Monday, September 19, 2011

Bán Nguyệt San TỰ DO NGÔN LUẬN - SỐ 130 - NGÀY 1-9-2011



Tiếng Nói của người dân Việt Nam đòi Quyền Tự Do Thông Tin Ngôn Luận

TỰ DO NGÔN LUẬN -  Số 130  - Ngày 1-9-2011 DNL

Kể từ khi các cuộc biểu tình của người dân trong nước xảy ra hầu như hàng tuần, thì song song đó cũng liên tục có các kiến nghị của nhiều giới nhiều nhóm thuộc cộng đồng dân Việt trong lẫn ngoài nước, yêu cầu các cơ quan nhà nước CSVN trả lời về vấn đề này vấn đề nọ.

1- Xin mở đầu với kiến nghị ngày 02-07-2011 của 18 nhà trí thức quốc nội gởi Bộ Ngoại giao sau vụ việc thứ trưởng bộ này là Hồ Xuân Sơn sang Tàu hội đàm với Ủy viên Quốc vụ Trung cộng Đới Bỉnh Quốc tại Bắc Kinh ngày 25-06-2011, trong tư cách đặc phái viên của ban lãnh đạo CSVN (tức Bộ Chính trị). Tin tức chính thức từ hai bên đưa ra đã gây nhiều thắc mắc, thậm chí phẫn nộ của toàn thể đồng bào. Do đó nhóm trí thức nói trên đã: (1) yêu cầu ông Hồ Xuân Sơn cho biết thông tin do Tân Hoa Xã có đúng sự thật không? Trong trường hợp những thông tin trên của Trung Quốc không chính xác, yêu cầu phía Trung Quốc phải cải chính và xin lỗi; (2) Cho biết quan điểm của Việt Nam về bức thư ngoại giao của Phạm Văn Đồng năm 1958; (3) Thông báo chi tiết (toàn văn) thỏa thuận đã đạt được (nếu có) giữa ông Hồ Xuân Sơn và đại diện Trung Quốc trong cuộc hội đàm.

Như để tỏ thiện chí, Bộ Ngoại giao CSVN đã hứa gặp gỡ giải thích cho nhóm trí thức ấy vào sáng ngày 13-07-2011. Thế nhưng, đúng là một gáo nước lạnh, cuộc gặp bất thành hoàn toàn vì bộ chẳng mời đúng thể thức (cách bất lịch sự), chẳng gặp đủ cả nhóm (hay ít nhất những vị đã tỏ thiện chí đến ngồi chờ trước trụ sở của bộ), rồi không phải chính ông Hồ Xuân Sơn mà là phó chủ nhiệm Ủy ban biên giới tiếp chuyện. Quyết định khinh suất chẳng thèm đối thoại với các nhân sỹ trí thức như thế là động thái vô cùng phản ngoại giao, chứng tỏ bộ không hiểu tinh thần yêu nước sôi sục của người dân, không hiểu động lực của thế giới hiện tại là vấn đề dân chủ nhân quyền và không tính hết hậu quả tai hại mọi mặt do quyết định sai lầm ấy gây ra!

2- Cũng trong ngày 13-7-2011 lật lọng này, 20 nhân sĩ trí thức (nhiều vị có trên trong văn kiện trên) đã gửi bản kiến nghị đến tân Quốc hội (sẽ bắt đầu họp từ ngày 21-7-2011) và Bộ Chính trị về bảo vệ và phát triển đất nước trong hiện tình Việt Nam. Bản kiến nghị gồm có 3 phần: phần 1 phân tích sâu về những sự kiện xảy ra gần đây trong quan hệ Việt-Trung, phần 2 nói về thực trạng còn nhiều bất cập trong nước và phần cuối cùng nêu 5 điểm kiến nghị với lãnh đạo Đảng và Quốc hội. Trong 5 điểm kiến nghị này, nổi bật điểm một: “Công bố trước toàn thể nhân dân ta và nhân dân toàn thế giới thực trạng quan hệ Việt–Trung; nêu rõ những căn cứ phù hợp với luật pháp quốc tế, có sức thuyết phục về chủ quyền của Việt Nam đối với biển đảo ở vùng Biển Đông để làm sáng tỏ chính nghĩa của nước ta; khẳng định thiện chí trước sau như một của nước ta xây dựng, gìn giữ quan hệ hữu nghị, hợp tác láng giềng tốt với Trung Quốc, nhưng quyết tâm bảo vệ độc lập, chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia của mình. Nhân dịp này, Nhà nước ta cần chủ động giải thích trước toàn dân và dư luận thế giới bối cảnh ra đời, nội dung thực chất và giá trị pháp lý của công hàm mà Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi Thủ tướng Chu Ân Lai năm 1958 về Biển Đông, để bác bỏ dứt khoát mọi xuyên tạc từ phía Trung Quốc”.

Thế nhưng, trong cuộc họp báo chiều ngày 19-7-2011, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn cho biết Quốc hội đã chẳng nhận được kiến nghị ấy! Chẳng lẽ lại có “kẻ xấu” hay “lực lượng thù địch” nào đem giấu đi ? Đến khi mở phiên họp đầu tiên ngày 21-7-2011, thay vì ưu tiên thảo luận vấn đề Biển Đông như yêu cầu của nhiều giới đồng bào, Quốc hội chỉ được nghe tân bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tường trình tình hình Biển Đông trong vòng một tiếng rưỡi, và chỉ biết nghe mà không được chất vấn Chính phủ cho ra lẽ và càng không được ra Nghị quyết để tìm phương bảo vệ Tổ quốc. Ngay cả Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng, Chủ tịch Quốc hội mãn nhiệm khóa 12 cũng chả nói một chữ nào về tình hình Biển Đông trong diễn văn khai mạc.

3- Ngày 18-8-2011 lại đến Kiến nghị của một số công dân (công bố với 25 chữ ký ban đầu) gởi Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội để phản đối một thông báo không số, không chữ ký, không căn cứ Pháp luật ra cùng ngày, yêu cầu chấm dứt biểu tình tự phát trên địa bàn Hà Nội, rồi còn đưa ra một số nhận định sai lệch về ý nghĩa các cuộc biểu tình và tư cách các “biểu tình viên”. Bản Kiến nghị đã được gửi đến ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND TP Hà Nội; ông Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an; ông Hà Hùng Cường, Bộ trưởng Bộ Tư pháp…
Như để tỏ thiện chí đối thoại, một cuộc gặp đã diễn ra trong buổi sáng ngày 27-08-2011 tại trụ sở Ủy ban Nhân dân TP Hà Nội. Về phía nhà cầm quyền có mặt Bí thư thành ủy Phạm Quang Nghị, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thế Thảo, Giám đốc Công an TP Nguyễn Đức Nhanh và nhiều viên chức cao cấp khác... Về phía những người ký kiến nghị phản đối thông báo, có mặt theo giấy mời là Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, cựu Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc, Giáo sư Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Tiến sỹ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển (IDS).

Về điểm thứ sáu trong bản kiến nghị phản đối của công dân với thông báo gây tranh cãi (Ai, bộ phận nào trong UBND TP Hà Nội quyết định ra thông báo này?), Tiến sỹ Nguyễn Quang A cho BBC biết (Bản tin ngày 27-08-2011): UBND TP Hà Nội trả lời rõ ràng rằng thông báo yêu cầu chấm dứt biểu tình là của UB và UB chịu trách nhiệm hoàn toàn về thông báo đó. Thế nhưng vị tiến sĩ cũng tường thuật: qua cách trả lời của đại diện UBND Thành phố, "có thể hiểu rằng có những sai sót về mặt thủ tục, hình thức, còn về nội dung, phía UBND TP Hà Nội cho rằng đã làm đúng thẩm quyền, đúng pháp luật" (!?!). Ông Nguyễn Quang A còn cho biết ông không thể dự đoán đích xác được liệu sau cuộc đối thoại này, phong trào chính trị - xã hội biểu tình phản đối Trung Quốc, vì Hoàng Sa Trường Sa như đã thấy diễn ra trong gần ba tháng qua ngay tại trung tâm của Thủ đô Hà Nội, có tiếp tục diễn ra nữa hay không.
Liên hệ với sự kiện này những người đã ký tên phản đối Đài Truyền hình Hà Nội vu khống xuyên tạc các cuộc biểu tình (chương trình ngày 22-08) được mời tới đài ngày 30-08 để trình bày khiếu nại. Song rốt cuộc là Tổng giám đốc Trần Gia Thái đã trả lời kiểu phủi tay và cách vô liêm sỉ.

4- Ngày 21-08-2011, lại một “kiến nghị” nữa mang tiêu đề «Thư ngỏ về hiểm họa ngoại bang và sức mạnh dân tộc» do 36 nhân sĩ trí thức người Việt ở nước ngoài ký tên và gửi tới các cấp lãnh đạo cao nhất của Nhà nước Việt Nam và đảng Cộng sản. Đó là các trí thức, chuyên gia hàng đầu trong nhiều lĩnh vực, đang sống và làm việc tại các nước như Anh, Pháp, Mỹ, Úc, Thụy Sĩ và Gia Nã Đại.
Không phân biệt thành phần, chính kiến cũng như quá khứ, các trí thức Việt hải ngoại muốn thông qua thư ngỏ bày tỏ những “suy nghĩ thẳng thắn và xây dựng trước tình hình nghiêm trọng của Việt Nam hiện nay”. Tình hình “nghiêm trọng” đó chính là “hiểm họa ngoại bang” đến từ Trung Quốc. Những người ký tên khẳng định Trung Quốc đang có âm mưu thôn tính nước Việt.

Nhận định về đường lối chính sách của nhà cầm quyền Việt Nam trước hiện tình đất nước, thư ngỏ viết : “Trong thời gian vừa qua, những chính sách và biện pháp đối nội và đối ngọai được thực thi tỏ ra lúng túng và mâu thuẫn, trái với sự mong đợi của toàn dân. Tình trạng này hiển nhiên làm suy yếu sức mạnh dân tộc, đòi hỏi chính quyền phải có những thay đổi toàn diện về cơ chế và chính sách mới có thể bảo vệ được chủ quyền và phát triển đất nước”. Cuối cùng, thư ngỏ nêu ra 4 điểm kiến nghị về vấn đề bảo vệ chủ quyền đất nước và về việc phát huy sức mạnh của dân tộc, đoàn kết toàn dân trong và ngoài nước, phát triển đất nước nhằm đối phó với “tham vọng bành trướng, bá quyền của Trung Quốc vốn ngày càng bộc lộc rõ” (theo RFI, bản tin ngày 30-08-2011).

Đáp lại (hay đúng hơn: đốp lại) tâm huyết của các nhà trí thức yêu nước ấy là cuộc Đối thoại Chiến lược quốc phòng-an ninh Việt-Trung cấp Thứ trưởng lần thứ hai diễn ra hôm 29-8 tại Bắc Kinh, Trung Quốc, dưới sự đồng chủ trì của Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng CSVN và Thượng tướng Mã Hiểu Thiên, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội CSTQ. Theo bản tin trên báo Quân đội Nhân dân của Hà Nội, “hai bên đã nhất trí nhiều biện pháp thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương và đạt được nhận thức chung trong nhiều vấn đề, góp phần tăng quan hệ hữu nghị Việt-Trung”.

Trong cuộc gặp gỡ ấy, Nguyễn Chí Vịnh thản nhiên tuyên bố "Nếu Việt Nam cần sự ủng hộ, đồng cảm, hợp tác và phát triển thì còn có ai hơn một nước Trung Quốc xã hội chủ nghĩa láng giềng?”. Ông ta cũng trắng trợn thông báo với phía Trung Quốc rằng Việt Nam sẽ ‘kiên quyết xử lý vấn đề tụ tập đông người ở Việt Nam’, và dứt khoát ‘không để sự việc tái diễn’, theo tường thuật của Thông tấn xã Việt Nam. Đây là lần đầu tiên một quan chức cấp cao trong chính quyền trung ương công khai ủng hộ Thông báo ngăn chặn biểu tình mà giới chức Hà Nội đưa ra hôm 18-08 vốn đang bị vô số người công kích về tính pháp lý.

Mười một cuộc biểu tình trong ba tháng qua, với những biểu ngữ hay khẩu hiệu thuần túy chống Trung Quốc xâm lược (ngoại trừ vài lời hô đơn lẻ “đả đảo bọn bán nước, bọn chó săn”… trên các xe buýt bắt người về đồn) cũng là những hình thức kiến nghị với nhà cầm quyền CSVN, xin họ hãy lưu ý tới đại họa Tàu cộng. Như đã thấy, đáp lại trực tiếp là những màn hăm dọa hay ngăn cản, bắt nóng hay bắt nguội, đuổi học hay đuổi việc, đánh người hay đạp mặt, giữ ít giờ hay giữ ít ngày, và gián tiếp là nhiều vụ giam cầm và xét xử… Tất cả các sự kiện ấy đều đã chẳng cho thấy “thiện chí đối thoại” của nhà cầm quyền sao? Hơn 70 năm Cộng sản châu Âu và hơn 60 năm Cộng sản châu Á sao chưa mở mắt những người còn mong chờ “tinh thần phục thiện” của đảng?

Ban Biên Tập (số 130, ngày 01-09-2011)

.
.
.

No comments: