HỒ SƠ WIKILEADS (17) :
Ðỗ Dzũng/Người Việt
Thứ Hai - 26 Tháng 9, 2011
WESTMINSTER (NV) - Chính phủ Việt Nam muốn có ít nhất là hai năm để chuẩn bị dư luận trước khi đưa quân tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc, và ngần ngại không muốn làm chuyện này tại đại hội đảng lần thứ 11.
Ðó là nội dung hai bức công điện gởi đi từ tòa đại sứ Hoa Kỳ ở Hà Nội về Washington, D.C. Bức đầu tiên ký tên Ðại Sứ Michael Michalak gởi ngày 23 tháng 10, 2009 giải thích quan điểm của Việt Nam trong việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc, gọi tắt là PKO (Peacekeeping Operations).
Công điện thứ nhì do phó đại sứ Virginia Palmer gởi gần hai tháng sau đó, ngày 12 tháng 2, 2010, có nội dung khuyến khích Việt Nam tham gia PKO và chương trình Global Peace Operations Initiative (GPOI) của Mỹ, một chương trình huấn luyện cho các lực lượng gìn giữ hòa bình.
Trong cả hai công điện, đại diện phía Việt Nam nói chuyện với phía Mỹ về vấn đề này là Vụ Trưởng Vụ Các Tổ Chức Quốc Tế Lê Hoài Trung, chịu trách nhiệm về các hoạt động của Liên Hiệp Quốc, các chương trình nguyên tử và tổ chức nhân quyền tại Việt Nam. Ông Trung sau này lên thứ trưởng và hiện là đại sứ Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc.
Theo công điện thứ nhất, trong một buổi ăn trưa với ông Trung, Phó Ðại Sứ Palmer hỏi Việt Nam nghĩ gì về việc gởi quân đội tham gia PKO. Ông Trung cho biết phải mất hai năm để thủ tướng duyệt xét và chính phủ đề nghị phải làm một số việc cần thiết trước khi tham gia PKO.
Hơn nữa, giới lãnh đạo cao cấp Việt Nam phản đối đề nghị tham gia PKO vào lúc đó, và nói rằng trước hết chính phủ phải tiến hành “duyệt xét chi tiết toàn bộ các vấn đề liên quan,” không loại trừ khả năng đối phó với trường hợp binh sĩ Việt Nam bị thiệt mạng, công tác huấn luyện, triển khai và duy trì quân đội ở nước ngoài, và một cuộc vận động chuẩn bị dư luận quần chúng “vẫn còn ký ức sâu đậm liên quan đến chiến tranh” liên quan đến việc binh sĩ Việt Nam tử trận ở nước ngoài.
Hiến Pháp Việt Nam cũng là một vấn đề. “Trong khi Hiến Pháp không cấm quân đội Việt Nam tham gia PKO, nó cũng không cho phép binh sĩ Việt Nam tham gia công tác này,” công điện viết. “Hiến Pháp chỉ viết vai trò của quân đội là ‘bảo vệ đất nước.’”
Theo công điện thứ nhì, quan điểm của ông Trung là sự mâu thuẫn về vai trò của quân đội sẽ được làm rõ hơn sau này bằng một “đạo luật của một ủy ban Quốc Hội để giải thích là Hiếp Pháp cho phép triển khai quân đội ra nước ngoài”.
“Trong bất cứ trường hợp nào, ‘một cuộc vận động quần chúng vẫn còn những ký ức về cuộc chiến (với người Mỹ) để chấp nhận binh sĩ Việt Nam có thể hy sinh ở nước ngoài là rất cần thiết và công việc này không thể bắt đầu trong thời điểm chính trị nhạy cảm trước Ðại Hội Ðảng,’” công điện thứ nhì nhắc lại nội dung chính của công điện thứ nhất.
Vụ Trưởng Lê Hoài Trung nói lãnh đạo chính phủ không hoài nghi khả năng của quân đội, vì họ chỉ tham gia công tác cấp cứu và gỡ mìn, theo công điện cho biết. Một khi lãnh đạo Việt Nam có quyết định chính trị tham gia PKO, quân đội Việt Nam sẽ yêu cầu trợ giúp từ những quốc gia khác, như Hoa Kỳ, trong các lĩnh vực như học tiếng Anh và các vấn đề chỉ huy/kiểm soát trong một lực lượng đa quốc gia.
Ðáng chú ý, khi được hỏi mạnh hơn về thời điểm Việt Nam có thể tham gia PKO, trong một thái độ hàm ý rõ ràng Ðại Hội Ðảng tổ chức vào tháng 1, 2011, ông Trung nói không thể làm gì được nhiều trong “năm bầu cử,” công điện của bà Palmer viết. Khi được hỏi tại sao Việt Nam không “chuẩn bị sẵn” để có thể tham gia PKO ngay sau Ðại Hội Ðảng, ông Trung cười ra vẻ sợ sệt và nói một cách nghiêm túc rằng “không ai muốn mình bị thấy đẩy mạnh một vấn đề trong thời điểm nhạy cảm như vậy,” theo công điện cho biết.
Phó Ðại Sứ Palmer nhận xét Vụ Trưởng Trung là người quen biết nhiều, một nhà ngoại giao lâu năm, có kinh nghiệm trong vấn đề PKO và thường rất thẳng thắn.
“Mặc dù chính quyền Việt Nam sẽ tiếp tục gởi quan sát viên, và ngay cả có thể tham gia một số chương trình huấn luyện ở mức độ nhỏ, đánh giá của ông Trung về thời điểm Việt Nam tham gia PKO có thể là đúng,” bà Palmer viết trong công điện.
Bà cho biết tiếp: “Trong khi bộ máy hành chánh có thể làm tiến trình tham gia PKO chậm hơn, tòa đại sứ Mỹ tin rằng cuối cùng Việt Nam sẽ tiếp tục hướng đến mục tiêu tham gia PKO, qua các cuộc tập trận và hành quân.”
Trong bức công điện thứ nhì, bà Palmer nói Việt Nam gần như sẵn sàng tham gia chương trình huấn luyện của Mỹ cho các lực lượng gìn giữ hòa bình (Global Peace Operations Initiative - GPOI), một bước đầu tiên để chuẩn bị tham gia PKO.
Công điện cho biết Phó Ðại Sứ Palmer mở đầu cuộc họp với Vụ Trưởng Lê Hoài Trung ngày 12 tháng 2, 2010, chúc mừng Việt Nam vừa hoàn tất vai trò thành viên không thường trực Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.
Ông Trung cũng cảm ơn Hoa Kỳ vì “sự hợp tác chặt chẽ” tại New York và Hà Nội. Sau đó, ông cho biết Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia Việt Nam, bao gồm nhiều bộ và ban ngành, vừa hoàn tất duyệt xét và đã đề nghị với thủ tướng rằng Việt Nam gia tăng tham dự hội thảo đa quốc gia về các vấn đề toàn cầu như không phổ biến vũ khí nguyên tử, chống khủng bố, nạn cướp biển và thay đổi khí hậu.
Ông tin rằng kinh nghiệm tích cực ở Hội Ðồng Bảo An sẽ làm giới lãnh đạo quyết định gia tăng vai trò của Việt Nam từ vị trí cổ vũ “tham gia thị trường kinh tế thế giới” sang một vị thế lớn hơn trong các vấn đề không liên quan đến kinh tế, công điện viết.
Vụ Trưởng Trung còn đề cập đến trường hợp Tổng Bí Thư Nông Ðức Mạnh dùng một từ mới trong bản duyệt xét công tác năm 2009 như là một thông điệp mạnh mẽ rằng Việt Nam sẽ tham gia nhiều hơn vào cộng đồng thế giới, nhưng lại nói rằng một thay đổi chính sách chính thức phải được Ðại Hội Ðảng thông qua.
Ông Trung muốn dùng bản báo cáo với Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng về sự tham gia công tác quốc tế để có được sự chấp thuận của ông trong việc Việt Nam tham dự PKO.
Phó Ðại Sứ Palmer, trong khi đó, muốn Việt Nam gia tăng vai trò từ một quan sát viên lên thành một tham dự viên trong chương trình GPOI, trong đó có cuộc tập trận “Exercise Angkor Sentinel” ở Cambodia vào tháng 6 và tháng 7, 2010.
Bà Palmer cũng nhắc rằng Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ Robert Gates có nêu vấn đề này với người tương nhiệm phía Việt Nam, Ðại Tướng Phùng Quang Thanh, trong cuộc gặp gỡ vào tháng 12 năm 2009, tại Washington.
Công điện nhấn mạnh rằng mặc dù Hoa Kỳ khen ngợi GPOI trong Ðối Thoại Chính Sách Quốc Phòng Song Phương, bà Palmer cũng e ngại khi Mỹ lập lại vấn đề này trong ba năm liên tiếp nếu Việt Nam không gia tăng mức độ tham gia, công điện viết. Bà Palmer cũng nói chính phủ Mỹ sẵn sàng cung cấp trợ giúp kỹ thuật để Việt Nam có thể chuẩn bị tốt trước khi tham gia công tác liên quan đến PKO, cũng như chia sẻ kinh nghiệm của các quốc gia khác từng tham gia gìn giữ hòa bình.
“Ông Trung cảm ơn lời đề nghị, không bảo đảm là Việt Nam sẽ tham dự tập trận bên Cambodia. Tuy nhiên, ông hứa sẽ đưa vấn đề này ra với Bộ Quốc Phòng. Ông cũng đề nghị bà phó đại sứ thuyết phục Bộ Quốc Phòng lần nữa. Bà nói đại sứ Mỹ đã mời bộ trưởng quốc phòng dự ăn tối để thảo luận các công tác mà Việt Nam có thể tham gia, bao gồm gìn giữ hòa bình,” bản công điện kết thúc.
––-
Liên lạc tác giả: DoDzung@nguoi-viet.com
.
.
.
No comments:
Post a Comment