Tuesday, May 10, 2016

"CON ĐƯỜNG KHỔ LUYỆN DẪN TỚI THÀNH CÔNG" (Nguyễn Phan Quế Mai, Brussels)





Nguyễn Phan Quế Mai
Gửi tới BBC Tiếng Việt từ Brussels, Bỉ
9 tháng 5 2016

Gặp nhà văn Viet Thanh Nguyen (Nguyễn Thanh Việt – tác giả tiểu thuyết The Sympathizer) tại hội nghị viết văn quốc gia Hoa Kỳ AWP hơn hai tuần trước khi anh giành giải thưởng danh giá Pulitzer dành cho tiểu thuyết, tôi không khỏi bất ngờ.


Bất ngờ bởi lẽ ngoài đời anh hồn hậu, sâu sắc và giản dị đến lạ. Nhưng có lẽ ‘văn cũng là người’, nên Viet Thanh Nguyen ngoài đời cũng thông minh và hài hước như nhân vật chính trong tiểu thuyết The Sympathizer.

Tôi đã mải miết đọc The Sympathizer vào tháng 4/2015, trước thềm lễ kỷ niệm 40 ngày kết thúc chiến tranh Việt Nam.

Chưa từng biết tới tên tuổi của Viet Thanh Nguyen trước đó – bài viết của tác giả Philip Caputo trên thời báo New York Times vào ngày 2/4/2015 đã thôi thúc tôi tìm mua bằng được tiểu thuyết này.

Philip Caputo đã giới thiệuThe Sympathizer và tác giả của nó như sau: ‘Nguyễn, sinh ra ở Việt Nam nhưng lớn lên ở Mỹ, đem đến cho chúng ta một cái nhìn khác biệt về chiến tranh và hậu quả của nó. Quyển sách của anh lấp đầy chỗ trống trong văn học, cất lên tiếng nói của những người chưa từng được lên tiếng đồng thời buộc chúng ta phải nhìn lại những sự kiện của bốn mươi năm qua trong ánh sáng mới.’

Cái nhìn từ ba phía cuộc chiến

Thật vậy! Viet Thanh Nguyen là tác giả đầu tiên vạch trần bộ mặt khốc liệt và tàn bạo của chiến tranh qua việc khắc họa rõ nét những nhân vật đến từ ba phía chính của cuộc chiến: những người lính Cộng hoà, những người Mỹ, và những người Cộng sản.

Nhưng anh cũng không quên thân phận của những nạn nhân thấp cổ bé họng của chiến tranh.

Đó là những cô gái bar – ‘hầu hết trong số họ là những cô gái quê nghèo khổ, không biết chữ, không có cách nuôi thân nào khác ngoài việc sống như những con ve trên bộ lông người lính Mỹ mười chín tuổi’ (Trích The Sympathizer, nghĩa tiếng Việt do tác giả bài viết tạm chuyển ngữ), đó là Đức và mẹ của em - những người đã chết tức tưởi khi đã chạm một chân lên chiếc máy bay di tản.

Khác với giọng văn buồn đau và khắc khoải của các tác giả lừng danh đã từng viết về chiến tranh Việt Nam một cách trực diện như Bảo Ninh, Lê Minh Khuê, Tim O’Brien, Larry Heinemann... Viet Thanh Nguyen đã chọn cách đối diện với chiến tranh và ký ức tang thương của nó bằng một giọng văn tưng tửng và hài hước.

Nhưng giọng văn ấy cũng khiến ta có thể rơi nước mắt khi để ta chạm tới đáy của thân phận những con người, bất kể họ ở phe phái nào.

Và giữa nỗi đau sâu thẳm và sự vô nghĩa đến nực cười của chiến tranh, những câu văn đẹp như những câu thơ sẽ nâng ta lên, để ta có thể nhìn thấy ở giữa vực thẳm của bóng tối, vẫn còn le lói hơi ấm của tình bạn và tình yêu.

Có lẽ Viet Thanh Nguyen là một trong những nhà văn tiên phong trong việc kết hợp kỹ năng viết tiểu thuyết với kỹ năng viết phê bình của mình.

Là cây bút phê bình cho tờ báo Los Angeles Times, anh không ngần ngại phê phán cách người Mỹ nhìn người châu Á, đặc biệt là qua phim ảnh.

Trong The Sympathizer, Viet Thanh Nguyen khiến ta bật cười cay đắng vì một vị đạo diễn Hollywood nổi tiếng đã đầu tư số tiền khổng lồ để dựng bộ phim ‘bom tấn’ về Việt Nam, nhưng những nhân vật người Việt trong phim đều do những diễn viên châu Á khác thủ vai vì lý do ‘không có diễn viên người Việt nào đủ khả năng’.

Và đây là một trong những diễn viên châu Á đó: ‘Yoon là Mọi người đàn ông Châu Á – một diễn viên truyền hình có gương mặt hầu như ai cũng biết đến nhưng chẳng ai nhớ tên anh ta là gì. Họ sẽ nói: Ồ, đó là gã Trung Quốc trong chương trình truyền hình về cảnh sát đó, hoặc Đó là người làm vườn Nhật Bản trong hài kịch đó, hoặc Đó là gã người phương Đông, tên hắn là gì nhỉ.’ (Trích The Sympathizer)

Và để chống lại việc người Mỹ nhìn người châu Á bằng con mắt khái quát và đầy sai lệch như thế, Viet Thanh Nguyen đã chọn cách buộc họ phải tìm hiểu về văn hoá Việt Nam qua The Sympathizer. Trong toàn bộ quyển sách, những từ tiếng Việt như phở, Tết... được viết nguyên văn (chỉ bỏ dấu) mà không hề có một sự giải thích hoặc chú thích về ý nghĩa của những từ này.

Tôi còn nhớ tại hội nghị viết văn AWP được tổ chức ở Los Angeles vào đầu tháng Tư vừa qua, Viet Thanh Nguyen cho biết anh muốn viết khác những gì mà bạn đọc mong chờ từ một nhà văn thiểu số.

Những nhà văn da vàng hay da đen ở Mỹ thường được xem là phải viết để phục vụ người đọc da trắng. Nhưng Viet Thanh Nguyen muốn viết với tâm thế của một người đến từ một nền văn học số đông, người đó không phải dịch nghĩa của những từ như ‘Giáng sinh, Tết Tây...’ cho người đọc đến từ bất cứ nơi đâu.

Gần đây, trong bài phỏng vấn trên tờ Guardian, Viet Thanh Nguyen cũng tâm sự: ‘Nếu viết quyển sách này cho đối tượng người da trắng, tôi đã bán bản thảo với số tiền lớn hơn rất nhiều, và đã có nhiều hơn những nhà xuất bản tham gia đấu giá cho bản thảo.’

Di tản khỏi Việt Nam vào năm 1975, lúc bốn tuổi, và bị tách rời khỏi cha mẹ khi đến Mỹ trong suốt thời gian 14 tháng để về sống trong một gia đình da trắng, Viet Thanh Nguyen xem mình là người tị nạn (refugee) chứ không phải là di dân (immigrant).

Và sẽ thật dễ dàng để anh viết về chiến tranh Việt Nam một cách phiến diện, ưu ái cho những người lính Cộng Hoà và quân đội Mỹ.

Nhưng không. Anh đã chọn cách kể câu chuyện về chiến tranh qua số phận các nhân vật đến từ nhiều phía, và dù từ phía nào chăng nữa, sự đen tối của chiến tranh cũng được bộc lộ. Viet Thanh Nguyen đã từng nói: The Sympathizer là quyển sách phê bình với ‘điều gì đó khiến bất cứ ai cũng có thể phật lòng’. Anh cũng hy vọng đó là quyển sách giúp anh thực hiện ý tưởng phê bình bằng tiểu thuyết và viết tiểu thuyết để phê bình.

Thành công không dễ dàng

Viet Thanh Nguyen đã trao gửi vào từng trang sách của mình một tình yêu khắc khoải dành cho đất nước Việt Nam.

Những đoạn văn miêu tả về làng quê Việt của anh sống động đến nỗi người đọc có thể cảm thấy hương vị cà phê sữa đá trên môi, nghe tiếng ‘anh ơi’ thổn thức trong lồng ngực, nghe lúa vừa được gặt phả hương thơm vào da thịt, và cảm nhận được vị ngọt ngào của quả xoài chín vừa rơi xuống lòng bàn tay.

Dù không trực tiếp trải nghiệm cuộc chiến, Viet Thanh Nguyen đã tiếp cận với nó trên phương diện một nhà nghiên cứu và một học giả.

Bắt đầu viết từ thời sinh viên, anh đã tìm tòi, học hỏi, lấy bằng tiến sĩ Anh ngữ từ đại học Berkeley, rồi đảm nhiệm vị trí phó giáo sư Anh ngữ, Mỹ học và dân tộc học tại trường đại học Nam California.

Trăn trở về hậu quả của chiến tranh, Viet Thanh Nguyen đã đầu tư mười ba năm ròng rã để thu thập tài liệu về chiến tranh Việt Nam và viết quyển sách phi hư cấu ‘Nothing Ever Dies: Vietnam and the Memory of War’ – vừa được nhà xuất bản trường đại học Harvard ấn hành vào tháng 4/2016.

Tiếp cận với quyển sách này, người đọc mới mường tượng được kho kiến thức đồ sộ mà anh sở hữu về chiến tranh Việt Nam cũng như ký ức của nó.

Không chỉ tìm hiểu về chiến tranh qua sách báo, phim ảnh, các cuộc phỏng vấn, Viet Thanh Nguyen còn dành nhiều thời gian để trở lại Việt Nam, Campuchia và Thái Lan để thu thập thông tin.

Nghiên cứu về chiến tranh, Viet Thanh Nguyen thấu hiểu được sự khốc liệt và hậu quả dai dẳng của nó, để rồi trong ‘Nothing Ever Dies: Vietnam and the Memory of War’, anh viết: ‘Người ta phải chiến đấu với tất cả những cuộc chiến tranh hai lần, lần đầu tiên trên chiến trường, lần thứ hai trong ký ức.’

The Sympathizer, quyển tiểu thuyết đầu tay của Viet Thanh Nguyen vừa ra đời đã thành công vang dội, giành được không chỉ giải thưởng Pulitzer mà còn rất nhiều giải thưởng quan trọng khác, mới đây nhất là giải Edgar danh giá của Mỹ dành cho tiểu thuyết đầu tay xuất sắc nhất thuộc hạng mục tiểu thuyết trinh thám.

Tuy vậy, thành công không đến với Viet Thanh Nguyen một cách dễ dàng.

Anh đã bắt đầu bằng việc sáng tác truyện ngắn, viết các bài phê bình, rồi sau đó là tiểu thuyết. Phải mất 15 năm miệt mài làm việc, anh mới thực sự nhận được quả ngọt từ những nỗ lực của mình.

Trên trang cá nhân Facebook, vào ngày 29/4/2016, Viet Thanh Nguyen chia sẻ đã có hàng trăm lần khi các bài viết, các tác phẩm phê bình và văn chương của anh bị từ chối in. Lần mới đây nhất xảy ra chỉ hai ngày trước khi anh giành giải thưởng Pulitzer.

Anh tâm sự: ‘Trong suốt thập niên qua, tôi đã giữ danh sách những lời từ chối in tác phẩm, để tránh việc mình gửi tác phẩm ấy cho người đã từng từ chối nó.” Và anh đưa ra lời khuyên chân thành cho các bạn viết: ‘Nếu gần đây, bạn bị từ chối in, hãy nhớ rằng sự kiên trì cũng quan trọng như bất cứ khả năng bẩm sinh nào. Có lẽ là quan trọng hơn thế. Lịch sử đầy rẫy những người tài năng bỏ cuộc.’

Dù 42 năm đã trôi qua kể từ ngày 30/4/1975, nhiều thế hệ của người Việt và người Mỹ vẫn còn phải tiếp tục viết về cuộc chiến Việt Nam.

Cựu binh Mỹ Tim O’Brien - nhà văn nổi tiếng với những quyển tiểu thuyết chiến tranh - đã từng nói ‘tôi có viết về chiến tranh đâu, tôi viết về hoà bình đó chứ!’

Cũng như Tim O’Brien, Viet Thanh Nguyen viết về chiến tranh không phải tô hồng nó hoặc ngợi ca bất cứ bên nào. Anh viết để tố cáo sự tàn bạo của chiến tranh, với ước mong sâu thẳm về một thế giới hoà b

*
Bài thể hiện quan điểm và cách hành văn của người viết, hiện đang nghiên cứu tiến sĩ (đề tài hậu quả chiến tranh Việt Nam) với trường Đại học Lancaster.

--------------------------

TIỂU THUYẾT "THE SYMPATHIZER" CỦA NGUYỄN THANH VIỆT ĐOẠT GIẢI PULITZER 2016
2/5/2016






No comments: