Fri, 05/20/2016 - 11:39 — Kami
Cứ năm năm một lần, ở Việt Nam lại định kỳ tiến hành
bầu cử Quốc Hội và Hội đồng Nhân dân (HĐND) các cấp. Đây là quá trình người dân
thực hiện quyền lực chính trị của cá nhân mình để lựa chọn ra các cá nhân thay
mặt mình trong cơ quan quyền lực nhà nước các cấp. Ngày 22/5/2015 tới đây
cũng vậy, ở Việt nam sẽ tiến hành bầu cử Quốc hội khoá 14 - nhiệm kỳ
2016-2021.
Quốc
hay Cuốc hội?
Theo Hiến pháp sửa đổi năm 2013 đã được Quốc hội
thông qua đã quy định, nhân dân là chủ thể của quyền lực nhà nước và việc lựa chọn
các chức danh lãnh đạo của nhà nước là công việc của cử tri, và quyền đó phải
thuộc về người dân. Theo Điều 2 - khoản 2 quy định: Nước Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân
dân. Tại Điều 6 đã ghi rõ: Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ
trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông
qua các cơ quan khác của Nhà nước. Đồng thời Điều 69 khẳng định: Quốc hội là cơ
quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước
Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tuy vậy với một thể chế chính trị độc đảng như ở Việt
nam hiện nay, thì tất cả các quy định của luật pháp chỉ mang tính hình thức chứ
không có giá trị thực tiễn. Với thể chế chính trị một đảng độc quyền lãnh đạo
như ở Việt nam hiện nay, thì việc Quốc hội chỉ làm nhiệm vụ của một cánh tay nối
dài của đảng và là tấm bình phong nhằm hợp thức hóa các chủ trương đường lối của
Đảng CSVN là một điều quá rõ ràng. Nói một cách chính xác rằng, Quốc hội ở Việt
nam hiện nay không hề có một thực quyền gì, không bao giờ là cơ quan quyền lực
cao nhất như Hiến pháp quy định. Sự có mặt của Quốc hôi ở Việt nam thực ra có
cũng thế mà không có thì cũng vẫn như vậy. Chính vì vậy có nhiều người thấy rằng,
nếu như vậy thì có cần thiết phải có một cơ quan gọi là Quốc hội nữa hay không?
Sự thao túng tới mức lũng đoạn của Đảng CSVN cũng
chính là nguyên nhân dẫn tới chất lượng ĐBQH thấp hoặc quá thấp không đủ phẩm
chất để đảm nhiệm những trọng trách đại biểu cho Nhân dân. Tuyệt đại đa số các
ĐBQH của Việt nam hiện nay được mệnh danh là các ông bà Nghị gật. Việc ĐBQH Trần
Du Lịch từng lên tiếng rằng: “Tôi thấy tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc
hội đơn giản quá, nếu cứ chung chung thế này thì một người mới từ bệnh viện tâm
thần cũng ứng cử được” hay ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan, Phó
giám đốc Sở Y tế TP.HCM, thẳng thắn kiến nghị, yêu cầu các ứng viên ĐBQH cần phải
được khám sức khỏe tâm thần là điều đáng phải suy nghĩ.
Đại biểu Quốc hội ở Việt nam không đại diện cho nguyện
vọng và ý chí của cử tri là điều không phải bàn cãi. Việc có tới trên 90% là đảng
viên của Đảng CSVN trong danh sách ứng cử ĐBQH khóa 14, trong lúc số lượng đảng
viên hiện có hiện nay chỉ có (ước chừng) khoảng trên 4 triệu người. Nếu so với
tổng dân số của Việt nam hiện nay là hơn 90 triệu người thì mới thấy hết được sự
vô lý đến mức kinh ngạc. Điều này thể hiện sự bất bình đẳng và đi ngược lại bản
Tuyên ngôn độc lập tháng 9/1945 của Nhà nước Việt nam hiện nay, đó là: "Tất
cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng."
Đây là một đặc thù đồng thời là một nhược điểm khá
trầm trọng trong việc lựa chọn các đại biểu của nhân dân vào trong Quốc hội Việt
nam. Đây được cho là hậu quả của vấn đề dân chủ hình thức, thiếu thực chất
trong việc lựa chọn nhân sự của Quốc hội.
Cần
phải làm gì?
Từ lâu nay ở Việt nam, các cuộc bầu cử Quốc hội chỉ
là một việc làm mang tính hình thức trong cơ chế "Đảng cử, Dân bầu",
người dân chỉ có quyền lựa chọn và bầu các đại biểu theo danh sách Đảng đã duyệt
sẵn. Rồi kết quả ai trúng, ai trượt thì cũng do Đảng đã cơ cấu sẵn từ trước,
đây là một hành động coi thường dân chúng đã diễn ra công khai hàng chục năm
nay. Do tình trạng này diễn ra đã quá lâu, nên người dân không mấy ai quan tâm
đến việc lựa chọn các đại biểu thay mặt cho mình trong các cơ quan quyền lực nhà
nước. Chính vì thế, tình trạng một người đi bầu thay cho cả gia đình hay chuyện
ông tổ trưởng dân phố "tiện tay" bỏ phiếu hộ cho những ai chưa bỏ phiếu
là điều được coi là hết sức bình thường.
Ở Việt Nam, việc bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng
nhân dân được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ
phiếu kín. Luật bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp năm 2015 cũng
xác định bầu cử là quyền công dân chứ không phải là nghĩa vụ. Đồng thời người
không đi bầu cử cũng không phải chịu bất kỳ trách nhiệm gì theo quy định của
pháp luật. Chính vì thế nên việc mỗi cử tri tham gia bỏ phiếu bầu cử hoàn toàn
phụ thuộc vào suy nghĩ của mỗi người.
Nhiều ý kiến hỏi rằng, công dân phải có các hành động
thiết thực thế nào để buộc chính quyền phải lắng nghe nguyện vọng của dân chúng
và phải thay đổi?
Thì việc tẩy chay cuộc bầu cử Quốc hội khóa 14, ngày
22/5 tới đây, thông qua hành động không đi bỏ phiếu, cũng như tuyệt
đối không dễ dãi trong việc một người đi bỏ phiếu cho cả nhà, hoặc ủy quyền cho
ông tổ trưởng dân phố làm thay vì cả nể. Tuy nhiên trên thực tế cho thấy một số
nơi làm việc hay học tập ra các quy định bắt buộc phải đi bầu cửa. Đây là những
quy định hoàn toàn trái pháp luật. Để tránh các phiền phức không đáng có, thì
những cử tri thuộc đối tượng này hãy bỏ phiếu trắng, để thể hiện sự
không đồng tình của mình đối với cuộc bầu cử giả hiệu.
Cần phải hiểu đây cũng là một cách mà mỗi cá
nhân chúng ta góp phần tạo nên sức ép buộc nhà nước phải thay đổi. Qua đó nhà
nước sẽ có những cải cách để các cuộc bầu cử trong thể chế chính trị dù là duy
nhất một đảng cũng phải mang tính thực chất hơn. Buộc họ phải tôn trọng và khuyến
khích việc cạnh tranh trong ứng cử và đề cử làm cơ sở cho cử tri chọn lựa người
thực sự có tài tham gia cống hiến và phục vụ đất nước. Đồng thời đưa Quốc hội
thực hiện tốt vai trò giám sát hoạt động của nhà nước để tăng cường việc giám
sát để buộc phải điều chỉnh về mặt quyền lực. Điều đó sẽ đánh động dư luận xã hội,
cũng như góp phần để các cử tri thức tỉnh trong việc thực hiện quyền lực chính
trị của cá nhân mình, trong việc lựa chọn các đại biểu của mình trong Quốc hội.
Đây cũng là sự đóng góp cho một giải pháp cần thiết để phá vỡ cái cơ chế
"Đảng cử, Dân bầu" như hiện nay.
Kết
Căn cứ vào những vấn đề đã phân tích như trên cho thấy,
việc không tham gia bầu cử bầu cũng cũng là một hành động thiết thực góp phần
cho sự tiến bộ của đất nước về mặt chính trị. Đây là một cách biểu thị ý chí của
các cử tri để cho chính quyền thấy rằng, Quốc hội hiện nay không xứng đáng là
cơ quan đại diện cho ý chí của nhân dân và các ĐBQH cũng không hề đại diện cho
nguyện vọng của cử tri. Việc tổ chức bầu cử giả hiệu như hiện nay của nhà nước ở
Việt nam về thực chất có cũng như không, tất cả chỉ là một màn kịch, mà kết quả
cuối cùng thì ai cũng đã biết trước. Qua việc bầu các chức danh chủ chốt của
Nhà nước cho nhiệm kỳ 2016-2020 đã được chuẩn y trước ngày bầu cử 2 tháng.
Chuyện kiểm phiếu bầu cử lâu nay là việc làm hình thức
lấy lệ, không có ai chứng kiến và kết quả thế nào thì người dân cũng không quan
tâm. Do vậy đã đến lúc việc ai trúng, ai trượt ĐBQH cũng cần phải được chú ý. Mọi
cá nhân và các tổ chức XHDS hãy tổ chức viêc tham gia giám sát, để phát hiện
các bằng chứng vi phạm Luật bầu cử và ngay lập tức yêu cầu tổ bầu cử lập biên bản
về sự vi phạm đó. Đồng thời các thông tin về bằng chứng thu thập (video clip,
sound bite...) được cần được chia sẻ, phát tán rộng rãi trên mạng xã hội để vạch
trần các sai trái đã diễn ra tại các cuộc bầu cử ĐBQH lần này.
Ngày 20/05/2015
©
Kami
* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không
thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA.
No comments:
Post a Comment