Sunday, October 31, 2010

TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (20)

Hoàng Linh Vương
31/10/2010 | 11:36 sáng

talawas sắp ngừng hoạt động? Có lẽ nào?

Một nỗi buồn thấm tháp từ một cảm nhận vô vọng chập chờn theo tôi cả vào trong giấc ngủ. Khó có thể tập trung tư tưởng được hơn nữa. Bài đang viết định gửi cho talawas: “Tin tặc, thêm một tội ác lịch sử” còn dở dang cũng đành dang dở vì nội dung trở nên tẻ nhạt bởi tiếng rơi bộp của talawas, tiếng rơi cộc lốc thoát ra từ sợi dây thòng lọng thắt bóp niềm hy vọng mưu cầu cho một Việt Nam: xã hội bình đẳng và công dân hạnh phúc.
Không phải tin tặc bỗng dưng nhẹ tội hơn, nhưng sự ra đi (hy vọng không phải thế) của talawas là một mất mát, một nỗi kinh hoàng cho những con người còn có tấm lòng với dân tộc.

Phải chăng cái ác đã thật sự lên ngôi? Và người Việt Nam chúng ta hôm nay không còn có cơ may bình đẳng chung sống? Phải chăng những người bênh vực cho công lý chỉ còn sự lựa chọn duy nhất là đầu hàng hay tự vẫn trước cường quyền? IDS đã phải tự giải thể, rồi bây giờ talawas? Tiếp đến sẽ là ai?

9 năm nằm gai nếm mật của talawas nói chung, và của người đứng mũi chịu sào, nhà văn Phạm Thị Hoài nói riêng, phải được nhìn nhận như những bước đi hy sinh, nối tiếp tinh thần của Nhân Văn – Giai Phẩm tiếp tục công cuộc đấu tranh cho nhân phẩm và ý thức tự do, đối đầu với chế độ dai dẳng mù quáng, độc tôn và áp bức.
talawas với tiêu chí chọn lọc bài vở và sàng lọc phản hồi đã trở thành một hội nghị bàn tròn trung thực, nối nhịp trong nước với hải ngoại, qui tụ thành phần nhiệt huyết từ nhiều phía, là nguồn mạch cung cấp những thông tin đích thực, là điểm tựa tinh thần của những người yêu nước ở khắp nơi, là kim chỉ nam định vị xã hội và chính trị của đất nước hiện tại, tiên phong vào việc định hình dân chủ cho dân tộc ngày mai.
Dù ở trong hay ngoài nước, mỗi trang mạng hoạt động mang bản sắc “diễn biến hòa bình” (theo nghĩa tích cực) đều có giá trị và tác dụng riêng biệt tùy theo hoàn cảnh và khả năng của từng nhóm, nhưng sự ra đi của talawas để lại một khoảng trống khó có thể lấp hoặc thay thế một sớm một chiều. Trong tình huống hiện nay, ảnh hưởng của sự mất mát này đối với tiến trình dân chủ hóa đất nước sẽ rất lớn nếu không bi quan mà nói rằng vô lường.
Vì thế, talawas đã trở thành tài sản của dân chủ, của nhân quyền, của tự do, cũng không phải để trưng trong bảo tàng viện làm tư liệu, mà đang cần được tiếp tục phát huy để đất nước và con người Việt Nam nhanh chóng có được một tương lai tươi sáng.

- Liệu talawas đã thực sự kiệt sức?
- Ý chí talawas đã thực sự kiệt quệ?
- Hay áp lực nghiệt ngã đến độ talawas phải buông xuôi?
Tôi không tin rằng talawas mở cửa chỉ để tồn tại 9 năm, lại càng không tin rằng talawas bốc đồng đóng cửa sau 9 năm đã cùng vật lộn với sóng gió.

Với thành quả gặt hái được, chúng ta không có quyền đòi hỏi gì thêm ở cá nhân chị Phạm Thị Hoài cùng các cộng sự, nhưng tôi có quyền hy vọng talawas chỉ đang “đình công” để cảnh giác và cảnh tỉnh mọi phía, để rồi tất cả những tấm lòng vì đất nước sẽ chuyển mình sang một ý thức mới, đối mặt với tai hoạ của đất nước trong tinh thần đoàn kết không phân biệt xuất xứ.
Xin gửi một lời cảm ơn đầy nuối tiếc và sự chia tay thật gượng ép đến với talawas và chị Phạm Thị Hoài.
© 2010 Hoàng Linh Vương
© 2010 talawas
.
.
.
Nguyễn Đăng Thường
31/10/2010 | 3:50 chiều

talawas – Ngày 03/11/2010 sắp tới, talawas sẽ tròn 9 tuổi và xin nói lời chia tay độc giả. Chúng tôi sẽ nhìn lại chặng đường 9 năm qua và trình bày nguyên nhân kết thúc hoạt động. Nhân dịp này, chúng tôi cũng mời các cộng tác viên tham gia trả lời 3 câu hỏi của talawas sau đây:
1. Theo anh, 5 vấn đề hệ trọng nhất của Việt Nam hiện nay là gì?
2. Nếu được cầm quyền tuyệt đối tại Việt Nam trong vòng 24 tiếng đồng hồ, anh sẽ làm gì?
3. Hình dung của anh về Việt Nam năm 2010, 2020 và 2030.
_______

Nguyễn Đăng Thường

Cùng khoác đồng phục “mác-lênin” nhưng chẳng có anh communist nào giống anh cộng sản nào. Đông Âu communism không giống Nam Mỹ communismo khác với Á Châu cộng sản. Thế giới hôm nay chỉ còn vỏn vẹn 4 nước cộng sản. Cuba và Bắc Hàn là hai trường hợp đặc biệt vẫn ngựa quen đường cũ, có thể do bởi tự ái (Cuba), có thể vì muốn duy trì chế độ cha truyền con nối (Bắc Hàn). Trung Cộng và Việt Cộng thì như hai cha con quấn quít, hổ phụ sinh hổ tử, rồng to đẻ rồng nhỏ, ngon lành hết xẩy.

Giấc mộng con (mà cũng là giấc mộng lớn) là chế độ cộng sản Ba Đình sẽ giác ngộ, tự lột xác, từ độc tài chuyển sang dân chủ như Đông Âu. Tuy nhiên, Đông Âu đã có ba yếu tố thuận lợi, là: 1. tinh thần khai sáng; 2. giới lãnh đạo và dân chúng có lòng ái quốc cao muốn thoát khỏi ách Cộng Sản và ách Nga Sô; 3. kinh tế chủ nghĩa xã hội đã bị kiệt quệ không lối thoát.[*]
Việt Nam hiện nay chẳng những không có ba yếu tố thúc đẩy ấy mà ngược lại có 3 yếu tố gây trở ngại: 1. lãnh tụ, đảng viên không có lòng ái quốc; dân chúng mỏi mệt không còn muốn đấu tranh; 2. lãnh tụ, đảng viên bám víu vào chế độ độc tài vì tư lợi; 3. kinh tế thị trường định hướng đang lên.
Giấc mộng lớn (mà cũng là giấc mộng con) là đối lập trong nước sẽ không bị tiêu diệt hẳn, dần dà trở thành một lực lượng có uy tín, được lòng dân, được lòng các đảng viên cộng sản liberal, được thế giới nhiệt tình ủng hộ.

Sau đây là vài thiển nghĩ.

1. 5 vấn đề hệ trọng nhất của Việt Nam hiện nay
a) Kinh tế thị trường hình như chỉ là “mượn đầu heo nấu cháo”?
b) Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng lộng hành?
c) Cái bọt xà phòng “sang giàu” có thể vỡ tan bất cứ lúc nào?
d) Tâm lý “sống chết mặc bây tiền thầy bỏ túi” của lãnh tụ, đảng viên?
e) Thiên tai và thảm họa bất ngờ?

2. Nếu được cầm quyền tuyệt đối tại Việt Nam trong vòng 24 tiếng đồng hồ
Trước khi “cầm quyền” tôi sẽ thuê một nhóm luật sư quốc tế soạn thảo một nghị quyết để khi “nắm quyền” bắt buộc chủ tịch nước, thủ tướng ký tên vào:
a) Quốc hữu hóa ba phần tư tài sản của giới gọi chung là “đại gia”, nghĩa là những kẻ đã làm giàu nhanh chóng từ lúc có kinh tế thị trường.
b) Giao trọn quyền quản lý, kiểm soát, tổ chức bầu cử tự do trong vòng 1 năm cho Liên Hiệp Quốc.
c) Phục hồi dân quyền, nhân quyền, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tôn giáo, chế độ đa đảng, đa nguyên.
Vân vân và vân vân.

3. Tiên đoán về Việt Nam năm 2010, 2020 và 2030
a) 2010: chỉ còn 2 tháng nữa là hết “nhiệm kỳ”, từ đây tới cuối tháng 12 chắc sẽ có thêm vài em hoa hậu ưỡn ngực ưỡn mông duyên dáng Việt Nam?
b) 2020: nếu phần số chưa thật mạt rệp, Việt Nam sẽ có chế độ tự do dân chủ tương tự như… Việt Nam Cộng hòa trước 1975?
b) 2030: định mệnh đã an bày, Việt Nam-Trung Quốc vú liền vú cu liền cu?
Trước khi chia tay xin có lời cảm tạ talawas và ban điều hành. Nếu như trong tương lai talawas không trở lại mái nhà xưa thì hy vọng trong mai hậu sẽ có một giải thưởng mang tên “talawas”.
© 2010 Nguyễn Đăng Thường
© 2010 talawas
-----------------------
[*] Quý vị/quý bạn có thể tìm đọc thêm cuốn The Patriot’s Revolution – How Eastern Europe Toppled Communism and Won Its Freedom của ký giả Mark Frankland (cựu phóng viên tờ The Observer, London, đã từng có mặt nhiều năm ở Việt Nam, Nga Sô và các nước Đông Âu).
.
.
.
Trần Mộng Tú
31/10/2010 | 5:35 chiều

Tôi nhận được tin ngôi nhà talawas sẽ đóng cửa từ lá thư của chị Phạm Thị Hoài. Tôi ngồi im lặng hình dung ra hai cánh cửa đang từ từ khép lại, hai cánh cửa này trước đây nhìn bằng cách này, hay cách khác, đã có đôi lần bị khép lại, dán một cái giấy niêm phong, rồi cái giấy đó được xé rách ra bởi một sức mạnh xô từ bên trong xô ra, mỗi lần như vậy, tôi lại nhớ đến một câu thơ của thi sĩ Ba Tư, Rumi: knocking on a door. It opens/ I’ve been knocking from the inside. Đúng, cánh cửa của talawas là hai cánh cửa gõ ra từ bên trong, để mở, chính nó.
Sau chín năm thăng trầm, nhưng bình bĩnh, tự tin, hai cánh cửa đó đã mở ra một diễn đàn công bình, chính trực, đón nhận và chuyển đăng mọi tư tưởng, mọi ý kiến, nguyện vọng của người Việt trong và ngoài nước và bây giờ tự nó đóng lại.
Trước khi cánh cửa khép hẳn, talawas vẫn muốn lưu giữ những ý kiến cuối cùng của những người đã từng đóng góp bài cho chín năm tồn tại. Câu hỏi được đưa ra, những câu hỏi băn khoăn cho một Việt Nam của mười, hai mươi năm sau. Nhưng những câu trả lời liệu có đánh lên được tiếng dội nào về Việt Nam hay không?

Hãy tưởng tượng ở một cái bàn tròn nào đó, trong một ngôi nhà nào đó, (ở Việt Nam hay hải ngoại) có ba người Việt Nam, ngồi nhìn nhau mơ ước:
- Người thứ nhất, ngập ngừng một chút, rồi khởi đầu: Nếu tôi có quyền lực trong tay, chỉ cần 24 tiếng thôi, tôi sẽ chú trọng trước tiên: Nhân quyền cho người dân, cái quyền này chắc chắn kéo theo tiếp được bao nhiêu quyền kế tiếp. Vì nhân quyền được định nghĩa như thế này: Nhân quyền là người có quyền nắm giữ vận mệnh của mình, không ai có quyền sang đoạt hay chuyển nhượng mình, là quyền sỡ hữu cần thiết cho tự do và duy trì một cách hợp lý giá trị của đời sống.
- Người thứ hai nói, nếu tôi có quyền, tôi sẽ bỏ ngay chế độ Độc Đảng, thay đổi hiến pháp, nhà nước phải có đầy đủ ba bộ phận rành mạch: Tư pháp, Hành pháp, Lập pháp.
- Người thứ ba chen vào: Còn nhiều thứ kế tiếp nữa chứ, tôi chỉ sợ 24 tiếng làm không kịp đâu. Tôi sẽ diệt tham nhũng trước tiên, diệt được đám này thì mới mong đem về lại được Hoàng Sa, Trường Sa, mới mong bảo vệ môi trường; chính cái đám tham nhũng này đã tước đoạt quyền tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tự do tư tưởng.
Nhưng nếu ba người bạn này, chẳng có cái quyền bé tí nào trong tay mà ngây thơ hỏi nhau những câu như “Đố vui để học” này, thì năm 2020 chúng ta sẽ có một nước tên là Việt-Hoa thay vì Việt Nam, rồi nhắm mắt lại, mở mắt ra, năm 2030, con cháu chúng ta sẽ có một nước mới toanh Mỹ-Hoa thay cho tên Việt Nam (lúc đó ba người bạn đang hỏi nhau kia chết hết rồi).

Cám ơn talawas, cám ơn cánh cửa đã khép lại, nhưng sau lưng cánh của khép đó, chúng tôi biết những gì quý giá vẫn được giữ lại.
Xin tặng talawas bài thơ như món quà từ biệt

Quê tôi bây giờ
Quê tôi bây giờ đang mùa lụt
tôi nghe tiếng gió tạt sang tận phía tôi nằm
thân không ướt vẫn co mình se lạnh
nước thật xa vẫn len được vào chăn
Quê tôi bây giờ có trăm con thác đổ
chảy giữa đường khô những con sóng vô hình
ai nhảy múa ai khóc than mỗi người có riêng màn kịch
mỗi người lo đóng vai của chính mình
Quê tôi bây giờ trẻ con không có tuổi thơ
những mơ mộng lạc dần phương hướng
cô thiếu nữ đi qua không ngoảnh lại nhìn
bông hoa, bãi cỏ, con đường
hình như không có điều gì cô cần nhớ
Quê tôi bây giờ người ta vẫn bỏ đi
nhưng bỏ đi để làm gì nào ai biết được
mỗi người bỏ đi mỗi cách khác nhau
họ đến những vùng
trước kia chỉ cần nhìn tên trên trang giấy
cũng gạch ngang gạch dọc
ném đất bôi tro
họ đến ngủ chung với chính kẻ thù
Quê tôi bây giờ người ta vẫn bỏ đi
chỉ là để bỏ đi thôi
đi đâu không biết
gió cứ cuốn hoa cứ trôi
Quê tôi, không phải nơi dung thân cho chính con cháu giống nòi.
30/10/2010
© 2010 Trần Mộng Tú
© 2010 talawas
------------------------------

TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (19)Nguyễn Ước – Phùng Nguyễn – Thuận
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (18)  - Lề Trái – Trịnh Hữu Tuệ - Trần Hà Tiệp
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (17) -  Trương Nhân Tuấn – Cổ Ngư – Lê Tuấn Huy
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (16) – Phạm Đình Trọng – Nguyễn Trọng Tạo – Lê Diễn Đức
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (15) -  Bùi Văn Phú – Trần Doãn Nho – Nguyễn Thanh Giang – Đào Tấn Phần
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (14)  -  Tống Văn Công – Nguyên Trường – Trần Thị Trường
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (13)  -  Nguyễn Huệ chi – Nguyễn Lệ Uyên
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (12)  -  Lâm Hoàng Mạnh – Phạm Hồng Sơn – Ban Mai
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (11) -  Phong Uyên – Trần Trung Đạo
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (10) -  Song Chi – Lại Nguyên Ân – Trần Kiêm Đoàn
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (9)  -  Hà sĩ Phu – Khuất Đẩu
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (8)  -  Đinh Từ Thức – Nguyễn Trang Nhung
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (7)  -  Trần Vũ – Liêu Thái – Hồ Phú Bông
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (6)   -  Tống Văn Công – Lý Đợi
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (5)  -  Võ Thị Hảo – Nguyễn Chính – Nguyễn Thanh Giang
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (4)  - Trương Thái Du – Dương Tường
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (3)  - Hoàng Hưng – Tieu Dao Bảo Cự
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (2)  - Dương Danh Huy – Bùi Tín – Lê Anh Hoài
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (1)   -  Phạm Toàn – Nguyễn Viện

.
.
.

No comments:

Post a Comment