Friday, July 17, 2009

NHỮNG VIỆC CẦN PHẢI LÀM NGAY


Những việc cần phải làm ngay
Kami
Thứ Sáu, 17/07/2009
http://danluan.org/node/1989
Đi sâu vào tìm hiểu suy nghĩ của các tầng lớp nhân dân trong xã hội Việt nam hôm nay đa phần thu được một câu trả lời giống nhau, rất đáng quan tâm, đó là "Liệu sự thay đổi về chính trị trong tương lai tối thiểu có đảm bảo không gây ra bất ổn và có đảm bảo cuộc sống như hiện tại của họ hay không?" Theo tôi đây là nguyện vọng chính đáng của họ của mọi tầng lớp dân chúng đặc biệt là những công chức đang phục vụ hoặc đã nghỉ hưu trong bộ máy nhà nước hiện nay kể cả trong các lực lượng võ trang.

Đây là câu hỏi đặt ra cho các tổ chức chính trị, các đảng phái đã đang và sẽ hình thành kể cả đảng CSVN phải có trách nhiệm trả lời cho quần chúng nhân dân biết rõ thái độ của mình ra sao đối với nguyện vọng chính đáng của họ thông qua các cương lĩnh và đường lối của tổ chức mình. Thông qua đó người dân sẽ hiểu, tin tưởng, hậu thuẫn và dành sự ủng hộ cần thiết cho các tổ chức chính trị này trong hiện tại cũng như tương lai.
Một thực tế khách quan mà không ai chối bỏ là bên cạnh sự độc quyền về chính trị và truyền thông lề bên phải của Đảng CSVN là một hệ thống các đảng chính trị bị đặt ngoài vòng pháp luật và một hệ thống truyền thông lề bên trái song song tồn tại.
Về mặt luật pháp, không có bất kỳ văn bản cụ thể nào của nhà nước Việt Nam cấm hay phản bác việc thành lập các đảng phái chính trị hay các hội đoàn theo Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam quy định, nhưng trên thực tế thì nghiễm nhiên có một điều luật bất thành văn coi các hành vi đó là trái pháp luật, dễ dàng bị ghép vào điều 88 Bộ Luật Hình sự, coi đó là các hành động chống phá nhà nước XHCN hay hoạt động nhằm tổ chức lật đổ nhà nước.
Những biểu hiện này được thấy rõ qua các cuộc đàn áp các nhà bất đồng chính kiến ở Việt Nam trong thời gian gần đây, cơ quan An ninh điều tra bằng mọi cách tạo ra các chứng cứ để buộc tội các nhà bất đồng chính kiến có liên quan đến một vài tổ chức chính trị điển hình qua vụ bắt giữ LS Lê Thị Công Nhân, LS Nguyễn Văn Đài hay vụ bắt khẩn cấp LS Lê Công Định hay gần đây nhất là vụ bắt giữ Thạc sĩ Nguyễn Tiến Trung. Việc làm đó nhằm mục đích tố cáo các tổ chức chính trị có mưu đồ lật đổ nhà nước XHCN hiện tại với mục đích sâu xa hạ uy tín các tổ chức chính trị đối lập và gây mối hoài nghi của đông đảo quần chúng nhân dân đối với các tổ chức và cá nhân này.
Bằng chứng rõ nhất là bằng mọi biện pháp nhà nước Việt Nam cố tính cho người dân trong nước hiểu những tổ chức chính trị bất hợp pháp đó có quy mô rất nhỏ, thành viên ít nhưng tính chất nguy hiểm rất cao mang tính chất khủng bố. Hay nói một cách khác thông qua việc này cho thấy chính quyền hết sức lo sợ sự hình thành và hoạt động của các đảng phái và tổ chức chính trị đối đầu với họ.
Phải nghiêm túc thừa nhận rằng nhà nước Việt Nam hiện nay nắm trong tay một sức mạnh hết sức lớn khả năng tài chính và lực lượng truyền thông mang tính độc quyền, họ có khả năng chỉ huy bắt mọi phương tiện truyền thông nói không thành có, nói trắng thành đen với hơn 700 đầu báo trên mọi lĩnh vực phát thanh, truyền hình, báo giấy và báo chí online với thông tin một chiều không chấp nhận phản biện theo kiểu thổi còi cuốc đất. Những việc làm của họ đã đạt được những kết quả không nhỏ gây nên tâm lý nghi ngờ, ghét bỏ của một số lượng không nhỏ quần chúng nhân dân đối với những đảng phái và tổ chức chính trị đối lập. Bên cạnh đó bằng mọi cách họ ngăn chặn các thông tin lề bên trái có tiếng nói khác với tiếng nói của đảng CSVN và nhà nước hiện tại bằng nhiều biện pháp khác nhau như chặn tường lửa với các trang web không có lợi cho họ v..v...
Nhà nước Việt nam hiện nay nghĩ rằng họ có khả năng làm tất cả mọi việc bất kể đúng hay sai, vi phạm Hiến pháp, pháp luật do chính họ đặt ra kể cả các Công ước quốc tế của LHQ mà Việt nam tham gia với tư cách thành viên miễn là đảm bảo sự an toàn của chế độ này hay của chính bản thân họ một nhóm rất nhỏ hiện đang nắm quyền lực trong tay.
Tuy nhiên họ quên một điều rất cơ bản, yếu tố quyết định sự tồn tại của cá nhân bọn họ núp dưới danh nghĩa giả hiệu chính quyền nhân dân đó là lòng dân, họ quên rằng lòng dân như nước, họ như con thuyền, nâng thuyền cũng là dân mà lật thuyền cũng là dân. Họ quên rằng trong thời đại bùng nổ thông tin trên mạng internet người dân dễ dàng vượt qua sự ngăn chặn của họ để đến với các thông tin đa chiều bằng tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Trung... của hàng triệu trang web, các mạng XH các Blog cá nhân trong và ngoài nước. Người dân có khả năng phân tích và đánh giá các thông tin đúng hay sai, ai nói sự thật, ai nói điều man trá. Càng lâu dần người dân đã hiểu nhà nước chỉ tuyên truyền những điều gì có lợi cho họ, những điều bất lợi họ sẵn sàng bóp méo hoặc bẻ cong sự thật.

Điều đáng lo ngại cho họ là đến hiện nay,qua các cuộc thăm dò không chính thức đã ghi nhận kết quả:
1. Khi được hỏi sự tin tưởng với truyền thông nhà nước thì trên 60% số lượng người dân khi được hỏi họ đã tỏ ý không tin vào sự chính xác của truyền thông nhà nước.
2. Khi được hỏi có muốn thay đổi thể chế hiện tại hay không, vì sao thì có tới hơn 70% không muốn với lý do sợ xáo trộn bất ổn, chỉ có hơn 20% nói mong muốn.
Đơn cử hai trong mười câu hỏi thăm dò của của tổ chức (xin không tiết lộ danh tính) đã làm cho những người quan tâm về vấn đề chính trị xã hội Việt nam hiện nay phải suy nghĩ.

Đi sâu vào tìm hiểu suy nghĩ của các tầng lớp nhân dân trong XH Việt nam hôm nay đa phần thu được một câu trả lời giống nhau, rất đáng quan tâm, đó là "Liệu sự thay đổi về chính trị trong tương lai tối thiểu có đảm bảo không gây ra bất ổn và có đảm bảo cuộc sống như hiện tại của họ hay không?" Theo tôi đây là nguyện vọng chính đáng của họ của mọi tầng lớp dân chúng đặc biệt là những công chức đang phục vụ hoặc đã nghỉ hưu trong bộ máy nhà nước hiện nay kể cả trong các lực lượng võ trang.
Đây là câu hỏi đặt ra cho các tổ chức chính trị, các đảng phái đã đang và sẽ hình thành kể cả đảng CSVN phải có trách nhiệm trả lời cho quần chúng nhân dân biết rõ thái độ của mình ra sao đối với nguyện vọng chính đáng của họ thông qua các cương lĩnh và đường lối của tổ chức mình. Thông qua đó người dân sẽ hiểu,tin tưởng,hậu thuẫn và dành sự ủng hộ cần thiết cho các tổ chức chính trị này trong hiện tại cũng như tương lai.
Ngoài trách nhiệm của các đảng phái và tổ chức chính trị, thì vai trò không kém quan trọng của thông lề bên trái cần phải nhanh chóng tham gia hỗ trợ cho các tổ chức chính trị giải thích cho quần chúng nhân dân thấy sự an toàn và đảm bảo cho tương lai của họ, nếu có sự thay đổi chính quyền ôn hòa thông qua đối thoại giữa nhà cầm quyền hiện nay với các đảng phái và tổ chức chính trị khác. Thay vì chỉ nêu, đả phá những nhược điểm, thói hư tật xấu, những tồn tại của chính quyền hiện nay mà quên mất vai trò hỗ trợ cho các tổ chức chính trị, giúp họ giải thích và vận động quần chúng thu hút lực lượng. Đồng thời các tổ chức chính trị, các đảng phái nên chú trọng việc giới thiệu tuyên truyền cương lĩnh và các chủ trương của tổ chức mình rõ ràng, công khai, minh bạch trên các phương tiện thông tin đại chúng để quần chúng nhân dân được rõ.
Các tổ chức chính trị phải phối hợp đồng bộ với các cơ quan truyền thông lề bên trái tập trung tuyên truyền và giải thích cho mọi đối tượng nhân dân trong và ngoài nước các nguyên tắc cơ bản của một nhà nước đa đảng phái. Rằng trong một nền chính trị đa đảng đa nguyên không có khái niệm lật đổ nhà nước nếu việc xác lập chính đảng cầm quyền thông qua một cuộc bầu cử phổ thông đầu phiếu, bình đẳng công bằng và trung thực có nghĩa rằng nhà nước được điều hành bởi một chính phủ do một hay nhiều chính đảng theo nguyện vọng của dân chúng, những chính đảng được sự tín nhiệm ít hơn sẽ làm vai trò của phe đối lập trong quốc hội thực hiện quyền giám sát phản biện các đường lối và việc làm của chính phủ trên cơ sở Hiến pháp và pháp luật.
Việc thay đổi chính phủ từ đảng cầm quyền này bằng đảng cầm quyền khác là một sự thay đổi ôn hòa theo hiến định theo nguyện vọng của dân chúng thông qua kết quả bầu cử không gây nên xáo trộn trong xã hội, mọi tổ chức của cơ quan nhà nước không hề thay đổi mà sự thay đổi ở đây chỉ là sự thay đổi về nhân sự các chức vụ quan trọng nhất như Thủ tướng và thành phần nội các. Những chức vụ và vị trí công tác của nhân viên từ cấp Cục, Vụ, Viện hoặc tương đương vẫn giữ nguyên như cũ hoặc thay đổi cho phù hợp theo luật công chức. Bài học về sự thành công của các cuộc cách mạng màu những năm cuối thập kỷ 80 và đầu thập kỷ 90 ở Liên xô và các nước XHCN Đông Âu đã cho mọi người thấy rõ.
Các tổ chức chính trị ngay lập tức cần phải xác định rõ quan điểm của mình đối với đảng CSVN một khi họ chấp nhận từ bỏ sự độc quyền lãnh đạo chính trị kiểu độc tôn bằng một thể chế chính trị đa đảng đa nguyên. Hãy coi như đảng CSVN là người bạn đồng hành trên con đường chính trị, bỏ qua mọi mặc cảm và thành kiến đối với cá nhân và tổ chức của họ trong qua khứ, coi họ như những người lầm đường lạc lối,một khi đã có sự thống nhất của họ trong một cơ chế chính trị mới đa đảng, đa nguyên không có sự trả thù đối với tổ chức và cá nhân của họ trừ những kẻ cố tình đi ngược lại lợi ích của dân tộc,những kẻ có nợ máu với nhân dân trên tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc.
Các đảng phái và các tổ chức chính trị cần xác định cuộc cách mạng dân chủ mà chúng ta đeo đuổi không nhằm triệt để đảo lộn mọi trật tự xã hội như cách mạng Cộng Sản đã từng diễn ra,mà chủ yếu gỡ bỏ cái kiến trúc thượng tầng của chế độ hiện tại đồng thời đem lại công bình xã hội cho tất cả mọi thành phần dân tộc. Và ở đây, cũng lại khác với những người cộng sản thực hiện công bằng xã hội bằng cách lấy đi của người có để cho người không có, cào bằng người có cho xuống thấp bằng người không có như ta đã thấy khi họ chiếm được miền Nam, chúng ta cần chủ trương đem lại công bằng xã hội bằng cách giúp, tạo điều kiện cho những thành phần đã chịu nhiều thiệt thòi dưới chế độ hiện tại có thể vươn lên bằng những thành phần đã được hưởng và có trước đó. Để cuối cùng,cho mọi người dân Việt đều có cơ hội đồng đều để thăng tiến, mưu cầu hạnh phúc (tinh thần hay vật chất) tùy theo năng lực và ý chí của chính mình.
Cũng với tinh thần trên, một khi thượng tầng kiến trúc hiện tại bị gỡ bỏ, thay thế thì vai trò của cán bộ nhân viên hành chính, của quân đội, và ngay cả đại bộ phận công an nói chung cũng vẫn cần thiết, cần được duy trì để bảo vệ tổ quốc, bảo vệ và duy trì sự vận hành xã hội cho khỏi hỗn loạn nhất là trong buổi giao thời.
Vì sự thay đổi không phải đến từ sự xâm chiếm từ bên ngoài, nên không thể có lực lượng nào mới đủ để thay thế toàn bộ các thành phần hạ tầng cơ sở nói trên. Tất nhiên, những người đã làm những điều bị xem là tội lỗi như quay súng bắn vào dân lành biểu tình ôn hòa, lạm dụng quyền lực từ chế độ để chiếm đoạt tài sản người khác v.v.. sẽ phải chịu sự xét xử của công lý. Không phải thứ công lý kiểu cộng sản hiện tại với tòa án nhân dân đầy cảm tính và kịch tính dàn dựng sắp xếp sẵn, mà với một nền công lý văn minh đương đại, trong đó nghi can vẫn được xem là vô tội cho tới khi tội lỗi được chứng minh. Và án phạt nặng nhẹ tùy vào mức độ phạm tội, và những hành vi chuộc tội trước đó của phạm nhân.

Tin rằng với sự thống nhất cam kết của các đảng phái chính trị với quốc dân đồng bào thông qua cương lĩnh chính trị của tổ chức mình và với sự hỗ trợ của hệ thống truyền thông lề bên trái sẽ giúp đỡ trong công tác tuyên truyền cho quần chúng nhân dân hiểu rõ vấn đề tạo sự yên tâm vì tương lai của cá nhân và gia đình họ. Điều đó chắc chắn sẽ tạo nên một bước ngoặt mới về tình thế và tương quan lực lượng giữa chính quyền hiện tại và một lực lượng chính trị đối lập tuy không lớn nhưng có sự hậu thuẫn đông đảo của quần chúng nhân dân.

Ngày mà đất nước Việt nam có một đời sống chính trị mới theo tinh thần người dân làm chủ vận mệnh của mình thông qua chính trị nghị trường để xây dựng một xã hội pháp trị người dân ấm no, tự do, hạnh phúc và bình đẳng sẽ không còn xa. Nếu các tổ chức chính trị, các đảng phái hiểu rõ và có sự kết hợp đồng bộ với hệ thống truyền thông lề bên trái trong công tác vận động tuyên truyền.

Chúng ta tin tưởng như vậy.
Hà nội, ngày 17/7/2009.

___________________________

Bài viết này do tác giả gửi lên Dân Luận. Độc giả có thể gửi bài viết của mình tới Dân Luận theo liên kết sau đây:
Gửi bài!

No comments: