Tuesday, July 7, 2009
RA MẮT ĐV NAM PHONG TẠP CHÍ của PHẠM QUỲNH
Ra mắt DVD toàn bộ Nam Phong Tạp Chí của Phạm Quỳnh
Trần Danh Thăng/Người Việt
Monday, July 06, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=97582&z=3
‘Một tư trào mới’ để hòa nhập thay vì bị đồng hóa
WESTMINSTER (NV) - Hơn một trăm văn nghệ sĩ, nhân sĩ đã tham dự buổi ra mắt tác phẩm toàn bộ Nam Phong Tạp Chí qua hình thức DVD của học giả Phạm Quỳnh tại Viện Việt Học vào chiều ngày Chủ Nhật 28 Tháng Sáu 2009. Ðặc biệt có sự hiện diện của ông Phạm Tuân và gia đình, người con út của học giả Phạm Quỳnh. Cô Kim Ngân điều hợp chương trình.
Giáo Sư Trần Gia Phụng nói về bối cảnh ra đời của bộ Nam Phong Tạp Chí. (Hình: Trần Danh Thăng/Người Việt)
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/97582-medium_NVHN-090706-NAM%20PHONG%201.jpg
Từ bên phải, ông Phạm Tuân, Giáo Sư Trần Ngọc Ninh, phu nhân Giáo Sư Nguyễn Khắc Hoạch, ông Nguyễn Phúc Bửu Tập, Giáo Sư Lê Văn. (Hình: Trần Danh Thăng/Người Việt)
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/97582-medium_NVHN-090706-NAM%20PHONG%202.jpg
Giáo Sư Lê Bảo Xuyến cho biết toàn bộ văn nghiệp của học giả Phạm Quỳnh đều nằm ở trong bộ Nam Phong Tạp Chí xuất bản vào khoảng đầu thế kỷ 20. Bộ Nam Phong Tạp Chí đã thực hiện một công tác rất là quan trọng là chuyển nền văn học Việt Nam qua dạng chữ Quốc ngữ đồng thời cũng kiện toàn chữ Quốc ngữ phổ biến dễ dàng đến quảng đại quần chúng từ Nam ra Bắc. Nam Phong Tạp Chí còn giới thiệu nền học thuật Âu Á mà các học giả Dương Quảng Hàm và Thiếu Sơn gọi Nam Phong Tạp Chí là ngọn đèn trí tuệ.
Diễn giả tiếp theo trong chương trình là Giáo Sư Trần Gia Phụng từ Canada sang, hiện là giáo sư về Sử học của Viện Việt Học. Giáo Sư Trần Gia Phụng được giới thiệu như là một nhà nghiên cứu lịch sử, đặc biệt là lịch sử Việt Nam. Ông đã trước tác nhiều tác phẩm giá trị về lịch sử và văn học. Tác phẩm mới nhất của ông là Việt Sử Ðại Cương Tập 5 (1945-1954) vừa xuất bản.
Ông nói về đề tài hoàn cảnh xuất bản báo Nam Phong Tạp Chí. Ông nói Nam Phong Tạp Chí do Phạm Quỳnh (1892-1945) làm chủ nhiệm kiêm chủ bút, xuất bản số đầu tiên vào ngày 1 Tháng Bảy 1917 và số cuối cùng vào Tháng Mười Hai 1934 với 210 số báo. Hoàn cảnh lịch sử Việt Nam lúc bấy giờ đang bị đặt dưới sự bảo hộ của Pháp. Nhiều nhà cách mạng Việt Nam thành lập các phong trào Ðông Du, Duy Tân... tìm đường cứu nước bị Pháp trấn áp dữ dội ngay trong bối cảnh Thế Chiến Thứ I xẩy ra.
Ngoài ra dân tộc Việt Nam vốn từ lâu theo Tam giáo đồng nguyên Phật, Nho, Lão đã phản ứng dữ dội và gay gắt trước văn hóa Tây phương đang ồ ạt tràn vào Việt Nam.
Giáo Sư Trần Gia Phụng cho biết trước hoàn cảnh phải chọn lựa thay vì bị đồng hóa (assimilation) thì chỉ còn có con đường hòa nhập văn hóa (acculturation). Trong giai đoạn giao thời, Nam Phong Tạp Chí đã ra đời xuất bản bằng chữ Nho và chữ Quốc ngữ, tiếp tục cải cách nhẹ nhàng con đường hòa nhập văn hóa Á-Âu như lời của Phạm Quỳnh trong Nam Phong Tạp Chí số 1: “Cái mục đích của bản báo là muốn gây một nền học mới để thay vào cái nho học cũ cùng đề xướng lên một tư trào mới hợp với thời thế và trình độ dân ta.”
Dần dần cùng với xu thế của lịch sử thế giới thay đổi, các báo chí ở miền Nam nở rộ với chữ Quốc ngữ được phổ biến đã lan nhanh ra miền Bắc.
Từ báo chí bằng chữ Quốc ngữ dần dần được nhiều người đọc dẫn đến những người viết tiểu thuyết do nhà văn Hồ Biểu Chánh xuất bản đầu tiên ở trong Nam 1912 và đến năm 1927, tiểu thuyết đầu tiên ở Bắc kỳ xuất bản là Tố Tâm của nhà văn Song An Hoàng Ngọc Phách.
Giáo Sư Trần Gia Phụng nói Nam Phong Tạp Chí ra đời trong giai đoạn đất nước bị bảo hộ với nền văn hóa Pháp và Tây phương áp đặt lên xã hội Việt Nam. Nam Phong Tạp Chí là gạch nối giao thời giữa nền văn học chữ Nho và chữ Quốc ngữ. Nam Phong Tạp Chí và học giả Phạm Quỳnh đã là những người tiên phong cho cuộc hòa nhập văn hóa và đóng góp tích cực cho nền văn hóa và văn học Việt Nam.
Tiếp theo Giáo Sư Trần Ngọc Ninh nói Nam Phong Tạp Chí như là một di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam vào đầu thế kỷ 20, một kho tàng về học thuật mà Việt Nam du nhập được từ văn hóa và văn học Tây phương.
Giáo Sư Nguyễn Văn Sâm nói về những giá trị văn chương của bộ Nam Phong Tạp Chí trong giai đoạn giao thời của lịch sử mà các nhà văn học sử có một cái nhìn đứng đắn và sự quan trọng của bộ Nam Phong Tạp Chí như là giai đoạn chuyển tiếp từ chữ Nho sang chữ Quốc ngữ cùng với những trào lưu tư tưởng mới của Âu Tây đưa vào trong văn học Việt Nam vào đầu thế kỷ 20.
Ban tổ chức cũng nói đến công trình sưu tầm bộ Nam Phong Tạp Chí được thực hiện với rất nhiều thời gian truy lùng trong các thư viện của thế giới.
Bộ DVD-Rom được thực hiện qua 6 đĩa được các thư viện ở Hoa Kỳ đặt mua, trong đó có cả Thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ.
Liên lạc Viện Việt Học: (714) 775-2050.
---------------------------------------------------
PHẠM QUỲNH
http://phamquynh.wordpress.com
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment