Friday, July 10, 2009
HOÀNG LAN TIN NGUYỄN TIẾN TRUNG HOÀN TOÀN TRONG SÁNG
Hoàng Lan tin Nguyễn Tiến Trung hoàn toàn trong sang
10/07/2009
http://www.voanews.com/vietnamese/2009-07-10-voa33.cfm
Từ Indiana, nơi đang làm luận án tiến sĩ luật khoa tại trường đại học Indiana University, chị Nguyễn Hoàng Lan, bạn gái anh Nguyễn Tiến Trung, một trong số những nhà hoạt động dân chủ trẻ tuổi mới bị bắt giữ ở Việt Nam, nói rằng chị tin rằng những hoạt động của anh Trung là hoàn toàn trong sáng và anh Trung là một người có hoài bão lớn mong muốn mang lại sự đổi mới chính trị tốt đẹp hơn cho Việt Nam và đặc biệt là cho người nghèo và những người hiện không có tiếng nói trong xã hội. Xin mời quí vị cùng theo dõi thêm chi tiết trong tiết mục Câu chuyện Phụ nữ kỳ này với Minh Anh.
Hôm 7/7 vừa qua anh Nguyễn Tiến Trung, 26 tuổi, một nhà hoạt động dân chủ tích cực, người đã từng du học tại Pháp và có bằng Thạc sĩ, đã bị giới hữu trách Việt Nam bắt giữ với tội danh “âm mưu lật đổ chính quyền cộng sản”
Chị Hoàng Lan, bạn gái anh Trung đã kể về vụ việc anh Trung bị bắt giữ sau khi liên lạc được với gia đình anh ở Việt Nam:
“Lúc 830 sáng ngày mùng 7 tháng 7 công an đến nhà đọc lệnh bắt anh Trung, lúc đó Ba, Mẹ của Trung đang đi làm thì cũng về, Lan có hỏi tinh thần của Trung như thế nào thì Ba Trung nói là Trung bình tĩnh.”
Khi được hỏi liệu chị và anh Trung có lường trước được việc này hay không, chị Lan cho hay:
"Lan nghĩ là một khi anh Trung tốt nghiệp bên Pháp trở về thì Trung đã xác định là khả năng bị bắt và đi tù là khả năng hoàn toàn có có thể xảy ra, nên Lan nghĩ là Trung đã chuẩn bị tinh thần cho điều này rồi, chỉ có điều bất ngờ là khi anh Trung vừa bị loại ngũ thì ngày hôm sau họ đã đến bắt ngay. Khi mà anh Trung dấn thân vào con đường này thì anh Trung đã biết là đó không phải là điều dễ dàng và chuyện tù tội là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra.”
Cảnh sát Việt Nam tố cáo rằng anh Nguyễn Tiến Trung đã xúi giục sinh viên tổ chức những cuộc biểu tình năm 2007 để phản đối việc Trung quốc thành lập Huyện Tam Sa, bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà Việt Nam tuyên bố thuộc chủ quyền của mình.
Anh Trung cũng bị cáo buộc cùng một số du học sinh ở Pháp, Mỹ thành lập “Phong trào thanh niên dân chủ” vào năm 2006. Báo chí trong nước nói rằng anh Trung đóng vai trò người cầm đầu với mục đích tập hợp lực lượng trong giới trẻ, phối hợp với lực lượng chống đối trong và ngoài nước đấu tranh chống Nhà nước, đòi thay đổi chế độ chính trị ở Việt Nam.
Tuy nhiên chị Hoàng Lan tin rằng những hoạt động của anh Trung chỉ mang tính chất ôn hoà và Việt Nam nên khuyến khích những người thanh niên như anh Trung
“Lan biết anh Trung rất rõ trong những suy nghĩ, tình cảm và hoài bão cho đất nước, Lan hiểu anh Trung rất rõ và Lan tin một điều là anh Trung rất trong sáng và thực sự mang hoài bão lớn để mang lại những đổi mới chính trị cho Việt Nam và đặc biệt là cho những người nghèo và những người hiện nay sống ở Việt Nam mà không có điều kiện lên tiếng nói. Lan thấy những người trẻ tuổi có những mong muốn thay đổi tốt đẹp cho đất nước mà nhất là khi những sự thay đổi đó đến bằng con đường ôn hoà và mong muốn đối thoại mà chính quyền Việt Nam có hành động bắt bớ và có những bài viết mang tính vu cáo như vậy thì không nên. Tương lai của Việt Nam sau này dù gì cũng ở trong tay của thế hệ thanh niên và bây giờ có những người thanh niên trẻ đứng lên thành lập tổ chức để hoạt động chính trị và nghĩ đến vận mệnh của đất nước thì nhà nước cần phải nên khuyến khích mới đúng. Lan tin những vụ bắt bớ gần đây và đặc biệt là đối với Trung thì sẽ khiến nhiều người cảm thấy bất bình với cách hành xử đó".
Khi được hỏi về suy nghĩ của chị về lý do của những vụ bắt bớ dồn dập những người bất đồng chính kiến ở Việt Nam trong thời gian gần đây, chị Lan cho rằng ngoài sự lo ngại sẽ mất đi vị thế độc tôn của đảng cộng sản thì chính phủ Việt Nam cũng đang muốn hướng sự chú ý của dư luận ra ngoài những vấn đề nổi cộm hiện nay như là vấn đề tham nhũng, vấn đề khai thác bauxite Tây Nguyên hay vấn đề chủ quyền của quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Anh Trung cũng như nhiều nhà hoạt động dân chủ khác ở Việt Nam bị bắt theo điều 88 Bộ luật hình sự, với những hiểu biết của một người nghiên cứu về luật pháp chị Lan cho hay chị tin là những vụ bắt giữ các nhà bất đồng chính kiến gần đây và những vụ trước đó không phải là những vụ án theo luật hình sự thông thường mà là những vụ án chính trị:
"Vì hiến pháp Việt Nam công nhận quyền tự do ngôn luận, quyền tự do lập hội và quyền tự do biểu tình cũng như là quyền tự do bầu cử của người dân và có thêm cái đuôi là theo qui định của pháp luật, nhưng mà kể cả theo qui định của pháp luật đi chăng nữa thì những pháp luật dưới hiến pháp phải bảo vệ những quyền đó chứ không phải để hạn chế những quyền đó, cho nên bản thân điều 88 là vi phạm hiến pháp của Việt Nam. Ngay cả khi phân tích về luật pháp thì khi đưa những vụ án đó ra toà xét xử thì tất cả các thẩm phán đều là đảng viên đảng Cộng sản cả, không đời nào họ có thể làm trái kỷ luật của đảng hoặc chỉ thị từ trên bộ chính trị đưa xuống. Cho nên mình biết là tình hình chính trị của Việt Nam hiện nay tư pháp không được độc lập và phụ thuộc vào hành pháp và vào một đảng duy nhất thì không thể có được một phiên xử minh bạch và mang lại công lý cho người bị xét xử."
Ngoài việc cần phải có một hệ thống tư pháp độc lập, chị Lan cũng cho rằng Việt Nam cần phải có một cơ chế chính trị mang tính cạnh tranh hơn và chị tin là nhiều thanh niên Việt Nam cũng đồng tình với những mong muốn này của chị:
“Các bạn thanh niên đều ủng hộ sự thay đổi chính sách hay chính trị một cách ôn hoà tức là qua bầu cử, cần có các đảng chính trị đối lập hoạt động và đưa ra phương hướng mà họ tin là tốt hơn cho đất nước và sau đó người dân là người bỏ phiếu để quyết định chuyện đó. Thay đổi thể chế, thay đổi chính trị không phải như những gì mà đảng cộng sản nghĩ theo tư duy của họ là cứ phải đấu tranh vũ trang hay một mất một còn, Lan hoàn toàn không nghĩ đến chuyện đó, Lan nghĩ bất kỳ vấn đề nào cũng có thể giải quyết thông qua đối thoại. Lan nghĩ cái Việt Nam cần hiện nay là có một cơ chế chính trị cạnh tranh, cởi mở để mà người dân thực sự có tiếng nói trong việc nước, mà những việc đó thì tuy là chuyện chính trị đối với nhiều người thì nó cao xa, nhưng nó thực sự ảnh hưởng đến đời sống của mỗi người."
Đó cũng là những điều mà chị Lan đã cố gắng giải thích mỗi khi công an mời lên làm việc. Chị nói rằng chi đã cố gắng nói lên những nguyện vọng chính đáng đó với tư cách là một công dân trẻ của đất nước.
Cuối cùng chị Lan mong muốn những người vợ hay bạn gái và gia đình của những nhà hoạt động dân chủ hiểu được con đường mà họ đã chọn bởi vì trong khi lẽ ra họ đã có thể hưởng một cuộc sống bình thường và an nhàn với vợ con và gia đình thì họ lại chấp nhận chịu nhiều hy sinh khi dấn thân vào con đường chính trị mạo hiểm này, nhất là khi những việc họ làm hoàn toàn không phải vì cá nhân họ. Theo chị những người như anh Trung và luật sư Lê Công Định đã có cơ hội để ở lại nước ngoài nhưng họ không làm vậy vì họ thực sự mong muốn đóng góp cho đất nước và đặc biệt cho những người không có tiếng nói trong xã hội. Chị Lan tin rằng sự ủng hộ của gia đình và người thân là đặc biệt quan trọng đối với họ.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment