâm lý của những thành phần thấp cổ bé miệng, trong tuần này ông Duterte đã tuyên bố là là nếu Chúa cho làm tổng thống, ông sẽ "phục vụ người dân ", chứ không phục vụ thành phần đặc quyền đặc lợi.
"Liệu pháp" của thị trưởng Davao rất đơn giản : Muốn nhổ tận gốc nạn nghèo khó, thì phải tiêu diệt tội phạm. Mà muốn làm như thế thì không nên dựa vào hệ thống tư pháp nổi tiếng tham nhũng và không hiệu quả, mà chỉ cần ra lệnh cho cảnh sát bắn hạ mọi tên tội phạm.
Duterte khẳng định là trong vòng sáu tháng, Philippines sẽ giải quyết được cả hai vấn đề nói trên. Một lời hứa mà hàng triệu người Philippines sẳn sàng tin. Nhờ vậy mà theo kết quả thăm dò được công bố hôm nay, thị trưởng Davao vẫn về đầu, thu được đến 33% ý định bỏ phiếu, bỏ xa các đối thủ khác.
Trong khi đó, ông Manuel "Mar" Roxas, ứng cử viên được tổng thống mãn nhiệm Aquino ủng hộ, chỉ được 20% ý định bỏ phiếu, thua cả thượng nghị sĩ Grace Poe ( 22% ). Lý do chính vẫn là vì ông Manuel "Mar" Roxas bị xem là "không thương người nghèo".

*
Minh Anh – RFI
Đăng ngày 09-05-2016
.
Ứng viên tranh cử tổng thống, Rodrigo Duterte.REUTERS/Romeo Ranoco

Bầu cử tổng thống tại Philippines thu hút sự quan tâm của ba nhật báo Pháp La Croix, Les Echos và Libération ngày 09/05/2016. Cả ba nhật báo đặc biệt chú ý đến ứng viên « Duterte Harry », như cách gọi của báo chí Philippines, đang làm đảo lộn ván cờ chính trị tại nước này, một nhân vật mà ba tờ báo Pháp đều cùng có chung nhận xét là « phản hệ thống », một kiểu « Donald Trump » của Philippines.  

Bởi vì cách đây ba tháng ông Duterte vẫn còn là một nhân vật không có tiếng tăm. Nếu như trước đây ông chỉ nhận được 33% ý định bỏ phiếu cho ông, thì theo một thăm dò mới nhất, ông đang dẫn trước bà nghị sĩ Grace Poe, được cho là người nghiêm túc và có tư cách, đến 11 điểm.

Tên thật Rodrigo Duterte, luật gia 71 tuổi, một vợ, bốn con và có hai tình nhân, một ứng viên có giọng điệu khiêu khích, như mô tả của Libération, giờ đang ở ngay « trước cửa dinh tổng thống ». Từ nhiều tháng nay, nhân vật này không ngừng lên tiếng tố cáo « thái độ khinh miệt » người dân của những « phe phái » và những gia đình « cầm quyền » tại Philippines từ nhiều thập niên nay.

Giống Donald Trump, là vì ông Duterte cũng có những lời lẽ, ngôn từ quá đáng, không mấy «lịch sự» trong suốt quá trình vận động tranh cử : cam kết « quét sạch » các tên tội phạm, trộm cắp khỏi đất nước, tuyên bố sẵn sàng tử hình những đứa con nào của ông có dính dáng đến ma túy, hay quá đáng hơn ông lấy làm tiếc là đã không tham gia một vụ hiếp dâm tập thể một nhà truyền giáo người Úc mà ông cho là quá « sexy » hay như còn xem đức giáo hoàng Phanxicô là « con của đĩ »…

Theo tường thuật của thông tín viên Libération tại Manila, sở dĩ ông Duterte thu hút được cảm tình của đông đảo người dân đó là do những đời chính phủ trước đã không giải tỏa được mối bất an về tình trạng tội phạm và bất công. Dưới thời tổng thống Aquino III, tuy kinh tế có khá hơn, nhưng những người dân thuộc tầng lớp thấp trong xã hội lại không được hưởng thụ những thành quả kinh tế đó. Nắm bắt được yếu tố tâm lý này, ông Duterte đã có những dấu ấn khác biệt so với các ứng viên khác.

Những vấn đề gai góc chờ đợi tân tổng thống

Bên cạnh đó, Libération cũng có bài viết khác liệt kê những vấn đề được cho là « rất nhạy cảm » đang chờ đợi vị tổng thống tân cử sắp tới. Bài viết đề tựa « Chương trình quá tải dành cho người kế nhiệm Aquino III ».

Hồ sơ đầu tiên tờ báo đề cập đến chính là mối quan hệ căng thẳng với Trung Quốc do các tranh chấp lãnh hải trên Biển Đông. Những căng thẳng đó không chỉ là mới đây, mà đã có từ những năm 1980, nhưng đã thật sự trở nên tồi tệ hơn kể từ năm 2012, sau khi Trung Quốc chiếm lấy bãi đá ngầm Scarborough, vùng đánh bắt truyền thống của người Philippines và bắt đầu các công trình cải tạo. Manila nhiều lần lên tiếng chỉ trích các hành động được cho là « gây hấn » của Trung Quốc và thậm chí đi đến việc kiện Bắc Kinh ra trước Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye, mà phán quyết sẽ được đưa ra trong thời gian sắp tới đây.

Tiếp đến là hồ sơ những người Hồi giáo đòi ly khai. Họ chính là hậu duệ của các thương nhân Ả Rập, khai sáng vùng Bangsamoro, ở đảo Mindanao, phía nam Philippines, từ thế kỷ XIV. Gần đây, chính quyền ông Aquino III đã đạt được một thỏa thuận với Mặt Trận Giải Phóng Quốc Gia Hồi Giáo để chấm dứt cuộc chiến tranh du kích kéo dài từ gần nửa thế kỷ nay, cướp đi sinh mạng của hơn 150.000 người.

Theo thỏa thuận, chính phủ cam kết trao quyền tự trị cho khu vực, bao gồm cả Nghị viện và cảnh sát. Nhưng đạo luật đã bị chận lại ở Nghị viện Manila từ nhiều tháng nay. Ông Yves Boquet, giáo sư về địa lý và chuyên gia về Trung Quốc và Philippines, trường đại học Bourgogne-Franche-Comté, giải thích là người Philippines công giáo « vẫn còn nhiều ngờ vực về cộng đồng người Hồi giáo. Do đó người kế nhiệm sẽ phải đối phó với vấn đề gai góc này ».

Cuối cùng là vấn đề xóa nạn nghèo đói. Philippines là một trong những quốc gia Châu Á có tỷ lệ bất bình đẳng cao nhất. Tỷ lệ tăng trưởng tuy khá cao (5,8% trong năm 2015), nhưng «5% dân số sống dưới ngưỡng nghèo đói, 15% chỉ vừa đủ mau nhu yếu phẩm và trong khi gạo là nguồn thực phẩm chính thì mức giá vẫn tăng đều. Ông Aquino đã không xóa bỏ được tình trạng này», ông Yves Boquet lưu ý.

Trong khi đó, tỷ lệ lao động tạm bợ và thất nghiệp vẫn cao ở giới trẻ (khoảng 25%). Nền kinh tế Philippines vẫn sống dựa vào nguồn ngoại tệ gởi từ lực lượng lao động xuất khẩu khắp toàn cầu. Đó là còn chưa kể đến đảo quốc này luôn phải đối phó với các thiên tai. Do đó, theo như khẳng định của ông Yves Boquet, « tổng thống tương lai sẽ phải chuẩn bị cho việc giảm thiểu tình trạng dễ bị tổn thương của đất nước trước những biến đổi của khí hậu có nguy cơ gia tăng trong tương lai ».






No comments: