Wednesday, July 15, 2009
QUAN HỆ TRUNG QUỐC - AUSTRALIA QUA SỰ KIỆN RIO TINTO
Quan hệ Trung Quốc - Australia qua sự kiện Rio Tinto
Nguyễn Đức Hiệp
Cập nhật : 15/07/2009 09:58
http://www.diendan.org/viet-nam/quan-he-trung-quoc-australia-qua-su-kien-rio-tinto/
Sau khi công ty khoáng sản Rio Tinto bãi bỏ dự án hợp tác khai thác khoáng sản sắt, nhôm, với tiền đầu tư từ công ty nhôm Trung Quốc Chinalco và cho công ty này tăng cổ phần lên 18% cổ phiếu của Rio Tinto, một làn sóng phản ứng giận dữ từ các mạng truyền thông Trung Quốc cho rằng Rio Tinto đã có hành động làm mất danh dự và bất tín. Thậm chí một số còn cho rằng chính phủ Úc thật sự đứng ở đằng sau, và hoặc không muốn cho Trung Quốc đầu tư vào Úc, hoặc có thái độ phân biệt đối xử.
Khi Chinalco ký với Rio Tinto vào tháng 2/2009 dự định tăng cổ phần đầu tư từ 9% đến 18% với số tiền 19.5 tỉ US giúp Rio Tinto đang bị khủng hoảng nợ và giá cổ phiếu tuột nhanh do giá khoáng sản xuống thấp trong bối cảnh của sự đình trệ kinh tế thế giới và do Rio Tinto mua Alcan trong thời điểm giá cao vào năm 2007, thì có thể nói đây là cuộc đầu tư (nếu được chính phủ Úc chấp thuận) lớn nhất của Trung Quốc vào tài nguyên chiến lược ở nước ngoài và có cơ hội ảnh hưởng đến sự điều hành của công ty khoáng sản lớn thứ hai trên thế giới. Vì sự đầu tư lớn lao này, nên Ban duyệt xét đầu tư nước ngoài (Foreign Investment Review Board) của Úc đã kéo dài thêm 3 tháng thời hạn để điều nghiên xem xét kỹ hơn dự định đầu tư này của Chinalco cho đến giữa tháng 6/2009 trước khi gởi đến chính phủ để có quyết định tối hậu.
Trước sự lo ngại của nhiều thành phần xã hội ở Úc về công ty quốc doanh Chinalco và sự kiểm soát cũng như ảnh hưởng về chính sách của chính phủ Trung Quốc vào Chinalco, Chinalco đã trấn an là công ty của họ hoàn toàn độc lập với chính phủ Trung Quốc và tất cả sự điều hành của Chinalco đều dựa trên cơ sở thương mại thuần túy chứ không có mục tiêu chính trị nào hết.
Nhưng từ tháng 3 đến đầu tháng 6, tình hình thị trường nhiên liệu khoáng sản đã trở nên tốt hơn, nhiều nguồn tín dụng với lãi xuất nhẹ có trên thị trường tài chính và giá cổ phiếu Rio Tinto tăng cao so với lúc trước ở thời điểm ký với Chinalco, nên những điều kiện trong hợp đồng có lợi cho Rio Tinto lúc đó đã không còn, mà lại trở nên thất lợi. Tình hình trên cộng với sự phản đối của các cổ viên khác và dân chúng và các đảng chính trị ở Úc khiến Rio Tinto đã hủy bỏ hợp đồng trước khi có quyết định của chính phủ Úc chấp thuận hay không về sự đầu tư này của Chinalco. Khi hủy bỏ hợp đồng này, Rio Tinto phải bồi thường 195 triệu US cho Chinalco (1% giá trị hợp đồng). Tuy vậy Rio Tinto đã dễ dàng huy động thêm vốn để trả nợ từ các cổ phiếu mới phát ra cho các cổ viên của Rio Tinto mà lúc trước đã phản đối hợp đồng với Chinalco.
Mặc dầu bề ngoài đây chỉ là quan hệ thương mại giữa hai công ty Chinalco và Rio Tinto nhưng Chinalco là công ty quốc doanh được hỗ trợ từ quỹ quốc gia (sovereign fund) nên vấn đề không chỉ đơn thuần là thương mại mà còn dính đến chính sách và quan hệ chính trị giữa công ty và chính phủ. Vì thế mà không phải chỉ có 2 đối tác mà có thêm đối tác chính phủ Trung Quốc kéo thêm chính phủ Úc khi có sự cố hay khó khăn xảy ra. Sự kiện này sẽ giải thích những phản ứng và biến chuyển mà ta sẽ bàn đến sau khi dự án đầu tư của Chinalco vào Rio Tinto không thành.
1. Sự hình thành chương trình đầu tư của Chinalco ở Úc
Một năm trước đó (trước khi có khủng hoảng tài chính thế giới), vào tháng 2 năm 2008 trong lúc công ty khoáng sản Úc BHP-Billington đang thương lượng với Rio Tinto, với ý muốn sát nhập Rio Tinto vào BHP-Biilington tạo nên công ty khoáng sản sắt lớn nhất thế giới, thì Chinalco đã tư vấn với Lehman Brothers tìm cách ngăn chặn sự sát nhập của hai công ty khoáng sản Úc vì Trung Quốc không muốn nguyên liệu sắt mà Trung Quốc nhập khẩu từ Úc nằm trong một công ty duy nhất và vì thế không làm áp lực và thương lượng được dễ dàng giá mua quặng sắt qua hợp đồng. Trung Quốc cũng thương lượng để hàng năm mua quặng sắt của công ty Vale (Brasil). Về phương diện số lượng sản xuất quặng sắt, đứng đầu hiện nay là Vale, sau đó là Rio Tinto thứ hai và BHP-Billington thứ ba. Nếu hợp lại với Rio Tinto thì BHP-Billington sẽ là một công ty khổng lồ, một điều mà Trung Quốc không muốn.
Sau khi được tư vấn và với sự trợ giúp của Alcoa, Chinalco trong một ngày thình lình cùng phối hợp trên thị trường chứng khoáng toàn thế giới mua hết các cổ phần đang được niêm yết bán với giá cao hơn giá BHP-Billington đề nghị với Rio Tinto, tổng cộng khoảng 9% cổ phần của Rio Tinto. Sự kiện này xảy ra năm ngày trước khi BHP-Billington đưa ra đề nghị sau cùng với Rio Tinto đã làm BHP-Billington và nhiều giới quan sát bất ngờ. Chinalco trở thành cổ đông có cổ phần cao nhất và làm Rio Tinto không chịu sát nhập với BHP-Billington.
Chủ tịch công ty quốc doanh Chinalco, Xiao Yaqing, từ chối tất cả các nguồn tin cho rằng sự tấn công cổ phiếu là một hành động để chặn BHP-Billington sát nhập Rio Tinto và nhấn mạnh là sự mua cổ phiếu cận ngày BHP đưa đề nghị sau cùng cho Rio Tinto chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên về thời gian mà thôi.
Ông Xiao cũng nói rằng ông được sự chấp thuận của chính phủ Trung Quốc trước khi đồng loạt mua cổ phiếu ở nhiều nơi nhưng sự mua cổ phiếu này không phải là do chính quyền chỉ đạo. "Chính phủ Trung Quốc đã thông báo rõ là chính phủ sẽ không can thiệp vào những quyết định thương mại của những công ty quốc doanh,” ông nói. "Tất cả những quyết định của Chinalco đều dựa trên cơ sở thương mại (phi chính trị không dính dáng gì đến chính sách của chính phủ Trung Quốc)” (1).
Vào tháng 3/2009, sau khi ký hợp đồng với Rio Tinto về dự án giúp đỡ tài chính và đầu tư thêm lên 18% cổ phần Rio Tinto, Xiao Yaqing rời Chinalco và được bổ nhiệm vào nội các chính phủ Trung Quốc (phó tổng thư ký Hội đồng Quốc gia) (2).
Trong thời gian đợi dự án đầu tư vào Rio Tinto được chính phủ Úc quyết định chấp thuận hay không vào khoảng giữa tháng 6/2009, tình hình giá nhôm, đồng, kẽm, sắt, rất thấp từ tháng 10/2008. Rất nhiều nhà máy alumina, nhôm và công ty Chinalco, Chalco rơi vào tình trạng khó khăn, lỗ lã. Tháng 11/2008, Xiao Yaqing đã gặp thủ tướng Ôn Gia Bảo để tìm cách cứu nguy cho các nhà sản xuất alumina, nhôm và các khoáng sản khác (đồng, kẽm, nickel, thiếc, sắt) (3). Sau khi được thủ tướng Ôn Gia Bảo thông báo, Hội đồng quốc gia chỉ định Phòng dự trữ quốc gia (State Reserve Bureau) và các cơ quan chính quyền tỉnh thu mua nhôm và các kim loại khác để hỗ trợ giá cho các nhà sản xuất ở Trung Quốc, giá nhôm ở thị trường Thượng Hải tăng cao so với thị trường nhôm ở Luân Đôn, đẩy nhiều công ty nhôm nước ngoài bán cho Trung Quốc. Ngay cả Chalco mua nhôm rẻ ở ngoài và bán lại cho Phòng dự trữ quốc gia khi được đặt hàng. Cũng vì thế mà Chinalco và Chalco không lỗ nhiều trong năm tài chính vừa rồi. Nhưng đây chỉ là lợi trước mắt cho Chinalco và Chalco nhưng thiệt hại về lâu dài của chính sách này : trong vài tháng đầu năm, Trung Quốc từ nước xuất khẩu nhôm cao nhất trở thành nước nhập khẩu nhôm nhất thế giới, giá nhôm và các khoáng sản khác tăng do nhu cầu tích trữ của Trung Quốc và giá cổ phiếu của Rio Tinto và nhiều công ty khác hồi phục phần nào do xuất khẩu nhôm và các kim loại khác. Đó cũng là một trong những lý do Rio Tinto có thể bỏ hợp đồng bất lợi với Chinalco.
2. Phản ứng của Trung Quốc sau khi hợp đồng đầu tư của Chinalco vào Rio Tinto đổ vỡ
Sau khi Rio Tinto bỏ hợp đồng đầu tư của Chinalco vào công ty của mình, thì Rio Tinto cũng quay lại đề nghị hợp tác với BHP-Billington để chia sẻ các phương tiện cơ sở hạ tầng khai thác và chuyên chở quặng sắt ở các mỏ của hai công ty ở vùng Pilbarra, nơi quặng sắt được khai thác, để nâng cao năng suất và giá thành có lợi cho hai công ty.
Đối với Chinalco và Trung Quốc đây là một sự thất bại và mất mặt lớn trong cuộc đầu tư lớn nhất ở nước ngoài mà Trung Quốc đã đặt nhiều kỳ vọng. Không những thế, mục đích ban đầu của Trung Quốc ngăn không cho hai công ty Rio Tinto và BHP-Billington hợp tác đã hoàn toàn thất bại.
Mỗi năm các công ty thép của các nước Nhật, Nam Hàn và Trung Quốc đều có ký hợp đồng mua quặng sắt với giá thương lượng gọi là giá chuẩn (bench mark price) với ba công ty sản xuất quặng sắt lớn là Vale, Rio Tinto và BHP-Billington. Giá chuẩn này đã có thông lệ từ thập niên 1960 khi Nhật là khách hàng lớn nhất mua quặng sắt. Từ nhiều năm nay, các công ty như BHP-Billington muốn bỏ hệ thống hợp đồng hàng năm giá chuẩn của quặng sắt và đòi hỏi bán thẳng trên thị trường giá mua (spot price market) như các quặng kim loại khác. Vì trong nhiều năm trên thị trường giá mua, giá quặng sắt cao hơn giá chuẩn trong hợp đồng, nhiều công ty luyện thép ở Trung Quốc có hợp đồng giá chuẩn đã có lúc mua giá chuẩn quặng sắt rồi bán lại kiếm lời trên thị trường giá mua ở Trung Quốc cho các công ty luyện thép nhỏ khác.
Lần đầu tiên, từ tháng 10/2008 đến tháng 4/2009, do khủng hoảng kinh tế ảnh hưởng đến nhu cầu thép, giá quặng sắt ở thị trường mua thấp hơn giá chuẩn hợp đồng nên nhiều công ty luyện thép lớn ở Trung Quốc từ chối không mua quặng sắt giá chuẩn như trong hợp đồng mà mua lén ở thị trường giá mua. Sự thiệt hại này cho các công ty sản xuất sắt theo hợp đồng giá chuẩn (dù giá mua cao hay thấp hơn giá chuẩn cũng đều thiệt) là lý do BHP-Billington muốn bãi bỏ hệ thống hợp đồng giá chuẩn, nếu được sự ủng hộ của hai công ty cạnh tranh sản xuất quặng sắt Rio Tinto và Vale.
Hợp đồng giá chuẩn thường bắt đầu vào đầu tháng 7 mỗi năm. Năm nay vì giá thép xuống nên các hãng thép Nhật và Nam Hàn đã thương lượng và ký với Rio Tinto và BHP-Billington vào tháng 5/2009 với giá quặng sắt giảm 33% (và với Vale giảm 28%) so với năm ngoái. Hội những công ty sản xuất sắt thép Trung quốc (China Iron and Steel Association, CISA) năm nay thay thế công ty quốc doanh Baosteel sản xuất thép lớn nhất để thương lượng hợp đồng giá chuẩn với Rio Tinto và BHP-Billington. Trung Quốc không đồng ý giá chỉ giảm 33% như Nhật và Nam Hàn đã ký và muốn ít nhất giảm 40%. Thương lượng từ tháng 5 đến cuối tháng 6 đã không thành công và Trung Quốc để hợp đồng giá chuẩn hết hạn. Rio Tinto và BHP cũng không nao núng vì giá ở thị trường giá mua hiện nay vẫn cao hơn giá chuẩn hợp đồng.
Chưa được một tuần sau khi hợp đồng giá chuẩn hết hạn, ngày 5/7/2009 Cơ quan An ninh quốc gia ở Thượng Hải vào văn phòng Rio Tinto ở Thượng Hải bắt đại diện Rio Tinto là ông Stern Hu (một người Hoa đã nhập tịch Úc) và 3 nhân viên với tội gián điệp lấy bí mật quốc gia. An ninh Trung Quốc cũng tịch thu các máy tính để xem xét lấy bằng chứng. Ngoài ra các hồ sơ quan trọng của công ty Rio Tinto kể cả các thông tin về sự thương lượng giá chuẩn hợp đồng cũng nằm trong các máy tính đó.
Trong thời gian thương lượng giá chuẩn mới, ông Stern Hu cũng đã tiếp xúc với các công ty thép để đòi bồi thường thiệt hại cho Rio Tinto do các công ty này không mua quặng sắt trong năm như trong hợp đồng mà mua trên thị trường giá mua (Rio Tinto và BHP-Billington cũng cung cấp quặng trên thị trường này). Rio Tinto muốn khoảng 9 tỉ US bồi thường từ các công ty thép không thi hành hợp đồng (5).
Thông tin từ một địa chỉ web của chính quyền Thượng Hải nói rằng Stern Hu bị bắt giữ vì liên quan đến sự hối lộ các công ty để lấy thông tin tư liệu chính phủ trong quá trình thương lượng giá chuẩn hợp đồng quặng sắt.
Theo nhiều nhà bình luận thì rõ ràng là vụ bắt giám đốc đại diện Rio Tinto có liên hệ trực tiếp đến sự thương lượng kéo dài và chưa giải quyết được về giá chuẩn hợp đồng quặng sắt của các công ty Úc với các công ty luyện thép Trung Quốc. Sau vụ Rio Tinto bỏ hợp đồng đầu tư của Chinalco và khi Rio Tinto, qua Stern Hu, đòi bồi thường thiệt hại do các công ty Trung Quốc không thực hiện đúng hợp đồng, thì Trung Quốc ra tay, biến sự giao dịch thương mại thành cục diện chính trị và an ninh quốc gia, bắt Rio Tinto trả một giá đắt và học một bài học cho hành động của mình.
Hiện nay, sau hơn 2 tuần bắt giam ông Stern Hu, Trung Quốc cũng chưa chính thức kết tội ông. Bộ trưởng bộ ngoại giao Úc, ông Stephen Smith Foreign Minister Stephen Smith đã lên tiếng chỉ trích các cố gắng của Trung Quốc để thông tin với chính phủ Úc về trường hợp của ông Stern Hu : "Chúng tôi mong muốn là đa số các thông tin chúng tôi lấy được là từ những viên chức chính thức của Trung Quốc theo con đường ngoại giao bình thường đã có sẵn, thay vì từ những tuyên bố công cộng của người phát ngôn viên từ Bộ Ngoại giao, hay từ một địa chỉ web chính thức của chính phủ Trung Quốc ghi chi tiết các cố vấn của Phòng An ninh quốc gia ở Thượng Hải” (5).
Sự cố bắt đại diện Rio Tinto tình nghi là gián điệp là một vấn đề ngoại giao nghiêm trọng nhất mà chính phủ Lao động của thủ tướng Kevin Rudd đối diện từ khi lên cầm quyền từ tháng 11 năm 2007.
Tin gần đây là chủ tịch Hồ Cầm Đào chấp thuận cho Phòng an ninh quốc gia ở Thượng hải bắt đại diện của Rio Tinto Stern Hu và 3 nhân viên (4). Sự nâng cấp một vấn đề kinh tế lên thành vấn đề an ninh quốc gia là một sự kiện hiếm có ở Trung Quốc.Theo dân biểu Michael Danby ở quốc hội Úc thì thông điệp mà Trung Quốc gởi cho các công ty Úc và nước ngoài là anh sẽ mất rất nhiều, hơn cả giao dịch thương mại của anh, nếu anh không có hành động hữu hảo (7).
Nguyễn Đức Hiệp
-------------------------------------
Tham khảo :
(1) Chinalco and Alcoa gatecrash BHP's £65bn bid for Rio, The Independent, 2/2/2008, http://www.independent.co.uk/news/business/news/chinalco-and-alcoa-gatecrash-bhps-16365bn-bid-for-rio-777250.html
(2) Ex-Chinalco chief promoted to cabinet position, The Australian, 24/03/2009, http://www.theaustralian.news.com.au/story/0,25197,25232775-5013404,00.html
(3) How Beijing kicked an own goal on aluminium, Sydney Morning Herald, 5/7/2009, http://business.smh.com.au/business/how-beijing-kicked-an-own-goal-on-aluminium-20090705-d96e.html?page=-1
(4) President backed Rio spy probe, Sydney Morning Herald 13/7/2009, http://business.smh.com.au/business/president-backed-rio-spy-probe-20090712-dhdn.html
(5) China shuts door on access to Rio Tinto's Stern Hu, The Australian 13/7/2009, http://www.theaustralian.news.com.au/business/story/0,28124,25771627-643,00.html?referrer=email&source=AusBus_Morn_email_nl
(6) Rio's China crisis escalates, Sydney Morning herald 10/7/2009, http://business.smh.com.au/business/rios-china-crisis-escalates-20090709-derw.html
(7) Espionage Charges in China May Be Linked to Negotiations Over Iron Ore Prices, New York Times, 10/7/2009, http://www.nytimes.com/2009/07/11/world/asia/11riotinto.html
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment