Sunday, May 1, 2016

CỨT TÂY, CỨT TẦU & HỒ CHÍ MINH (Le Minh Khai)





Le Minh Khai (Liam C. Kelley)
Trà Mi dịch

“Thà ngửi cứt Pháp 5 năm còn hơn ăn cứt Tầu suốt đời.” Tuyên bố này được nhiều người cho là lời của Hồ Chí Minh trong giai đoạn điều đình Hiệp định sơ bộ Pháp-Việt (1946). Thật thế không?

Pháp trở lại Hà Nội, tháng 3, 1946.

“Năm 1946, Hồ Chí Minh đã ký kết chấp nhận cho quân Pháp đổ bộ lên Bắc Việt thay thế quân Tầu. Mục đích của ông ta là khiến cho các đảng phái quốc gia không còn dựa vào thế lực của Quốc Dân Ðảng Trung Hoa nữa, nhưng ông ta giải thích cách khác. Ông nói một câu nổi tiếng, “Thà ăn cứt thằng Pháp 5 năm còn hơn ăn cứt thằng Tầu suốt đời.” Ai cũng phục là cao kiến, vì lịch sử Việt Nam vẫn còn ghi chép đầy chứng cớ.” – Ngô Nhân Dụng, “Không bịt mắt bịt tai mãi được”.(1)

***

Tưởng Giới Thạch và Việt Nam năm 1945

Hồ Chí Minh hiện rõ nét âu lo lúc đợi phi cơ với Jean Sainteny ở Paris (June 1946). Nguồn ảnh: OntheNet

Năm ngoái, tôi đã viết một bài (ở đây), bác bỏ ý kiến cho là cuối thập niên 1940 Hồ Chí Minh đã nói rằng, “Thà ngửi cứt Pháp 5 năm còn hơn ăn cứt Tầu suốt đời.” (hoặc như một số phiên bản khác nói ‘cả ngàn năm’).

Tuyên bố này được cho là đã do Hồ Chí Minh nói trong tài liệu về việc Hồ Chí Minh thỏa thuận để để cho quân đội Pháp trở lại Bắc Bộ, trước đó đã bị quân đội Trung Hoa Quốc Dân Đảng chiếm đóng từ năm 1945 khi đến giải giới Nhật.

Vào cuối Thế chiến II, quân đội Anh đã có mặt ở miền Nam Việt Nam để giải giáp quân Nhật.

Hôm nay tôi đọc được một bức điện tín của lực lượng Anh Quốc (ở Sài Gòn, nhưng qua London) gởi đến chính phủ Úc vào cuối tháng 12, 1945. Nội dung bứt điện như sau:

Điện tín mật của lực lượng Anh Quốc ở Saigon gởi cho quân đội Úc, 28/12/1945. Nguồn: LMK /[NAA: A1838, 494/14 PART 1, China – Relations with Indo-China, 1945-1964, page 200.]

“Cố vấn chính trị của Bộ tư lệnh Lực lượng Đồng Minh tại Sài Gòn báo cáo rằng chính quyền Pháp ở đó đã được thông báo của Đại sứ Pháp tại Changking [đúng ra là “Chungking” (nay viết là Chongqing, tức là Trùng Khánh) rằng Tổng tư Chian[g] Kai Shek (Tưởng Giới Thạch) đã quyết định sẽ rút quân Trung Hoa khỏi Đông Dương, phần bắc vĩ tuyến 16, trong tương lai gần dù chưa xác định được ngày.”

Như vậy, từ tháng 12 năm 1945, Tưởng Giới Thạch dường như đã cho quân đồng minh biết rằng ông sẽ rút quân ra khỏi Bắc Kỳ.

Báo cáo này cũng cho biết thêm:
“Vị Cố vấn biết được rằng chính phủ Trung Hoa vẫn khăng khăng đòi với chính quyền Pháp phải để công dân Trung Hoa có được quyền như công dân Pháp ở Đông Dương. Pháp đặc biệt lo lắng, muốn giữ lại quyền sở hữu đất đai và thông báo rằng họ không thể đồng ý với yêu cầu của Trung Hoa kể vì Pháp không thể quyết định trước về chính sách tại Đông Dương được.”

Đây cũng là bằng chứng cho thấy lời tuyên bố “Thà ăn cứt thằng Pháp 5 năm còn hơn ăn cứt thằng Tầu suốt đời”, cho là lời nói của Hồ Chí Minh, là một huyền thoại.

Tưởng Giới Thạch (Shangai, 1946). Copyright: (c) Keystone

Tưởng Giới Thạch không quan tâm đến Việt Nam. Ông không hề có ý định cai trị Bắc Kỳ, và không có thể có chuyện Hồ Chí Minh hoặc bất cứ ai khác ở Việt Nam sẽ phải “ăn cứt của thằng Tầu” suốt đời hết.

Việc mà Tưởng Giới Thạch quan tâm đến là người dân Trung Hoa và cách người Pháp đối xử với họ ra sao. Họ Tưởng bất bình vì người Trung Hoa đã bị phương Tây đối xử như công dân hạng hai kể từ thời Chiến tranh Nha phiến ở thế kỷ XIX. Ông ghét cay ghét đắng những luật đặc quyền ngoại giao mà người phương Tây đã buộc người Trung Hoa phải đồng ý. Và ông muốn chắc rằng những điều như thế không tiếp tục trong thời hậu chiến nữa.

Ông biết rằng người Pháp muốn tạo ra một Liên bang Đông Dương thuộc Pháp trong tương lai, và ông không có vấn đề với điều đó. Ông chỉ muốn người Trung Hoa có quyền bình đẳng về mặt cư trú và làm việc ở Đông Dương như những công dân Pháp đã có ở đó.

Nói cách khác, Tưởng Giới Thạch muốn người Trung Hoa phải được đối xử bằng như người phương Tây. Đối với Việt Nam và người Việt Nam, tôi đoán là ông ta không một chút đoái hoài.

Vì vậy, không có chuyện “lịch sử Trung Hoa xâm lược” trong bất cứ điều gì Tưởng Giới Thạch đã nói hay đã làm; và ông cũng không tiết lộ bất kỳ “ước vọng đời đời nào của Trung Hoa” để đồng hóa Việt Nam.

Trong những năm 1940 Hồ Chí Minh hoặc bất cứ ai khác ở Việt Nam đều không ở hoàn cảnh để phải đối phó với Trung Hoa suốt đời của họ. Đối tượng mà Tưởng Giới Thạch và Hồ Chí Minh quan tâm đến tại thời điểm đó là người Pháp, và cả hai đã đối xử với người Pháp theo cách riêng của họ.

© 2016 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: Chiang Kai-Shek And Vietnam In 1945. Le Minh Khai’s SEAsian History Blog, 25 Tháng 4, 2013

(1) Phụ lục: Bình luận và lịch sử
Trà Mi

Ngô Nhân Dụng, một trong nhiều người, cho rằng Hồ Chí Minh đã nói câu dẫn trong bài Không bịt mắt bịt tai mãi được đăng ngày 16 tháng 10, 2009 ở báo Người Việt. Bài bình luận này cũng được chép đăng lại ở nhiều trang khác. Tác giả viết “Ai cũng phục là cao kiến, vì lịch sử Việt Nam vẫn còn ghi chép đầy chứng cớ” nhưng không ghi rõ “lịch sử Việt Nam” là lịch sử nào, và do ai ghi chép ở đâu, khi nào. Và “chứng cớ” là chứng cớ nào?

Cũng thế, nhiều tác giả Việt Nam khác và tác giả phương Tây, không ai dẫn nguồn chính xác – trong sáng tác của họ – câu nói mà họ coi là của Hồ Chí Minh trong giai đoạn điều đình với Pháp sau Thế chiến thứ II.

Đa số những tác giả đó dẫn câu nói cho là của Hồ Chí Minh không ngoài mục đích củng cố luận cứ của cuốn sách hay nội dung bài viết. Người sau theo người trước, cứ thế sao chép và “lý luận”. Ít người đặt vấn đề nguồn gốc và sự thực của lời trích dẫn như Le Minh Khai (Liam C. Kelley) thường phân tích trong cái bài viết ở blog SEAsia’s History của ông.

Stanley Karnow, Vietnam: A History.

Tác giả Stanley Karnow không những không nói ông lấy nguồn từ đâu để viết là Hồ Chí Minh đã nói “I prefer to sniff French shit for five years than eat Chinese shit for the rest of my life” mà còn phóng đại thành cả một đoạn văn (coi là của “của Hồ Chí Minh”) ở trang 153 trong cuốn “Vietnam: A History” (New York: Viking Press, 1983).

Trong “Our Vietnam: The War 1954-1975 Nước Việt ta” (Simon and Schuster, 2000 ), ở Chương I, Kennedy And Ho, 1960, tác giả A. J. Langguth kể chuyện về Hồ Chí Minh, không dẫn nguồn, và còn kể rằng Hồ Chí Minh dùng từ “cứt” trong tiếng Việt trong câu chuyện:
“To his associates, Ho drew on his barnyard upbringing to explain his willingness to compromise: “It is better to sniff French shit” — he used the Vietnamese word cut — “for a while than to eat Chinese shit all our lives.”

Vài tác giả khác cũng trích dẫn câu nói trên (cho là của Hồ Chí Minh) như
– Bui Diem & Charnoff, “In the Jaws of History” (Vietnam War Era, Classics Series. Jane Hamilton-Merritt and John Clark Pratt, eds. Bloomington, IN: Indiana University Press, 1999), trang 44;
– Wilbur H. Morrison, “The Elephant and the Tiger” (Hellgate Pr, October 2001), trang 13;
– Fredrik Logevall, “Embers of War: The Fall of an Empire and the Making of America’s Vietnam” (Random House. 2012), trang 133;
– William J. Duiker, “Ho Chi Minh: A Life” (Hyperion, New York, 2000), trang 361, v.v.

Như thế, nguồn thực của câu “Thà ngửi cứt Pháp 5 năm còn hơn ăn cứt Tầu suốt đời” là ở đâu? Theo Le Minh Khai, người đầu tiên viết về “cứt Tây, cứt Tầu” liên quan đến Hồ Chí Minh là Paul Mus. Jean Lacouture, trong cuốn “Ho Chi Minh: A Political Biography” (New York: Vintage Books, 1968), ở trang 119 cũng dẫn Paul Mus là nguồn chính của câu nói trên.

Không như các tác giả trích dẫn không cho biết nguồn chính, Duiker, dù dẫn nguồn từ sách của Paul Mus, nhưng lại cho rằng chính Hồ Chí Minh đã nói với Paul Mus như thế.

“In a later comment to the French historian Paul Mus, he would use a more earthy remarks: “It is better to sniff French shit for a while than to eat China’s for the rest of our lives.” – William J. Duiker, Ibid., trang 361

Trong cuốn “Viêt-Nam, sociologie d’une guerre” (Paris, Éditions du Seuil, coll. Esprit / Frontière ouverte, 1952), ở trang 85, Paul Mus viết,

Paul Mus về Hồ Chí Minh (1952).

“Je tiens de bonne source un mot prêté au Président, et qui, non sans verdeur, décrit bien et l’opération et l’esprit dans lequel, du côté de la République Démocratique du Viêt-Nam, les adversaires les plus résolus de l’ancien système colonial on put s’y risquer: “Plutôt flairer un peu la crotte des Français que manger toute notre vie celle des Chinois.””

Sách của Paul Mus, 1952. Nguồn: LMK

Sự thực là không ai đã nghe trực tiếp câu nói “cứt Tây, cứt Tầu” từ miệng Hồ Chí Minh rồi viết lại cả. Người đầu tiên nói đến việc này, Paul Mus, cũng chỉ nghe lại từ một người khác – mà ông cho là nguồn tốt, tin được – là Hồ Chi Minh đã nói như thế.

Tóm lại chuyện Hồ Chí minh với cứt Tây, cứt Tầu chỉ là là một huyền thoại. Nguồn đầu tiên của huyền thoại đó là một sử gia người Pháp, rồi sử gia Mỹ dẫn lại, phóng đại hoặc (vô tình?) bóp méo sự thật.

Về phía tác giả Việt Nam, nếu có người viết bình luận như Ngô Nhân Dụng – cả quyết câu nói đó là của Hồ Chí Minh, và cho rằng đó là sự thật bằng biện luận “vì lịch sử Việt Nam vẫn còn ghi chép đầy chứng cớ”, nhưng không dẫn chứng – thì cũng có bỉnh bút như Dương Danh Huy; ông Huy đã dẫn cả Paul Mus và Stanley Karnow khi văn hoa dịch ý những câu tiếng Pháp, tiếng Anh sang tiếng Việt, và cẩn thận, tỏ ý nghi nhờ khả năng có thật của câu chuyện.

Trong bài “Có sẽ bị ‘ngửi phân Trung Quốc ngàn năm’ ở Biển Đông?” đăng ngày 14 tháng 6 ở trang Beauxite Việt Nam, Dương Danh Huy viết,

“Quyển “Viêt-Nam: Sociologie d’une Guerre”, của Paul Mus và quyển “Vietnam: A History” của Stanley Karnow ghi Hồ Chí Minh nói một câu với ý thà ngửi phân Pháp năm năm còn hơn ngửi phân Tàu ngàn năm (nhưng khó kiểm chứng sự thật là thế nào).”

Đọc về lịch sử Việt Nam, cận đại hay cổ đại cũng thế, tốt nhất có lẽ người ta nên tìm đọc các tác phẩm của thế hệ viết lịch sử trẻ hơn, tiêu biểu là Lien-Hang Nguyen, Liam C. Kelley, Christopher Goscha, v.v.

Tham khảo: Ho Chi Minh Said What??? Le Minh Khai SEAsian’s History Blog. September 1, 2012





No comments: