06:24:am 18/09/11
Lời người dịch: Dưới đây TS Âu Dương Thệ lược dịch hai bài trên báo Süddeutsche Zeitung của Đức ngày 14.9.2011 về ý đồ của Bắc kinh, một trọc phú mới nổi, đang muốn dùng sức mạnh của đồng tiền để thực hiện những tham vọng bành trướng thế lực tới cả Hoa kì và Âu châu. Süddeutsche Zeitung là một nhật báo lớn và rất có uy tín ở Đức. Các phần […] là ghi chú của người dịch.
----------------------------------
Markus Zydra/Marcel Grzanna
Sự trỗi dậy của Trung quốc từ một thành trì chủ nghiã CS trở thành người cứu vớt chủ nghĩa tư bản đang bước nhanh đến chóng mặt.Từ lâu Trung quốc đã trở thành chủ nợ lớn nhất của Mĩ. Nay Trung quốc còn muốn cứu lục địa cũ [Âu châu] và đồng tiền của nó [Euro].
Chính phủ Berlusconi đang trong cơn nguy cấp đã chính thức yêu cầu Trung quốc mua một phần quan trọng trái phiếu của Ý. Trung quốc cũng đã cho nhiều nước đang gặp khủng hoảng vay tiền bằng cách mua trái phiếu và đầu tư trực tiếp. Nước này đang lợi dụng sự khủng hoảng nợ nần của phương Tây để cải thiện uy tín của mình. Nay không thấy ai còn nói tới những vi phạm nhân quyền của Trung quốc.
Trung quốc tự trình diễn là người cứu đồng Euro nhằm mục tiêu là nhẩy vào thị trường châu Âu.
Cuộc tiếp đón theo nghi thức thượng khách ở Ý hẳn làm cho Thủ TướngTrung quốc Ôn Gia Bảo rất hài lòng. Những cột cờ ở Rom treo đầy cờ của Trung quốc và Ôn Gia Bảo đọc những hàng chữ Trung quốc: Tình thân hữu hai nước muôn năm! Vào mùa thu 2010 Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi đã không tiếc khi đón tiếp linh đình ông bác giầu có từ Bắc kinh. Berlusconi đã dự đoán trong tương lai không xa sẽ cần tới ông bác này! Nay thì thời điểm đã tới.
Báo chí cho biết từ nhiều tuần nay, Ý –một nước đang bị nợ lớn- đang thảo luận gấp với đại diện của Ngân hàng đầu tư của Trung quốc về việc mua trái phiếu và đầu tư vào các xí nghiệp hàng đầu của Ý. Như tờ Financial Times tường thuật từ các nguồn tin của chính phủ Ý, Bộ trưởng Tài chánh Ý Giulio Tremonti đã gặp Lou Jiwei, Chủ tịch Ngân hàng Hợp tác của Trung quốc, một trong những ngân hàng đầu tư lớn nhất thế giới.
Ý đang gặp nạn nợ công lớn lên tới 1900 tỉ Euro. Lãi suất phải trả cho tín dụng của nước thuộc khu vực Euro [Ý] đã tăng nhanh trong các tuần qua. Nó đe doạ nguy cơ không trả nợ nổi.Vì thế Ngân hàng Trung ương Euro đã phải mua trái phiếu của Ý. Giải pháp này đang trở thành những tranh cãi lớn giữa các giới chức Ngân hàng Trung ương Euro.
Bây giờ đến lúc Trung quốc nên nhẩy vào. Nước này đang có dự trữ ngoại tệ lên tới 3.200 tỉ USD. Vì thế Ôn Gia Bảo trở thành khách được trọng đãi trong các nước khu vực đồng Euro đang gặp khủng hoảng tài chánh.„ Nếu Âu châu gặp khó khăn, chúng tôi sẽ đưa tay ra đón!“, Ôn Gia Bảo đã hứa như thế vào tháng 6 vừa qua khi tái thăm Âu châu. Nếu cần [Trung quốc] sẽ mua một phần quan trọng trái phiếu của các nước trong khu vực Euro.
Những câu như vậy được rất lắng nghe ở Athen, Rom, Madrid và Lissabon [Thủ đô của Hi lạp, Ý, Tây bannha và Bồ đào nha- những nước trong khu vực Euro đang gặp khủng hoảng tài chánh]. Cường quốc kinh tế thứ hai trên thế giới đang đóng vai trò người cứu vớt đồng Euro. Nhiều nước Âu châu đang nợ như chúa chổm nên chóng quên việc Trung quốc là một nước độc tài.„ Những người bạn tốt đang sẵn sàng cứu giúp, khi một người cần tới“,Ôn Gia Bảo đã nói như thế với Thủ tướng Hi lạp Giorgos Papandreou. Những tiếng sáo ngoại giao này đã làm Athen ứa lệ. [Việc này làm nhớ tới tiếng sáo ngọt êm tai"4 tốt“ và "16 chữ vàng“ Bắc kinh đã mớm cho Hà Nội!].
Ở Đức và nhiều nước hưng thịnh trong khu vực đồng Euro đang rất nghi ngờ. Uỷ viên của Uỷ ban EU Günther Oettinger vừa lưu ý là, khi Trung quốc mua trái phiếu ở Âu châu thì không phải là hành động nhân đạo: “Trung quốc nắm lấy EU và chúng ta –người Âu châu- đang bán linh hồn của mình!“
Không ai biết rõ Trung quốc đã bỏ bao nhiêu tiền để mua trái phiếu Euro.Riêng ở Ý số này có thể lên tới 4% tổng số nợ công, nghĩa là khoảng 76 tỉ Euro. Ở Tây ban nha, Bồ đào nha và Hi lạp con số này ở mỗi nước lên tới 1 con số tỉ Euro.Với mức này thì Trung quốc chưa tạo ảnh hưởng quan trọng tới thị trường tài chánh, như việc gia tăng khủng hoảng đồng Euro đã cho thấy.
Nhưng việc này có thể giúp cho Trung quốc có khả năng thành người cứu vớt trong cơn hoạn nạn. Sự rộng lượng bề ngoài của siêu cường kinh tế mới sẽ gây ấn tượng trong đầu người Âu châu và sẽ đánh bóng hình ảnh [Trung quốc]. Trung quốc cần sự tín nhiệm của các đối tác thương mại ở Âu châu, vì nó đang cần được sớm thừa nhận là một nền kinh tế thị trường.Chỉ khi đó các trở ngại trong giao thương với EU mới bị dẹp bỏ.
Bắc kinh viện cớ rằng, do những chủ nghĩa bảo hộ của châu Âu nên Trung quốc không thể tăng tỉ giá đồng Nhân dân tệ theo thị trường được. Theo mô hình tăng trưởng kinh tế của Trung quốc thì việc xuất cảng sang Âu châu là một phần rất quan trọng. EU là thị trường hàng đầu của Trung quốc, hơn cả Hoa kì.
Trung quốc cũng muốn đầu tư trong các xí nghệp ở Âu châu. Nước này muốn giảm mức trữ kim bằng đồng USD và chuyển tư bản sang Âu châu nhiều hơn. Mới đây Ngân hàng Nhân dân Trung quốc đã mua một phần lớn hơn cổ phần của công ti tái bảo hiểm Rückversicherers Munich Re. Đầu tháng 8 hãng sản xuất máy điện tử Lenovo của Trung quốc đã mua đa số cổ phần của công ti Medion, một công ti điện tử cung cấp hàng cho Aldi [một trong các công ti lớn nhất của Đức].
Thực ra Đức là bạn hàng quan trọng nhất của Trung quốc ở Âu châu. Nhưng Trung quốc vẫn thận trọng chưa đầu tư lớn vào Đức. Bắc kinh vẫn sợ phản ứng chính trị bất lợi. Điều này đã xẩy ra vào năm 2008 khi ngân hàng Dresdner Bank muốn bán và khi có tin Trung quốc muốn mua, nên đã gây ra lo ngại chính trị lớn.
Theo ước đoán của tổ chức Mĩ Heritage Foundation trong 5 năm vừa qua Trung quốc đã đầu tư trên thế giới khoảng 218 tỉ USD. Trong đó có 34,8 tỉ Euro ở Âu châu, ở Mĩ 28 tỉ USD, sang Gia nã đại và Nam Mĩ 61 tỉ USD.
Trung quốc đầu tư nhiều vào các công trình hạ tầng cơ sở. Ở Hi Lạp công ti Cosco của Trung quốc kiểm soát phần chính các hoạt động tại hải cảng Piräus trong suốt 35 năm. Tại Island, một nước cũng gặp khủng hoảng tài chánh, Trung quốc cũng mua một nửa số cổ phần của công ti cá Stormur Seafood. Cùng lúc ấy Trung quốc cũng tham gia vào việc xây một hải cảng sâu và mở rộng phi trường Keflavik trở thành một trung tâm vận tải. Các công trình này đã tạo một ấn tượng tốt trong nhân dân địa phương. Nhờ thế trong các chuyến thăm Âu châu Ôn Gia Bảo có thể biện hộ là không theo chủ trương trục lợi.
Mới đây trong chuyến thăm ở Budapest Ôn Gia Bảo đã nói “Chống những người đầu cơ kinh tế“, và mỉm cười nói thêm: “Chúng tôi đại diện cho một nền kinh tế dựa trên lao động.“
__________________________
Khi tiền trở thành vũ khí
Tác giả: Nikolaus Piper
Đó là hành động xâm lược phiêu lưu cuối cùng của Anh quốc.Tháng 10. 1956 quân đội Anh đã đánh chiếm kênh đào Suez, với sự hỗ trợ của Pháp và Do thái, để quật ngã lãnh tụ đảo chánh Gamal Abdel Nasser và đòi rút lại việc quốc hữu hoá kênh đào này. Cuộc hành quân này đã thắng lớn về mặt quân sự, nhưng người Anh đã quên một yếu tố rất quan trọng: Hoa kì. Tổng Thống Dwight Eisenhower đã chống lại cuộc tấn công này ngay từ lúc đầu và đã áp lực lên các đồng minh của Mĩ.
Khó khăn của London lúc đó nằm ở chỗ đồng bảng Anh đang bị khủng hoảng lớn và Anh quốc đang cần sự giúp đỡ của Quĩ tiền tệ Quốc tế. Eisenhower đã đe doạ là sẽ ngăn cản sự giúp đỡ này nếu London không chấm dứt hành động quân sự. Anh quốc đã phải làm theo, nên đã nhận được số tiền giúp đỡ cần thiết và còn được thêm 500 triệu USDcủa một nhà băng Xuất-nhập khẩu của Mĩ. Khi ấy Bộ trưởng Tài chánh Anh Harold Macmillan đã nói, “đây là hơi thở cuối cùng của một cường quốc đang xuống dốc“. “Có lẽ 200 năm nữa Hoa kì sẽ hiểu được tâm trạng của chúng tôi lúc này như thế nào!“
Arvind Subramanian, Kinh tế gia tại Viện Peterson ở Washington, tin rằng, lời tiên đoán của Macmillan sẽ diễn ra nhanh hơn. Trong một bài đăng trên tạp chí Foreign Affairs ông viết, tới năm 2030 Trung quốc sẽ thay thế Hoa kì trong vai trò cường quốc kinh tế. Lí do chính là Mĩ đang cần ngân khoản rất lớn, trong khi đó Trung quốc có thể thoả mãn việc này. Bắc kinh dùng sự thặng dư của ngoại tệ để làm bàn đạp –như Hoa kì đã từng làm trong vụ khủng hoảng kênh đào Suez.Trung quốc hiện đang có trữ lượng ngoại tệ lên tới 3.000 tỉ USD, tương đượng với tổng sản lượng của Pháp hiện nay. Hoa kì đang cần tới khoảng 50% tiền tiết kiệm của thế giới để phục hồi kinh tế Mĩ. Một nửa số trái phiếu của Mĩ nằm trong tay ngoại quốc, phần lớn trong tay Trung quốc.
Liên hệ giữa chủ nợ và con nợ ở mức độ này không nhất thiết dựa trên sức mạnh của chủ nợ, đúng ra là sự phụ thuộc lẫn nhau. Trung quốc rất mong muốn đồng Dollar ổn định, vì nếu không như vậy thì ngân sách quốc gia [Trung quốc] sẽ thua thiệt nhiều tỉ USD.
Nhưng nếu khi quyền lợi chiến lược bị va chạm thì sẽ dẫn tới thay đổi. Hoa kì rất dễ bị thương tổn. Sự lo ngại về những mất mát này đang làm dư luận Mĩ rất chú tâm.
Trong cuộc tranh cử Tổng thống gần đây nhất, khi ấy một người dân New York đã hỏi đương kim Ngoại trưởng Mĩ Hillary Clinton [khi đó là một ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ]: “Chúng ta đã mất nhiều chỗ làm cho đối thủ Trung quốc. Tại sao chúng ta không cứng rắn hơn với Trung quốc?“ Bà Clinton đã trả lời: “Ông muốn cứng rắn với ngân hàng của Ông như thế nào?“ [ý nói, nếu ông nợ ngân hàng thì ông có thể cứng rắn với ngân hàng cùa ông không?]
Theo thông tin của Wikileaks đã được truyền tải trên báo chí ở Mĩ thì Ngân hàng Xây dựng của Nhà nước Trung quốc đã muốn đầu tư rất nhiều vào các ngân hàng ở Mĩ trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, nhưng cuối cùng đã phải từ bỏ ý định này vì sợ phản ứng của chính giới và dư luận [Mĩ]. Mặc dầu vậy Trung quốc vẫn quan tâm tới lãnh vực tài chánh của Mĩ. Tháng 12.2007 Ngân hàng Nhà nước về hợp tác đầu tư của Trung quốc (CIC) đã bỏ ra 5 tỉ USD để mua 9,9% cổ phần của ngân hàng đầu tư Morgan Stanley. CIC cũng tham dự tài chánh ở mức quan trọng vào ngân hàng đầu tư Blackstone và một phần nhỏ hơn vào công ti tài chánh Visa.
Không nên coi thường vai trò chính trị của việc Trung quốc tham gia mua cổ phần của các ngân hàng địa ốc đã bị quốc hữu hoá Fannie Mae và Freddie Mac. Tới nay mức độ tham gia như thế nào thì chưa được rõ. Nhưng qua hành động này Trung quốc đã ảnh hưởng tới cách giải quyết cuộc khủng hoảng địa ốc ở Mĩ. Tính toán của các nhà đầu tư Trung quốc vào Mĩ quan trọng ở mức nào có thể thấy qua trong bảng tường trình của CIC: 41,9 % tiền đầu tư vào Bắc Mĩ và chỉ 21,7% vào Âu châu.
Kinh tế gia Subramanian đưa ra giả thuyết: Nếu tài chánh Hoa kì tiếp tục xấu, đồng Dollar bị phá giá và các nhà đầu tư rút khỏi trái phiếu của Mĩ, khi đó siêu cường Mĩ sẽ phải nhờ Quĩ Tiền tệ Quốc tế giúp. Trung quốc sẽ chỉ thuận giúp trong điều kiện nếu Hải quân Hoa kì rút khỏi phía Tây Thái bình dương. [Tức từ VN và Đông nam Á trở đi]. Trong lúc này thì giả thuyết trên chỉ là một sự tưởng tượng, vì hiện nay Mĩ vẫn là siêu cường lớn nhất trên thế giới. Nhưng việc này đang được các giới ở Mĩ tranh luận lớn. Nó chứng tỏ rằng, tư bản của Trung quốc đã làm thay đổi dư luận ở Mĩ như thế nào.
© Âu Dương Thệ
© Đàn Chim Việt
.
.
.
No comments:
Post a Comment