Monday, July 20, 2009
VIỆT NAM ĐÃ LÀM GÌ ĐỂ BẢO VỆ NGƯỜI TIÊU DÙNG ?
Những đoạn “gãy” bảo vệ người tiêu dùng
Ngày 20.07.2009 Giờ 08:25
http://www.sgtt.vn/detail23.aspx?ColumnId=23&newsid=54430&fld=HTMG/2009/0719/54430
SGTT - Quyền lợi người tiêu dùng đang được bảo vệ như thế nào trước sự việc sữa thiếu chất theo như công bố trước đó, giá sữa cao bất bình thường, ngộ độc thực phẩm xảy ra hàng ngày...? TS Phạm Duy Nghĩa, trưởng bộ môn luật Kinh doanh (đại học Quốc gia Hà Nội) trả lời phỏng vấn báo Sài Gòn Tiếp Thị
Xăng cân điêu, mua bình gas mười hai cân thì được mười cân, áo quần có chất độc, nhưng nói một con số cụ thể thì phải có cơ quan chức năng công bố. Cảm nhận thông thường cũng thấy quyền lợi người tiêu dùng đang bị xâm phạm.
SGTT : Mình có thanh tra, quản lý thị trường, những cơ quan khác..., nhưng biểu hiện xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng lại đang gia tăng, thưa ông?
TS Phạm Duy Nghĩa : Người tiêu dùng ở đâu cũng có vị thế yếu so với nhà cung cấp. Anh đi mua vé tàu thì không thể mặc cả được với nhà tàu, mở tài khoản thì không thể mặc cả điều khoản với ngân hàng, lắp đường điện thoại cũng không thoả thuận với nhà cung cấp. Như vậy, người tiêu dùng trong thế đàm phán với nhà cung cấp, bán hàng thường là thế yếu. Càng yếu hơn nữa khi người tiêu dùng mua quần áo thì biết vải có chất gì, một người mua hộp sữa thì biết trong đó người ta có đủ hàm lượng như công bố không.
Từ đây mới đặt ra vấn đề là người tiêu dùng được bảo vệ như thế nào? Pháp luật Việt Nam cũng ghi nhận các quyền của người tiêu dùng. Chỉ có điều cái yếu nằm ở hệ thống thực thi. Luật không chỉ ghi người tiêu dùng có bằng này quyền, rồi liệt kê ra... Nhà nước phải đứng ra bảo vệ người tiêu dùng. Bảo vệ bằng cách thiết lập hàng rào kỹ thuật gồm các tiêu chuẩn và quy chuẩn để cho bất kỳ một sản phẩm nào đó mới ra thị trường, nếu không thì phải thu hồi. Chưa có một nước nào mà xe máy bốc cháy giữa đường nhiều như Việt Nam mà chúng ta không có ý kiến gì.
Tuy nhiên, cơ quan quản lý cũng không có động cơ và nhiệt tình để đứng ra giải quyết những sự cố tương tự nếu không bị hối thúc. Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng có khá nhiều nhưng tản mát. Nói như bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu thì một mớ rau thì có bao nhiêu cơ quan có chức năng quản lý nó. Câu nói có vẻ đùa nhưng bản chất nói lên điều rất yếu của chúng ta là rất nhiều cơ quan nhưng thiếu sự hợp tác, khi sự việc xảy ra, các ngón tay cứ chỉ lẫn nhau mà không có ai chịu trách nhiệm.
Làm ra luật bảo vệ người tiêu dùng thì dễ, nhưng phải có thiết chế buộc những cơ quan có trách nhiệm chịu “áp lực”, và phải làm thì luật đó mới đi vào cuộc sống.
SGTT : Pháp lệnh Bảo vệ người tiêu dùng cho phép người tiêu dùng đòi bồi thường, khởi kiện nếu mua phải hàng kém chất lượng. Tuy nhiên, trên thực tế chúng ta chưa ghi nhận được một trường hợp nào tương tự?
TS Phạm Duy Nghĩa : Người tiêu dùng của chúng ta không có năng lực tự bảo vệ mình. Bởi họ ít thông tin về sản phẩm. Chúng ta cứ nói người tiêu dùng có quyền nọ quyền kia, nhưng đặt tình huống một chị công nhân lương một triệu, mua cho con trai chiếc áo có chất gây ngứa, câu hỏi đặt ra là chị có kiện ai được không?
Quyền được kiện phải gắn với nghĩa vụ chứng minh. Nếu toà án không hỗ trợ và buộc đương sự chứng minh thiệt hại thì rất khó, có khi chi phí để chứng minh thiệt hại lại lớn hơn thiệt hại mà mình đi kiện. Anh có giỏi như trời cũng chịu...
SGTT : Cái thiếu nhất ở đây vẫn là một hệ thống luật hoàn chỉnh, như luật bảo vệ người tiêu dùng đến thời điểm này vẫn đang ở giai đoạn soạn thảo. Theo ông có nên lập ra một toà án chuyên trách về việc này? Cần phải làm gì để phát huy sức mạnh cũng như tiếng nói của các tổ chức xã hội bảo vệ người tiêu dùng?
TS Phạm Duy Nghĩa : Luật pháp về bảo vệ người tiêu dùng chúng ta có. Điều đáng quan tâm ở đây là hệ thống toà án cũng như tố tụng chưa ủng hộ người tiêu dùng. Cứ dùng nguyên hệ thống như hiện nay, nhưng đảo ngược nghĩa vụ chứng minh thì sẽ tiện hơn. Chẳng hạn nếu có nhiều đơn kiện của người tiêu dùng một nhãn hàng xe máy hay gây cháy nổ, thì bằng lệnh của toà án nhà sản xuất đó phải giải trình về quy trình kỹ thuật. Bảo vệ người tiêu dùng là bảo vệ những đối tượng yếu trong xã hội đối trọng lại những doanh nghiệp vừa có tiền, có thế lực. Cũng như vụ Vedan, đáng ra phải đảo ngược nghĩa vụ chứng minh cho Vedan thì chúng ta đang bắt nông dân tự chứng minh thiệt hại. Ở nước ngoài, người gây thiệt hại phải là người chứng minh chứ không phải là người tiêu dùng.
Mặt khác, ngân sách chi cho các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng còn ít so với những cơ quan khác, như quản lý thị trường, thanh tra. Muốn cơ quan mạnh lên thì phải có kinh phí và có trách nhiệm, kinh phí hoạt động, và kinh phí này phải được trích ra từ ngân sách nhà nước.
SGTT : Nhưng một phần nào đó, chế tài còn quá nhẹ, thưa ông?
TS Phạm Duy Nghĩa : Để thực hiện điều này thì nhà nước phải định chuẩn, phải có hệ thống canh gác những tiêu chuẩn đó, nếu sản phẩm không được phép lưu hành thì đốt, tịch thu, tiêu huỷ, giải tán doanh nghiệp, hoặc có thể khởi tố giám đốc nếu có những hành vi gây hại cho nhiều người. Tuy nhiên biện pháp quan trọng vẫn là giáo dục người tiêu dùng tẩy chay sản phẩm gây hại, lấy sức mạnh cộng đồng đó thành sức mạnh răn đe. Chế tài mạnh nhất là dùng sức ép của cộng đồng, quay lưng với sản phẩm gây hại.
SGTT : Chờ đợi những điều ông nói thành hiện thực, thì giải pháp bây giờ là người tiêu dùng hãy tự bảo vệ mình, hãy là người tiêu dùng thông thái, thưa ông?
TS Phạm Duy Nghĩa : Tôi rất ghét những lời khuyên kiểu này. Người tiêu dùng chúng ta còn hiền. Hiền bởi vì chưa ai giúp họ hiểu biết nhiều hơn về sản phẩm. Nhưng muốn nói như vậy thì phải hỏi là chúng ta đã làm gì giúp người tiêu dùng có thông tin, nếu họ bị thiệt thì họ cần có năng lực chống đỡ, và khi cần sự hỗ trợ thì phải có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, và những người làm ra sản phẩm đó phải bị trừng trị.
Phan Hương (thực hiện)
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment