Sunday, July 5, 2009
NÔNG DÂN VIỆT NAM ĐANG BỊ BẦN CÙNG HOÁ
Nông dân đang bị bần cùng hóa
Nam Nguyên, phóng viên đài RFA
2009-07-04
http://www.rfa.org/vietnamese/programs/ReviewOnlineDomesticPress/Farmers-being-pauperizing-nnguyen-07042009105913.html
Như một sự kiện chưa từng có, một nhà khoa học nổi tiếng đang sống ở trong nước đã công khai nhận định trên báo điện tử Vietnam Net rằng, nông nghiệp nông thôn Việt Nam kém phát triển hoàn toàn là do cơ chế, do đường lối, quyết định của lãnh đạo. Đó là hậu quả của việc bóc lột nông nghiệp để dồn lực cho công nghiệp hóa.
Tạo công ăn việc làm ở nông thôn đồng thời cũng giúp giải quyết được tình trạng người lao động nhập cư đổ về các thành phố lớn để kiếm sống. AFP PHOTO
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Labor-force-in-Vietnam-rural-areas-QNhu-05132009120838.html/Vietnam-migrant-workers-305.jpg
Nhân vật này là Giáo sư Viện Sĩ Đào Thế Tuấn 78 tuổi, từng là Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ Thuật Nông nghiệp Việt Nam, ông xuất thân từ một gia đình khoa bảng, thân phụ là học giả sử gia Đào Duy Anh. Sự kiện nổi bật gần đây nhất, ngày 25/6/2009 Đại Sứ Quán Pháp tại Hà Nội, đã thay mặt Chính Phủ Pháp, trao tặng GSVS Đào Thế Tuấn Huân Chương Nông Nghiệp Đệ Nhất Hạng, là huân chương vinh danh những cá nhân có cống hiến lớn lao cho nông nghiệp.
Bài phỏng vấn do nhà báo Đoan Trang thực hiện cho chuyên mục Tuần Việt Nam thuộc Vietnam Net. Bài theo dạng hỏi đáp dài hơn 2.600 từ chứa đựng những ý kiến phê bình thẳng thắn, GSVS Đào Thế Tuấn đã không ngần ngại nói thẳng rằng nông dân Việt Nam đang bị bần cùng hóa. Chúng tôi trích đọc nguyên văn lời ông nói:
“Nhìn từ góc độ chính trị - xã hội, nông dân Việt Nam là những người ít được hưởng lợi từ đổi mới nhất. Nông dân còn quá nghèo, ít được hưởng phúc lợi xã hội như giáo dục, y tế… thiếu việc làm ở nông thôn và buộc phải di cư ra thành phố làm thuê với giá lao động rẻ mạt.
Nông dân đang bị bần cùng hóa, và đó là nguy cơ gây bất ổn xã hội. Như ở Trung Quốc bây giờ, bạo loạn ở nông thôn xảy ra nhiều lắm, ấy là hậu quả của sự bần cùng hóa nông dân.”
Tái diễn kịch bản của TQ và Nga
Đáp các câu hỏi khác của Vietnam Net, GSVS Đào Thế Tuấn cho rằng nước Việt Nam đang diễn lại đúng kịch bản ở Trung Quốc và Liên Xô trước kia. Theo lời ông, thế kỷ 20, Liên Xô sau khi tiến hành Cách mạng Tháng Mười, không có nguồn lực để công nghiệp hóa nên họ buộc phải dùng nông nghiệp để làm công nghiệp. Trung Quốc từ thời Mao Trạch Đông cũng vậy, bóc lột nông dân, vắt kiệt nông nghiệp để dồn lực cho công nghiệp. Và Việt Nam bây giờ đang diễn lại đúng kịch bản đó.
Nhà báo đặt ngược vấn đề là Nhà nước Việt Nam không có một chủ trương nào nói rằng phải dùng nông nghiệp để nuôi công nghiệp. GSVS Đào Thế Tuấn nhìn nhận là tuy không có chủ trương, nhưng thực tế đang cho thấy đúng như vậy. Tất cả những khẩu hiệu đẹp đẽ liên quan tới nông dân được GSVS Đào Thế Tuấn mô tả là mị dân, đại loại những câu ‘nông dân là lực lượng cách mạng’, ‘phải biết ơn nông dân’, ‘phải ưu tiên phát triển hợp lý nông nghiệp’.
GSVS Đào Thế Tuấn nhấn mạnh, trên thực tế nông nghiệp đang bị lép vế, nông dân thua thiệt đủ bề. Đó là hậu quả của việc bóc lột nông nghiệp để dồn lực cho công nghiệp hóa. Nói cách khác, việc nông thôn, nông nghiệp Việt Nam bây giờ kém phát triển hoàn toàn do cơ chế, do đường lối, quyết định của lãnh đạo mà thôi.
Chúng tôi nêu câu hỏi này với TS Đặng Kim Sơn, Viện Trưởng Viện Chính Sách và Chiến Lược Phát Triển Nông Nghiệp Nông Thôn. Từ Hà Nội ông nhận định:
“Quá trình công nghiệp hóa ở Việt nam có phải là một quá trình bóc lột nông dân hay không, thì tôi nghĩ là không phải như thế. Thực ra mà nói, nếu không có sự phát triển của nông nghiệp và nông thôn trong giai đoạn vừa qua, thì không những không thể nào phát triển công nghiệp hóa được và quá trình đổi mới ở Việt Nam không diễn ra một cách tốt đẹp như thế này. Trong thời gian vừa qua tỷ lệ đói nghèo ở nông thôn giảm xuống hơn ba lần và thu nhập của cư dân nông thôn tăng lên khoảng ba lần. Đây là mức thay đổi mà ít có nước nào trên thế giới có thể đạt được trừ Trung Quốc. Thế thì có thể nói đây là một thành tựu, nếu nói là Việt Nam trong thời gian ba mươi năm đổi mới vừa qua cái gì là nổi bật, thì phải nói là nông nghiệp phát triển là thành tựu, một trong những thành tựu nhiều nhất là trước khi đổi mới Việt Nam nhập mỗi năm từ 0,8 tới hơn 1 triệu tấn lương thực, thì đến nay Việt Nam là nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai thế giới. Năm nay thậm chí xuất kỷ lục có thể xuất 6 triệu tấn gạo. Thế thì đây là cái thành tựu không thể chối cãi được, hay là tỷ lệ giảm đói nghèo mỗi năm 2% là một mức độ rất kỳ diệu. Vì thế không thể nói rằng nông nghiệp nông thôn bị bóc lột hay là nông dân bị bần cùng hóa.”
Thu nhập thấp, mất đất, không có việc làm
Ngoài những nhận định có thể gây sốc cho các giới chức Nhà nước, GSVS Đào Thế Tuấn lại không đi theo trào lưu đề cao tăng hạn điền hoặc tái lập quyền tư hữu đất đai. Ông cho rằng mất đất nông nghiệp là do quản lý tồi, tăng hạn điền chỉ tạo điều kiện cho đầu cơ phát triển thêm, trong khi nhiều chuyên gia kinh tế cũng như nông nghiệp kêu gọi có cải cách về sở hữu ruộng đất.
Trở lại bài báo trên VietnamNet, GSVS Đào Thế Tuấn cho rằng, vấn đề lớn của nông dân Việt nam hiện nay là thu nhập thấp, mất đất, không có việc làm. Khoảng cách thu nhập, chênh lệch mức sống giữa nông thôn và thành thị là rất lớn. Nông dân ở nông thôn không được tiếp cận rộng rãi với giáo dục, y tế, bảo hiểm xã hội, không có tích lũy. Nhà có người ốm đi viện một lần là của cải mất hết, trắng tay. Thêm một đứa con đi học xa, học lên cao là cả nhà lao đao.
Đối với vấn đề vừa nêu, TS Đặng Kim Sơn đưa ra nhận định của ông:
“Chuyện nông nghiệp và nông thôn bị bần cùng hóa đã diễn ra ở các nước ngay cả các nước công nghiệp phát triển ở Âu Mỹ trong giai đoạn công nghiệp hóa đẩy mạnh, nhưng tình hình đó không diễn ra ở nông thôn Việt Nam. Tuy nhiên phải nói rằng cái mà nông dân được hưởng, nông nghiệp được đầu tư chưa tương xứng với mức độ đóng góp của người nông dân, mức độ phấn đấu hy sinh của người nông dân cũng như thành tích mà nông nghiệp đem lại. Đầu tư công cho nông nghiệp là thấp, đầu tư của toàn xã hội cho nông nghiệp là thấp. Mức tăng trưởng đời sống của nông dân rất cao, nhưng so với mức tăng trưởng của đời sống của người dân ở đô thị thì hiện nay khoảng cách của thu nhập trung bình của cư dân nông thôn chỉ bằng một nửa của đô thị. Tất nhiên so với nhiều quốc gia kể cả Trung Quốc thì đây là một thành tích đáng tự hào, nhưng rõ ràng là người Việt Nam không phấn khởi với mức chênh lệch này. Thế thì điều có thể nói là chúng ta phải tiếp tục thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn với đô thị, phải tiếp tục đẩy mạnh đầu tư cho phát triển nông nghiệp. Nói như thế thì hợp lý hơn, chứ còn nói thời gian vừa qua là bóc lột, là bần cùng hóa nông thôn nông nghiệp thì chúng tôi nghĩ rằng nói như thế là không công bằng.”
Phần cuối cuộc phỏng vấn trên VietnamNet, GSVS Đào Thế Tuấn kết luận rằng, điều quan trọng cần làm ngay ở nông thôn bây giờ là xây dựng xã hội dân sự. Theo ông, ngày xưa ở Việt Nam đã có cộng đồng làng xã, thôn xóm, đại diện là những lý trưởng xã trưởng. Bây giờ thì chỉ còn mấy ông bà cán bộ, ông bí thư, chủ tịch xã, bà tổ trưởng phụ nữ. Người dân chẳng được tham gia gì cả. Theo GSVS Đào Thế Tuấn, cần phải hướng dẫn, phải tạo cơ chế để giúp nông dân tổ chức lại được với nhau, xây dựng các doanh nghiệp xã hội. Nhà nước không thu thuế đối với họ, dĩ nhiên họ cũng có một mức lãi nào đó. Nhưng về bản chất, họ là một hệ thống các tổ chức chăm lo phát triển xã hội. Hệ thống đó là một phần của xã hội dân sự.
Copyright © 1998-2009 Radio Free Asia. All rights reserved.
Vội vã xoá bỏ nông nghiệp sẽ là sai lầm lớn
30/06/2009 08:13 (GMT + 7)
http://www.tuanvietnam.net/vn/sukiennonghomnay/7107/index.aspx
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment