Thursday, July 16, 2009

NHÂN QUYỀN TỰ XỬ LÝ ?


Nhân quyền tự xử lý?
Cập nhật: 13:42 GMT - thứ tư, 15 tháng 7, 2009
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2009/07/090715_viet_views.shtml
Hoa Kỳ cho tới nay vẫn chưa có phản ứng gì về vụ bắt giữ những người bất đồng chính kiến mới nhất hôm 7/7 cho dù Liên hiệp Châu Âu đã bày tỏ lo ngại sâu sắc.
Đại sứ quán Hoa Kỳ nói với đài BBC ngay sau vụ bắt giữ cựu Trung tá Trần Anh Kim và cựu quân nhân Nguyễn Tiến Trung rằng họ không có bình luận gì.

Trong khi đó nhìn từ Washington, giáo sư quan hệ quốc tế của Đại học George Mason ở Washington DC., ông Nguyễn Mạnh Hùng nói Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ phải tự điều chỉnh trong vấn đề nhân quyền.
''Đối với Việt Nam, vấn đề nhân quyền tự nó sẽ giải quyết lấy. Vấn đề sẽ luôn còn, không bao giờ hết nhưng hai bên phải tự kiểm soát.
''Có ba mục tiêu chính sách ở Mỹ, thứ nhất là kinh tế, thứ hai là quân sự, thứ ba là giá trị Mỹ tức là nhân quyền.
''Nếu các vấn đề khác quan trọng hơn thì vấn đề kia tụt xuống. Nếu kinh tế quân sự không ra gì thì nhân quyền cao lên, kinh tế quân sự lớn lên thì nhân quyền tụt xuống. Đây là điều đã áp dụng với Trung Quốc, và Việt Nam cũng thế.
''Về phía Mỹ nếu áp lực nội bộ nhiều quá thì dĩ nhiên Mỹ phải đòi hỏi, còn nếu Việt Nam muốn bang giao trong những vấn đề khác thì phải có những hành động nào đó về nhân quyền để người ta có thể tiến được.''


Thiếu hiểu biết

Giáo sư Hùng cũng nói các nhà lãnh đạo Việt Nam ''thiếu hiểu biết sâu sắc về chính trị nội bộ Hoa Kỳ'' khi chỉ trích Mỹ đề cập tới vấn đề nhân quyền.
Ông nói: ''Nhân quyền là yếu tố luôn phải có trong chính sách ngoại giao của Mỹ.
''Phe đối lập và người ngay trong đảng của Tổng thống cũng để ý và lơ là vấn đề đó là họ phải lên tiếng.
Giáo sư Hùng cũng đồng ý với nhận định của một số chuyên gia khác rằng Việt Nam không chấp nhận bất đồng chính kiến có tổ chức.
''Nói lờ mờ thì được nhưng tổ chức thì không được''.
Ông cho rằng việc để không gian hoạt động cho các nhà bất đồng chính kiến có thể là ''van xì hơi'' tốt nhưng phía Việt Nam, theo ông, ''có những lực lượng rất lo ngại, nhiều khi có thể là quá đáng.''
''Ta nhớ là luật của những người công an là thà bắt oan chín người còn hơn thả oan một người.''

Yếu tố Trung Quốc
Giáo sư Hùng nói Trung Quốc là một yếu tố khiến Việt Nam có cách ứng xử thận trọng.
''Vấn đề là Việt Nam đang phải đối phó với Trung Quốc một cách khéo léo mà tự không có lực, ngoài ra không đối lực nên họ sợ những biểu tình chống Trung Quốc có thể vượt khỏi tầm tay.
Ông cũng nói các nguy cơ tiềm tàng cho chế độ ở Việt Nam vẫn còn.
''Chúng ta nhớ là Thiên An Môn xảy ra không chỉ vì lý do chính trị mà còn là vì kinh tế lúc đó chậm lại và tham nhũng. Thành ra có nhiều yếu tố khác nhau.
''Còn những sự việc xảy ra ở bên Đông Âu, thì nó có yếu tố là không những người dân của các quốc gia như Hungary, Tiệp Khắc hay Ba Lan họ muốn dân chủ mà còn có yếu tố sâu sắc là sự độc tài không dân chủ của họ bắt nguồn từ việc các đảng cộng sản của họ lệ thuộc vào Đảng Cộng sản Nga Sô.
''Vì vậy sự đòi hỏi tự do cộng thêm tinh thần quốc gia chống lại sự áp đặt của nước ngoài tạo nên sự bùng nổ đó.
''Ở Việt Nam thì hiện họ kiểm soát được nhưng có hai yếu tố tiềm tàng.
''Thứ nhất là vấn đề kinh tế và thứ hai là tinh thần dân tộc trước áp lực của Trung Quốc.''

'Nghĩ ngắn'
Khi được hỏi về chuyện liệu Đảng Cộng sản Việt Nam có nghĩ tới tương lai lâu dài của đảng này hay không, giáo sư Hùng cho hay ông không rõ ở bên trong Đảng chuyện này được nói tới đâu.
Nhưng ông nói: ''Vấn đề này Đảng Cộng sản Trung Quốc đã nói tới. Các tạp chí nội bộ của Đảng đề cập tới chuyện Đảng Cộng sản Trung Quốc phải thay đổi và phải để ý tới đảng Cộng Sản Thụy Điển để tạo ra dân chủ xã hội.
''Họ bàn tới mức Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào phải nói Trung Quốc rồi thì dân chủ sẽ có cuối cùng nhưng giờ thì chưa có.''
Ông Hùng nói điều hiển nhiên ở mọi quốc gia, kể cả ở Hoa Kỳ là các chính trị gia ''phải giữ quyền lực của mình''.
''Các chính trị gia thường là nghĩ ngắn nhất nên chúng ta không thấy ngạc nhiên là không có phiên bản dài.

Sợ hãi
Giáo sư Hùng nói Trung Quốc và Hoa Kỳ đều có thể có ảnh hưởng đối với Việt Nam khi ''nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam không nhất trí với nhau''.
''Sức ép có ảnh hưởng nhất là Trung Quốc.
''Trung Quốc có những quyền lợi thiết thân hơn để ép Việt Nam so với Hoa Kỳ.
''Bên Hoa Kỳ không có sự quan tâm lớn như Trung Quốc và Việt Nam cũng có nhiều cái để cho hơn, hay là muốn cho Trung Quốc nhiều hơn.

Hiện tại, theo giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, Việt Nam cũng đang có những cách để người dân không để tâm tới chính trị và tránh sự chất vấn đối với quyền lực của Đảng Cộng sản.
''Ngày xưa thời Pháp không muốn cho người Việt Nam quan tâm chính trị thì tổ chức phong trào đua xe đạp và thể thao.
''Ở Việt Nam nay cũng có âm nhạc, thể thao, thi hoa hậu... những cái đó nó thu hút tâm hồn của những người trẻ và bớt sự chống đối đi.
''Một đằng là sự sợ hãi, một đằng là đời sống khá giả lên một chút thì người ta tạm hài lòng được rồi.''

Đặt câu chuyện trong bối cảnh chính sách đối ngoại của Tổng thống Obama, có thể thấy ông Obama nêu bật các chủ đề dân chủ và nhân quyền mang tính nguyên tắc nhưng tin rằng các xã hội châu Á, châu Phi phải tự vận động.
Hoa Kỳ, theo ông, sẽ luôn đóng vai trò người bạn nhưng không can thiệp trực diện.


Hoa Kỳ lo ngại về mối căng thẳng giữa Trung Quốc-Việt Nam trên Biển Đông
Đàn Chim Việt
Đăng ngày 16-7-2009
http://danchimviet.com/articles/1288/1/Hoa-K-lo-ngi-v-mi-cng-thng-gia-Trung-quc-Vit-Nam-tren-bin-ong/Page1.html
Hoa Thịnh Đốn (AFP): Hôm thứ Tư, một quan chức Hoa Kỳ lên tiếng bày tỏ mối quan ngại giữa Trung quốc và Việt Nam ở Biển Đông và cam kết sẽ bảo vệ các công ty dầu hỏa đang hoạt động trong vùng.
Tuy nhiên ông Scot Marciel một viên chức của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cho biết Mỹ sẽ không thiên về phe nào trong cuộc tranh chấp các hòn đảo này giữa Trung hoa và các quốc gia trong vùng, kể cả Nhật, Phi Luật Tân và Việt Nam.

Điều trần với Quốc hội Hoa Kỳ, ông Marciel cho biết Bắc Kinh đã cảnh báo các công ty dầu khí Mỹ và ngoại quốc phải ngưng hoạt động với đối tác Việt Nam trên Biển Đông nếu không sẽ gánh nhận hậu quả về những đầu tư kinh doanh béo bở với Trung quốc.
"Chúng tôi phản đối bất cứ ý định đe doạ các công ty nào của Hoa Kỳ," ông Marciel, phó trợ lý cho Tổng trưởng Ngoại giao về Á châu đã tuyên bố như vậy với Ủy ban Đối Ngoại của Thượng viện Hoa Kỳ.
"Chúng tôi đã trực tiếp bày tỏ mối quan ngại này với Trung quốc. Những tranh chấp về chủ quyền giữa các quốc gia không thể xử lý bằng cách áp lực các công ty không dính líu gì trong cuộc tranh chấp đó," ông nói.Trung quốc, đã có nhiều kèn cựa trong quá khứ với Việt Nam, là một quốc gia đang cai quản các quần đảo Hoàng Sa từ năm 1974 khi họ đánh bại một tiền đồn của miền Nam Việt Nam trước khi cuộc chiến Việt Mỹ chấm dứt.
Các hòn đảo này được Trung quốc gọi la Xinsha -- được coi là những căn cứ chiến lược có nhiều dự trữ dầu khí và vùng đánh cá màu mỡ.
Mối tranh chấp tăng cao vào đầu năm nay khi Việt Nam thành lập một bộ hành chánh đứng đầu bởi một "chủ tịch," đứng ra đảm trách quần đảo này.

"Hoa Kỳ vẫn tiếp tục chủ trương không đứng về phía nào trong cuộc tranh chấp tranh giành chủ quyền chính thống của giải đất này trên Biển Đông," ông Marciel tuyên bố.

Trung quốc cũng tranh chấp quần đảo Diaoyu, còn được gọi là Sensaku với Nhật và Đài Loan, một quần đảo mà Bắc Kinh cho là trọn vẹn thuộc về họ.
Ngoài ra, Trường Sa, một quần đảo có tiềm năng chứa đựng nhiều dung lượng dầu, cũng được các quốc gia như Brunei, Trung quốc, Mã lai, Phi Luật Tân, Đài Loan và Việt Nam tranh giành một phần hay trọn vẹn.© 2009 Đàn Chim Việt Online

No comments: