Sunday, September 18, 2011

LỢI ÍCH CĂN BẢN (Lê Phan)



Lê Phan

Trung Quốc, hay đúng hơn chúng ta phải dùng chữ Trung Cộng vì chính đất nước này tự nhận mình là Trung Hoa Nhân Dân Cộng Hòa Quốc, gọi tắt là Trung Cộng, gần đây tự nhiên có thói quen sử dụng bốn chữ “lợi ích căn bản”.

Mới hôm mùng 5 tháng 9 vừa qua, Tân Hoa Xã loan tin về chính sách cai trị mới của đảng qua lời của ủy viên thường vụ Bộ Chính Trị, bí thư ủy ban chính pháp trung ương đảng Cộng Sản Chu Vĩnh Khang tuyên bố “Ðảng và nhà nước Trung Quốc sẽ kiên trì quan điểm cầm quyền ưu tiên dân sinh, lấy việc thực hiện tốt, giữ gìn tốt và phát triển tốt lợi ích căn bản của đông đảo nhân dân làm điểm xuất phát và điểm tựa cho mọi công tác”.

Ðiều còn làm láng giềng và thế giới thêm lo ngại là định nghĩa của Bắc Kinh về những gì mà họ coi như là “lợi ích căn bản” có vẻ ngày càng phình ra. Những “lợi ích” đó thường chỉ được giới hạn ở một số lãnh vực, mà đảng Cộng sản tuyệt đối không chấp nhận một lập trường chống đối nào cả. Những lãnh vực này bao gồm an ninh quốc gia, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ.

Tây Tạng, mà đảng Cộng Sản mới cưỡng chiếm được năm 1951, chỉ hai năm sau khi đảng cộng sản chiếm được Hoa Lục, là một nơi mà khuynh hướng độc lập vẫn còn mạnh, dĩ nhiên là một yếu tố quan trọng trong phần mà Bắc Kinh định nghĩa là “lợi ích căn bản về toàn vẹn lãnh thổ”. Và dĩ nhiên phải có quần đảo Ðài Loan, phần đất còn lại của Trung Hoa Dân Quốc, đối thủ của đảng Cộng Sản trước kia cai trị toàn Hoa Lục. Bắc Kinh nói Ðài Loan là một tỉnh của họ. Ðài Loan, ngay cả dưới sự cai trị của ông Mã Anh Cửu, vốn làm đủ mọi cách để đấu dịu với Hoa Lục, là một đảo quốc dân chủ. Bắc Kinh đã khẳng định rõ ràng là nếu Ðài Loan đơn phương tuyên đố độc lập chính thức và pháp định (de jure chứ không phải de facto) thì Bắc Kinh sẽ xua quân xâm lăng. Gần đây hơn nữa, bốn chữ “lợi ích căn bản” bao gồm thêm Tân Cương, một vùng đất rộng lớn ở phía Tây của Trung Quốc vốn là đất của bộ tộc người Turkic, người Uighurs.

Ngay cả đối với Ðài Loan và Tân Cương, việc tuyên bố chủ quyền này thực ra cũng là một hành động thực dân. Quần đảo Ðài Loan hồi trước vẫn là một vùng đất độc lập. Mãi đến năm 1732, tức là thời nhà Thanh, dân chúng trên đảo, vốn có một vương quốc bị xâm lăng, đã nổi dậy. Họ đã bị tiêu diệt một phần và đồng hóa một phần. Nhưng đến năm 1895, quần đảo này lại phải nhượng cho Nhật Bản, và mãi đến Ðệ Nhị Thế Chiến mới được Nhật trao trả lại cho Trung Hoa Dân Quốc.

Người dân Ðài Loan, cả dân bản địa lẫn những người Hán từ Hoa Lục chạy trốn cộng sản sang lập nghiệp trên hòn đảo này, cho đến nay tuy hưởng ứng chính sách thân Hoa Lục của Tổng Thống Mã Anh Cửu, ít nhất là cho đến kỳ bầu cử tổng thống tới đây, nhưng chưa bao giờ chấp nhận tái sát nhập trở lại với Trung Quốc. Ðó chính là lý do tại sao mặc dầu muốn đấu dịu với Bắc Kinh nhưng ông Mã vẫn cứ đòi mua phi cơ F-16 kiểu mới của Hoa Kỳ. Ông không muốn bị gán cho cái tiếng là “bán nước” thành ra phải chứng minh là ông vẫn tìm đủ mọi cách để duy trì độc lập cho Ðài Loan kể cả mua thêm vũ khí mới.

So với Ðài Loan, Tân Cương còn xa lạ hơn nữa. Ðây là một vùng đất đã trao tay nhiều lần nhưng đa số dân du mục sống ở đây là thuộc người Uighur theo Hồi Giáo. Họ không ưa gì Trung Quốc, nhất là vì tài nguyên giàu có dưới lòng sa mạc, Bắc Kinh đã xua người Hán đến chiếm đất quê hương của họ, khiến họ trở thành ngày càng là một thiểu số trên đất nước mình.

Nhưng dầu sao Bắc Kinh vẫn tâm niệm là đất nước Trung Hoa có bốn tộc là Hán, Mông, Hồi, Tạng lâu nay nên đã thành nhập tâm. Họ thực sự nghĩ đó là đất đai bản địa của mình. Nhưng hôm tháng 5 vừa qua, Quốc Vụ Khanh Ðới Bỉnh Quốc, người mà nay thực sự là ngoại trưởng của Trung Quốc vì Ngoại Trưởng Dương Khiết Trì không có chân trong Bộ Chính Trị, nên chưa đủ tư cách để đại diện cho ngành ngoại giao, đã được nói là dùng bốn chữ “lợi ích căn bản” để chỉ biển Ðông, mà ông Ðới gọi là biển Nam Trung Hoa với bà Hillary Clinton. Biển Ðông, ráp ranh, nhiều nhất là Việt Nam vì hầu hết dải đất dài của chúng ta trông ra biển Ðông, Malaysia, Philippines, Brunei và Trung Quốc. Ðây là nơi đã có những đụng chạm giữa các tàu đánh cá Hoa Lục và tàu đánh cá của các quốc gia trong vùng, cũng như tranh chấp về quyền khai thác dầu khí.

Gọi biển Ðông là “lợi ích căn bản”, tức là một khu vực mà Trung Cộng sẽ không nhường bước đến một centimeter trong các cuộc điều đình song phương, quả đã là một bước tiến mới. Sự việc này quá quắt đến nỗi, cho đến gần đây, vẫn còn có những dư luận bán tín bán nghi trong giới chuyên gia Trung Quốc về có thực sự Bắc Kinh chính thức gọi vùng biển này là “lợi ích căn bản” hay không.

Nhưng nay thì có vẻ rõ ràng công khai rồi. Trong bản tin mới đây của Tân Hoa Xã, cơ quan thông tấn chính thức của nhà nước Trung Cộng, viết về chuyến công du của Tổng Thống “Noynoy” Benigno Aquino của Philippines đến Trung Quốc như sau “Trung Quốc luôn luôn nói lớn và rõ ràng là có chủ quyền không tranh cãi trên các hòn đảo của biển Nam Trung Hoa và các vùng biển quanh đó, vốn là một phần của các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc. Việc đó dựa trên các dữ kiện lịch sử rõ ràng và không chối cãi được.”

Và nếu quí vị không tin vào Tân Hoa Xã, sợ mấy tên nhà báo viết láo thì đây là chính từ phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Khương Du trong tuyên bố hôm 15 tháng 9 vừa qua về việc một công ty Ấn Ðộ đã dám cả gan ký một hợp đồng khai thác hai bloc 127 và 128 của Việt Nam “Chúng tôi có lập quyền trước sau như một là chúng tôi chống lại mọi quốc gia thăm dò dầu khí trong vùng biển thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Chúng tôi hy vọng các công ty ngoại quốc đừng dính líu đến các tranh chấp trong biển Nam Trung Hoa.”

Chủ quyền lãnh hải đã đành, nhưng đảng Cộng sản có vẻ nay đang có những bước vô cùng kỳ lạ là nới rộng cái khái niệm “lợi ích căn bản” đó để bao gồm một điều còn quí báu hơn nữa, chính bản thân đảng. Theo một bài quan điểm trên tờ Global Times, một tờ báo lá cải tiếng Anh do chính Nhân dân Nhật báo phát hành, viết “Chính phủ Trung Quốc mới phổ biến bạch thư về Trung Quốc Phát triển Hòa bình, định nghĩa lại các lợi ích căn bản của Trung Quốc. Lần đầu tiên, hệ thống chính trị của Trung Quốc, và bảo đảm phát triển kinh tế và xã hội bền vững đã được chính thức tuyên bố là nằm trong các lợi ích căn bản của Trung Quốc.”

Bài quan điểm đã nhấn mạnh đến “tiếp tục tiến tới” trong cải tổ chính trị khác với điều mà họ gọi là “ủng hộ thay đổi một cách mù quáng” dầu nó có ảnh hưởng như thế nào đến ổn định xã hội. Ngầm ý hẳn là bất cứ ai, nếu can thiệp quá mức, chẳng hạn như ủng hộ cho tự do ngôn luận hay đòi tỷ giá đồng nguyên ấn định theo thị trường, thì ngay lập tức Bắc Kinh sẽ mang ra các khẩu súng “lợi ích căn bản” để chống trả.

Ấn Ðộ đang lo là sau khi thành lập một “thương điếm” mà thực sự là một căn cứ hải quân ở Sri Lanka, một ngày đẹp trời Ấn Ðộ Dương cũng sẽ thành “lợi ích căn bản”.

Lạm phát “lợi ích căn bản” thế này không biết làm sao Bắc Kinh bảo vệ cho xuể.
.
.
.

No comments: