Friday, July 3, 2009
TRUNG QUỐC CHẤN CHỈNH BÁO GIỚI VIỆT NAM
Hồ Tỏa Cẩm: Một số báo chí VN có ngôn luận không hữu nghị với TQ
Người Buôn Gió
Jul 3, '09 1:32 AM
http://nguoibuongio.multiply.com/journal/item/41
Tham Tán Kinh Tế- Thương Mại Hồ Tỏa Cấm được sự ủy quyền của đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam đã lên tiếng nhắc nhở về những bài gần đây trên một số báo Việt Nam có đề cập đến hàng hóa Trung Quốc.
Ông Hồ Tỏa Cấm nói rằng hàng hóa TQ có nhiều loại.Hàng TQ kém chất lượng vào Việt Nam là do bên phía Việt Nam có nhu cầu vậy. Bên này có người mua thì bên kia có người '' giúp''.
Hồ Cẩm Tỏa chỉ đích danh tên bà Phạm Chi Lan chuyên viên kinh tế, phó chủ tịch VCCI và học giả Nguyễn Minh Phong của Việt Nam đã có những phát biểu không hữu nghị.
Hồ Tỏa Cẩm nói rằng ông ta từng là phóng viên của Tân Hoa Xã trú tại Việt Nam mấy năm. Giờ đây ông rất ngạc nhiên khi thấy chính phủ Việt Nam lại để cho một số bài báo như vậy xuất hiện. Ông mong cơ quan quản lý là bộ TT&TT của Việt Nam chú ý nhắc nhở, khuyến cáo...các tờ báo này. Ông Hồ nhấn mạnh báo chí phải làm theo thỏa thuận của 2 chính phủ, 2 nhà nước
Trả lời ông Hồ Tỏa Cẩm, đại diện phía Việt Nam là bà Quản Duy Ngân Hà vụ trưởng Vụ hợp tác QT nói rằng.
- Những bài báo đó là quan điểm của các học giả, không phải là quan điểm của cơ quan, tổ chức chính phủ của Việt Nam.
- Những bài báo này trách nhiệm do phía tòa báo, nếu sai họ sẽ bị kỷ luật thích đáng. Nói chính phủ Việt Nam cho phép đăng những bài này là không chính xác.
Bà Hà khẳng định quan hệ giữa hai nước là tốt đẹp. Việc mà ông Hồ Tỏa Cẩm bận tậm sẽ được bà Hà báo cáo sang bộ TT&TT để các đồng chí bên ấy xem xét.
Ông Hồ Tỏa Cẩm nói thêm rằng. Cần phải rút kinh nghiệm lần sau, xem có cách gì triệt để.Không nên để tình trạng cứ đăng bài như vậy rồi xem xét được. Cần quản lý chặt hơn.
Hai bên có nhắc đến việc đoàn quản lý báo chí Trung Quốc sẽ đến Việt Nam để giúp đỡ bộ TT&TT Việt Nam những kinh nghiệm quý báu trong quản lý báo chí.
Thủ đọan cổ điển của TQ vẫn ăn khách
Mặc Lâm, phóng viên đài RFA
2009-06-26
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Chinese-enterprises-to-buy-and-sell-VN-commodities-with-deceiful-methods-06262009111554.html?searchterm=None
Hiện tượng doanh nhân Trung Quốc vào Việt Nam thu mua nông thuỷ sản với giá cao rồi lũng đoạn chính thị trường Việt Nam bằng nhiều cách.
Thủ đoạn gian dối và mua bán bất chính của họ không được nhà nước ngăn chận bằng các biện pháp cứng rắn đã khiến nhiều nông dân tay trắng và doanh nghiệp phá sản vì không cạnh tranh nổi. Mới đây doanh nhân Trung Quốc lại tràn vào Việt Nam thu mua tôm với giá cao và bán lại cho thị trường với giá rẻ sau khi tái chế. Mặc Lâm phỏng vấn bà Phạm Chi Lan, nguyên tư vấn kinh tế cho Văn Phòng Thủ Tướng, để tìm hiểu thêm chi tiết vấn đề này.
Quản lý thị trường quá lỏng lẻo
Mặc Lâm : Thưa bà, hiện đang xảy ra tình trạng doanh nhân Trung Quốc vào Việt Nam thu mua tôm với giá cao hơn nhiều so với doanh nghiệp trong nước. Sau đó họ pha hoá chất vào để tăng trọng lượng của con tôm và bán ngược vào Việt nam với giá rẻ hơn thị trường. Theo bà thì tình trạng này được nhà nước quản lý ra sao để bảo vệ doanh nghiệp nội địa cũng như sự an toàn thực phẩm cho người dân?
Bà Phạm Chi Lan : Tôi nghĩ đây trước hết là vấn đề về quản lý nhà nước. Từ khi Việt Nam tham gia WTO thì cũng đồng ý cho tư nhân của các nước có thể vào kinh doanh buôn bán ở Việt Nam, nhưng mà tất cả người nước ngoài kể cả người Việt Nam kinh doanh buôn bán đều phải đăng ký với nhà nước theo pháp luật. Thông qua sự đăng ký hoạt động đó thì nhà nước cũng kiểm soát được những hành vi buôn bán của người ta. Những cái gì mà gây phương hại, ví dụ như về môi trường hay tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh mà làm hại cho bất cứ một bên nào đó thì đều có thể bị đưa ra pháp luật để xem xét và xử lý.
Mặc Lâm : Báo chí cho biết là doanh nhân Trung Quốc không phải ai vào Việt Nam kinh doanh cũng có giấy phép. Vai trò quản lý thị trường của nhà nước đã tỏ ra không hiệu quả lắm trong vấn đề này. Bà nghĩ sao về những nhận dịnh như vậy ?
Bà Phạm Chi Lan : Thương lái Trung Quốc vào, vấn đề chính ở đây là họ vào bằng những con đường không chính thức, họ vào kinh doanh ngầm, không chịu sự kiểm soát của ai, không nộp thuế cho nhà nước, và do đó cũng rất khó kiểm soát hành vi của họ.
Đây là vấn đề lớn mà theo tôi, trước hết là vấn đề quản lý nhà nước lỏng lẻo, chưa triệt để, cho người từ bên ngoài vào, xâm nhập và kinh doanh với mức độ đó. Khi nào các doanh nhân nước ngoài hoạt động ở Việt nam, ví dụ như một số họ cũng làm về kinh doanh, mua các sản phẩm nông sản, thuỷ sản, ví dụ như cà phê chẳng hạn để chế biến rồi xuất khẩu thì họ đều tuân thủ. Nếu họ làm tốt thì không có chuyện gì.
Mánh khóe và thủ đoạn
Mặc Lâm : Dư luận cho là nhà nước vẫn có một sự do dự nào đó đối với các doanh nhân Trung Quốc vì nếu vi phạm cùng một hình thức thì doanh nhân Việt Nam luôn bị xử phạt nặng hơn. Bà có ý kiến gì về việc này?
Bà Phạm Chi Lan : Thật ra thì đối với Việt Nam, trong trường hợp doanh nhân Việt Nam, bất cứ ai làm như vậy mà không có đăng ký kinh doanh thì đều có thể bị phát hiện và bị kỷ luật ngay.
Nhưng mà đối với doanh nhân Trung Quốc họ làm được như vậy thì đây là một điều mà phía Việt Nam, chính quyền các cấp rất cần xem lại cái hoạt động kiểm tra - giám sát của mình như thế nào mà để lọt như vậy.
Các doanh nhân Việt Nam nếu như mà vi phạm nhẹ thì có thể bị xử phạt, mà vi phạm nặng thì thậm chí có thể bị chấm dứt, nhà nước không cho phép tiếp tục kinh doanh nữa. Thì đấy là theo pháp luật chung, ngay cả đối với doanh nhân Việt Nam xưa nay cũng vẫn đều phải tuân thủ điều đó
Mặc Lâm : Theo kinh nghiệm của bà thì cách thông thường mà doanh nhân Trung Quốc sử dụng tại Việt Nam là gì?
Bà Phạm Chi Lan : Chính sách họ mua như thế này của nông dân thì có thể trước mắt là họ trả giá cao lên một chút thì người bán tưởng chừng như mình được lời. Nhưng mà xưa nay Việt Nam đã gặp nhiều chuyện với Trung Quốc rồi, tức là lúc đầu họ trả cao nhưng sau đó nếu họ khống chế được thị trường tới một mức độ nhất định thì họ giảm giá xuống đột ngột và họ dừng lại, họ không mua nữa thì lúc bấy giờ người sản xuất, người cung cấp sẽ hết sức là khó khăn.
Câu chuyện đó đã xảy ra khi Việt Nam bán mủ cao su cho Trung Quốc ở biên giới, bán hạt điều, bán trái dưa hấu, vân vân. Đã có rất nhiều bài học xảy ra rồi. Nhưng người nông dân thì trước sau gì họ cũng không được thông tin, không được hướng dẫn đầy đủ, nhiều khi họ ham cái lợi nhỏ trước mắt thì họ vẫn có thể huỷ bỏ hợp đồng đã ký với những doanh nhân khác của Việt Nam và của người nước ngoài khác ở Việt Nam đã ký trước với họ để đi bán cho những thương lái bất chợt đến và trả giá cao hơn.
Siết chặt quản lý thị trường-Thông tin hướng dẫn nông dân
Mặc Lâm : Xét về khía cạnh kinh tế thì việc mua bán gian lận này sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam như thế nào, thưa bà?
Bà Phạm Chi Lan : Về mặt kinh tế thì cái cách họ làm như thế này sẽ gây bất lợi rất lớn cho các doanh nhân Việt Nam, cho các nhà máy chế biến của Việt Nam, cho ngành hàng xuất khẩu nói chung, cũng như cho bản thân người nông dân.
Dần dà họ thu mua như vậy thì có thể làm thâm hụt đi cái nguồn cung cấp cho các nhà náy, cho các ngành xuất khẩu vẫn thường làm, và do đó thì xuất khẩu của Việt Nam sẽ có thể bị giảm đi hoặc là khó khăn trong việc đảm bảo những hợp đồng đã thoả thuận với phía bên ngoài.
Mặc Lâm : Còn doanh nhân trong nước thì sao, thưa bà?
Bà Phạm Chi Lan : Về phía các doanh nhân Việt Nam hoặc là doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam cũng không ít người đã bỏ tiền ra đầu tư cho người nông dân để người ta sản xuất cho mình, thế bây giờ lẽ ra theo cam kết hợp đồng thì người nông dân phải cung cấp lại cho người đầu tư ban đầu, nhưng họ lại ham lợi mà đi bán cho người khác thì như vậy là làm cho người đầu tư bị thua thiệt về nhiều đường.
Mặc Lâm : Theo bà thì giải pháp nào cho vấn đề này? Bà nghĩ là có thể thực hiện được ngay từ bây giờ?
Bà Phạm Chi Lan : Theo tôi, bây giờ phải làm chủ yếu là, một là nhà nước phải siết chặt cái quản lý của họ, nhất là đối với những thương lái không có đăng ký từ Trung Quốc như vậy. Hai là cũng rất cần thông tin cho người nông dân biết, huớng dẫn và làm sao nói cho người ta hiểu được rằng làm như vậy là không được, không nên.
Ba là người nông dân Việt Nam nuôi con tôm con cá với những người thu mua, những người doanh nhân đàng hoàng khác mà có đầu tư, có quan hệ thu mua bền lâu với họ từ trước tới nay thì rất cần làm việc lại với nhau và đưa ra những cam kết cho vững chắc hơn.
Và khi một bên vi phạm cam kết thì nhà nước phải can thiệp, phải đứng ra để xử lý, hoặc là có một trọng tài để xử lý. Lâu nay đổ bể hợp đồng giữa nông dân với những người doanh nhân bỏ tiền ra đầu tư hoặc là thu mua thì thường cũng vẫn hay xảy ra nhưng ít đuợc xử lý nghiêm khắc từ phía pháp luật, cho nên nhiều khi chuyện nọ vẫn xảy ra hoài.
Mặc Lâm : Xin cám ơn bà Phạm Chi Lan đã giúp cho chúng tôi thực hiện cuộc phỏng vấn ngày hôm nay.
Copyright © 1998-2009 Radio Free Asia. All rights reserved.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment