Monday, September 26, 2011

ĐỒNG HƯƠNG KIÊN GIANG GIỖ ANH HÙNG NGUYỄN TRUNG TRỰC (Nguyên Huy, Người Việt)



Nguyên Huy/Người Việt

WESTMINSTER (NV) - Trưa hôm Chủ Nhật, 25 tháng 9, đồng hương Kiên Giang đã tổ chức linh đình lễ giỗ vị anh hùng của dân tộc Nguyễn Trung Trực tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt và sau đó buổi lễ đã trở thành một ngày hội vui họp mặt của khoảng 500 đồng hương đến tham dự.

Nghi lễ rước bàn thờ chuẩn bị làm lễ giỗ anh hùng Nguyễn Trung Trực. (Hình: Dan Huynh/Người Việt)

Buổi lễ được bắt đầu bằng cuộc rước kiệu anh linh với bức tượng bán thân của anh hùng Nguyễn Trung Trực, được toàn thể đồng hương rước từ ngoài vào hội trường và đặt trên bàn thờ dưới di ảnh của ngài.
Trước khi cử hành buổi lễ, ông Lê Minh Triều, hội trưởng Hội Ái Hữu Ðồng Hương Kiên Giang, nhắc lại tiểu sử vị anh hùng của dân tộc mà hết thẩy người dân Kiên Giang đã coi như vị thần linh của con dân.
Ông nói: “Hôm nay chúng ta có mặt đông đủ nơi đây để làm lễ giỗ lần thứ 143 anh hùng Nguyễn Trung Trực để chứng tỏ lòng tri ân sâu xa của con dân Kiên Giang với ngài.”
Tiếp đó, ông nhắc lại những chiến công hiển hách của ngài mà trận đánh đốt phá tan chiếc pháo hạm tân tiến “Esperance” của Pháp tại Vàm Nhật Tảo, trận công đồn Rạch Giá giết được 5 tên võ quan Pháp, trận tấn công vào châu thành Rạch Giá làm chủ tình hình được 5 ngày, khiến quân Pháp phải dùng tổng lực của mình để đối phó với nghĩa quân.

Ba con lân vái trước bàn thờ đầy thức ăn do đồng hương Kiên Giang đóng góp. (Hình: Dan Huynh/Người Việt)

Cuộc kháng chiến của Nguyễn Trung Trực cùng dân binh khắp các tỉnh Rạch Giá, Tân An, Gia Ðịnh quật cường đến độ quân Pháp phải dùng quỉ kế bắt thân mẫu của ngài cùng bà con thân tín trong vùng để làm con tin buộc ngài phải đầu hàng nếu không sẽ tàn sát hết. Trước thế cô, lương thực cạn và vì muốn cứu sinh linh hàng trăm người vô tội đang bị Pháp bắt làm con tin, ngài phải giải tán nghĩa quân và tự ra nạp mình cho giặc. Sau đó, vào ngày 28 tháng 8 năm Tân Mão, ngài bị Pháp lên án tử hình và hành quyết tại trước nhà bưu điện Rạch Giá.
Vẫn theo lời ông hội trưởng, sau đó người dân vùng Kiên Giang Rạch Giá cùng nhiều nơi khác đã lập đền thờ ngài mà ngày nay tại châu thành Rạch Giá còn ngôi đền thờ được dân chúng nhang khói tu bổ rất trang nghiêm.
Bài diễn văn của ông hội trưởng cũng còn nhắc đến một vị phó tướng của Nguyễn Trung Trực là Lâm Quang Ky, có được đặt bài vị trên bàn thờ, mà trong buổi lễ hôm nay cũng có mặt các cháu chắt của ngài.

Tiếp đó, ông Tạ Duy Luân, trưởng ban tổ chức, phát biểu rằng: “Mỗi năm đồng hương Kiên Giang có ba cuộc họp mặt chính là vào dịp hè, lễ giỗ anh hùng Nguyễn Trung Trực và Tất niên hay Tân niên. Buổi lễ giỗ năm nào, đồng hương Kiên Giang cũng đến tham dự rất đông như để nhắc nhở cho con cháu về một anh hùng của dân tộc đã không quản thế cô sức yếu, vẫn quyết gìn giữ đất nước của ông cha để lại trước sự xâm lăng của quân Pháp.”
“Ðiều rất đáng ghi nhận là buổi lễ giỗ đã được rất nhiều đồng hương đóng góp không chỉ công sức mà cả tài vật cùng ban tổ chức. Ðiều đó khiến ban tổ chức chúng tôi rất lấy làm vui vì nó chứng tỏ được lòng thành kính biết ơn sâu xa đến tổ tiên hết lòng vì dân vì nước. Nên tôi nghĩ gương sáng của anh hùng Nguyễn Trung Trực sẽ soi sáng cho con dân Kiên Giang đặc biệt là cho những thế hệ Kiên Giang tiếp nối noi theo,” ông Luân nói thêm.

Theo lời ông trưởng ban tổ chức, khi bước vào hậu trường sân khấu thì thấy lời ông nói là đúng. Phòng hậu trường đông chật các bà các cô vừa gái Kiên Giang vừa dâu Rạch Giá tíu tít sửa soạn các phần ăn sau buổi lễ. Trong khi đó, ở bên ngoài, xe tư nhân tới tấp đưa thực phẩm đến. Bánh trái, xôi chè, nước uống la liệt.

Nữ đồng hương Kiên Giang cùng góp tay sửa soạn cỗ cho mọi người “thừa huệ” sau lễ giỗ anh hùng Nguyễn Trung Trực. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Chủ nhân Kiên Giang Bakery, mang hàng chục hộp bánh lớn nhỏ đến, vui vẻ cho biết: “Hội thành lập được ba năm tôi mới biết mà gia nhập hội. Từ đó đến nay, không có buổi họp mặt nào của hội mà chúng tôi không tham dự, đóng góp. Ðây là một niềm vui của chúng tôi cũng như của bà con Kiên Giang nên nhà báo thấy đó, thực phẩm do bà con đóng góp cho buổi lễ giỗ này không còn nơi chứa nữa.”

Trở lại ngoài hội trường, nơi cử hành lễ giỗ. Các vị niên trưởng trong hội xúng xính trong những lễ phục cổ truyền Việt Nam tiến hành các nghi thức của lễ an vị thần, tế lễ dâng hương, tẩy trần, tiến tửu... trong tiếng chiêng trống đổ hồi rộn rã.
Lễ tất, mọi người được ban tổ chức mời những phần ăn được ban tổ chức mang đến tận chỗ trong khi trên sân khấu các tiết mục văn nghệ cây nhà lá vườn được trình diễn. Vào lúc này, nhiều người không có chỗ trong hội trường đã quần tụ ngay hành lang trước cửa và phía sau của nhật báo Người Việt để cùng nhau ăn chung một mâm cỗ lớn, nói cười rổn rảng, huyên náo, như trong một ngày hội vui tại quê nhà vào những năm thanh bình.
Lớp lớn tuổi thì hỏi nhau những cơ cực đời sống ngày mới qua, nay thì ai nấy đều ổn định được cuộc sống, con cái thành thân, tốt nghiệp được bậc đại học. Một vài người được nhắc đến vì những thành công trên thương trường tại thủ đô của người Việt tị nạn. Giới trẻ cũng náo nhiệt làm quen nhau, lắng nghe những câu chuyện mà một vài bạn trẻ trong nhóm kể về quê hương... xa lạ của mình.
–––

Liên lạc tác giả: NguyenHuy@nguoi-viet.com

.
.
.

No comments: