Wednesday, July 8, 2009

NHỮNG Ý KIẾN VỀ VỤ BẮT GIỮ NGUYỄN TIẾN TRUNG

Liên tục bắt bất đồng chính kiến?
BBC NEWS
Cập nhật: 13:23 GMT - thứ ba, 7 tháng 7, 2009
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2009/07/090707_dissident_arrest.shtml
Vụ bắt thạc sĩ Nguyễn Tiến Trung ở TPHCM một ngày sau khi bị loại ngũ và cựu Đại tá Trần Anh Kim ở Thái Bình đã đưa con số vụ giam giữ vì điều 88 Bộ Luật hình sự lên bảy người trong vòng chưa đầy một tháng.
Câu hỏi đặt ra là tại sao Việt Nam tiến hành các vụ bắt những người có quan điểm đối lập vào thời điểm hiện nay.
Cơ quan an ninh Việt Nam đã theo dõi những người đòi cạnh tranh với đảng Cộng sản cầm quyền từ lâu.
Chẳng hạn trong trường hợp của Nguyễn Tiến Trung, bạn gái của anh nói những gì anh làm đều là ''công khai'' và mọi người đều biết từ trước khi anh vào quân ngũ cách đây một năm.
Công an Việt Nam cũng đã biết các hoạt động của các ông Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định và Trần Anh Kim từ lâu.
Nhưng họ đợi tới thời điểm này mới bắt giam và khởi tố các nhân vật tuyên bố ủng hộ dân chủ.

'Màn khói'
Một số người cho rằng những vụ bắt bớ này là nhằm để tạo 'màn khói' che đi những vấn đề nóng bỏng và có tính ngòi nổ hơn.
Trong đó có sự bức xúc của người dân về những diến biến liên quan tới Biển Đông cũng như làn sóng phản đối dự án bauxite tại Tây Nguyên và Lâm Đồng.
Người ta cũng nói trước khi bị bắt luật sư Lê Công Định còn định kiện Trung Quốc về vấn đề lãnh hải.
Có nhà bất đồng chính kiến đã nói truyền thông đã không còn chú ý nhiều tới vấn đề Biển Đông và đặc biệt là chuyện khai thác bauxite theo sau những vụ bắt giữ gần đây.
Trước đây các vụ bắt người theo điều 88 có thể diễn ra chỉ sau một vài bài viết hay vài tiết giảng về nhân quyền.

Nay công an Việt Nam nói Đại tá Trần Anh Kim đã ''phát tán trên mạng 85 bài viết'' và cũng nói ông Kim ''thừa nhận viết và phát tán hơn 60 đầu tài liệu có nội dung chống Nhà nước''.
Trên mạng Internet cũng có ý kiến cho rằng vụ bắt các ông Lê Công Định và Trần Huỳnh Duy Thức chỉ là hệ quả của đấu tranh nội bộ trong tầng lớp cầm quyền.
Và vẫn theo cách diễn giải đó, chỉ vụ bắt thạc sĩ Nguyễn Tiến Trung, người từng được các nhân vật cao cấp của Phương Tây tiếp, mới là phép thử đối với dư luận từ Hoa Kỳ.
Tất nhiên, đây cũng chỉ là một cách giải thích mà thôi.

Đại hội
Phía công an Việt Nam cũng nói tới khả năng tổ chức các cuộc gặp lớn và những hoạt động của những người bất đồng chính kiến vào cuối năm nay và đầu năm sau.
Chính quyền có vẻ sợ ảnh hưởng lan tỏa của những tư tưởng dân chủ mà những người có tư tưởng tự do ở Việt Nam có thể tạo ra.
Nhưng điều có thể thấy rõ là các vụ bắt bớ mới nhất diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang chuẩn bị cho kỳ đại hội quan trọng sắp tới của Đảng Cộng sản Việt Nam vào đầu năm 2011.
Chủ nghĩa 'Mác Lê' và tư tưởng Hồ Chí Minh luôn được nhắc tới và dường như các nhà lãnh đạo Việt Nam không có ý định từ bỏ chủ nghĩa mà Nguyễn Tiến Trung từng nói là không phải xuất phát trên những điều kiện của xã hội Việt Nam và trong lúc xã hội đang thay đổi hàng ngày.
Nếu dựa vào những phát biểu của chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết mới đây với ''chính nghĩa rạng ngời'' của Việt Nam và sự chỉ trích Hoa Kỳ ''vi phạm nhân quyền nhất thế giới'' người ta có thể thấy phe bảo thủ đang thể hiện quan điểm và cả sức mạnh qua các vụ trấn áp hiện nay.

Nhóm đối lập của Việt Nam trên thực tế chưa làm được gì nhiều ngoài vấn đề phô trương thanh thế.
Cái mà giới lãnh đạo có lẽ sợ hơn là những người đứng trong hàng ngũ của chính họ nhưng có tư tưởng tự do.
Rất có thể đợt bắt người, tất cả đều theo điều 88 này, là một cố gắng nhắc nhở một số 'đồng chí' hãy đứng vào hàng và đi đúng lề phải.
Giới quan sát không thể không đặt câu hỏi vậy những người có thể sẽ bị an ninh đến gõ cửa là những ai đây.

'Lớn lao và nguy hiểm'
Cập nhật: 08:18 GMT - thứ tư, 8 tháng 7, 2009
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2009/07/090708_activist_mother.shtml
Nhà hoạt động dân chủ Nguyễn Tiến Trung vừa bị bắt vì tội chống phá nhà nước hôm thứ Ba 07/07 tại nhà riêng ở TP Hồ Chí Minh.
Trung vừa về nhà sau khi bị loại ngũ một hôm trước đó.
Từ TP Hồ Chí Minh, bà Lê Thị Minh Tâm, mẹ Nguyễn Tiến Trung, cho BBC biết rằng gia đình không quá bất ngờ trước việc Trung bị bắt:

Bà Lê Thị Minh Tâm: Tôi đang đi làm, khi nghe công an khu vực gọi điện yêu cầu về nhà gấp, thì thâm tâm tôi cũng phán đoán được điều gì xảy ra.
Không quá bất ngờ, nhưng chúng tôi cũng không nghĩ là lại quá nhanh như vậy. Trung mới được loại ngũ từ chiều tối hôm trước, ở nhà có một đêm, chưa nói được chuyện gì với nhau nhiều.
BBC: Tình hình phục vụ trong quân đội của Trung như thế nào, thưa bà?
Bà Lê Thị Minh Tâm: Trung cũng làm các công việc bình thường như tất cả các tân binh khác thôi, không bị phân biệt đối xử gì cả. Chỉ có điều cái đợt tháng Năm, tháng Sáu vừa rồi, an ninh quân đội liên tục phỏng vấn Trung từ sáng tới chiều.
Gia đình cũng thường xuyên vào thăm, mang đồ ăn cho Trung nhưng không hiểu sao Trung vẫn gầy và đen đi nhiều lắm.
Khi ở trong quân đội, Trung đã bị cảnh cáo, khiển trách vì không đọc 10 lời thề (của Quân đội Nhân dân). Đây là điều bị khiển trách nặng nhất.
Trung nói nếu đọc 10 lời thề như Bác Hồ viết thì Trung đọc, nhưng 10 lời thề này đã sai với ý của Bác Hồ đi rồi, nên Trung không đọc.
BBC: Được biết là Trung bị loại ngũ ngày 06/07, không hiểu phản ứng của Trung trước quyết định loại ngũ như thế nào ạ?
Bà Lê Thị Minh Tâm: Trung hoàn toàn không bị bất ngờ, vì biết là trước sau cũng bị loại ngũ thôi, chỉ chưa biết khi nào.
Đáng tiếc là thời hạn ra quân đã sát sạt rồi, toàn thể đơn vị chuẩn bị còn một tháng nữa là ra quân thôi, vậy mà Trung lại phải loại ngũ.
BBC: Là người mẹ, trước việc con bị bắt chắc chắn là bà rất buồn. Nhưng khi biết về con đường mà Trung lựa chọn, bà có ý kiến gì không ạ?
Bà Lê Thị Minh Tâm: Thật ra gia đình chúng tôi không muốn con mình tham gia vào những công việc rất là lớn lao và nguy hiểm như thế.
Nhưng đây là lý tưởng của Trung. Chúng tôi không thể ngăn cản, mà cũng không ngăn cản được.
Tôi chỉ tâm niệm cố gắng để bảo vệ con nhưng còn những việc Trung làm thì chúng tôi không tham gia nên không biết.
BBC: Thưa gia đình có bị ảnh hưởng gì vì công việc của Trung không ạ?
Bà Lê Thị Minh Tâm: Chúng tôi cũng chưa rõ, vì hiện giờ bố Trung vẫn đi làm bình thường ở công ty. Tôi thì đã về hưu rồi nên cũng chỉ đi làm thêm bên ngoài thôi.
BBC: Có tin nói rằng em trai của Trung cũng đi theo con đường của anh, không hiểu bà nghĩ sao ạ?
Bà Lê Thị Minh Tâm: Đó là người ta nói vậy, nhưng tôi nghĩ Nam (Nguyễn Hoài Nam - em trai Nguyễn Tiến Trung) không tham gia công việc này đâu. Nam vẫn đi làm và có thể sẽ đi học tiếp.
BBC: Vậy bây giờ gia đình sẽ làm gì, thưa bà?
Bà Lê Thị Minh Tâm: Chúng tôi vẫn còn hoang mang và buồn, nên chưa quyết định làm gì và cũng chưa biết nên phải làm gì.
Khi dắt Trung đi, người ta bảo gia đình phải làm đơn, nhưng làm đơn thế nào và gửi đi đâu thì chúng tôi chưa biết.

P/V đảng Dân chủ, HRW về vụ VN bắt giữ 2 nhà bất đồng chính kiến
VOA NEWS
08/07/2009
http://www.voanews.com/vietnamese/2009-07-08-voa2.cfm
Trong ghi nhận sau đây do Tấn Chương thực hiện, mời quý vị theo dõi ý kiến của tổ chức Human Rights Watch, và của ông Nguyễn Sĩ Bình và Bác sĩ Nguyễn Xuân Ngãi về vụ ông Nguyễn Tiến Trung và ông Trần Anh Kim bị nhà cầm quyền Việt Nam bắt giữ.
Các hãng thông tấn của Việt Nam đưa tin rằng ông Nguyễn Tiến Trung đã tham gia 'tổ chức phản động lưu vong - Đảng Dân chủ - do ông Nguyễn Sĩ Bình và ông Nguyễn Xuân Ngãi cầm đầu.'

Bác sĩ Nguyễn Xuân Ngãi, Phó Tổng Bí thư Đảng Dân chủ nói với Đài VOA rằng đảng của ông không phải làm một đảng lưu vong.

Bác sĩ Nguyễn Xuân Ngãi nói: “Ngày 7 tháng 7 nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam đã bắt ông Nguyễn Tiến Trung và ông Trần Anh Kim, khép tội phá hoại đất nước và liên kết với các tổ chức lưu vong, trong đó có nói đến Đảng Dân chủ Việt Nam. Thực ra Đảng Dân chủ Việt Nam là đảng đã được thành lập ở trong nước từ năm 1944 và được Giáo sư Hoàng Minh Chính phục hoạt. Có thể nói cơ sở của Đảng Dân chủ Việt Nam là ở trong nước chứ không phải ở hải ngoại. Những người như ông Trần Anh Kim và ông Nguyễn Tiến Trung là những ủy viên rất quan trọng trong đảng. Cơ sở đầu não của Đảng Dân chủ Việt Nam là một Ủy ban Thường vụ, cơ sở chính vẫn là tại Hà Nội. Đứng đầu Ủy ban Thường vụ là anh Nguyễn Tâm. Tổng Thư ký trước đây là ông Hoàng Minh Chính. Tôi là Phó Tổng Thư ký.

Bác sĩ Nguyễn Xuân Ngãi cho biết ông Nguyễn Tiến Trung là một người tuân thủ luật pháp Việt Nam.

Bác sĩ Nguyễn Xuân Ngãi nói: “Anh Nguyễn Tiến Trung là một người kiên cường nhất. Khi về nước anh trúng tuyển vào Quân đội Nhân dân Việt Nam trong lúc anh đã có visa xuất ngoại để du học thêm, nhưng anh quyết định tuân thủ pháp luật Việt Nam và đã ở lại. [Anh đã tham gia quân đội] hơn một năm rồi, và chỉ còn một hai tháng nữa là anh xuất ngũ. Tuy nhiên nhà cầm quyền Việt Nam rất lo sợ. Bởi vì trong một năm qua khi còn ở trong Quân đội Nhân dân Việt Nam thì anh không hoạt động gì được. Hôm 6 tháng 7, nhà cầm quyền tuyên bố loại ngũ anh Nguyễn Tiến Trung vì anh có những hành vi không hợp tác, tiết lộ tin tức hành quân. Toàn là những tin ngụy tạo. Thực ra có một điểm chính đó là nhiều lần anh nhất định không đọc 12 lời thề của Quân đội Nhân dân Việt Nam, trong đó có lời thề trung thành với Bác, đảng và nhà nước. Đó là lý do chính mà họ bắt giữ anh Trung chỉ vài giờ sau khi anh bị xuất ngũ”

Ông Nguyễn Sĩ Bình, Trưởng Ban Thường vụ của Đảng Dân chủ Việt Nam, cho biết tổ chức của ông sẽ đẩy mạnh tuyên truyền và vận động để những người cất tiếng nói đấu tranh ôn hòa sớm được trả tự do.

Ông Nguyễn Sĩ Bình nói: “Đảng Dân chủ sẽ vận động với thế giới cũng như với người dân trong nước tạo sự hiểu biết, tạo áp lực để nhà cầm quyền Việt Nam phải trả tự do cho tất cả các anh chị em đó. Dù rằng họ có đưa ra những vi phạm, nhưng thực chất đó là những cái quyền của công dân trong hoạt động chính trị hầu như ở mọi xã hội trên thế giới. Họ là những người hoạt động chính trị ôn hòa. Hoạt động của các anh chị em đó không ngoài mục đích góp phần kiến tạo cho xã hội Việt Nam phát triển dân chủ, lành mạnh và bền vững.


Tổ chức quốc tế tranh đấu cho nhân quyền Human Rights Watch phản đối việc bắt giữ những người bày tỏ quan điểm chính trị một cách ôn hòa.
Bà Sophia Richardson, Giám đốc Phân vụ châu Á của tổ chức Human Rights Watch nói: “Lo ngại lớn nhất của chúng tôi là tình trạng hình sự hóa tiếp tục diễn ra, và những người bất đồng chính kiến tiếp tục bị bắt giữ theo Điều 88 của Luật Hình sự. Quan điểm của chúng tôi là không thể bắt giữ những người bày tỏ quan điểm chính trị của họ bằng những đường lối ôn hòa.”


No comments: