Saturday, July 11, 2009

NHẮC LẠI TẤN THẢM KỊCH và NHỮNG BÀI HỌC VỀ VIỆT NAM


Nhắc lại tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam
Lê Quế Lâm
Đăng ngày 11/07/2009 lúc 11:33:45 EDT
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3938
Đó là tựa đề quyển sách Nhìn lại Quá Khứ (In Retrospect – The Tragedy and Lessons of Vietnam) xuất bản năm 1995 của Robert S. McNamara, cựu Bộ trưởng Quốc Phòng dưới hai trào tổng thống Kennedy và Johnson. Ông vừa qua đời hồi đầu tuần này tại Hoa Thịnh Đốn, thọ 93 tuổi. Khi ông tham chính năm 1961, lúc đó chỉ có 700 cố vấn quân sự Mỹ ở Nam VN, số này tăng lên 16 ngàn khi TT Kennedy bị ám sát tháng 11/1963. Dưới trào TT Johnson, từ cuối 1964 HK bắt đầu thực hiện hai gọng kèm dội bom Bắc Việt và đưa quân chiến đấu Mỹ vào Miền Nam. Lúc McNamara rời chính quyền vào cuối Tháng Hai 1968, quân Mỹ ở MNVN đã lên đến trên nửa triệu.

Trước áp lực của HK, Tháng Hai 1967, ông Hồ Chí Minh chấp nhận nói chuyện với Mỹ với điều kiện HK phải chấm dứt vô điều kiện việc dội bom nước VNDCCH. Sau đó từ tháng Bảy có cuộc tiếp xúc giữa Kissinger và Mai Văn Bộ đại sứ của Hà Nội ở Paris qua trung gian của hai khoa học gia người Pháp. Trong thời điểm này, có sự bất đồng giữa McNamara và các Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ. Các tướng lãnh muốn HK gây áp lực mạnh hơn nữa đối với BV còn Bộ trưởng QP khuyến cáo TT Johnson chỉ ném bom hạn chế dưới vĩ tuyến 20, giới hạn việc tăng quân vào MN và có một lập trường mặc cả linh hoạt, đồng thời tích cực tìm kiếm một giải pháp chính trị. Ông nói thẳng với Johnson: “Chúng ta không thể đạt được mục tiêu ở VN bằng bất cứ biện pháp quân sự nào, vì thế chúng ta phải tìm kiếm một một mục tiêu chính trị nhỏ bé hơn thông qua đàm phán”. Ông đề nghị chính sách của Mỹ phải dựa trên hai nguyên tắc: “Cam kết của chúng ta chỉ nhằm để cho nhân dân Nam VN được quyết định tương lai của họ. Cam kết này sẽ chấm dứt nếu NVN không tự cứu lấy mình”.

Hạ tuần Tháng Giêng 1968, căn cứ Mỹ ở Khe Sanh bị quân BV bao vây, giới truyền thông quốc tế dự kiến đây sẽ là một Điện Biên Phủ thứ hai. Sau đó.mười ngày là cuộc Tổng công kích Tết Mậu Thân. Hình ảnh Toà Đại sứ được in trên trang nhất các báo với tựa đề lớn “Sứ quán Mỹ ở Sàigòn đã bị CS chiếm”. Giới truyền thông đã tiếp tay giúp Hà Nội đến Paris tham dự đàm phán trong danh dự, như là kẻ chiến thắng. Ba tháng sau, Mỹ và Hà Nội đồng ý tham gia hoà đàm. Nhiệm vụ hoàn tất, TT Johnson tuyên bố không tái ứng cử nhiệm kỳ hai. Trước đó một tháng, ông đã dành cho vị Bộ trưởng Quốc phòng của mình một chức vụ lương cao bổng hậu là Chủ tịch Ngân hàng Thế giới.

Cuối Tháng 10/1968, ba tháng trước khi rời Bạch Cung, TT Johnson quyết định ngưng hoàn toàn việc ném bom BV, mời VNCH và MTGP tham dự đàm phán với Mỹ và Hà Nội, để hai bên MN tự quyết định công việc nội bộ của họ. TT Johnson đã chấm dứt giai đoạn Mỹ trực tiếp điều khiển cuộc chiến, bàn giao nhiệm vụ cho TT Nixon trong giai đoạn mới: VNCH đảm nhận cuộc chiến, HK rút quân kết thúc chiến tranh bằng HĐ Paris 1973.

Hai mươi năm sau ngày MN tự do lọt vào tay CS, ông McNamara cho xuất bản quyển sách nêu trên. Trong lời tựa, ông viết “Chúng tôi ở trong các chính quyền Kennedy và Johnson, tham gia vào các quyết định về Việt Nam, đã hành động theo những gì chúng tôi coi là các nguyên tắc và truyền thống của dân tộc này. Chúng ta đã ra các quyết định dưới ánh sáng của các giá trị đó. Nhưng chúng tôi đã sai lầm, sai lầm khủng khiếp. Chúng tôi mắc nợ các thế hệ tương lai trong việc giải thích tại sao lại sai lầm như vậy. Tôi thực sự tin rằng chúng tôi đã mắc sai lầm không phải về nhận thức các giá trị và mục đích, mà là sai lầm về phán đoán và khả năng”.

Ông đã nói rõ hơn trong lời kết về VN: “Hoa Kỳ đã chiến đấu ở VN trong suốt 8 năm vì những điều được tin là đúng đắn và chính nghĩa. Bằng cuộc chiến này, các chính quyền của hai đảng tìm cách bảo vệ nền an ninh của chúng ta, ngăn chận sự bành trướng của chủ nghĩa CS độc tài và thúc đẩy nền dân chủ chính trị với quyền tự do cá nhân. Các chính quyền của Kennedy, Johnson và Nixon đã đưa ra các quyết định, và bằng các quyết định đó kêu gọi sự hy sinh cống hiến và đã gây ra sự đau khổ ghê gớm dưới danh nghĩa của các mục đích và giá trị đó… Đó là những người lính Mỹ chiến đấu ở VN và không bao giờ trở về. Họ là những người đáp theo tiếng gọi của dân tộc, ra đi chiến đấu. Họ đã đi tới nơi chết choc nhân danh cho dân tộc. Và họ đã cống hiến cuộc sống của mình cho Tổ quốc và những lý tưởng của Tổ quốc họ. Sự thiếu khôn ngoan trong các nổ lực của chúng ta ở VN không làm cho sự cống hiến, hy sinh của họ giảm bớt đi tính cao cả”.

Nhìn lại quá khứ, McNamara thừa nhận HK đã có những nhận thức sai lầm về phán đoán và khả năng. Một là “đánh giá quá cao tác động của việc mất VN đối với nền an ninh của Phương Tây”. Hai là “Đã không tuân thủ nguyên tắc cơ bản là xét cho cùng, nếu người Việt Nam muốn được cứu vớt thì họ phải thắng cuộc chiến bằng chính bản thân họ. Ông khẳng định: “Đi trệch khỏi sự thật cơ bản này, chúng ta đã tập trung công sức ngày một nhiều hơn trên một nền tảng đã mất ổn định. Lực lượng bên ngoài không thể thay thế cho sự ổn định và trật tự chính trị mà chỉ có thể do người dân tự lập ra cho chính họ”.

Những sai lầm này được ông ghi lại trong Chương 11: Những Bài học Việt Nam (The Lessons of Vietnam, PP. 319-334). Trong phần đầu, ông nói rằng từ khi ông dính líu đến VN năm 1961 đến khi HK rút khỏi Nam VN năm 1973, “chúng ta đã mất 58 ngàn cả nam lẫn nữ, nền kinh tế của chúng ta đã bị tàn phá bởi nhựng chi phí cao và bất hợp lý cho cuộc chiến trong nhiều năm liền và sự thống nhất chính trị của xã hội chúng ta bị tan nát và hàng thập kỷ sau vẫn không khôi phục được. Liệu những cái giá quá cao đó có được biện minh hay không”?Ngay sau đó ông tự trả lời: “Các ông Dean Rusk, Walt Rostow, Lý quang Diệu và nhiều nhà địa-chính trị trên toàn cầu tới ngày hôm nay đều đưa ra câu trả lời khẳng định: Nếu không có sự can thiệp của HK vào VN thì sự bành trướng của LX và TC có thể đã lan rộng cả Nam và Đông Á, bao gồm Indonesia, Thái Lan và cả Ấn Độ. Có người còn đi xa hơn và cho rằng LX đã có thể đi tới chỗ mạo hiểm hơn, mở rộng ảnh hưởng ở những nơi khác trên thế giới như ở Trung Đông, nơi họ đã tìm cách khống chế các nước sản xuất dầu lửa. Những điều này có thể đúng, nhưng tôi thật sự nghi ngờ các đánh giá đó”.


Vì McNamara nghi ngờ các đánh giá trên, tôi có ý kiến: Nếu HK bỏ rơi VNCH hồi năm 1965 thì Nam Dương đã lọt vào tay CS. Nhờ sự can thiệp mạnh mẽ của Mỹ vào Nam VN mà tướng Suharto mới mạnh tay tàn sát mấy trăm ngàn đảng viên CS Mao-ít. Năm 1973, Trung Cộng hoàn toàn bị bao vây bởi các nước đồng minh của Mỹ. Hai nước Mã Lai và Singapore vốn thân Mỹ, các nước còn lại như Đại Hàn, Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan), Phi Luật Tân, Nam Dương, Thái Lan, Cam Bốt và VNCH đều do các tướng lãnh lãnh đạo. Khi HK rút quân khỏi VN, các nước trên ra tuyên bố biến ĐNÁ thành khu vực Tự do - Độc lập - Trung lập.

Sau 1975, LX bành trướng ảnh hưởng đến cả Châu Phi và Châu Mỹ. Khi chế độ thân Mỹ bị lật đổ ở Iran, ảnh hưởng của LX có thể sẽ lan rộng đến vùng Vịnh Ba Tư. Sự kiểm soát của LX đối với vùng dầu mỏ chiến lược này, sẽ là một tai họa cho Tây Âu và Nhật Bản. Vì quyền lợi sống còn, họ phải hợp tác chặt chẻ với TT Reagan trong thập niên 1980. Nhờ sự gắn bó này mà Reagan tin tưởng: “Điều sau đây sẽ phải xảy ra: chủ nghĩa Marxít Leninít sẽ bị quăng vào đóng tro tàn lịch sử, giống như mọi thể chế độc tài chuyên chính trước đó” (“If the democracies maintained their resolve against Communism and encouraged the expansion of democratic rule, I suggested, the rest was inevitable: Marxism-Leninism would be tossed on the ash heap of history, like all the other forms of tyranny that preceded it”)

McNamara viết tiếp: “Ngày nay tôi thường hỏi liệu hành động và ảnh hưởng của LX hoặc TQ trong những năm 70 và 80 có khác không nếu Mỹ không dính líu vào cuộc chiến ở Đông Dương, hay nếu chúng ta rút khỏi VN từ đầu và giữa thập kỷ 60. Nếu vậy thì rõ ràng hai điều kiện làm cơ sở cho quyết định của TT Kennedy đưa các cố vấn quân sự Mỹ sang NVN đã không được đáp ứng và quả thực đã không thể đáp ứng được: đã không có ổn định chính trị và có vẽ không bao giờ đạt được điều đó; và người NVN, ngay cả khi có sự giúp đỡ về huấn luyện và hỗ trợ về hậu cần cũng đã không có khả năng tự bảo vệ mình. Và đó cũng là thực tế nên tôi tin rằng chúng ta đã có thể và lẽ ra đã nên rút khỏi NVN hoặc là cuối năm 1963 -giữa tình hình hỗn độn sau khi TT Diệm bị ám sát, hoặc là cuối năm 1964 hay đầu năm 1965 - trước tình trạng suy yếu về chính trị và quân sự của NVN”.


Tôi xin góp ý về lời tự hỏi của ông McNamara: Nếu Mỹ không dính líu vào chiến tranh VN thì sự bành trướng của CS sẽ lan rộng khắp cả khu vực Đông và Nam Á. Lúc đó quyền lợi sống còn của Mỹ bị đe dọa nặng nề, có thể đưa Mỹ đến thế chiến thứ ba. Trái lại nhờ sự can thiệp của HK vào VN khiến mối rạn nứt giữa LX và TC ngày càng lớn. Cuối tháng Hai/1972, Nixon đến Bắc Kinh, thông cáo chung kết thúc chuyến công du lịch sử của tổng thống HK tại TC nêu rõ: “Cả hai bên đều không mưu cầu bá quyền và đều phản đối bất cứ nước nào hay tập đoàn nào cố gắng thiết lập bá quyền đó ở khu vực Á Châu”. Từ sau 1975, Hà Nội thôn tính MN và đưa quân sang Cam Bốt, LX đưa quân sang Afghanistan…TC đã hợp tác với HK, Nhật và các nước Tây Âu trong Liên minh chống bá quyền LX. Từ đó TCvà HK và các nước tự do dân chủ đã đưa LX đến chỗ cáo chung, Thế chiến thứ ba không xảy ra. Còn nhận xét về người Nam VN “không có khả năng tự bảo vệ mình”, nên lẽ ra HK phải rút ra khỏi Nam VN, tôi nghĩ đó là trách nhiệm của những người lãnh đạo VNCH và người VN phải rút tỉa bài học này.

Qua điểm sách Nhìn Lại Quá Khứ, tôi cảm nhận được nổi cay đắng của tác giả và có lẽ của dân chúng Mỹ về tấn thảm kịch VN. Trong chương 11 – “Bài học Việt Nam”, ông McNamara nhắc đi nhắc lại nhiều lần về điều mà ông gọi là nhận thức sai lầm. Đánh giá quá cao việc mất VN đối với nền an ninh của Tây phương, nên HK đã tập trung rất nhiều công sức vào VN…Nhưng (VNCH) không tự bảo vệ được mình trước sự đe dọa đó thì thật là điên rồ và vô trách nhiệm” (“to have failed to defend ourselves against the threat would have been foolhardy and irresponsible”).

Ông McNamara có lẽ đã theo gương Á Đông: “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Ông liệt kê 11 nguyên nhân gây ra thảm họa của Mỹ tại VN. Tôi thấy các điểm dẫn chứng đều có vẽ gượng ép, xin dẫn chứng ba điểm đầu trong những điểm đó:

1- HK đánh giá sai các ý định địa-chính trị của BV và VC được LX và TC ủng hộ và chúng ta đã thổi phòng những nguy cơ đối với nước Mỹ trước những hành động của họ. Tôi cho rằng HK không đánh giá sai. Sự can thiệp của họ là điều bắt buộc không thể chối từ khi đối đầu với LX và TC là hai địch thủ đầy thủ đoạn. CSQT ủng hộ ông HCM phát động cuộc chiến giải phóng MN để mở rộng ảnh hưởng khối CS, nhưng muốn trói tay HK. Nếu HK can thiệp, TC có dịp chứng minh với thế giới về luận điểm mà họ thường rêu rao: “Đế quốc Mỹ gây chiến và xâm lược, bản chất của chủ nghĩa đế quốc không bao giờ thay đổi. Đế quốc Mỹ là kẻ thù nguy hiểm nhất của các dân tộc”. Còn Khruschev chủ trương chung sống hoà bình với Mỹ. Nếu HK bỏ cuộc để MNVN lọt vào tay CS, thì phần còn lại của lục địa ĐNÁ sẽ bị CS chiếm mau lẹ. Sự kiểm soát của CS ở ĐNÁ là mối đe doạ trực tiếp đối với nền an ninh quốc gia. Điều đó xảy ra không những uy tín của cường quốc số 1 của TGTD bị chôn vùi mà Khruschev sẽ huyên hoang với thế giới về sự tất thắng của CS: chiến thắng đế quốc Mỹ trong thời bình.

2- Đánh giá nhân dân và các nhà lãnh đạo Nam VN theo kinh nghiệm của chúng ta. Chúng ta đã nhìn thấy ở họ niềm khát khao và quyết tâm chiến đấu giành tự do dân chủ. Chúng ta đánh giá hoàn toàn sai. Tôi không đồng ý với nhận xét này. HK đánh giá đúng, nếu không thì tại sao có một triệu binh sĩ VNCH thương vong trong cuộc chiến. Khi MN lọt vào tay CS, cũng vì khát vọng dân chủ tự do, hàng triệu người đã mạo hiễm vượt biển bằng các phương tiện thô sơ.

3- Đánh giá thấp sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc. BV và VC đã đấu tranh và hy sinh cho lý tưởng và các giá trị của nó. Tôi tin rằng giới lãnh đạo CS không có tinh thần dân tộc, họ chỉ phục vụ quốc tế CS, nên luôn chê bai chủ nghĩa dân tộc là hẹp hòi ích kỷ. Nếu giới lãnh đạo CSVN có tinh thần dân tộc theo chủ nghĩa dân tộc thì không bao giờ có chiến tranh VN, và đất nước đã không trì trệ trong hơn 60 năm qua.

Mong rằng những người trong cuộc đã từng góp phần tạo ra thảm cảnh cho đất nước cũng nên suy tư về tấn thảm kịch VN và rút ra bài học gì cho tương lai. Ông McNamara đã thú nhận sai lầm vì đã đánh giá thấp sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc của những người CSVN. Tức nhiên ông đề cao sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc của những người CSVN, họ đã chiến đấu và hy sinh cho lý tưởng và các giá trị đó. Mong rằng họ sẽ tiếp tục chiến đấu và hy sinh cho lý tưởng cao đẹp đó để bảo vệ biên cương và lãnh hải của tiền nhân để lại.

Lê Quế Lâm


No comments: