Thursday, July 9, 2009

TRUNG QUỐC và TẦM QUAN TRỌNG CHIẾN LƯỢC CỦA BIỂN ĐÔNG


Trung Quốc và tầm quan trọng chiến lược của Biển Đông
Thrassy N. Marketos

(tựa do người dịch đặt)
Thứ Năm, 09/07/2009
http://bauxitevietnam.info/2997/trung-quoc-va-tam-quan-trong-chien-luoc-cua-bien-dong/

Biển Đông được xem là sân nhà của Trung Quốc, nhưng Trung Quốc vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Hầu hết những thách thức này liên quan đến việc tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông, đặc biệt là tại các quần đảo và vùng biển bao quanh các quần đảo này, nơi tàng trữ rất nhiều tài nguyên thiên nhiên chưa được khai phá, đặc biệt là dầu khí. Tóm lại, cuộc chiến ở Biển Đông là cuộc chiến về tài nguyên thiên nhiên cũng như các đường lưu thông hàng hải then chốt.

Tài nguyên phong phú ở Biển Đông
Trung Quốc và Đài Loan đã tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông và tất cả các đảo, các bãi đá ngầm và đá nổi tại đó. Nhiều nước láng giềng với Trung Quốc đã chống lại những tuyên bố này. Phía Bắc vùng quần đảo tranh chấp tiếp giáp Trung Quốc và Đài Loan, phía Tây tiếp giáp Việt Nam, phía Nam tiếp giáp Malaysia, Indonesia và Bruney, phía Đông tiếp giáp Philippines. Các nước láng giềng với Trung Quốc cũng đồng thời khẳng định chủ quyền vùng biển bao quanh các quần đảo đang gây tranh chấp này. Tuy nhiên, tranh chấp chính là ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Quần đảo Hoàng Sa là nơi tranh chấp giữa ba nước, Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam, trong đó Trung Quốc là nước duy nhất đã xâm lược và chiếm đóng trên đó kể từ năm 1974. Trong khi đó, Brunei, Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Đài Loan, và Việt Nam đều cùng tranh chấp quần đảo Trường Sa. Trung Quốc đã chiếm tám đảo, Đài Loan một, Philippines chín, Malaysia chín, và Việt Nam ba. Mặc dù không chiếm giữ hòn đảo nào, Brunei vẫn khẳng định chủ quyền về một số hòn đảo trên quần đảo này.
Tổng diện tích quần đảo Trường Sa thì không đầy ba dặm vuông (dưới 5 km2), nhưng mỗi tấc đất ở đây có ý nghĩa hết sức quan trọng vì đó là cơ sở khẳng định chủ quyền trên vùng biển bao quanh, gọi là đặc khu kinh tế (EEZ) mà Công ước quốc tế Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) qui định việc mở rộng thêm 200 hải lý tính từ đất liền. Khẳng định của Trung Quốc trên quần đảo Trường Sa được căn cứ vào lịch sử khẳng định chủ quyền của các triều đại liên tiếp trước đó. Bắc Kinh còn viện dẫn bằng chứng rằng cộng đồng quốc tế đã tiếp tục công nhận chủ quyền của Trung Quốc trên các quần đảo này kể từ khi Trung Quốc giành độc lập vào năm 1949. Nhưng nhiều nhà chức trách cho rằng khẳng định chủ quyền của Trung Quốc trên các quần đảo đang tranh chấp này là mâu thuẫn với UNCLOS, trong đó qui định các khẳng định chủ quyền chỉ được phép ra tới 12 hải lý tính từ đất liền.

Tuy nhiên, các tranh chấp không chỉ trên các quần đảo và vùng biển bao quanh. Chính nguồn tài nguyên giàu có nằm dưới vùng biển bao quanh các quần đảo này đã châm ngòi cho cuộc tranh chấp. Theo Cục Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ, Biển Đông có trữ lượng dầu lên đến 7,8 tỉ thùng, trong khi đó sản lượng dầu trong vùng chỉ trên 1,9 triệu thùng mỗi ngày. Theo một nghiên cứu vào năm 1995 của Viện nghiên cứu Địa chất ở Nước ngoài của Nga, riêng quần đảo Trường Sa có thể có trữ lượng dầu lên đến 6 tỉ thùng, đó là chưa tính đến trữ lượng về khí. Truyền thông Trung Quốc mô tả Biển Đông như là một Vùng Vịnh thứ hai. Thậm chí một số chuyên gia Trung Quốc còn cho rằng trữ lượng gồm cả dầu và khí của Biển Đông có thể lên đến 150 tỉ thùng (trong khi trữ lượng dầu cung ứng nội địa của Trung Quốc sẽ cạn kiệt trong 14 năm tới). Tuy nhiên tại các vùng tranh chấp ở quần đảo Trường Sa, đến nay chưa có bất cứ cuộc thăm dò nào được thực hiện để xác định trữ lượng dầu tại đây.

Biển Đông: Nguồn huyết mạch thông thương quan trọng
Bên cạnh nguồn phong phú về tài nguyên thiên nhiên, đối với Bắc Kinh, Biển Đông còn có tầm quan trọng khác chẳng hề thua kém: Biển Đông là nguồn huyết mạch hàng hải về vận chuyển năng lượng, đặc biệt là từ Trung Đông. Trong những năm gần đây, Biển Đông đã trở thành một trong những tuyến đường hàng hải quốc tế bận rộn nhất trên thế giới. Hàng năm, già nửa số thông thương đường biển là qua các eo biển Malacca, Lombok và Sunda. Dầu thô, khí tự nhiên hóa lỏng, than và quặng sắt đã làm cho thông thương qua các eo biển này trở nên tấp nập. Hàng năm, hơn 100 ngàn tàu chở dầu và thương thuyền đã di chuyển qua các eo biển này. Chỉ riêng eo biển Malacca mỗi ngày có đến 9,5 triệu thùng dầu được chuyển qua. Quan trọng hơn, các quốc gia Đông Á chính như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan đã nhập khẩu hơn 80% nhu cầu dầu của họ thông qua Biển Đông. Vấn đề vận chuyển năng lượng qua Biển Đông ngày càng tăng đã nâng cao tầm quan trọng chiến lược của Biển Đông, đồng thời biến eo biển Malacca thành nút thắt cổ chai trong hệ thống vận chuyển dầu mỏ toàn cầu. Sự tắc nghẽn, bất ổn và phụ thuộc hầu như hoàn toàn của Trung Quốc vào eo biển Malacca đã khiến cho Trung Quốc rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, như theo nhận định của một nhà quan sát.

Do tầm quan trọng chiến lược không cân bằng này, Biển Đông và các quần đảo tại đây, đặc biệt quần đảo Trường Sa, đã trở thành vùng tranh chấp nóng bỏng giữa Trung Quốc và các nước láng giềng Đông Á và Đông Nam Á. Tất cả, ngoại trừ Brunei, đều bảo vệ chủ quyền của họ bằng cách đưa quân đội đến chiếm đóng một hay nhiều đảo trên quần đảo Trường Sa. Tất cả các bên đều dựa vào UNCLOS để khẳng định chủ quyền của mình. Thậm chí, Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam còn khẳng định chủ quyền trên một phần lãnh thổ của Indonesia ở đảo Natuna.

Quê Hương

(trích dịch từ: Thrassy N. Marketos, 2009. China’s Energy Geopolitics: the Shanghai Cooperation Organization and Central Asia. Taylor & Francis Routledge. Trang 110 và 111).

HC Mạng Bauxite Việt Nam biên tập

No comments: