Thursday, July 16, 2009

HỌC VIỆN KHỔNG TỬ - HÀNG DZỎM MADE IN CHINA


Học viện Khổng Tử - Hàng dzỏm made in China
Thạch Tảo tổng hợp
16-07-2009
http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=6521

Mục đích của các Học Viện Khổng Tử là gì?

Khổng Giáo, từ rất lâu, là một học thuyết/tư tưởng có tầm ảnh hưởng sâu xa tới các quốc gia châu Á. Những câu nói của Khổng Tử (qua sự ghi chép lại của các môn sinh) dần dần được người phương Tây biết đến ngày càng nhiều hơn như những lời khuyên khôn ngoan và thiết thực. Thậm chí có người còn nghĩ rằng Khổng Học có thể giúp tìm ra một lối thoát cho cuộc sống quá lệ thuộc vào vật chất.
Nắm được những tâm lý đó, chính quyền Bắc Kinh đang tìm cách khôi phục lại Khổng Giáo bằng cách xây dựng và tài trợ các Học Viện Khổng Tử (HVKT). Hiện nay trên thế giới đã có khoảng 128 HVKT: 46 ở châu Á, 46 tại châu Âu, 26 ở Bắc Mỹ, 6 bên châu Phi, và 4 ở châu Úc. Việt Nam cũng sắp sửa cho thành lập HVKT .
Văn phòng Chính phủ vừa ra Công văn số 1992/VPCP-QHQT gửi các bộ GD-ĐT, Ngoại giao, CA và Văn phòng T.Ư Đảng Cộng sản, thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm thành lập Học viện Khổng Tử (HVKT).

HVKT là cơ quan truyền bá văn hóa của Trung Quốc ở nước ngoài, do chính phủ Trung Quốc tài trợ, tương tự Viện Trao đổi Văn hóa Pháp hay Hội đồng Anh. Học viện này có chức năng giảng dạy tiếng Trung Quốc; đào tạo giáo viên tiếng Trung; tổ chức thi trình độ tiếng Trung; chiếu phim Trung Quốc, tư vấn du học; tổ chức các hoạt động trao đổi văn hóa, hữu nghị... với mục tiêu cuối cùng là mở rộng ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Quốc trên phạm vi toàn cầu. (08/04/2009) (1)

Có phải các HVKT chỉ nhằm mục đích phát triển ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc mà thôi?

Theo một phúc trình của Cơ quan Tình báo Canada (CSIS-Canadian Security Intelligence Service) các HVKT là một trong những chiến thuật của Trung Quốc nhằm chinh phục thế giới bằng “sức mạnh mềm” (soft power)
“Trung Quốc muốn thế giới có thiện cảm với Trung Quốc và hàng Trung Quốc. Muốn được như thế, thế giới cần có lòng ngưỡng mộ Trung Quốc ở một mức độ nào đó.” (2)
Bà Joycelyn Chey, một chuyên viên Bộ Ngoại Giao về các vấn đề Australia-China, thì cho rằng:
“Mục tiêu nhắm tới (của việc truyền bá Khổng Học) là nắm được sự ủng hộ rộng rãi của mọi nước đang có quan hệ hữu nghị với Trung Quốc, từ cộng đồng thế giới nói chung tới giới lãnh đạo tư tưởng cũng như thương mại. Từ đó tạo ra những ý kiến có thể khiến cho chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ có lợi cho chính quyền Bắc Kinh” (3)
(Đọc bài
“Con Rồng Hòa Nhã và Học Viện Khổng Tử” của Joycelyn Chey do Khuyết Danh lược dịch).

Thế giới vẫn chưa quên việc Mao Trạch Đông đã lên án gay gắt Khổng Tử là kẻ có tinh thần cực kỳ phong kiến, là nguyên nhân đưa Trung Quốc tới cảnh nghèo nàn lạc hậu. Thế nên, khi thấy danh ngôn của Khổng Tử “When a friend comes from afar, is that not delightful?” được long trọng tuyên bố trong lễ khai mạc Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008, người ta nghi ngờ ngay vị “Vạn Sư Thế Biểu” này đang được dùng như một quân cờ cho một chiến thuật mới. (4)

Khổng Học có thể là cái nạng cho nước Tàu tựa lên, khi các cột trụ triết học Mác và đấu tranh giai cấp đã sụp đổ, Khổng Học cũng có thể là mồi câu du khách đến viếng tỉnh Sơn Đông, hay, Khổng Học là thành phần chính tạo ra “Asian values” (giá trị châu Á) để thách thức với các “Western values” (giá trị phương Tây) trong cuộc chạy đua dành quyền lực giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Khổng Học định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa

Tính chất chính của một chính quyền độc tài là ghét cay ghét đắng sự đa nguyên. Chính quyền cộng sản độc tài, do đó, luôn luôn tìm cách phân tích, giải thích mọi học thuyết theo một mẫu duy nhất sao cho có lợi nhất.
Khi giải thích Khổng Giáo, cộng sản sẽ nhấn mạnh vào việc duy trì các thứ bậc trong xã hội, vào tầm quan trọng vô cùng của việc ổn định đất nước, vào việc quần chúng cần được chăn dắt bởi những người tài trí… tất cả được che đậy dưới hai chữ hoa mỹ “hài hòa” (harmony). Cộng sản sẽ cố tình không nói đến những phẩm chất cần có của người lãnh đạo như: không được lạm dụng quyền lực, không được ăn chơi xa xỉ, phải thành thực, phải biết lắng nghe ý kiến quần chúng...
Người ta càng nghi ngờ tính trong sáng vô tư của sự trình bày và giảng giải những điều “Tử viết” khi biết rằng tất cả các Học Viện Khổng Tử đều chịu sự chi phối chặt chẽ của một viện trung tâm đặt tại Bắc Kinh.

Dường như với một ý đồ muốn gồm thâu tất cả về một mối, muốn tiêu chuẩn hóa mọi sự. Một biểu hiện rõ ràng nhất của toan tính này là các pho tượng Khổng Tử. Những pho tượng có cùng một mẫu mã, một kích cỡ, một khuôn mặt, một tư thế, một vẻ biểu cảm…
Hành vi đó làm chính người Trung Quốc phẫn nộ. Ông Li Wang Gang lên tiếng phản đối
Rất khó cho người thời nay phục hồi được dung mạo của một người sống hai ngàn năm về trước. Mọi tác phẩm hội họa và điều khắc chỉ là những phản ánh nghệ thuật từ sự hiểu biết của một số người. Hình ảnh của Khổng Tử không thể bị tiêu chuẩn hóa, và càng quái thai hơn khi người ta muốn khống chế hình ảnh đó bằng một pho tượng mà người ta gọi là chuẩn mực. Điều này không khác gì việc người ta khống chế cái quyền được giải thích Khổng Học một cách tự do.(5)
Nhìn chân dung Khổng Tử qua các pho tượng sản xuất hàng loạt, người ta không còn thấy nét dung dị chân thành của nhà hiền triết như trong những bức tranh cổ. Thay vào đó là khuôn mặt khô lạnh đến vô cảm của một người đàn ông không biết đang nhắm mắt hay mở mắt. Quái đản hơn nữa, có khi mặt đức Khổng trông chẳng khác gì khuôn mặt của một lãnh tụ cộng sản Liên Xô: Vladimir I. Lenin!

(T): Khổng Tử trong tranh cổ. (P): Khổng Tử theo mẫu mã của China Confucius Foundation . Nguồn: Tổng hợp
http://www.dcvonline.net/php/images/072009/khongtu.jpg

Tượng Khổng Tử (hay Lenin) tại London (2006). Nguồn: Xinhua
http://www.dcvonline.net/php/images/072009/khongtu2.jpg

Như một phản đối hành vi thô bạo của Bắc Kinh trong việc dành độc quyền phổ biến hình tượng Khổng Tử, nghệ sĩ Jin Feng trong cuộc triển lãm tại Shanghai Zendai Museum of Modern Art (2008) đã có một loạt tượng “Khổng Tử khóc” - Khóc đến nỗi miệng mũi bị sạt lở theo nước mắt! (5)
Báo chí Trung Quốc sau đó viết rằng nhiều người thưởng ngoạn nói họ thấy tượng Khổng Tử của Phong họa sĩ là “khó hiểu” - Khó hiểu hay khó… phát biểu?


Tượng Khổng Tử khóc. Nguồn: art-ba-ba.com/Jin Feng
http://www.dcvonline.net/php/images/072009/khongtu3.jpg

Hãy tìm hiểu Khổng Học một cách tỉnh táo

Trải qua chiều dài lịch sử, những giá trị về mặt triết lý, đạo đức, tư tưởng… của Khổng Học là không thể phủ nhận được. Nhưng không nên cho rằng cái gì “Tử viết” cũng là đúng, là chân lý, là duy nhất.
Giáo trình của Bộ Giáo Dục tiểu bang Idaho cho một lớp học về Khổng Tử có phần hướng dẫn như sau (6):
- Tìm hiểu cuộc đời Khổng Tử.
- So sánh những câu nói của Khổng Tử với những câu nói của các danh nhân Hoa Kỳ. Tìm ra điểm tương đồng và khác biệt giữa những câu nói ấy.
- Hãy viết câu riêng của bạn theo kiểu “Tử viết”
- Hãy suy luận việc tại sao nhiều người Trung Quốc (kể cả các nhà lãnh đạo đảng cộng sản hiện tại) đang tìm kiếm một đấng cứu tinh về tiêu chuẩn xã hội, ứng xử và thực hành.

Thử so sánh một số câu nói của Khổng Tử với John Adams và Thomas Jefferson, những người được coi là có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ nhất trong nhóm “Founding Fathers of the United States” (Những Người Cha Khai Sáng Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ - TT) (7)

Khổng Tử, John Adams và Thomas Jefferson đều cùng đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục (8)

Khổng Tử: Hữu giáo vô loại. (Dạy người, ta không phân biệt đó là loại người nào, lý lịch thế nào)
John Adams: Laws for the liberal education of the youth, especially of the lower class of the people, are so extremely wise and useful, that, to a humane and generous mind, no expense for this purpose would be thought extravagant (Những luật định về sự giáo dục tư tưởng tự do cho thanh niên, đặc biệt thành phần thấp kém của xã hội, là vô cùng sáng suốt và hữu ích. Vì thế, không có một chí phí nào cho mục đích này bị coi là quá đáng với những người có tấm lòng nhân bản và độ lượng)
Thomas Jefferson: Educate and inform the whole mass of the people. They are the only sure reliance for the preservation of our liberty. (Hãy giáo dục và đưa thông tin đến toàn dân. Họ là thành trì duy nhất gìn giữ sự tự do của chúng ta)

Tuy nhiên, trong khi Khổng Tử muốn “bá tính” phải tin tưởng vào một minh chúa, hay một nhóm người tài trí vượt trội, thì cả John Adams và Thomas Jefferson đều tin vào sức mạnh của người dân, hay nói cách khác, họ tin sự đổi mới sẽ đến từ phía quần chúng, khi người dân có được đầy đủ quyền tự do.

Khổng Tử: Dân khả sử do chi, bất khả sử tri chi (Có thể làm cho dân theo con đường của ta, không thể làm cho họ biết đó là cái gì)
John Adams: Power always thinks it has a great soul and vast views beyond the comprehension of the weak. (Những kẻ nắm quyền lực luôn luôn nghĩ rằng họ có tấm lòng vĩ đại và cái nhìn bao quát vượt xa tầm hiểu biết của những người yếu thế).
Thomas Jefferson: Every generation needs a new revolution. (Mỗi thế hệ đều cần một cuộc cách mạng mới).

Không hiểu các Học Viện Khổng Tử sẽ giảng dạy về chữ “đạo” như thế nào cho xứng đáng với câu “Sáng nghe đạo, tối chết cũng cam.” (Triêu văn đạo, tịch tử khả), nhưng nếu chính quyền cộng sản Bắc Kinh vẫn tiếp tục bóp nghẹt quyền tự do phát biểu, tự do tín ngưỡng, tự do được tiếp cận thông tin… thì Thomas Jefferson - chứ không phải Khổng Tử - mới chính là ánh sao Bắc Đẩu soi đường cho người Trung Quốc.

Liberty is to the collective body, what health is to every individual body. Without health no pleasure can be tasted by man; without liberty, no happiness can be enjoyed by society.
Tự do đối với nhân quần giống như sức khoẻ đối với cá nhân. Không sức khoẻ, con người không thể có lạc thú. Không tự do, xã hội không thể có hạnh phúc.

© DCVOnline

----------------------------------------------

(1)
Thành Lập Thí Điểm Học Viện Khổng Tử, cadn.com.vn, 26/06/2009.
(2)
CSIS say: Confucius part of Chinese bid to win over western hearts, themonitor.ca, 28/05/2007.
(3)
AUSTRALIA: Warning – be wary of Confucius institutes, Geoff Masien, universityworldnews.com,02/12/2007.
(4)
Daniel Bell: Confucius and the Games, Melinda Liu, newsweek.com, 11/08/2008 - Câu nói của Khổng Tử được dùng: “When a friend comes from afar, is that not delightful?” (Hữu bằng tự viễn phương lai, bất diệc lạc hồ - Có bạn từ phương xa tới thì còn gì vui hơn).
(5)
Does A Standard Image of Confucius Impact on Cultural Ownership?, Pan Xiao Qiao, Bejing Review.com.cn, 02/11/2006.
(6)
SITE / PROBLEM- A Case of Jin Feng Presented by: Shanghai Zendai Museum of Modern Art, 28/12/2008.
(7)
Focus on South Asia, Southeast Asia ans East Asia Idaho State Department Education.
(8)
Khổng Tử là một nhà tư tưởng, triết học xã hội nổi tiếng người Trung Hoa. Triết lý của ông có ảnh hưởng rộng lớn đối với đời sống và tư tưởng của các nền văn hóa Đông Á. Các bài giảng của Khổng Tử được nghiên cứu chủ yếu qua cuốn Luận Ngữ.
John Adams là tổng thống thứ hai của Hoa Kỳ. Ông tạo được ảnh hưởng mạnh mẽ qua chức vụ luật sư hành pháp và qua những công trình phân tích tỉ mỉ về các sự kiện lịch sử. Ông là người dẫn đầu trong việc vận động Quốc Hội chấp thuận Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ (The United States Declaration of Independence – 1776).
Thomas Jefferson là tổng thống thứ ba của Hoa Kỳ. Ông là người soạn thảo bản Tuyên Ngôn Độc Lập. Ngoài sự hiểu biết sâu rộng về triết học và chính trị, ông còn am tường nông nghiệp, kiến trúc, khảo cổ, sáng chế… Cho tới nay, ông vẫn được coi là vị tổng thống vĩ đại nhất của nước Mỹ.



No comments: