Sunday, July 12, 2009
THÔNG ĐIỆP ĐỘC HẠI CỦA WALL STREET
Thông điệp độc hại của Wall Street
Joseph Eugene Stiglitz
Đăng ngày 11/07/2009 lúc 16:31:09 EDT
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3939
Khi cuộc khủng hoảng kinh tế chấm dứt, thanh danh của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa theo kiểu mẫu Hoa Kỳ sẽ bị tổn hại – chính yếu do sự khác biệt giữa lý thuyết thường được rao giảng và thực tiễn hành động của Washington. Vỡ mộng, các quốc gia kém phát triển quay lưng lại với nền tảng thị trường tự do, đó là lời cảnh báo của kinh tế gia đoạt giải Nobel Joseph Eugene Stiglitz, trong bài viết về những hiểm nguy mới đe doạ sự ổn định thế giới và nền an ninh Hoa Kỳ.
-------------------------------------
Mọi cuộc khủng hoảng rồi cũng qua đi – và cho dù có thê lương như cuộc khủng hoảng hiện nay thì cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay cũng sẽ qua đi. Thế nhưng không cuộc khủng hoảng kinh tế nào, đặc biệt là cuộc khủng hoảng khắc nghiệt lần này, trôi qua mà không để lại những di sản tệ hại. Một trong những di sản này là cuộc tranh cãi toàn cầu về các học thuyết kinh tế – mô hình nào sẽ đem lại phúc lợi cao nhất cho người dân. Hơn bất kỳ nơi nào khác, Thế giới thứ ba. là chiến địa gay gắt nhất cho cuộc tranh cãi này, trong số 80% dân số thế giới đang sống ở Châu Á, Châu Mỹ Latin, và Châu Phi, có đến 1.4 tỉ người đang sống với nguồn thu nhập ít ỏi $1.25/ngày. Ở Hoa Kỳ, bêu xấu một người có khuynh hướng xã hội có thể chỉ là lời phê bình rẻ tiền. Thế nhưng, ở hầu hết những nơi khác trên thế giới, cuộc chiến giữa đường hướng tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa – hoặc những gì mà người Hoa Kỳ cho là thuộc xã hội chủ nghĩa – vẫn còn tiếp diễn khốc liệt. Có lẽ không có kẻ thắng trong cuộc khủng hoảng kinh tế hiện thời, mà chỉ có người thua, và người thua đậm nhất lại là những người chủ trương đường lối kinh tế tư bản chủ nghĩa kiểu Mỹ. Điều này có tầm quan trọng cho tương lai cuộc sống chúng ta.
Khi Bức Tường Bá Linh sụp đổ vào năm 1989, là dấu mốc chấm hết của ý thức hệ cộng sản. Đúng thế, thực trạng tồi tệ của chủ nghĩa cộng sản đã phơi bày rõ nét suốt nhiều thập niên trước rồi. Và sau năm 1989, thật khó có ai dám mở lời biện hộ cho học thuyết cộng sản chủ nghĩa. Đồng nghĩa với sự thất bại của chủ nghĩa cộng sản là sự lên ngôi khải hoàn của chủ nghĩa tư bản, đặc biệt là đường hướng kinh tế tư bản kiểu Mỹ. Francis Fukuyama [1] hờ hởi tuyên bố đây là “hồi kết của lịch sử”, xác định nền kinh tế thị trường định hướng dân chủ tư bản là hồi kết của kịch bản thăng tiến xã hội, và nhận định nhân loại đang hướng theo đường hướng này. Thật ra, các sử gia sẽ đánh dấu mốc 20 năm kể từ năm 1989 là thời kỳ hoàng kim ngắn ngủi của Hoa Kỳ. Thời kỳ này đã chấm dứt với sự sụp đổ của hàng loạt các ngân hàng và tập đoàn tài chính khổng lồ, đi cùng với những nỗ lực cứu vãn nền kinh tế chao đảo và hỗn loạn. Nó cũng đã kết thúc cuộc tranh luận về khái niệm “thị trường chính thống”, một khái niệm đã từng chủ trương rằng chỉ cần những thị trường không bị ràng buộc là có thể thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng và đem lại thịnh vượng. Ngày nay, chỉ có những kẻ giả dối mới lý sự rằng nền kinh tế sẽ tự điều chỉnh, hay chính chúng ta phải dựa vào hành vi tư lợi của các thành phần kinh tế để bảo đảm nền kinh tế sẽ vận hành một cách trung thực và đúng đắn.
Cuộc tranh luận kinh tế có vai trò đặc thù cho các quốc gia thuộc Thế giới thứ ba. Dẫu rằng người phương Tây chúng ta thường hay quên, 190 năm trước đây, 1/3 GDP của thế giới xuất phát từ Trung Quốc. Nhưng sau đó, thật bất ngờ, sự bóc lột của chế độ thuộc địa cùng những thoả thuận thương mại bất công, kết hợp với cuộc cách mạng kỹ thuật ở Âu Châu và Hoa Kỳ, nền kinh tế phương Tây đã bỏ xa các nước đang phát triển. Cho đến năm 1950, nền kinh tế Trung Hoa chỉ đạt dưới 5% GDP toàn thế giới. Vào khoảng giữa thế kỷ 19, Vương quốc Anh và Pháp quốc đã tiến hành một cuộc chiến tranh để đưa Trung Hoa vào thương trường quốc tế. Đây là cuộc chiến tranh Nha phiến lần thứ II, được gọi tên như vậy bởi vì người phương Tây chẳng có thứ gì giá trị hơn là thuốc phiện để đem vào thị trường Trung Hoa. Cuộc chiến tranh này đã đổ những thứ rác rưởi vào thị trường Trung Hoa, và góp phần làm lan tràn thói nghiện ngập. Đây chính là nỗ lực đầu tiên của người phương Tây trong việc điều chỉnh cán cân thương mại.
Chủ nghĩa thực dân để lại một di sản phức tạp cho các nước thuộc địa – mà hệ luỵ rõ ràng là người dân thuộc địa được xem là bị bóc lột thậm tệ. Trong số những đường lối dẫn dắt để thoát khỏi chủ nghĩa thực dân, học thuyết Marxist đã dẫn chứng kinh nghiệm cho một lý giải; nó đưa ra giả thuyết cho rằng sự bóc lột là nền tảng căn bản của hệ thống tư bản chủ nghĩa. Các nước thuộc địa giành được độc lập chính trị sau cuộc chiến tranh Thế giới lần II đã không thoát khỏi tình trạng thuộc địa kinh tế. Ở những vùng như Châu Phi, tệ nạn bóc lột quá hiển nhiên – đó là sự vơ vét tài nguyên thiên nhiên và sự tàn phá môi trường với cái giá thật rẻ mạt. Một vài nơi khác, hiện tượng bóc lột còn xảo quyệt hơn nhiều. Tại nhiều nơi trên thế giới, những thể chế đa quốc gia như Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) và Ngân Hàng Thế Giới (World Bank) được xem như là những công cụ của quyền lực thực dân hiện đại. Những thể chế này thúc đẩy nền kinh tế thị trường chính thống (thường được gọi là “nền kinh tế thị trường tự do kinh điển”), một khái niệm được Hoa Kỳ lý tưởng hoá qua châm ngôn “thị trường tự do và không ràng buộc”. Họ nhấn mạnh đến việc bãi bỏ các luật lệ trong lãnh vực tài chính, tư nhân hoá và mở rộng thị trường tự do.
World Bank và IMF nói rằng tất cả những gì họ đã và đang làm chỉ để giúp ích cho sự phát triển Thế giới thứ ba.. Họ được sự trợ lực của đội ngũ các kinh tế gia ủng hộ thị trường tự do, mà nhiều người xuất thân từ Viện Đại Học Chicago, thánh địa của nền kinh tế thị trường tự do. Nhưng cuối cùng, các chương trình của những “môn đồ Chicago” đã không đem lại kết quả như mong muốn. Thu nhập đình đốn. Ở những nơi tăng trưởng, chỉ có tầng lớp đặc quyền đặc lợi được hưởng. Những cuộc khủng hoảng kinh tế riêng biệt tại các nước ngày càng xảy ra thường xuyên hơn – với mức độ khốc liệt dữ dội hơn gấp trăm lần so với những cuộc khủng hoảng trong quá khứ cách nay 30 năm.
Không nên quá ngạc nhiên khi người dân các nước đang phát triển càng ngày càng đặt nghi vấn vào sự giúp đỡ với tấm lòng vị tha của người phương Tây. Họ hoài nghi về những ngôn từ hoa mỹ từng là nền tảng của thị trường tự do – được mệnh danh ngắn gọn là “đồng thuận Washington” [2] – đó chỉ là tấm bình phong che đậy quyền lợi thương mại ích kỷ và cổ lỗ. Sự ngờ vực này được củng cố bởi thái độ đạo đức giả phương Tây. Châu Âu và Hoa Kỳ đã không mở rộng thị trường của họ cho những mặt hàng nông sản của các nước thuộc Thế giới thứ ba., mà nông sản là tất cả những gì mà những nước nghèo có để chào bán. Họ cưỡng ép các nước phát triển khước từ nguồn trợ cấp công để kiến tạo những nghành công nghiệp mới, trong khi đó Tây Âu vẫn cung cấp những khoản trợ cấp khổng lồ cho các nông gia của họ.
Tư tưởng nền kinh tế thị trường tự do đã trở thành lời bào chữa cho sự tha hoá của tình trạng bóc lột. “Tư nhân hoá” có nghĩa là những người ngoại quốc có quyền mua những quặng mỏ và những giếng dầu của những nước phát triển với giá bèo. Nó cũng có nghĩa là người ngoại quốc được hưởng những lợi nhuận khổng lồ từ địa vị độc quyền hoặc gần như độc quyền, trong những nghành như viễn thông. “Mở rộng thị trường tự do” có nghĩa là họ được hưởng mức lời cao ngất trên những khoản tín dụng cho vay – và khi những khoản cho vay trở thành những món nợ khó đòi, thì IMF cưỡng ép xã hội hoá các khoản mất mát, có nghĩa rằng toàn thể người dân phải gánh chịu sự bòn rút để bù đắp cho khoản nợ xấu đó. Tự do hoá thị trường cũng có nghĩa là những người ngoại quốc chắc hẳn sẽ quét sạch những nghành công nghiệp non trẻ, triệt tiêu sự phát triển của những doanh nghiệp tiềm năng. Trong khi nguồn vốn được tuôn chảy tự do, mà nguồn nhân lực thì không – ngoại trừ phần lớn những người có tài năng thật sự, những người này tìm được những công việc khá tốt trong thương trường toàn cầu hoá.
Toàn cảnh bức tranh này quá rõ ràng với đường nét vẽ của cây cọ thô thiển. Tuy nhiên, lúc nào cũng có một vài quốc gia, nhất tại Á Châu, kháng cự lại “đồng thuận Washington”. Họ đặt ra những rào cản hạn chế nguồn vốn chảy vào. Hai gã khổng lồ của Châu Á – Trung Hoa và Ấn Độ – quản lý nền kinh tế theo cách riêng của họ, và đã tạo được sự tăng trưởng chưa từng có. Còn những nơi khác, đặc biệt tại những quốc gia trong tầm ảnh hưởng của World Bank và IMF, thì mọi thứ đều không khá hơn.
Khắp mọi nơi, cuộc tranh luận về các học thuyết kinh tế vẫn tiếp diễn. Ngay cả tại những quốc gia lèo lái nền kinh tế khá tốt, giới có học vấn và có ảnh hưởng ngày càng tin chắc rằng các luật chơi không công bằng. Họ tin tưởng rằng họ đã thành công bất chấp những điều luật không công bằng, và họ tỏ ra cảm thông những quốc gia bè bạn trong khối các nước kém phát triển đã vấp phải thất bại.
Đối với các quốc gia thuộc Thế giới thứ ba. vẫn thường chỉ trích đường lối kinh tế tư bản kiểu Mỹ, phương cách giải quyết khủng hoảng kinh tế hiện thời của Hoa Kỳ là giọt nước làm tràn ly. Trở về quá khứ, trong suốt cuộc khủng hoảng tại Đông Á vào thập niên trước, Hoa Kỳ và IMF đã yêu cầu các quốc gia bị ảnh hưởng phải cố giảm bớt thâm thủng ngân sách bằng cách cắt giảm chi tiêu – cho dù là, như tại Thái Lan, việc cắt giảm này góp phần làm hồi sinh đại dịch AIDS, hoặc tại Nam Dương, việc cắt giảm này cướp đi nguồn trợ cấp thực phẩm cho người nghèo đói. Hoa Kỳ và IMF còn ép buộc các nước này gia tăng lãi xuất, trong vài trường hợp có nơi lãi xuất tăng lên đến 50%. Họ lên lớp diễn giải cho Nam Dương nên có thái độ cứng rắn đối với các ngân hàng – và yêu cầu chính quyền không can thiệp để bảo trợ. Hoa Kỳ và IMF đã cảnh cáo rằng làm ngược lại những lời khuyên này sẽ là một tiền lệ can thiệp khủng khiếp… tương tự như một sự can thiệp quá trớn vào hệ thống siêu việt của đồng hồ Thuỵ Sĩ [3].
Thật không dễ gì làm ngơ trước sự tương phản hoàn toàn giữa cách giải quyết cuộc khủng hoảng ở Đông Á và Hoa Kỳ. Để kéo Hoa Kỳ ra khỏi vũng lầy, chúng ta đang chứng kiến việc bội chi ồ ạt và ngân sách bị thâm thủng cạn kiệt, ngay cả khi lãi xuất được kéo xuống đến 0%. Chính quyền đang tả xung hữu đột cứu vớt các ngân hàng. Cũng những viên chức ở Washington từng đối phó với cuộc khủng hoảng ở Đông Á, bây giờ đang lèo lái để hồi phục cuộc khủng hoảng ở Hoa Kỳ. Tại sao, người dân thuộc Thế Giới Thứ Ba đang tự hỏi, tại sao Hoa Kỳ đang sử dụng loại dược phẩm khác biệt cho cùng một căn bệnh?
Vẫn có nhiều quốc gia kém phát triển đang còn nhức nhối bởi sự ức hiếp mà họ đã nhận lãnh qua nhiều năm tháng: họ phải chấp nhận những định chế của Hoa Kỳ, phải theo đuổi chính sách của chúng ta, phải tiến hành bãi bỏ những luật lệ, mở rộng thị trường của họ cho các ngân hàng Hoa Kỳ để họ có thể học hỏi những thực hành “tuyệt hảo” trong công việc, và (không phải là một trùng hợp ngẫu nhiên) trong suốt cuộc khủng hoảng họ phải bán thống bán tháo các hãng xưởng và ngân hàng cho Hoa Kỳ, đặc biệt với cái giá chữa cháy bèo bọt. Đúng vậy, Washington lên lớp, điều này thật đau đớn, nhưng rồi cuối cùng bạn sẽ cảm thấy tốt hơn. Hoa Kỳ gởi các chức trách thuộc Bộ Tài Chính (của lưỡng đảng) đi khắp nơi để loan báo điều này. Trong ánh mắt ngưỡng mộ của nhiều quốc gia kém phát triển, các nhà lãnh đạo tài chính Hoa Kỳ có thể khởi hành từ Wall Street (khu vực tài chính tư nhân) để tiến đến Washington (để tham chính). Họ cũng có thể đi ngược lại. Qua cánh cửa xoay vòng này, họ có thêm nhiều tín nhiệm vì những người này dường như đã dung hoà được sức mạnh của đồng tiền với quyền lực chính trị. Giới lãnh đạo tài chính Hoa Kỳ đã có lý khi tin tưởng rằng những điều gì tốt cho Hoa Kỳ hoặc tốt cho thế giới thì cũng tốt cho thị trường tài chính. Thế nhưng họ đã sai lầm khi quan niệm rằng điều trái ngược, những điều gì tốt cho Wall Street thì cũng tốt cho Hoa Kỳ và cho thế giới.
Không thích vui sướng trước nỗi đau của người khác, là động lực mãnh liệt thúc đẩy các quốc gia đang phát triển nghiên cứu kỹ lưỡng sự lụn bại của nền kinh tế Hoa Kỳ, để rút tỉa những điều cần thiết cho mình trong tương lai. Quả thực, những quốc gia này đang phấn khích quan sát sự hồi phục nhanh chóng của nền kinh tế Hoa Kỳ. Họ biết họ không có khả năng để làm những gì như Hoa Kỳ đã làm để hồi sinh. Họ biết rằng tổng số tiền bội chi đã không giúp cho nền kinh tế hồi phục nhanh hơn. Họ biết rõ ảnh hưởng dây chuyền lan toả từ sự suy thoái kinh tế ở Hoa Kỳ đã đẩy hơn 200 triệu người vào cảnh bần cùng trong một thời gian quá ngắn, chỉ một vài năm. Và họ ngày càng nhận thức rằng hãy lánh xa bất kỳ mẫu mực lý tưởng nào mà Hoa Kỳ theo đuổi, hơn là ôm ấp lấy chúng.
Tại sao chúng ta phải lo lắng trước hiện tượng thế giới vỡ mộng về kiểu mẫu tư bản chủ nghĩa Hoa Kỳ? Tư tưởng chúng ta đề xướng đã bị lu mờ, nhưng có lẽ là một điều tốt khi sự lu mờ này khó mà gột rửa. Phải chăng chúng ta không thể tồn tại – ngay cả khi mọi việc khả quan hơn – nếu không có ai gắn bó với tư tưởng của chúng ta?
Điều chắc chắn là tầm ảnh hưởng của chúng ta sẽ suy giảm, giống như vai trò kiểu mẫu của chúng ta đã giảm thiểu. Dầu sao, đây là một xu hướng khó tránh được. Hoa Kỳ thường đóng vai trò chủ chốt trong việc nắm giữ nguồn vốn toàn cầu bởi vì người ta tin tưởng chúng ta có khả năng đặc biệt trong việc quản trị rủi ro và trong phương cách phân phối nguồn vốn hữu hiệu. Không ai nghĩ ra rằng, hiện tại Châu Á – là nơi cất giữ nguồn vốn tiết kiệm nhiều nhất trên thế giới – đã tự gầy dựng cho mình một trung tâm tài chính. Chúng ta không còn là nhân vật chính nắm giữ nguồn vốn. Ba ngân hàng lớn nhất thế giới hiện nay là của Trung Hoa. Ngân hàng lớn nhất của Hoa Kỳ đã tụt xuống hạng thứ 5.
Một thời gian dài đồng dollar là nguồn ngoại tệ dự trữ – các quốc gia cất giữ đồng dollar để bảo chứng cho đồng tiền và chính thể của mình. Thế nhưng dần dần, các Ngân hàng Quốc gia trên thế giới đã nhận ra rằng có lẽ đồng dollar chưa chắc đã là đơn vị dự trữ an toàn. Giá trị đồng dollar xuống dốc với chiều hướng giao động cao. Trong suốt cuộc khủng hoảng, số tiền nợ của Hoa Kỳ vùn vụt tăng nhanh đến khủng khiếp, cùng với sự can thiệp và cho vay ồ ạt của Cục Dự Trữ Liên Bang, đã làm dâng cao mối âu lo cho tương lai của đồng dollar. Người Trung Hoa đã phát họa sáng kiến sử dụng một đồng tiền khác làm ngoại tệ dự trữ thay thế cho đồng dollar.
Trong lúc đó, cái giá để giải quyết cuộc khủng hoảng thì tuôn đổ ồ ạt vào những nơi không cần thiết. Chúng ta chưa bao giờ hào phóng trong việc giúp đỡ các nước nghèo. Và những vấn đề cốt yếu đã trở nên tồi tệ hơn. Trong những năm gần đây, người Trung Hoa đã đầu tư vào cơ sở hạ tầng tại Châu Phi nhiều hơn cả nguồn đầu tư của World Bank và Ngân hàng Phát triển Phi Châu cộng lại. Điều này chứng tỏ sự còi cọc của Hoa Kỳ. Các nước Phi Châu đang hướng về Bắc Kinh, chứ không phải về Washington, để tìm sự trợ giúp trong cơn khủng hoảng.
Nhưng ở đây, tôi quan tâm nhiều hơn đến lãnh vực tư tưởng. Điều làm tôi lo lắng là các nước kém phát triển chắc hẳn sẽ rút ra những kết luận sai lầm sau khi họ đã nhận diện khá rõ ràng những nhược điểm của hệ thống quản lý kinh tế và xã hội Hoa Kỳ. Một vài quốc gia – có lẽ cả Hoa Kỳ – sẽ phải học những bài học quý giá. Họ sẽ hiểu rõ điều cần thiết cho sự thành công chính là một thể chế bảo đảm được sự cân bằng giữa thị trường và chính quyền, một nhà nước có khả năng điều tiết một cách hữu hiệu. Họ hiểu rằng phải hạn chế tối đa vấn đề đặc quyền đặc lợi.
Thế nhưng, đối với nhiều quốc gia khác, hậu quả sẽ là xáo trộn lớn cùng nhiều thảm cảnh nhức nhối. Sau những thất bại thê lương, các nước Cộng sản cũ hầu hết quay sang hệ thống kinh tế tư bản chủ nghĩa, thay thế thần tượng Karl Marx bằng Milton Friedman. Giáo phái mới cũng không giúp họ trở nên khá giả hơn. Từ đó, có lẽ nhiều quốc gia sẽ kết luận rằng không những tư bản thả lỏng, theo kiểu mẫu Hoa Kỳ, đã thất bại mà ngay cả khái niệm tự do kinh tế thị tường cũng đã thất bại, và quả thực họ không thể áp dụng khái niệm này trong mọi hoàn cảnh. Mô hình kinh tế Cộng sản không thể quay trở lại, nhưng sẽ xuất hiện, dưới nhiều hình thức, hiện tượng can thiệp quá trớn vào thị trường. Và tất cả các hình thức can thiệp trên rồi sẽ thất bại. Người nghèo đã chịu tổn thất dưới nền kinh tế tự do chính thống – chúng ta có dòng chảy kinh tế hướng lên chứ có hướng xuống bao giờ đâu. Tuy nhiên người nghèo sẽ chịu tổn thất thêm lần nữa dưới những thể chế mới vì chúng chẳng đem lại tăng trưởng. Không có tăng trưởng thì sẽ không có giảm thiểu sự nghèo nàn. Chưa có nền kinh tế nào thành công mà không biết nương tựa triệt để vào thị trường. Cảnh bần cùng sẽ tạo ra bất mãn chống đối. Sự suy thoái không tránh khỏi, và rất khó khăn để quản lý, sẽ bội phần khó khăn nếu những người chấp chính dựa vào cơn thịnh nộ chống lại tư bản chủ nghĩa kiểu Mỹ. Tình trạng này chỉ tạo ra nhiều bần cùng hơn nữa. Hệ quả cho sự ổn định của thế giới và nền an ninh của Hoa Kỳ đã quá rõ ràng.
Đã có một thời hiện hữu sự chia sẻ những giá trị giữa Hoa Kỳ và tầng lớp ưu tú khắp nơi trên thế giới. Cuộc khủng hoảng kinh tế đã làm xói mòn sự tín nhiệm vào tầng lớp ưu tú này. Chúng ta đã cung cấp quá nhiều đạn dược cho những ai có xu hướng chỉ trích và chống lại sự phóng túng bừa bãi của chủ nghĩa tư bản. Với những quân trang và quân dụng này, họ đã gia tăng giảng thuyết cho triết lý chống phá nền kinh tế thị trường. Và chúng ta tiếp tục viện trợ cho họ thêm thật nhiều những lý lẽ để công kích. Trong khi chúng ta tự cam kết tại hội nghị G-20 vừa qua sẽ không đi vào lối mòn của chế độ bảo hộ mậu dịch, thế mà chúng ta lại đưa điều khoản “mua hàng Mỹ” vào trong gói kích cầu kinh tế của chúng ta. Và rồi, để xoa dịu sự chống đối đến từ những đồng minh Âu Châu, chúng ta đã sửa đổi lại điều khoản này, với hệ luỵ là những phân biệt đối xử chỉ còn ảnh hưởng xấu đến các nước nghèo mà thôi. Toàn cầu hoá làm cho chúng ta phụ thuộc lẫn nhau nhiều hơn; những gì xảy ra ở một phần thế giới cũng sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến phần còn lại – sự kiện lây lan những khó khăn kinh tế của chúng ta là một dẫn chứng rõ ràng. Để giải quyết mọi vấn đề một cách toàn diện, phải có ý thức cộng tác và sự tin cậy, kể cả ý thức về chia sẻ một số giá trị. Sự tin tưởng này chưa bao giờ đủ mạnh, mà nó lại yếu đi từng giờ.
Niềm tin vào dân chủ lại là một nạn nhân khác nữa. Trong thế giới kém phát triển, người ta nhìn vào Washington và thấy cả một hệ thống chính quyền cho phép Wall Street tự đặt ra những luật lệ thuận lợi cho riêng mình. Chính những luật lệ đó đã đem lại rủi ro cho toàn bộ nền kinh tế thế giới – và rồi, khi cái ngày suy sụp được báo trước đó đến, nhà nước lại uỷ nhiệm cho Wall Street vai trò quản lý để phục hồi kinh tế. Người ta thấy sự tái phân bổ tài sản lên đỉnh của kim tự tháp vẫn tiếp diễn trong thanh thiên bạch nhật và ngược lại với phúc lợi của thường dân. Nói tóm lại, người ta thấy một số vấn đề cốt lõi của trách nhiệm chính trị trong hệ thống dân chủ Hoa Kỳ. Sau khi thấy được tất cả các điều đó, và tất nhiên không sao tránh khỏi, chỉ cần một bước ngắn để đúc kết rằng có cái gì đó không ổn ngay trong nền tảng của dân chủ.
Nền kinh tế Hoa Kỳ rồi cũng sẽ phục hồi. Ở một chừng mực nào đó, địa vị của chúng ta trên bàn cờ thế giới rồi cũng sẽ phục hồi. Hoa Kỳ là một quốc gia được thế giới ngưỡng mộ từ lâu, và chúng ta vẫn giàu có nhất. Dầu muốn hay không, mỗi hành động của chúng ta đều là đối tượng của từng phút thẩm tra nghiên cứu. Thành công của chúng ta đem lại ganh đua. Thất bại của chúng ta được đánh giá với con mắt miệt thị. Điều này đem tôi trở lại với ý tưởng của Francis Fukuyama. Ông ta đã sai lầm khi nghĩ rằng sức mạnh của nền dân chủ tự do và khả năng của kinh tế thị trường tất thắng, và không thể đảo ngược lại. Thế nhưng ông ta không sai khi tin tưởng rằng dân chủ và động lực của thị trường là điều kiện cốt yếu cho công bằng và cho phồn vinh của thế giới. Cuộc khủng hoảng kinh tế, mà nguyên do chính xuất phát từ cách hành xử của Hoa Kỳ, đã làm tổn hại những giá trị căn bản hơn bất kỳ một chế độ chuyên chế nào từ trước đến giờ. Có lẽ đúng là thế giới đang hướng đến hồi kết của lịch sử, thế nhưng thế giới hiện đang cố lèo lái ngược lại với trận cuồng phong, trên tiến trình chúng ta đã tự sắp đặt.
Joseph E. Stiglitz (kinh tế gia đoạt giải Nobel, Giáo sư trường Đại Học Columbia)
Nguồn: Vanity Fair, Tháng 7/2009
Hoàng Vũ chuyển ngữ
Chú thích thêm của người dịch:
[1] Francis Fukuyama, Giáo Sư, Triết gia, tác giả cuốn sách The End of History and the Last Man
[2] “The Washington consensus” (Đồng thuận Washington), theo định nghĩa của Wikipedia: “Đây là tên gọi của chương trình gồm mười chính sách cải cách kinh tế giúp các nước phát triển vượt qua khủng hoảng kinh tế của Washington dựa trên các thể chế IMF, World Bank, và US Treasury Department, được khởi xướng bởi kinh tế gia John Williamson vào năm 1989. Chính sách này đã bị kinh tế gia George Soros và Joseph E. Stiglitz, các chính trị gia Châu Mỹ Latin và các kinh tế gia thuộc phái không chính thống chỉ trích gay gắt. Tại hội nghị G-20 ở London năm 2009, Thủ tướng Gordon Brown tuyên bố chính sách kinh tế này đã bị khai tử”.
[3] Hệ thống thị trường tự do được vinh danh và so sánh như hệ thống hoàn hảo của đồng hồ Thuỵ Sĩ.
© Thông Luận 2009
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment