Monday, October 20, 2014

Viện Việt Học kỷ niệm 15 năm thành lập (Nguyên Huy/Người Việt)





Nguyên Huy/Người Việt
Sunday, October 19, 2014 4:31:44 PM

WESTMINSTER (NV)
- Viện Việt Học sẽ tổ chức kỷ niệm 15 năm thành lập vào ngày 18 Tháng Giêng, 2015, tại trụ sở của viện, Westminster, vào lúc 11 giờ sáng.

Các phong bao mừng tuổi trong các dịp lễ Tết của Viện Việt Học phát động đồng hương
dùng thay thế các phong bao lì xì của Trung Quốc. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Được thành lập vào năm 1999 do các cựu Giáo Sư Đại Học Sài Gòn và một số các sinh viên Việt Nam tốt nghiệp từ các đại học Hoa Kỳ nặng lòng với tiếng Việt, văn hóa Việt.

Do từ quan niệm dân tộc Việt Nam hiện nay không chỉ sinh sống trong lãnh thổ Việt Nam mà đã trải rộng khắp thế giới, Viện Việt Học tự đảm nhận chức năng nghiên cứu và quảng bá cùng giảng dậy ngôn ngữ, văn học, văn hóa, lịch sử, địa lý Việt Nam tại hải ngoại để các thế hệ trẻ Việt Nam tại hải ngoại không xa lìa gốc rễ văn hóa dân tộc.

Mục đích của viện, được quảng bá, là để:

- Tạo sự cảm thông và góp phần duy trì mối liên hệ mật thiết giữa người Việt đang sống tại khắp nơi trên thế giới.

- Phân tích một cách nghiêm túc ưu, nhược điểm của văn hóa Việt Nam. Thẩm định một cách khách quan địa vị cùng vai trò của văn hóa ấy trong toàn thể văn hóa nhân loại.

- Tìm cách bồi dưỡng và phát huy những nét đẹp, đáng trân trọng gìn giữ trong nếp sống tinh thần của người Việt Nam.

- Góp ý một cách cụ thể, sáng tạo và hướng thượng trước nhu cầu thích nghi một cách hài hòa văn hóa Việt Nam và văn hóa địa phương cũng như thế giới.Với các mục tiêu đề ra như trên Viện Việt Học đã mở ra nhiều hoạt động như:

- Thư Viện để lưu trữ sách báo, các tác phẩm văn học, nghệ thuật.

- In ấn các tác phẩm của các tác giả, nhân sĩ trí thức có cùng chung một mục đích với viện. Số ấn phẩm này cả Việt ngữ lẫn Anh ngữ hiện đã lên đến hàng trăm và được phổ biến đi khắp nơi.

- Một Diễn Đàn Văn Học được mở thường xuyên để trao đổi kiến thức, quảng bá những nghiên cứu tìm tòi mới về văn học nghệ thuật Việt Nam giữa các tác giả và quần chúng độc giả.

- Một câu lạc bộ sinh hoạt thường xuyên trong tháng, trong tuần có nội dung nhắc lại những giá trị văn học nghệ thuật qua những giai đoạn lịch sử cận đại mà chế độ Cộng Sản ở trong nước đã tiêu hủy để thay thế bằng nền văn học Mác Xít.

- Mở các lớp Việt ngữ theo phương pháp mới.

- Những buổi triển lãm sách báo văn học nghệ thuật giá trị.

- Phát động phong trào dùng Phong Bao Việt Nam trong các dịp lễ Tết.

- Tạo một nơi sinh hoạt văn hóa cho các thân hữu của Viện. Công việc của viện sau 15 năm có mặt đã khai triển trên nhiều mặt trong sinh hoạt của cộng đồng. Đảm đương được những hoạt động ấy là một Ban Giáo Sư cố vấn, giảng huấn và một ban điều hành của các thế hệ kế tiếp.

Ban Cố Vấn và Giảng Huấn gồm các Giáo Sư Nguyễn Thế Anh, Nguyễn Ngọc Bích, Phạm Văn Hải, Nguyễn Đình Hòa, Nguyễn Khắc Hoạch, Đoàn Khoách, Trần Ngọc Ninh, Đàm Trung Pháp, Nguyễn Văn Sâm.

Cố Giáo Sư Nguyễn Khắc Kham là một trong những vị sáng lập và tích cực đóng góp công sức cho viện khi còn sinh tiền. Cụ là một nhà giáo dục, một nhà mô phạm đúng nghĩa, từng giảng dậy ở nhiều trường trung học và đại học của Việt Nam từ Thăng Long, Hoài Đức, Văn Lang, Minh Tân Văn Hóa, Chu Văn An tại Hà Nội, Petrus Ký tại Sài Gòn và Đại Học Văn Khoa Hà Nội trước 1954. Sau 1954, giáo sư tiếp tục dạy tại Văn Khoa, Sư Phạm, Vạn Hạnh Sài Gòn và Đại Học Huế. Giáo sư cũng đã giữ nhiều chức vụ văn hóa trong các chính quyền của VNCH và tham dự nhiều sinh hoạt văn hóa, văn học thế giới.

Sau năm 1975, giáo sư tị nạn Cộng Sản tại Hoa Kỳ và dù tuổi đã cao, giáo sư vẫn nghĩ ngay đến việc thành lập Viện Việt Học để cho các thế hệ trẻ hải ngoại giữ được nề nếp văn hóa, văn học của ông cha.

Một vị giáo sư khác là Giáo Sư Trần Ngọc Ninh, năm nay đã ngoài 90 nhưng vẫn hăng hái có mặt trong những hoạt động của viện.

Mặc dù tốt nghiệp Thạc Sĩ Y Khoa tại Pháp năm 1961 nhưng giáo sư Trần Ngọc Ninh cũng có nhiều công trình khảo cứu văn hóa, văn minh và văn chương Việt Nam. Các tác phẩm về văn học của Giáo Sư Trần Ngọc Ninh đã xuất bản ở trong nước cũng như ở hải ngoại đã lên đến hàng chục cuốn. Trong số những tác phẩm này có bộ Cơ Cấu Việt Ngữ dự trù đến 8 cuốn được bắt đầu từ năm 1974. Đây là một bộ sách mà cho đến nay vẫn chưa có một tác phẩm tương tự nào.

Về thành phần “trẻ,” lớp tuổi trên dưới 40 trong Viện từ ngày thành lập là những sinh viên đã tốt nghiệp từ các đại học ở California, lớp tới lớp đi vì sinh kế, kể có đến gần cả trăm người. Họ đã đóng góp vào công việc điều hành của Viện như thành lập thư viện, thu thập sách báo, phân tích hệ thống hóa sách báo do đồng hương từ khắp nơi gởi về cho viện lưu giữ, tổ chức những sinh hoạt văn học trong cộng đồng v.v...

Người trực tiếp điều hành Viện hiện nay là Giáo Sư Nguyễn Minh Lân và các bạn như Kim Ngân, cô giáo Hương...

Mười lăm năm có mặt, Viện Việt Học đã không ngớt vun trồng “cây văn hóa Việt Nam” trên những miền đất của người Việt tị nạn, ngày càng tươi tốt khiến sinh hoạt của cộng đồng người Việt hải ngoại đã tạo nên một Việt Nam Tự Do bên ngoài đất nước mà cộng đồng thế giới đã mặc nhiên công nhận.

Viện Việt Học chỉ mở cửa các ngày Thứ Hai, Thứ Tư và Thứ Sáu, từ 4 đến 6 giờ chiều. Thứ Bảy từ 10:30 sáng đến 12:30 trưa. Chủ Nhật nghỉ trừ khi có các sinh hoạt của viện. Điện thoại để liên lạc: (714) 775-2050.

------------------------

Nguyên Huy/Người Việt
Wednesday, September 24, 2014 7:36:31 PM

WESTMINSTER (NV) - Vào cuối tháng 9 và trong suốt tháng 10, tại Viện Việt Học trên đường Brookhurst thuộc thành phố Westminster, có ít nhất là bốn buổi sinh hoạt văn hóa, văn học khá quan trọng.

WESTMINSTER (NV) - Vào cuối tháng 9 và trong suốt tháng 10, tại Viện Việt Học trên đường Brookhurst thuộc thành phố Westminster, có ít nhất là bốn buổi sinh hoạt văn hóa, văn học khá quan trọng.

Trước hết là những buổi thuyết trình, triển lãm và ra mắt tập Kỷ Yếu Tự Lực Văn Ðoàn.

Hầu hết các giới trong những thế hệ trước, trước chiến tranh và sau chiến tranh Việt Nam, đều biết hoặc nghe nói đến Tự Lực Văn Ðoàn. Bởi đây là một tổ chức gồm các nhà văn, thi sĩ, họa sĩ,... cùng có chung
một ý nguyện là “cải cách” nếp sống xã hội Việt Nam kịp với trào lưu tiến hóa của xã hội.

Nhiều lãnh vực trong cuộc sống đã được Tự Lực Văn Ðoàn cổ vũ, khởi xướng, thực hiện khiến nếp sống của người dân thành thị và thôn quê bị ảnh hưởng không ít, nếu không nói là đã làm thay đổi hẳn nếp sống, nếp nghĩ để ra thoát được nhiều hủ tục đã làm trì trệ cuộc sống của người dân Việt.

Cho đến nay, không có ai là không công nhận sự ảnh hưởng lớn lao của Tự Lực Văn Ðoàn trong văn học và văn hóa Việt Nam. Chỉ trừ có chế độ cộng sản là đã phủ nhận vai trò của Tự Lực Văn Ðoàn.

Trong giai đoạn được gọi là “đổi mới” của nhà cầm quyền Việt Nam thì Tự Lực Văn Ðoàn mới được tái xuất hiện nhưng nhiều tác phẩm bị “biên tập” lại trước khi cho xuất bản.

Ðể giữ được sự trung thực trong lịch sử văn học Việt Nam, Viện Việt Học đã cùng một số nhà văn và những người hoạt động văn hóa đã nỗ lực hoàn thành việc số hóa (digitized) các tác phẩm của Tự Lực Văn Ðoàn nguyên thủy đồng thời mở cuộc triển lãm những tài liệu của Tự Lực Văn Ðoàn, thuyết trình về Tự Lực Văn Ðoàn cùng là ra mắt tập Kỷ Yếu Tự Lực Văn Ðoàn để những ai, đặc biệt là các bạn trẻ có thể dễ dàng tìm hiểu, tra cứu về Tự Lực Văn Ðoàn.

Những nhà văn, nhà báo, nhà hoạt động văn hóa như Phạm Phú Minh, Nguyễn Trọng Hiền, Phạm Lệ Hương, Ðỗ Quý Toàn, Nguyễn Văn Sâm sẽ phụ trách phần thuyết trình trong dịp này.

Võ Tây Sơn-Bình Ðịnh
Sinh hoạt thứ hai của Viện Việt Học vào ngày 4 tháng 10 là buổi nói chuyện về Võ Tây Sơn Bình Ðịnh do Giáo Sư Hồ Bửu đến từ Virginia.

Ðề tài mà giáo sư thuyết trình là “Một số đặc thù và đôi nét về triết lý võ Tây Sơn Bình Ðịnh.” Buổi nói chuyện có phụ diễn thêm nhiều màn võ thuật do các võ sinh cũng đến từ Virginia phụ trách.

Ðiều lý thú là Giáo Sư Hồ Bửu sẽ đề cập đến “triết lý”của võ Tây Sơn Bình Ðịnh, một đề tài hấp dẫn mà từ trước đến nay ít người đề cập đến.

Nói đến võ Tây Sơn Bình Ðịnh, người ta thường nói đến khía cạnh lịch sử của môn võ vùng Bình Ðịnh đã được Ðại Ðế Quang Trung ứng dụng vào việc huấn luyện quân sĩ. Võ Bình Ðịnh nổi tiếng vì những chiến thắng của Quang Trung do từ tài chuyển quân thần tốc của quân Tây Sơn. Tinh thần ấy đã làm nên triết lý của môn võ được ứng dụng trong quân ngũ Tây Sơn.

Theo các võ sư Bình Ðịnh thì võ Bình Ðịnh có nguồn gốc là võ ta, tức võ thuật của triều nhà Nguyễn phổ biến ở Ðàng Trong thời Nam Bắc phân tranh. Mặc dù các danh sư võ Bình Ðịnh, có người từng được thụ huấn từ các võ sư Trung Hoa nhưng những bài bản võ thuật phổ biến ở Bình Ðịnh không hề có trong các bài bản của võ thuật Trung Hoa kể cả danh từ lẫn kỹ thuật.

Năm dòng nhạc Châu Kỳ
Sinh hoạt thứ ba trong tháng 10 của Viện Việt Học (Câu Lạc Bộ Văn Nghệ) là vào ngày 11 tháng 10 tại hội trường nhật báo Người Việt với chủ đề “Năm Dòng Nhạc Châu Kỳ,” người nhạc sĩ đã đặt nền móng cho tân nhạc Việt Nam tại Huế. Buổi sinh hoạt này sẽ được các ca nhạc sĩ Trung Chỉnh, Lê Hồng Quang, Khang Huy, Thanh Mỹ, Hương Thơ và Nhóm Sóng Xanh phụ trách phần biểu diễn trong một chương trình văn nghệ đặc sắc nhắc nhớ đến các nhạc phẩm đã vượt thời gian của Châu Kỳ. Giá vé tham dự là 20 Mỹ kim.

Tân nhạc là danh từ để chỉ nền âm nhạc mới theo nhạc Tây phương diễn tả âm giai bằng thất âm. Trước đó nền nhạc Việt Nam dùng ngũ âm để diễn tả trên các nhạc cụ được sáng chế dựa vào ngũ âm như sáo, nhị, đàn nguyệt, đàn cò, đàn bầu...

Thời gian phát triển thật mạnh là khoảng đầu những năm 50 khi chính phủ quốc gia thành lập những đài phát thanh quốc gia khắp trung nam bắc bên cạnh những đài nổi tiếng từ trước của Pháp như Ðài “Con Nhạn” Hirondelle, đài Pháp Á.

Nhắc đến những nhạc sĩ đầu tiên trong giai đoạn này cũng là nhắc đến lịch sử nền âm nhạc Việt Nam, phần Tân Nhạc. Âm nhạc nay đã là món ăn tinh thần của mọi người bất kể thuộc tuổi nào, giới nào, thành phần xã hội nào. Tổ chức được những buổi văn nghệ có chủ đề dính dấp đến lịch sử âm nhạc Việt Nam, Viện Việt Học, nhóm Câu Lạc Bộ Văn Nghệ đã tổ chức được nhiều lần trong đường hướng này.

Phong Bao Mừng Tuổi
Sinh hoạt sau cùng trong tháng 10 của Viện Việt Học là buổi Giới Thiệu và Phát Hành “Phong Bao Mừng Tuổi & Chúc Xuân Ất Mùi.” Ðây là một nỗ lực của các anh chị em trong Viện Việt Học và một số văn nghệ sĩ cộng tác từ ba năm nay. Mục đích của việc sản xuất Phong Bao Mừng Tuổi và Chúc Xuân. Những phong bao của Viện Việt Học đã làm sống lại phong cách văn hóa Việt Nam với những hình ảnh dân gian như trống đồng, tranh gà lợn, đám cưới chuột, hái dừa v.v... mà các thế hệ cha ông đã thể hiện xuất sắc qua tranh Ðông Hồ vào dịp lễ Tết.

Hoạt động của Viện Việt Học cho nền văn hóa và văn học Việt Nam đến nay đã thu đạt được nhiều kết quả là làm cho giới trẻ hải ngoại biết đến phong tục tập quán cổ truyền tốt đẹp nặng tính giáo dục nhân bản và lòng yêu nước nồng nàn.


Quí độc giả cần biết thêm chi tiết về hoạt động của Viện Việt Học xin gọi về (714) 775,2050 hay email: info@viethoc.com. Website của Viện là www.viethoc.com.




No comments: