Wednesday, July 15, 2009

TRANH CHẤP Ở TÂN CƯƠNG MANG TẦM VÓC QUỐC TẾ


Tân Cương : một cuộc tranh chấp chấp mang tầm vóc quốc tế
Bảo Thạch
Bài đăng ngày 15/07/2009 - Cập nhật lần cuối ngày 15/07/2009 12:50 TU
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/115/article_4201.asp
Bên cạnh những lời chỉ trích, điều làm cho Bắc Kinh lo âu hơn cả là những mối đe dọa nhắm vào kiều dân Trung Quốc ở Trung Cận Đông. Theo một số nguồn tin tình báo, một nhánh của tổ chức Al Qaida tại Bắc Phi có thể tấn công nhắm vào hàng chục ngàn công nhân người Hoa đang làm việc tại Algerie

Sau Tây Tạng, tranh chấp tại Tân Cương đang gây nhiều hệ lụy cho Bắc Kinh. Tân Cương không chỉ mang chiều kích một vụ đàn áp sắc tộc. Vấn đề nay còn gây chấn động trên quốc tế vì bản sắc Hồi Giáo của người Duy Ngô Nhĩ.

Al Qaida đe dọa Trung Quốc
Hôm qua, lần đầu tiên, Al Qaida lên tiếng đe dọa Trung Quốc. Bắc Kinh đã lập tức cảnh báo công dân Trung Quốc tại Bắc Phi.

Thông tín viên Marc Lebeaupin tường thuật từ Bắc Kinh :
‘‘Trung Quốc kêu gọi sự thông cảm của thế giới Hồi giáo. Sau những lời buộc tội vào thứ sáu tuần trước của thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ, tố cáo cuộc diệt chủng Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương, hôm qua người phát ngôn bộ Ngọai giao Trung Quốc đã xác định trong bíến cố này không có yếu tố nào có thể quy kết cho tội diệt chủng được.
Trung Quốc không muốn biến mình thành kẻ thù của thế giới Hồi giáo, và phải xét lại đường lối ngoại giao đối với các nước này.
Nhưng bên cạnh những lời chỉ trích, điều làm cho Bắc Kinh lo âu hơn cả là những mối đe dọa nhắm vào kiều dân Trung Quốc ở Trung Cận Đông. Theo nguồn tin của cơ sở tình báo tư nhân đặt tại Luân Đôn, thì một nhánh tổ chức Al Qaida tại Bắc Phi có thể tấn công nhắm vào hàng chục ngàn công nhân người Hoa đang làm việc tại những đại công trường xây dựng ở Algerie.
Hôm qua, người phát ngôn bộ Ngọai giao xác nhận, Trung Quốc đã áp dụng những biện pháp cần thiết để bảo vệ những công nhân này. Tối hôm qua, đại sứ quán Trung Quốc tại Alger cũng ra thông báo báo động cho tất cả kiều dân. Các tòa đại sứ Trung Quốc ở Tunisie và Maroc cũng ra thông báo tương tự’’.

Ðiều cần nhắc lại là Thổ Nhĩ Kỳ, một quốc gia trước đây thân thiện với Trung Quốc đã không ngại lên án cuộc ''diệt chủng'' tại Tân Cương. Chẳng những vậy, thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ, ông Recep Tayyip Erdogan đốc thúc Bắc Kinh ''từ bỏ chính sách đồng hóa người Duy Ngô Nhĩ''.

Sự thật về những điều xẩy ra tại Tân Cương còn vô cùng mờ ám, chính quyền Trung Quốc hôm nay vừa nâng con số thiệt mạng mồng 5/07/09 tại Ðịch Hóa, lên 192 người. Nhưng quy mô vụ đàn áp có lẽ rộng lớn hơn những gì được loan báo.
Bất ổn đã lan từ Ðịch Hóa (Urumqi) sang các thành phố khác như Khách Thập (Kashgar) và Hoà Ðiền (Khotan).

Trên thế giới, đã đành là chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đứng đầu trong việc bảo vệ người Duy Ngô Nhĩ nói tiếng Thổ, nhưng cảm tình viên của cộng đồng này đã biểu tình phản đối Bắc Kinh tại Hà Lan, Ðức cho đến Indonesia.
Người Hồi Giáo trong nhiều nước Ả Rập đã phẫn nộ trước vụ đàn áp đẫm máu tại Tân Cương. Cộng đồng người nói tiếng Thổ, từ Ðịa Trung Hải đến Trung Á trong hàng chục quốc gia, cùng đứng về phía người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương.
Trước làn sóng chống đối, Bắc Kinh đã dịu giọng kêu gọi người Hồi Giáo cảm thông. Nhưng ngay tại Ðông Nam Á, diễn biến tại Tân Cương nhen nhúm thêm tinh thần hoài nghi đối với Bắc Kinh và thái độ bất đồng trước sự bành trướng của người Hán tại Tân Cương.

Một thực tế không thể chối cãi : sự bành trướng người Hán
Tân Cương là một vùng đất, được sát nhập vào lãnh thổ Trung Quốc kể từ 1949. Trước đây, vào đầu công nguyên, người Hán đã hiện diện tại Tân Cương nhưng việc kiểm soát khu vực này đã gây ra nhiều tranh chấp. Nhà Thanh, cuối thế kỷ 18 mới thành công chiếm được Tân Cương. Nhưng từ đó rất nhiều cuộc nổi loạn đã liên tiếp diễn ra. Cuối thế kỷ 19 cho đến nửa đầu thế kỷ 20, Tân Cương nhiều lần ngã theo Maxcơva. Việc Tân Cương thay ngôi đổi chủ, trong chiều dài của lịch sử là điều bình thường, khi điều kiện địa lý đã đặt lãnh thổ này ở vị trí giáp ranh với nhiều đế chế, bị làm mồi tranh chấp trước đây giữa Anh và Nga, và sau đó giữa Liên Xô và Trung Quốc.

Duy có điều chắc chắn là khi lãnh thổ này bị sát nhập vào Trung Quốc năm 1949, người Hán chỉ chiếm có 6 % dân số. Thực tế ngày nay là người Hán đã bành trướng và chiếm ít nhất 38% dân số, trong khi cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ chỉ ở mức 42% (số còn lại thuộc về các sắc tộc thiểu số khác). Trong khi đó, riêng tại thủ phủ Ðịch Hóa, nơi xẩy ra bạo động vừa rồi, người Hán chiếm tuyệt đại đa số với 85% dân cư.

Trước sự kiện này, Bắc Kinh vẫn đánh tạt dư luận sang hướng khác. Bộ Ngoại giao Trung Quốc quy kết rằng những kẻ khủng bố là tác giả bạo loạn tại Tân Cương. Theo họ, ba lực lượng đã dàn dựng các vụ bạo động : đó là những kẻ khủng bố, những tín đồ tôn giáo cực đoan và xu hướng ly khai.

Ngày nào mà Trung Quốc chưa xét lại chính sách Hán hóa Tân Cương, lãnh thổ này chỉ ổn định ở bề mặt.

Những mảng tối trong hồ sơ xung đột sắc tộc Tân Cương
Thanh Thủy
Bài đăng ngày 14/07/2009 - Cập nhật lần cuối ngày 14/07/2009 17:01 TU
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/115/article_4198.asp
"Cuộc truy lùng người Duy Ngô Nhĩ tiếp diễn". Đây là hàng tựa lớn trên tờ Libération. Chính quyền tiếp tục chiến dịch truy nã tại các khu phố của người Duy Ngô Nhĩ và ra chỉ thị phải dẫn về đồn bót tất cả những ai thuộc sắc tộc Duy Ngô Nhĩ mà không mang theo giấy tờ chứng nhận tên tuổi trên người

Các vụ xung đột đẫm máu giữa hai sắc tộc Hán và Duy Ngô Nhĩ ngày mùng 5 tháng 7 ở Địch Hoá, thủ phủ Tân Cương, đã làm cho 184 người thiệt mạng và 1680 người bị thương, theo các con số chính thức.
Nhưng Le Monde nhận thấy là một tuần lễ sau các vụ đụng độ, nhiều mảng tối còn bao trùm lên sự cố, khiến cho các nhà báo gặp khó khăn để gửi về những bài tường thuật trung thực.
Đành rằng các đặc phái viên của báo chí ngoại quốc được tạo điều kiện đặc biệt để hành nghề, nhưng những lời giải thích chính thức không đủ để làm sáng tỏ những gì đã xảy vào ngày « chủ nhật đen » của mùng 5 tháng 7. Nhất là các lời chứng tại chỗ trái ngược hoàn toàn với những lời khẳng định của các tổ chức Duy Ngô Nhĩ lưu vong.
Câu hỏi đầu tiên mà Le Monde nêu lên là : chuyện gi đã xảy ra ngày 5 tháng 7 ?
Cuối ngày hôm đó, hàng trăm sinh viên đã tụ tập tại Quảng trường Nhân Dân, ở trung tâm thành phố Địch Hoá, để yêu cầu chính phủ phải mở một cuộc điều tra nhằm tìm hiểu trong điều kiện nào hai công nhân người Duy Ngô Nhĩ đã thiệt mạng trong một vụ đụng độ với người Hán tại một xưởng làm đồ chơi ở tỉnh Quảng Đông.
Vụ đụng độ này đã diễn ra sau khi hai cộng đồng Hán và Duy Ngô Nhĩ đổ lỗi cho nhau là đã hãm hiếp hay tìm cách hãm hiếp một phụ nữ của sắc tộc kia.
Cuộc biểu tình ngày 5 tháng 7 đã bị cảnh sát giản tán một cách thô bạo, theo người Duy Ngô Nhĩ. Trong khi đó chính quyền tuyên bố là đã « thuyết phục được » đám sinh viên hãy chấm dứt cuộc biểu tình. Chính sau đó tình hình mới trở nên xấu đi.
Câu hỏi thứ nhì của Le Monde là : vì sao và bằng cách nào cuộc biểu tình đã được tổ chức ?

Chính quyền không bị bất ngờ trước sự cố xảy ra ngày 5 tháng 7
Theo những lời chứng mà Le Monde đã thu thập được tại trường đại học Địch Hoá, một bức thư ngỏ đã được lưu truyền trên Internet từ nhiều ngày qua, gửi lên ông Nur Bekri, chủ tịch vùng tự trị Tân Cương, yêu cầu lãnh đạo nói tiếng Thổ nhĩ Kỳ cao cấp nhất của vùng, phải nhanh chóng mở một cuộc điều tra về sự cố ở Quảng Đông.
Theo những nhà quan sát ở Bắc Kinh, cơn giận dữ của nhiều người Duy Ngô Nhĩ trên Internet báo hiệu là sẽ có bạo động và chính quyền biết rõ là một chuyện gì đó sẽ xảy ra ngày chủ nhật.
Đối với Le Monde thái độ nhanh nhảu của viên chức bộ ngoại giao đối với các nhà báo ngoại quốc chứng tỏ là chính quyền không hề bị bất ngờ trước các vụ xung đột ngày chủ nhật. Vì, chiều ngày hôm sau, nghĩa là không đầy 24 tiếng đồng hồ sau các cuộc đụng độ, các phóng viên ngoại quốc đến Địch Hóa có sẵn phòng khách sạn với đường dây Internet đặc biệt, và mỗi nhà báo được phát một đĩa CD thu hình ảnh cho thấy mức độ tàn bạo của cuộc nổi loạn.

Một kịch bản giống nhau giữa Tây Tạng và Tân Cương
Câu hỏi thứ ba của Le Monde liên quan đến những điểm giống nhau với tình hình ở Tây Tạng.
Ngày 4 tháng 3 năm 2008, trong vụ nổi loạn tại Lhassa, thủ phủ Tây Tạng, cảnh sát đã để cho người Tây Tạng có thời gian đập phá các cửa tiệm của người Hán trước khi đến can thiệp.
Một kịch bản tương tự đã xảy ra tại Địch Hóa : nhiều nhân chứng người Hán và người Duy Ngô Nhĩ, sống tại nơi xảy ra sự cố đã kể lại là hôm đó mãi sáu tiếng đồng hồ sau, lực lượng bán quân sự của cảnh cát vũ trang nhân dân mới đến tại chỗ.
Theo những lời chứng mà hãng AP đã thu thập được, một đám người Duy Ngô Nhĩ nổi loạn chực sẵn trên con đường chính, đằng sau một hàng rào gồm bao xi măng và họ chặn lại những chiếc xe hơi đi qua đó. Nếu người trong xe là người Hán, họ đánh đập và đốt phá chiếc xe.

Số nạn nhân ở Tân Cương ?
Câu hỏi cuối cùng của Le Monde là có báo nhiêu nạn nhân.
Con số chính thức là 184 người thiệt mạng, trong đó có 137 người Hán, và 1680 người bị thương. Nhưng tại bệnh viện nhân dân Địch Hoá, một bác sĩ xin giấu tên đã công nhận là có rất nhiều người Duy Ngô Nhĩ bị bắn trúng thương. Điều này chứng minh là các nạn nhân đầu tiên đúng là người Hán bị người Duy Ngô Nhĩ tấn công. Còn phần lớn người Duy Ngô Nhĩ có lẽ đã bị thương tích hay bị thiệt mạng do bị trúng đạn của cảnh sát.
Đồng thời người bác sĩ kể trên nói thêm là có 24 người Duy Ngô Nhĩ và 8 người Hán đã được đưa vào bệnh viện cuối ngày mùng 7 tháng 7, tức là ngày mà hàng ngàn người Hán đã biểu tình trả đũa. Trong số những người bị thương hôm đó có ba người thiệt mạng, nhưng con số này không nằm trong một bản tổng kết nào cả.

Người Duy Ngô Nhĩ bị truy lùng ráo riết
« Cuộc truy lùng người Duy Ngô Nhĩ tiếp diễn » : đây là hàng tựa lớn trên tờ Libération. Theo các số của chính quyền Trung Quốc, trong cuộc đụng độ sắc tộc ngày 5 tháng 7 vừa qua tại Địch Hoá, số nạn nhân người Hán là 137, tức gấp ba số nạn nhân người Duy Ngô Nhĩ, 46 người. Do vậy mà cuộc truy nã « những tên côn đồ đòi ly khai » đang được tiến hành một cách ráo riết tại các khu của người Duy Ngô Nhĩ.
Các chốt kiểm soát được thiết lập trên tất cả các con đường và chính quyền ra chỉ thị phải dẫn về đồn bót tất cả những ai thuộc sắc tộc Duy Ngô Nhĩ và không mang theo giấy tờ chứng nhận tên tuổi trên người.
Thứ sáu vừa qua, ngày cầu nguyện của người Hồi giáo, một sắc lệnh buộc phải đóng cửa tất cả các ngôi đền trong thành phố, và tín đồ Hồi giáo được « yêu cầu đọc kinh ờ nhà ». Nhưng có khoảng 100 người Hồi giáo đã trải thảm trước ngôi đền chính để tụ tập cầu nguyện, buộc cảnh sát phải mở cửa ngôi đền để tránh một cuộc tập hợp mà lực lượng an ninh không kiểm soát được.

Chính quyền Trung Quốc lo ngại ảnh hưởng của Hồi giáo quá khích
Theo Libération, điều mà giờ đây chính quyền lo ngại là biến những người Hồi giáo ở Tân Cương, vốn lâu nay có tiếng là rất ôn hoà và khoan dung, trở thành đồ đệ của một thứ Hồi giáo cực đoan và quá khích.
Về phần người Hán đến lập nghiệp ở Tân Cương, đa số thực tâm nghĩ rằng người Duy Ngô Nhĩ hài lòng với sự phát triển kinh tế mà chính quyền địa phương thường xuyên ca ngợi, và họ không hiểu được phản ứng hung hãn của người Duy Ngô Nhĩ. Họ không hề nghe nói đến tâm trạng bất mãn thường xuyên của người Duy Ngô Nhĩ vốn giờ đây trở thành thiểu số trên quê hương của mình và không có nhiều khả năng làm giàu.

No comments: